Trước
hết xin nói rõ, ở đây chúng tôi không mong làm cái việc
khờ khạo, nguy hiểm và đáng chê trách như là những kẻ
cầm còi chạy trước đầu xe. Bỡi việc làm đó chẳng những
vô bổ đã đành, mà còn có hại cho tự thân và những người
can hệ, tức các bạn đồng tu và những người đang nghiên
cứu về Thiền học, đặc biệt những người bắt đầu có
hứng thú với pháp tham công án Thiền.
Có
nghĩa là, tuy đề tài có liên quan đến Thiền, đến Đạo,
nhưng nội dung của bài viết hoàn toàn không mong lý-giải
ý Đạo, ý Thiền hòng thỗ mãn tham vọng hiểu biết không
thấy chán của người đời, hay mong muốn lấp đầy tri thức
sanh diệt cho sự tò mò của người học đạo. Những việc
làm ngốc nghếch đó, trước hết chẳng đem lại ích lợi
gì cho sự đạt ngộ của người thật sự cầu đạo giải
thoát, cũng như chẳng dính dấp gì tới bản chất và mục
đích tối thượng của công án.
Bỡi
một sự thật quá rõ ràng là, công án là tinh ba cốt tuỷ
của Thiền được vận dụng thành lời, thành hành động
vượt thoát nhị nguyên nhơn quả, nên tự thân nó và công
năng kỳ đặc của nó cũng không nằm ngoài bản chất thanh
tịnh tuyệt đối, vô ngôn, “biết
rõ ràng nói không thể tới”
của Thiền học. Điều ấy có nghĩa, tuy nó cũng là ngôn ngữ,
là hành động nhưng chúng ta không thể hiểu nó bằng tư duy,
phân biệt hay suy lường, mà chỉ có thể thâm nhập nó, “biết”
nó bằng trực giác. Thế nên những công án Thiền không
phải là đối tượng để cho chúng ta có thể tiếp cận hay
hiểu nó bằng cảm quan, tình thức, bằng học vấn, suy tư hoặc có thể mổ xẻ, lý giải bằng ngôn ngữ, văn tự theo
cách hiểu thông thường. Nghĩa là những Thiền ngữ này,
tức phương tiện khai thị của các Thiền-sư hoàn toàn chẳng
giống như những bài toán, những luận đề hay là những lý
thuyết khoa học mà con người có thể biện biệt, phân tích,
luận bàn đúng sai phải trái, để rồi dẫn đến một kết
luận tương đối hay cho ra một đáp án khả dĩ số đông
chấp nhận được. Bản chất và công năng của Công án Thiền
hoàn toàn không phải như thế.
Có
nghĩa là, với tánh sáng tịnh-thanh “vô nhứt vật”, dù chỉ
mảy may khái niệm cũng không có chỗ đứng, không chỗ dính
dấp tới cảnh giới Thiền, nhưng cũng ngay đây, đức Phật
và tiếp nối sau đó là chư Tổ Thiền-tông đã vận dụng
trí huệ giải thoát và sức biện tài không thể nghĩ bàn
lên ngôn ngữ và hành động vượt thoát khái niệm nhị nguyên
một cách tài tình để ứng dụng thành phương tiện độc
đáo mà độ người. Đó là thứ ngôn ngữ, hành động
xuất sanh từ cảnh giới tự chứng, vượt tri kiến, lìa đối
đãi nhơn quả, có công năng vừa chặn lấp, đánh đổ, triệt
tiêu toàn bộ mọi ngóch ngách có thể nghĩ ngợi, suy lường
bằng thế trí của người đối diện, vừa kích thích sự
phát huy mạnh mẽ tiềm năng trực giác, vừa cùng lúc biết
khai mở lối thoát đúng thời điểm cho trực giác phóng xuất;
ngay đó tánh thấy biết bổn lai bùng vỡ, cũng là hốt nhiên
ngộ nhập bản thể .
Một
hôm ngoại đạo mang hoa đến dâng Phật, thỉnh Phật khai thị.
