ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP BẰNG NGÔN NGỮ GÌ?
***
Phước Nguyên
_________________________________________
Đây không phải một chuyên khảo luận về đề tài ngôn ngữ thời đức Phật, chỉ là ghi lại vài suy nghĩ bất chợt, nên không thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật pháp đa diện của các bậc thức giả muốn nghiên cứu sâu rộng. Nếu muốn đòi hỏi chứng minh đa diện, dẫn chứng cụ thể, luận bàn chi tiết, thì bài viết này không thể thỏa mãn nhu cầu đó.
1. Thổ ngữ Magādhi
Thời bấy giờ, khi Thế Tôn trụ thế, trong bảy chúng đệ tử của ngài có nhiều sắc dân khác nhau, nên lúc chưa nhập vào Bát Niết-bàn[1], ngài đã công bố, diễn thuyết Pháp tạng bằng nhiều loại thổ ngữ khác nhau của Ấn-độ[2].
Ngôn ngữ được Ngài sử dụng nhiều nhất là Magādhi, vì đây là ngôn ngữ của sắc dân chính Magadha và đa số là đệ tử của Ngài.
Cho nên, trong các hội nghị kết tập kinh điển một, hai và ba, phần nhiều đều sử dụng ngôn ngữ Magādhi để kết tập.
Bước đầu truyền bá và khẩu truyền kinh điển, Tăng già thời đức Phật phần nhiều sử dụng ngôn ngữ Magādhi này.
Như thế, kinh điển Nguyên thủy khởi đầu bằng tiếng Magādhi vào thời đại vua Aśoka (A-dục) và hoàn chỉnh bằng truyền tụng mà không phải bằng văn bản.
2. Ngôn ngữ Pāli
Hệ thống kinh tạng này truyền đến xứ Avanti (A-bàn-đề quốc), trên bờ phía bắc sông Narmada, thì tại đây hai loại ngôn ngữ Magādhi và Avanti đã phối hợp với nhau tạo thành ngôn ngữ Pāli phôi thai.
Và kinh điển nguyên thủy bằng Magādhi đã được dịch ra ngôn ngữ Pāli phôi thai này tại xứ Ujjayini (Ô-xa-diễn-ni), thủ phủ của Avanti.
Từ nơi xứ avanti, Ngài Mahinda – hoàng tử của vua Aśoka là học trò của Ngài Kātyāyana (Ca-chiên-diên) mang tạng kinh khẩu dịch bằng Pāli phôi thai này đi thuyền dọc theo vịnh Oman đến truyền bá tại Sri Lanka (Tích Lan).
3. Ngôn ngữ Sanskrit
Cũng từ thủ phủ Ujjayini của xứ Avanti, kinh tạng khẩu truyền bằng tiếng Magādhi lại được truyền lên phương Bắc, tiếp giáp với Ngũ Hà nơi thổ ngữ Prakrit, đây là loại thổ ngữ cổ của tiếng Sanskrit.
Tại vùng Ngũ Hà này, một số kinh điển được dịch ra bằng tiếng Prakrit. Ngày nay, các nhà khảo cổ học, sử học đã phát hiện ra nhiều đoạn phiến được ghi lại bằng ngôn ngữ này trên lá bối.
Kinh tạng nguyên thủy bằng ngôn ngữ Magādhi lại truyền tụng đến vùng Kashmir, là nơi quê hương của cổ ngữ Veda (Phệ-đà).
Ngày nay, ở Kashmir, người ta phát hiện nhiều văn bản gồm có cả tiếng Phạn trộn lẫn với Magādhi cho phép ta có cơ sở phỏng đoán điều này.
Dầu truyền thuyết cho rằng các người con của Vua Aśoka, sống 100 năm trước Tây lịch, đã đem những kinh điển bắt nguồn từ hệ Magādhi này, truyền bá đến những vùng thuộc Trung đông và Trung Á v.v…điều chắc chắn nhất mà ta có thể nói là hiện nay ta có trên thủ bản kinh tạng chép bằng tiếng Sanskrit, lần lượt được các nhà Phật học người Anh, Nhật , Đức và Pháp tìm thấy ở Népal, Trung Á , Kotan và Kucha (quê hương ngài Kumārajīva).
Các luận sư thuộc Hữu bộ đã lập căn cứ hoằng pháp tại đây vào thời vua Aśoka, khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch.
Tại Kashmir, tiếng Sanskrit cổ ngữ, có lai tạp một số thổ ngữ khác, đã được gạn lọc và tiêu chuẩn thành Sanskrit thuần chủng.
4. Hình thành hai tạng kinh Agāma và Pāli
Các Tăng sĩ đã sử dụng loại Sanskrit thuần chủng này để phiên dịch và san định lại kinh điển, gọi là Agāma[3] (kinh Tạng A-hàm).
Tuy nhiên, hiện nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều bản kinh tạng nguyên thủy bằng tiếng Sanskrit tạp chủng.
Còn tạng kinh nguyên thủy Pāli, tuy đã được truyền từ xứ Avanti đến Sri Lanka bởi Ngài Mahinda thời vua Aśoka, nhưng phải đợi đến thời Ngài Buddhaghoṣa (Phật Âm) ra đời vào khoảng thế kỷ thứ V, Tây lịch mới san định và tổng tập lài thành văn bản Pāli hoàn chỉnh và mệnh danh là Nikāya[4].
Tóm lại, những vấn đề Ngôn ngữ thời đức Phật, phản ánh không chỉ một nền văn hoá mà cả một tiến trình lịch sử, một bức tranh sinh động về cuộc sống thời Thế Tôn.
Hạ an cư, Pl.2560
Phước Nguyên
[1] Hay Bát-niết-bàn giới般涅槃界, Skt. Parinirvāṇa- dhātu, (Tib. ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ yongs su mya ngan las ‘das pa), tiếp đầu ngữ: pari (bát 般): hoàn toàn, trọn vẹn.
[2] Hiện tại, Ấn độ có khoảng 14 hệ ngôn ngữ, với khoảng hơn 45 thứ tiếng khác nhau. Cf. Andrew Simpson (2007). “Language and national identity in Asia”, James W. Tollefson (2002). “Language policies in education: critical issues”.
[3] āgama do động từ căn ā√gam: nghĩa đen là sự đã đi đến, nên āgama: hàm nghĩa là sự truyền thừa, sự truyền lại.
[4] Nikāya do động từ Ni-kāya: thân, bộ phận, phần, hiệp tập thành bộ loại.
Discussion about this post