VÀ CÂU CHUYỆN CỦA CON TÔI
Cao Huy Thuần
– Thưa cha, năm nay con 19 tuổi. Làm quà Phật Đản cho cha, không gì bằng một chút suy tư. Sống trong xã hội Âu châu, từ nhỏ con đã theo cha lên chùa mỗi dịp lễ Phật Đản, quen nhìn lễ đài với hình tượng Đức Phật sơ sinh đứng trên hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, tuyên bố: “Ta là bậc cao nhất trên đời, nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh nữa”. Con nhờ đọc sách mà hiểu câu nói tuyên dương con người, phủ nhận thần linh, thượng đế, nhưng đầu óc càng trưởng thành về khoa học con càng vơi dần năng khiếu tưởng tượng của tuổi thơ ngây. Năm nay, tròn 19 tuổi, con gái của cha muốn hỏi cha: giả sử con đòi cha kể lại cho con nghe cuộc đời của Đức Phật, cha còn kể lại chuyện đức Phật vừa sinh ra đã đi bảy bước trên hoa sen?
– Cha sẽ kể lại y hệt như cha đã kể cho con lần đầu: “Đêm ấy trăng sáng, hoàng hậu đang ngủ bỗng mơ thấy một con voi trắng sáu ngà chui vào hông bà. Bà tỉnh dậy, kể cho chồng nghe giấc mơ, cả hai người đều vui mừng cho là điềm lành. Từ đó hoàng hậu mang thai. Đến ngày sinh nở, theo tục lệ, bà đi về nhà cha mẹ để sinh. Đến vườn Lâm Tỳ Ni, thấy hoa sa-la nở ra đẹp quá, bà với tay toan hái thì sinh thái tử. Vừa sinh ra, Ngài đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nở ra nâng gót chân. Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài nói: « Ta là bậc cao nhất trên đời, nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh nữa » . Rồi Ngài nằm xuống như mọi trẻ sơ sinh. Rồng phun nước tắm Ngài. Trời Phạm thiên rải hoa chúc tụng ».
– Con cho đó là chuyện lạ? Sau khi Đức Phật mất, nếu người đời sau không kể chuyện về Ngài như vậy thì đó mới là chuyện lạ! Một bậc siêu phàm như thế làm sao không đi vào thần thoại? Không có thần thoại, lấy gì nghệ nhân tạc tượng? Lấy gì đáp ứng khao khát tâm linh của người đời? Con muốn nghĩ đến Đức Phật như một con người, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng con cũng có thể hiểu thêm rằng đối với những vị đã từng thấy Phật, đã từng sống quanh Phật trong bốn mươi lăm năm, hình ảnh Ngài trước mắt, đi đứng nằm ngồi, hình ảnh Ngài để lại sau khi mất, huyền nhiệm, linh thiêng, không phải chỉ là hình ảnh một con người, dù là con người tuyệt đẹp, tuyệt cao, toàn vẹn. Không ai nghĩ rằng một bậc siêu nhân như thế có thể mất hẳn.
– Con cũng nghĩ như vậy. Nhưng đó chỉ là một cảm giác, dù là một cảm giác cực kỳ linh động. Cảm giác đó đến với con lần đầu khi con 16 tuổi. Một sáng sớm, vui chân lên chùa trong vắng lặng của đồi núi tinh sương, con chắp tay cúi đầu kính lễ trước Phật đài như mọi lần, khi ngẩng đầu lên, bỗng một tia nắng nhẹ lọt qua khe cửa, vờn trên mặt tượng Phật, nơi nụ cười. Một cảm giác lạ lạ đến với con lần đầu: một tia nắng, nhưng không phải chỉ là tia nắng. Nơi người khác, có thể tia nắng đó dẫn đi rất xa, biết đâu vào thế giới huyền bí, nhưng với con, ở tuổi thích luận lý, con không muốn để cho bất cứ ai khác dẫn đi, dù là một cảm giác cực kỳ linh động, hiếm có, lúc đó.