Phật
bảo : – Buông hoa xuống.
Ngoại
đạo buông hoa.
Phật
lại bảo : – Buông tay xuống.
Ngoại
đạo buông tay.
Phật
dạy tiếp : Buông thân xuống.
Ngoại
đạo đang lừng khừng, lưỡng lự.
Phật
quở : Không buông được thì gánh
lên đi.
Vừa
chợt nghe, ngoại đạo hốt nhiên đại ngộ.
Thiền
ngữ của các bậc giải thoát như mây bay, như gió thổi, như
sấm sét, như mưa rào, chợt đến, chợt đi, thoắt biến,
thoắt hiện, không từ một gốc gác, một trụ xứ nào, khiến
không một mảy may tình tưởng, tri thức có thể nắm bắt,
nương vin. Tuỳ căn cơ, trí tuệ, và đặc biệt là phước
duyên sâu dày của từng người cầu đạo đối với pháp
môn này mà ngay trong chỗ biến hóa khôn lường của từng
lời vượt thoát kia vừa chợt lìa miệng Tổ, thiền ngữ
tự có công năng kỳ đặc, nhiệm mầu, kích thích sự khai
mở tuệ nhãn một cách tích cực, hiệu quả tức thì.
Trong
thời Chánh-pháp, sau khi đức Phật nhập diệt, một hôm, ngài
A-Nan hỏi Tổ Ca-Diếp:
–
Bạch Sư huynh ! Khi Thế-tôn phó chúc và truyền y kim tuyến
cho Sư huynh, còn có pháp gì truyền riêng nữa chăng ?
Tổ
Ca-Diếp liền gọi :
–
A-Nan !
Ngài
A-Nan ứng thinh :
–
Dạ !
Tổ
Ca-Diếp bảo :
–
Trời chiều rồi, đem cây chống cữa vào.
Vừa
chợt nghe, ngài A-Nan liền tỏ ngộ.
Lời
khai thị của các Ngài đôi khi như chẳng dính dấp gì tới
cái đích hỏi của người cầu đạo. Thế nhưng nếu là người
lanh cơ, trực giác mạnh mẽ, có thể liền ngay đó bắt nhịp
cùng hòa “một” với các Ngài, thì con đường sống tức khắc
mở toang trước mắt.
Một
ông Tăng hỏi ngài Triệu-Châu :
–
Con mới vào chùa, xin Ngài chỉ dạy:
Sư
hỏi :
–
Ăn cháo chưa ?
Ông
ta đáp :
–
Ăn cháo rồi.
Sư
nói :
–
Rửa bát đi.
Vừa
chợt nghe, ông Tăng liền tỏ ngộ.
Chánh
pháp Nhãn tạng của đức Phật, còn được gọi là Thiền
tông. Tổ sư Bồ đề Đạt ma, vị Tổ thứ 23 của Thiền-tông
Thiên trúc, đã đem Chánh-pháp này truyền sang đất nước
Trung-hoa. Ngài được tôn xưng là Sơ-tổ của Thiền tông Trung-hoa.
Tông này sau đó được Tổ Tổ trao truyền, tiếp nối xiểng
dương, chẳng những phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn
lan toả đến các quốc gia lân cận như Nhật bản, Triều
tiên, Việt-nam suốt một thời gian dài, ảnh hưởng đến
tận ngày nay.
Ở
Việt-nam, vào đời nhà Trần, nhất là dưới thời của Điều-Ngự
Giác-Hoàng Trần-Nhân Tông trụ thế và giáo hóa, chánh pháp
này được nhiều người tu học, nhiều người đắc pháp
và có thể nói, đó là đỉnh cao, là thời kỳ cực thịnh
của Thiền-tông Việt-nam nói riêng và Thiền học Phật giáo
nói chung.