– Thì con cứ lý luận! Vừa sinh ra, Ngài đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nở ra nâng gót chân. Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài nói: « Ta là bậc cao nhất trên đời, nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh nữa ». Tái sinh, luân hồi là một quan niệm căn bản trong đạo Phật đã đi sâu vào dân gian. Nhưng đó không phải là giáo điều, tín điều. Ai muốn nghe thì nghe. Ai không muốn nghe thì bỏ ngoài tai. Nhưng nói rằng chết là hết thì không khoa học, vì khoa học chưa chứng minh – và có lẽ không bao giờ chứng minh – được rằng chết là hết. Quả quyết chết là hết lại càng nguy hại về mặt đạo đức, bởi vì, như Phật nói, « kẻ nào bác bỏ đời sau thì kẻ ấy không có điều ác nào mà không làm được ». Đừng tin luân hồi như một giáo điều, cứ sống, cứ suy nghĩ, cứ tự chứng nghiệm, nơi mình và chung quanh, xem thử phải chăng quan niệm đó có ích lợi thực sự cho mình, làm cho chính đời sống của mình bây giờ, ngay bây giờ, có ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn không, rồi nghe hay không nghe. Khi bắt đầu muốn nghe, hãy lý luận trên lời Phật nói. Phật nói: đời sống không hạn chế ở một cõi này và ở một kiếp này. Muốn biết kiếp sau của mình như thế nào thì cứ xem hành động của mình ở kiếp này. Cũng vậy, kiếp này của mình là thành tựu của kiếp trước, của kiếp trước nữa, trước nữa, không dứt. Như vậy, Phật thành Phật không phải do hành động của mình trong một kiếp mà từ vô số kiếp. Không ai có thể trong một kiếp mà thành toàn vẹn. Phật cũng là người như ta và đã chịu luân hồi như ta, nhưng Phật là người đã toàn vẹn cho nên đã ra khỏi luân hồi và không tái sinh nữa. Như vậy, khi Phật sinh ra, nơi bé sơ sinh đã có Phật. Làm thế nào để diễn tả hai sự có mặt đồng thời xảy ra nơi cùng một đứa bé-sự có mặt của người bình thường và sự có mặt của Người Không Tái Sinh? Chỉ có cách diễn tả bằng hình ảnh, ẩn dụ, tượng trưng. Bước chân trên hoa sen là bước chân của tính Phật, là biểu hiệu về sự hiện diện của tính Phật nơi con người, nơi con người vừa ra đời. Nơi bé sơ sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni, vừa có hiện tại, vừa có tương lai, vừa có quá khứ. Hiện tại là bé sơ sinh, tương lai là bé đó sẽ thành Phật, quá khứ là tính Phật đã có sẵn, nghĩa là ‘thành Phật’ chỉ là trở về lại nguyên quán. Phật sinh ra làm người trong tám mươi năm để chứng tỏ rằng đó là con người đã trở về nguyên quán. Ai cũng có thể trở về nguyên quán như vậy. Và khi đã trọn vẹn trở về nguyên quán, nguyên thủy, thì đúng là không có đến cũng không có đi. Phật là người không đi không đến.
– Không đi không đến tức là ra khỏi thời gian, ra khỏi không gian, siêu thời gian, siêu không gian. Siêu thời gian, vì ý niệm thời gian không còn nữa khi hiện tại, tương lai, quá khứ trộn lẫn với nhau làm một. Siêu không gian, vì không tái sinh tức là không có đời sống hạn chế ở bất cứ một nơi nào. Đứng về mặt luận lý, ra khỏi thời gian, ra khỏi không gian tức là lúc nào cũng có, ở đâu cũng có, cùng khắp. Và như vậy, luận lý bắt gặp tín ngưỡng của dân gian khi dân gian tin rằng Phật đang ở đâu đó, rất xa mà cũng rất gần. Gần đến nỗi hễ cô Tấm khóc là Bụt hiện. Tuy vậy chuyện cô Tấm vẫn là chuyện đời xưa; trong chuyện đời xưa, tưởng tượng tha hồ rong chơi, Bụt hóa phép hiện ra thành người một cách cụ thể chẳng làm ai thắc mắc, chỉ thấy hiển nhiên. Luận lý, trái lại, có thể đi rất sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm của mọi khái niệm, nhưng khái niệm vẫn là trừu tượng, không có đời sồng. Luận lý có thể hiểu « Phật ở cùng khắp », nhưng cụ thể mà nói, « cùng khắp » là thế nào, là ở đâu?
– Ngay trước mặt con! Đấy, trước mắt con, nụ hoa vừa nở, phô hương sắc với con bướm: Phật đấy chứ ai đâu! Bên cạnh đó thôi, cũng hoa, nhưng đã vữa cánh rồi: thì cũng đức Phật! Con lắng tai… có phải Phật đang nói với con không: sinh lão bệnh tử, vô ngã, vô thường … Ấy, một cánh hoa vừa rơi, con lại nghe, đúng lời Phật nói, hơn hai mươi lăm thế kỷ:
Hoa lài rơi rụng
Những cánh hoa tàn
Cũng là như vậy
Các vị Tỳ kheo
Hãy tự rơi rụng
Tham lam giận dữ.