Công
án Thiền mà chúng ta đang đề cập, chính là Thiền ngữ của
các bậc đắc pháp ngày xưa (Trung-hoa và Việt-nam) được
những bậc thầy của Tông môn này sưu tầm, kết tập lại
để dạy người đời sau tham thiền, tu học .
Trong
bài viết này, chúng tôi không đá động gì đến nội dung,
cũng là tinh ba sống động của công án Thiền. Điều ấy
có nghĩa là, chúng tôi đủ sáng suốt để biết rằng, không
dại gì mà tự nhiên gây nghiệp oan gia cho chính mình, chẳng
khác cầm còi chạy trước đầu xe như đã cảnh giác
ở trên. Bỡi một điều quá dễ hiểu, là tự thân công án
chẳng khác viên Ma-ni bảo châu sáng trong, óng ánh, tuỳ ở
từng vị trí khác nhau của ánh mắt hướng về nó mà tự
nó phản quang, chiếu diệu muôn màu muôn vẻ khác nhau. Không
có tia sáng và mầu sắc của một góc cạnh nào giống tia
sáng và mầu sắc của một góc cạnh nào, mà tự nó luôn
luôn đổi khác, luôn luôn mới lạ, luôn luôn sai biệt nhau,
tuỳ thời và điểm nhỏ nhất của từng ánh mắt hướng
về nó. Cho nên chúng ta hãy cứ lẳng lặng, yên ổn, thong
thả và kiên nhẫn mà ngắm nghía, chiêm ngưỡng nó trong từng
mỗi góc độ nhỏ nhất; nếu biết đem hết thân tâm
hòa quyện vào nó, miệt mài không rời lìa, không dừng nghỉ,
cho đến một lúc nào đó tròn duyên, hạnh lành kia chuyển
thành công đức, vâng, công đức, nhưng phải nói là công
đức hy hữu mới xứng, tức bất giác tự làm “một” cùng
nó. Tới chừng đó, nó chẳng còn là nó đối với ta nữa,
ta cũng chẳng còn là ta đối với nó nữa, mà nó là ta, ta
là nó, không phải hai, không phải khác mà là nhứt hợp tướng;
nói nhất hợp tướng cũng chỉ là cách mượn ngôn ngữ để
tạm gọi cái chỗ “một” tuyệt đối nói không thể tới,
an ổn, tịch lặng, sáng trong, bất động, tuỳ duyên thị
hiện khắp cõi ba thời, mà chợt nhìn lại, không chốn đi
về.
Một
khi tánh thấy biết bừng sáng, tức con mắt đạo học khai
mở, thì tự mỗi người liền nhận ra cái thấy biết vừa
khám phá đan xen với cái thấy biết thường tình trước đây,thông
lưu vô ngại nhau. Cũng ngay đó, liền tự biết như thật,
vạn pháp trước mắt và cả cái thân tâm đang động tay,
múa chân, nghĩ suy, nói nín này, cũng như cái thấy biết thường
tình trước đây đều là chỗ dụng, là cái bóng của tánh
biết tuyệt đối . Tất thảy những sắc tướng mà một sát
na trước, với con mắt và cái biết thường tình, ta cho là
thật có, thì một sát na sau, bằng tánh biết tuyệt đối,
tự biết như thật, tất cả đều như huyễn, như hoá, không
phải thật có; thật tướng của chúng là không; tánh
biết sáng suốt tuyệt đối mới là bản thể chơn thật,
tự tại, phi sanh diệt, cũng là pháp thân thường trụ.
Lời
nói và động tác có tính cách giáo hoá của những người
vừa được khai thị, đều chân thật, vì nó xuất sanh từ
tánh biết tuyệt đối, vượt lìa khái niệm, cũng tức là
từ cảnh giới Thiền, trong trẻo, chơn như, vô ngã, vô sở
đắc, vô sở trụ nên người bình thường khó cùng bắt nhịp,
nghĩa là không sao hiểu được. Thế là đối với cái thấy
biết của người bình thường, những lời nói, những hành
động vượt thoát kia lại trở thành những công án .
Ngày
xưa, thiền sinh học đạo may mắn hơn chúng ta ngày nay rất
nhiều, đó là được chư Tổ Thiền-tông đắc pháp dẫn dắt
trong các Thiền đường, trực tiếp, mặt đối mặt, nên số
người đắc pháp, theo Thiền sử, cũng không phải nhỏ, bỡi
đó là thời kỳ cực thịnh của Thiền học. Còn ngày
nay, chúng ta chỉ biết dựa vào lời dạy của người xưa,
được gọi là công án Thiền, tức tham học lại những thiền
ngữ còn ghi trong sử sách, song song với việc nghiên cứu kinh
điển Đại thừa, để tự tham tự tu là chính. Không biết
cách tu học như thế có phải là Thiền-Giáo song tu như người
ta thường nói đến chăng?
Đôi
khi cũng có ngoại lệ, đó là những người may mắn hơn nhờ
duyên phước sâu dày, có thể gặp được các bậc đắc pháp
của Tông-môn này trực tiếp dẫn dắt, thì sự đạt ngộ
có thể nhanh chóng hơn những người trên kia. Nhưng điều
này phải nói là rất hiếm, vì các Thiền sư đến đi thường
ít lưu dấu, nên cũng khó có cơ duyên để nhận biết mà
cầu học. Có lẽ đó là tình trạng thật tế của Tông Thiền
tại thời điểm này nói chung, cũng như pháp tu tham công án
Thiền nói riêng chăng?
Chư
Tổ đã tịch diệt nhưng tâm từ thương xót chúng sinh thì
xuyên suốt không gian và trùm khắp ba thời, nên đã gìn lòng
tốt lưu lại cho thế gian những báu vật vô ngần, tức những
công án kia. Phận làm con cháu các Ngài, chúng ta nên biết
trân trọng, giữ gìn cái vốn quí ấy như gìn giữ viên bảo
châu Ma-ni, để luôn luôn được trong sáng, mới mẻ, lúc nào
cũng tinh nguyên, không sức mẻ, hoen ố. Có làm được như
thế, những hàng hậu bối tiếp bước chúng ta trên con đường
tu học theo Chánh-pháp Nhãn tạng của đức Phật chắc chắn
sẽ cảm kích và biết ơn chúng ta lắm lắm.
II.
Bản
thể của Thiền là tuyệt đối, vô ngã, vô sở đắc. Và
dưới con mắt của Thiền học, chơn lý tối thượng này hiển
bày, đó là bản tánh chơn thật của mọi hiện tượng trên
đầu, dưới chân, sau lưng, trước mắt đều “không“,
cũng là nhứt thiết pháp vô ngã, tánh vô tự tánh. Bỡi thế
cho nên, để hiểu Thiền thế nào cho đúng “như tánh nó
là“, cũng có nghĩa là để quay trở về lại bổn tánh
tự thuỷ tuyệt đối, vô ngã, chơn thường, vô sở đắc
thì chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải cùng nó dung
thông, vô ngại nhau; hay nói rõ hơn, chỉ có thể cùng nó tự
“một” ngay khi nào trạng thái tinh thần đạt tới “vô
ngã” như bổn tánh nó là.
Đã
gọi là tự tánh thì tánh này cùng ta (thân tâm này) chỉ một.