Nghe được lời Phật trên cánh hoa thì có khác gì thấy Phật? Khác gì thấy Phật đang ở quanh ta? Khác gì nói Phật thị hiện? Nơi hoa, con thấy đôi mắt và nụ cười. Nụ cười an vui, thản nhiên. Đôi mắt không mở ra, cũng không khép kín, bởi vì đó là cái nhìn soi vào bên trong, thắp sáng u tối trong tận cùng sâu thẳm. Niết Bàn mà con nghe nói, đâu ở chốn nào xa xăm: ở ngay trước mặt con, nơi đóa hoa, nơi đôi mắt và nụ cười của Phật trên đó.
– Đó là lý luận hay tưởng tượng?
– Cả hai. Tưởng tượng mà không có lý luận thì hoang đường, lạc trong tín điều, ngửi hoa giấy cứ nói thơm. Lý luận mà thiếu tưởng tượng thì thấy hoa đẹp nhưng không sống trong cái đẹp của hoa, hoa thành vô tri. Tưởng tượng giúp con người thấy được cái « hồn » ở bên trong sự vật, thấy gót chân không phải chỉ là gót chân mà là gót sen. Phật luôn luôn dặn chúng ta phải suy luận rồi mới tin, đừng tin bất cứ điều gì, kể cả kinh điển, khi chưa được suy luận kiểm chứng. Nhưng có ai chẳng biết rằng nơi cánh cửa cuối cùng của hiểu biết, luận lý mà thôi không đủ sức bật cửa. Phải chăng vì vậy mà Phật ngần ngại, khi rời cội bồ đề, không biết có nên truyền đạt chăng chân lý mà Ngài vừa chứng: « Đạo do Ta chứng được sâu kín, khó thấy, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có bậc trí mới hiểu thấu… » Và phải chăng cũng vì vậy mà có lần Phật ngắt một nắm lá trong tay, hỏi đệ tử: « Lá trong tay Ta nhiều hơn hay lá trên cây này nhiều hơn? » Và khi đệ tử trả lời: « Thưa Ngài, lá trên cây nhiều hơn », Phật nói: «Những điều mà Ta đã chứng đắc và không nói ra cũng vậy. Tại sao Ta không nói? Bởi vì những điều đó không đưa đến giải thoát khỏi đau khổ »…
Như vậy, có một sự hiểu biết mà lý luận có thể với tới và một sự hiểu biết vượt trên lý luận. Lúc đó, lý luận phải mượn đôi cánh của tưởng tượng để bay vào giao cảm siêu ngôn ngữ.
– Nhưng không nói gì cả thì tưởng tượng dựa vào đâu để bay lên?
– Dựa vào cái không nói trong cái nói. Thiền tông biết như vậy nên vận dụng nhiều khả năng trong đó có thơ, bởi vì sở trường của thơ là nói cái không nói. Thơ nào cũng vậy, chẳng riêng gì thơ thiền. Thử lấy bài thơ ngày xưa của Thanh Tịnh chẳng hạn, sáu câu đầu của bài « Mòn mỏi» nổi tiếng:
Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi nẻo xa mơ
Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn…
Cây liễu buồn là cái nói ra. Nói ra như thế là cốt để nói cái không nói, cái không thể nói được: chẳng thấy tình quân đâu cả. Do đó, “thấy ” cây liễu không phải là cái thấy thực; cái thấy thực là không thấy, không thấy bóng người. Nói nôm na, cái thấy của lý luận là thấy cây liễu, dừng lại ở bên này của cây liễu. Tưởng tượng xông vào ngay, cùng một lúc với lý luận, giúp lý luận vượt qua cái thấy giả đó để thấy được cái thấy đích thực ở bên kia cây liễu, nghĩa là thấy cái không thấy : bóng tình quân.
Nói trệch một chút qua chuyện cây liễu như vậy để đọc một câu thơ thiền:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Mịch đắc mai hoa biệt nhất thôn.
Cứ lý luận, lý luận cho đến chỗ tận cùng, chỗ bí, chỗ nghẽn, chỗ sơn cùng thủy tận, chỗ không có lối đi nữa, rồi lúc đó giao cảm sẽ bừng lên như một thôn xóm hoa mai thốt nhiên hiện ra ở cuối đường. Phật không ở đâu khác hơn là trong thôn xóm hoa mai cuối đường luận lý.