Sống chơn thật “một” trong chính nó, đó là cuộc sống
Thiền, là an trú pháp thân thường trụ, là không rời lìa
tự tánh Phật, là sống với tánh biết tuyệt đối, chơn
thật, vô ngã, nhứt như. Mà đã gọi là tuyệt đối, vô ngã,
nhứt như, thì làm gì có đối tượng để mà dụng ngôn,
nghĩ tưởng, hay tiếp cận tới được. Thế nên tới chỗ
này thì cũng là ngay sát na đó tự thể vắng lặng, bặt ngôn
ngữ, lìa tình tưởng, tri thức, cũng là ở trong trạng thái
“vô“, vô ngã, vô chấp, vô phân biệt. Hay nói ngược
lại, để trở về bản thể uyên nguyên, thì người tu Phật,
đặc biệt là những người căn cơ trí tuệ vào hàng trung
thượng, đang cầu học theo Chánh pháp Nhãn-tạng của Thế-tôn,
trước khi dụng công tham học, cần biết buông xả thân
tâm cho thư thái, khiến cái tâm đang ở trạng thái “có”, tức
cái tâm ràng buộc “hữu-vô” đối đãi, trở thành cái tâm
“hư”, rổng rang, nghe nhìn không phân biệt. Ngay ở trạng
thái tâm thể này mà dụng công tham học Công-án Thiền, lại
may mắn có được bậc đắc pháp trực tiếp dẫn dắt, đến
lúc hạnh lành tròn duyên , ắc đốn ngộ bản thể tuyệt
đối một cách diệu kỳ, không ngờ được.
Trong
Pháp-Bảo Đàn kinh, có đoạn miêu tả việc tu sĩ Huệ-Minh
đảnh lễ và thưa hỏi ngài Huệ-Năng, lúc Ngài còn chưa thọ
cụ túc giới và đang trên đường bôn tẩu để tránh bị
truy sát.
Giữa
chốn núi non, tu sĩ Huệ-Minh thưa thỉnh
– Xin Hành-giả thuyết pháp cho tôi nghe.
Huệ-Năng
nói :
– Ngươi đã vì pháp đến đây thì phải dẹp hết các duyên,
chớ sanh một niệm nào, ta sẽ thuyết cho ngươi nghe.
Tu
sĩ Huệ-Minh tịnh tâm giây lâu, Huệ Năng liền nói :
– “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính trong lúc đó, thế
nào là bổn lai diện mục của Minh thượng toạ?”.
Tu-sĩ
Huệ-Minh chợt nghe, liền đại ngộ.
Do
thế trí và ngôn ngữ không thể tiếp cận được tới chỗ
ảo diệu của bản thể tuyệt đối, như hư như thật, như
có như không, nên nói “một” cũng chỉ là cách quyền biến
mượn lời tạm gọi mà thôi. Tự trong “một”, tánh và tướng
đan xen vô ngại nhau, nghĩa là cái tướng động tay, múa chân,
đứng ngồi, nghĩ suy, nói nín này là cái bóng, là chỗ dụng
của thể tánh kia, như cái thấy của con mắt. Cái thấy ẩn
tàng trong con mắt, nhìn thấy khắp mọi vật nhưng lại chẳng
thể thấy chính “cái thấy” của nó. Giả như bất giác có
lúc nào đó, cái thấy của con mắt tự nhìn vào trong hốt
nhiên thấy được “cái thấy” của chính nó, cũng là
tánh thấy, thì ngay đó hết chỗ nói. Hai cái “sự thấy và
tánh thấy” đã “nhứt như”, thể và dụng của nó đan xen làm
một, dung thông, vô ngại, mà trong đây, nói một cũng thiệt
chẳng phải một, chẳng phải hai, cũng không phải khác, không
thể mở miệng, hay suy lường, nghĩ tưởng tới được. Đó
chính là “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất
dị không, không bất dị sắc” mà đức Phật đã tán thán
ngài Quán-thế Âm Bồ-tát có chỗ thấy biết sáng suốt, chơn
thật, tuyệt đối sau khi hành trì pháp Bát-nhã Ba-la-mật (Trí-Huệ
Giải thoát) đến chỗ sâu rộng không thể nghĩ bàn.
Tri
thức, tình tưởng, giác quan của chúng ta đối với tánh biết
sáng suốt này cũng vậy, đan xen nhau làm một, dung thông vô
ngại như nước với sữa. Sáng tánh biết thì biết rõ ràng
mà nói không thể tới, vì tự thể là một nhất hợp tướng,
nhưng chẳng phải thiệt một, không phải hai cũng không phải
khác. Còn một khi đã mở miệng được thì chẳng phải thật
sự “đang-là” một trong nó. Bỡi vậy, chợt khởi niệm, hay
nghĩ suy, phân biệt thì liền cùng tánh biết chia lìa,
là trăm sai, ngàn khác, biệt mù xa cách.
Cho
nên, những ai có ý nghĩ dùng tri thức phân biệt, dù là
tri thức bác học đi nữa để mong tiếp cận, giảng giải,
luận bàn đúng sai, phải trái các công án Thiền thì cũng
có nghĩa là trong chỗ vô tình vì thiếu hiểu biết, hay cố
ý vì muốn làm lớn thêm danh tướng của bản ngã, muốn chứng
tỏ cái sở học của mình, thì việc làm này khiến tự mình
càng xa lìa, càng đánh mất bản thể chơn thật của chính
mình.
Như
trên đã nói, không thể coi Thiền như là một đối tượng,
nghĩa là nó không phải là một sự, một vật có hình tướng
cụ thể nào, hoặc một ý niệm trừu tượng nào là hai là
khác đối với “ta” để có thể mường tượng, hoặc dùng
cảm quan, tình thức, nghĩ suy, phân biệt mà với tới được.
Tự bản chất nó không là gì cả. Nói không là gì cả
cũng không phải là không ngơ không có, mà tánh chơn thiệt
bổn lai không phải có không phải không, là như không như
có, như hư như thật, không đến, không đi, xuyên suốt, bao
trùm, bất biến, không đâu không hiện hữu. Đã nói bất
biến sao lại hiện hữu cùng khắp ? Vì bổn tánh thường
hằng, bất biến nhưng linh diệu, tuỳ duyên khéo sanh các pháp,
như mặt trăng sáng tỏ, tịch lặng chiếu soi mà khiến có
muôn vàn bóng trăng trên sóng nước, trên những giọt sương,
ao hồ, nước vũng.
Nói
không là gì cả, cũng có nghĩa là nó không thuộc về sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp, không phải tứ đại ngũ uẩn,
tức những món trói buộc trong nhơn quả. Vì không là gì cả
nên cũng không tên, không tuổi, không mặt mày, gốc gác. Có
thể gọi nó là “Vô”, tức cái “vô” tuyệt đối. Vì tuyệt
đối, cũng là không có đối đãi, nên chẳng thể thấy, nghe,
hay, biết bằng thế trí, chứ chẳng phải cái vô của “hữu
– vô” tương đối trong nhơn quả nhị nguyên. Bản tánh của
nó, tuy nói “Vô” cũng chỉ là một cách gọi, chứ “vô” mà
chẳng phải thiệt “không”, mà như không như có, như thiệt
như hư, nên mới có thể từ đó diệu sanh các pháp. Bản
tánh nó như thiệt như hư, như không như có, cũng là pháp
thân thường trụ .
Một
hôm Lục-Tổ Huệ-Năng
hỏi đại chúng:
Ta
có một vật không đầu không đuôi, không danh, không tự,
không lưng không mặt, các ngươi có biết vật chi chăng?
Thần-Hội
bước ra bạch : – Vật ấy là nguồn
gốc của chư Phật, là Phật tánh của Thần-Hội.
Tổ
nói : “Ta đã nói vật không danh không
tự, mà ngươi laị gọi là nguồn gốc Phật tánh. Ngươi dù
đi tới đâu, có nắm tranh che đầu, cũng chỉ thành một tông
đồ trí giải mà thôi.
Chơn
Thiền thì vô nhiễm. Không nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp, nhưng trang trải, chan hoà, thông lưu cùng khắp mọi sự
vật, mà giác quan, tri thức, tình tưởng không thể nắm bắt.