– Đó là ý nghĩa của Bát nhã tâm kinh? Thôn xóm hoa mai là yết đế? Tâm kinh là cùng tột của trí tuệ, yết đế là siêu lý luận, thoắt một cái ném ta qua bờ bên kia? Con nghĩ đến Tâm kinh và thuộc lòng Tâm kinh vì Âu Mỹ cũng đưa Tâm kinh lên hàng đầu, đọc Tâm kinh trong mỗi buổi lễ thiền, vươn tới chữ không với trí tuệ, nhưng siêu việt trí tuệ với gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha! Khoa học và tâm linh không tương phản nhau?
– Không tương phản nhau trong đạo Phật. Đạo Phật lý luận chính xác, chặt chẽ, nhưng không phải chỉ là triết lý suông, bác bỏ Thượng đế mà đồng thời cũng bác bỏ quan niệm cho rằng thế giới chỉ là vật chất. Đặt trọng tâm trên con người, đạo Phật nhắm đến giải thoát. Ai muốn tìm sự giải thoát đó ở mức độ thực dụng, trong đời sống hàng ngày, giữa xã hội càng văn minh vật chất lại càng lắm bệnh hoạn tâm lý này, đạo Phật là phương thuốc, Đức Phật là thầy thuốc. Ai muốn tìm sự giải thoát đó về mặt tâm linh, đạo Phật là suối mát. Trong xã hội tân tiến này, đạo Phật là chiếc cầu bắc qua giữa triết lý và tôn giáo, giữa tính thực nghiệm và tính thiêng liêng. Có cả hai trong bàn tay của Phật, và có lẽ cả hai lộ ra trong câu nói gần cuối của Phật trước khi nhập diệt: « Này, A Nan, Ta không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm bàn tay, giữ lại chút ít mật giáo chưa giảng dạy. Ta đã giảng Chánh pháp không phân biệt trong ngoài, mật giáo hay không mật giáo ». Lý luận dừng lại ở chỗ thiêng liêng « không thể nghĩ bàn ». Muốn với tới chốn ấy, chính lý luận phải biết « em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ » để trực cảm hiện ra, tự tu tự chứng. Cả hai không tương phản nhau, hơn nữa, cần đến nhau, bổ túc cho nhau.
– Trở về lại với ngày Đản Sinh, đâu là ngoài, đâu là trong, đâu là gặp gỡ giao cảm giữa trong và ngoài, luận lý và tưởng tượng, trần thế và thiêng liêng?
– Con thử tưởng tượng Đức Phật ngồi nhập định dưới cội bồ đề sau khi ăn bát cháo sữa từ tay cô gái chăn cừu dâng cúng. Cho đến lúc đó, Ngài là người đi tìm. Ngài không thấy điều Ngài tìm qua cùng tột của tri thức. Ngài cũng không thấy điều Ngài tìm qua cùng tột của khổ hạnh. Ngay cả trong cùng tột của thiền định, Ngài vẫn là người đi tìm. Suốt 49 ngày đi tìm trong cùng tột như thế, hốt nhiên, Ngài thấy. Tia sáng gì đến lúc đó với Ngài, chỉ một mình Ngài biết. Chúng ta, ta chỉ có thể nói rằng lúc đó Ngài đã hết là người đi tìm, bởi vì lúc đó người đi tìm và đối tượng tìm không còn là hai nữa mà đã nhập với nhau làm một. Người đã gặp là người nhập một với chân lý. Trong suốt 45 năm sau đó, Ngài là Chân Lý đi đứng nằm ngồi.
Có Đức Phật hay không có Đức Phật ra đời, chân lý vẫn có đấy, sinh lão bệnh tử, vô ngã, vô thường… vẫn nằm sờ sờ nơi mỗi sự vật, khả năng giác ngộ vẫn tiềm tàng nơi mỗi con người. Nhưng phải có Đức Phật ra đời để tuyên dương chân lý bằng chính kinh nghiệm làm người của mình. Đản Sinh là ngày trùng phùng giữa người đi tìm chân lý và chân lý đi tìm người để thị hiện. Có gì đẹp hơn để diễn tả ý tưởng đó bằng hình ảnh bé sơ sinh đứng thẳng trên hoa sen chỉ tay tuyên dương?
Discussion about this post