Hay nói ngược lại, chợt khởi niệm tưởng, tình thức, phân
biệt thì liền cùng nó chia lìa, ngàn trùng xa cách. Tự dẹp
sạch phân biệt, để tâm trở về trạng thái “point mort –
số không”, tức cái tâm hư, rổng rang, vắng lặng, thì chơn
tánh hiện tiền, thông lưu cùng khắp, mà ngay đó, biết như
thật mình cùng nó chẳng phải một, chẳng phải hai cũng
không phải khác. Tại chỗ này, tạm mượn từ gọi là chỗ,
cái chỗ không chỗ, tuyệt đối, trùm khắp, vượt quá thời-không
nhơn-quả, biết rõ ràng nói không thể tới. Chợt động môi,
suy tính, nghĩ ngợi thì liền cùng nó chia lìa, trăm sai ngàn
khác. Thế nên, còn biết thở, còn biết động tay múa chân,
nghĩ suy nói nín, thì còn biết như thật, Thiền tồn tại
cùng khắp, vượt không gian và thời gian, không đâu không
hiện hữu.
Một
sự thật đã quá rõ ràng như thế, nhưng không hiểu vì sao,
ngay trong thời đại này, vẫn còn có người đem Thiền
ngữ của cổ nhân ra luận bàn, giảng giải, nào là ý thiền
như thế này, ý đạo như thế nọ, thậm chí có vị còn đòi
vạch ra bộ mặt thật của Tông Thiền cho người ta thấy,
thì quả đúng là chuyện siêu hí luận, là hành động rất
đáng bị lên án.
Việc
làm ngớ ngẩn ấy, chẳng những không đem lại lợi ích gì
cho việc đạt ngộ của người tu học đã đành, mà còn gây
hậu quả khôn lường là chận đường, bít lối của những
người đi sau muốn tu tập theo pháp môn này; còn đối
với bản hoài của đức Phật và Tông chỉ của Tổ sư, ngài
Bồ-đề Đạt ma, thì đó chẳng phải hành động đi ngược
lại với Tông-môn, đắc tội với Tổ, Phật ư?
Bỡi
cớ sao ? Bỡi vì công án Thiền luôn luôn là những lời khai
thị linh hoạt, sống động, vượt quá ảnh hưởng của
không gian và thời gian. Nghĩa là, cũng một công án này mà
hàng ngàn người có thể cùng lúc tham học; nhưng tuỳ căn
cơ, trí tuệ, phúc đức của mỗi người mà từng người
có được chỗ khai mở nhiệm mầu vi tế khác nhau, không
ai giống ai, nhưng cùng một kết quả, đó là đốn ngộ Phật
tánh. Giảng giải công-án Thiền, dù vô tình hay cố ý cũng
đều là hành động giết chết sự sống của nó, là
đốt cháy trí tuệ linh hoạt của người xưa, khiến nó biến
thành những từ ngữ chết, những cái xác không hồn,
vô giá trị đối với người cầu học đã trót lỡ phải
nghe những lời giảng giải đó.
Tới
đây, người viết bỗng nhớ ra, nếu không lầm thì hình như
trong Đạo-Đức kinh, Lão-Tử có dạy “Tri giả bất ngôn,
ngôn giả bất tri ,
nghĩa là “đã thật biết thì
không thể nói ra được, còn nói ra được thì không thật
biết“. Lời của bậc Thánh
nhân chẳng những nói không sai, mà phải nói lại cho đúng,
là ngàn đời không sai. Vâng, từ hơn năm trăm năm trước
công nguyên tới giờ, nội dung câu nói ấy vẫn còn giữ nguyên
giá trị, nhất là đối với Thiền-học, vì đó là chơn lý.
Lời
răn dạy nghiêm khắc của bậc thánh nhân ở trên khiến người
viết cảm thấy thẹn thùng, ái ngại, vì tự nhận là mình
chẳng biết gì nhưng lại trót lỡ lời. Chẳng những nói,
mà còn nói nhiều nữa là đằng khác, nói tràn giang đại
hải, không đầu không đuôi, làm mất thời giờ quí báu của
các bạn đạo. Rất mong những bậc cao minh, đã lỡ ghé mắt
vào, lượng thứ cho.
Discussion about this post