ĐẠO PHẬT VÀ TUỔI HOA NIÊN
Đào Văn Bình
Tuổi hoa niên, tuổi hoa, tuổi trẻ, hay thanh niên, thiếu nữ đều là đối tượng của bài viết này. Thực ra đề tài Đạo Phật Và Tuổi Trẻ, có lẽ đã được cả ngàn các vị thánh tăng, đại sư, các học giả, trí thức Phật Giáo trên thế giới viết ra cho nên bài của tôi không có gì mới lạ, chỉ là một hạt cát trong số cát của Sông Hằng.
Nếu nói thế thì tại sao tôi lại viết? Theo tôi, mỗi người có một hoàn
cảnh sống khác nhau, kinh qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, đối diện với những khổ đau, hạnh phúc khác nhau cho nên “tâm tình” dàn trải có thể khác nhau và đến với Đạo Phật trong những cảnh ngộ khác nhau.
Cùng chung với số phận của dân tộc, Phật Giáo bị miệt thị, dày xéo trong suốt 80 đô hộ của Thực Dân Pháp. Rồi sau Thế Chiến II chấm dứt vào
năm 1945, Việt Nam lại triền miên khói lửa. Chiến tranh chỉ chấm dứt năm 1975. Thử hỏi trong bối cảnh dân tộc tan tác, chùa chiền đổ nát, nhân tâm ly tán, thế lực ngoại bang đổ vào xâu xé đất nước, kéo dài thêm
30 năm, truyền thống, văn hóa dân tộc và Đạo Phật không tiêu vong kể cũng là chuyện lạ lùng. Chúng ta hãy nghe Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, trong Đạo Phật và Dòng Sử Việt viết “Và, sau 83 năm Pháp cai trị nước ta, Đạo Phật quốc gia Việt Nam chỉ được coi
như một “tôn giáo bản địa”, bị gạt ra ngoài mọi sinh hoạt tập thể của quốc gia này. Chính quyền bảo hộ của người Pháp ra mặt nâng đỡ Thiên Chúa giáo và kỳ thị, đàn áp Phật giáo, không cho phát triển. Như việc kiểm tra tăng chúng, việc dựng chùa phải có giấy phép, có được mới được xây cất; việc hạn chế nhà chùa, không được tạo mãi đất đai hay nhận của cải của thập phương hỷ cúng. Với chính sách hủ hóa dân tộc ta, thực dân Pháp đã rất rộng rãi với những gì là mê tín dị đoan, hạn chế giáo dục, cốt làm cho dân ta ngu dốt để chúng bảo sao tin vậy; Đạo Phật cũng bị đồng hóa với những tà thuyết ngoại đạo… Rồi từ chỗ xa lìa chính pháp, Đạo Phật nghiễm nhiên trở thành như một thần đạo không hơn không kém. Mục đích của thực dân, như đã thấy, là sự thống trị đất nước này và không muốn cho dân tộc trở mình để lớn mạnh. Nhưng, sau gần một thế kỷ bị trị, và sau trận thế chiến thứ hai chấm dứt, dân tộc Việt cùng với các dân tộc nhược tiểu khác trên thế giới đã bừng tỉnh đứng dậy, giải phóng ách nô lệ cho con người và giành quyền độc lập tự chủ cho quốc gia, chấm dứt một chế độ lạc hậu, lỗi thời.” (1) Trong bối cảnh tang thương của đất nước và dân tộc như thế, tại sao “gốc Phật Giáo” trong tôi không bị bứng đi mà lại có thể “gặp lại” Phật…và trong hoàn cảnh như thế nào?
Tôi sinh ra ở Hải Phòng năm 1942. Năm 1945 khi Nhật chiếm đóng Việt Nam, hằng ngày, vào mỗi buổi sáng mẹ tôi phải cõng tôi chạy vào hầm trú ẩn khi tiếng còi báo động vang lên để tránh máy bay của Mỹ (Đồng Minh) từ Vịnh Bắc Bộ bay vào oanh tạc. Khi Nhật đầu hàng, dù mới ba tuổi tôi còn nhớ hình dáng của đoàn quân Lư Hán lôi thôi lếch thếch tiến vào đất nước ta giải giới quân đội Nhật. Rồi khi quân Lư Hán rút lui, Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương năm 1946, cùng với toàn dân, cha mẹ tôi nghe theo tiếng gọi “tiêu thổ kháng chiến” bỏ cả nhà cửa, chạy ra vùng “hậu phương kháng chiến” và năm 1950 quay trở lại Hải Phòng trước cảnh căn nhà cũ chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát. Đây là lần đầu tiên tôi thấu hiểu câu “màn trời chiếu đất”. Bố mẹ tôi và anh chị em phải nhặt lại từng cục gạch, hái từng cọng rau muống mọc dại trên nền nhà nấu ăn trong những ngày túng thiếu lúc ban đầu. Rồi cuộc sống từ từ ổn định, tôi được cắp sách đến trường.
Về cuộc sống tâm linh, phải nói, bố mẹ tôi không hề biết Đạo Phật là gì. Bàn thờ chỉ để cúng giỗ ông nội tôi, chứ không thờ Phật. Bà nội tôi,
theo Tứ Phủ tức Đồng Bóng hay Đạo Mẫu. Trên điện thì thờ các quan lớn, mẫu, ông hoàng rồi đến các cô, cậu, dưới là ngũ hổ. Tuy nhiên trên cao nhất, may mắn vẫn thờ Phật. Dĩ nhiên bà nội tôi không phải là tín đồ Phật Giáo hoặc là một Phật tử hiểu theo đúng nghĩa ngày nay. Thế nhưng có lẽ để cầu phúc, thỉnh thoảng bà nội bảo tôi tụng Kinh A Di Đà. Như vậy tôi đã có dịp “gieo duyên” với Phật pháp từ lúc 8,9,10 tuổi. Nhưng thực ra tôi có ngồi tụng kinh, gõ mõ cũng chỉ mong bà nội cho oản, chuối
chứ thật tình tôi chẳng hiểu Kinh A Di Đà nói gì. Thật lạ lùng, trong chương trình Tiểu Học lúc bấy giờ, dù môn lịch sử được giảng dạy nhưng không có môn nào nói đến lịch sử các tôn giáo có mặt tại Việt Nam, nhất là Phật Giáo đã hiện diện trên đất nước này trên 1500 năm với một quá khứ huy hoàng. Tất cả kiến thức về Đạo Phật mà tôi biết được lúc bấy giờ
là nhờ lúc rảnh rỗi bà nội kể chuyện đi Chùa Hương lúc bà nội còn trẻ, chuyện Bà Công Chúa Ba tức Quan Âm Diệu Thiện, chuyện Quan Âm Thị Kính với hai câu thơ bà nội đọc cho mà tôi còn nhớ:
Tiểu Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ.
Tỉa râu chồng mang tiếng bội phu.
và nhất là Tây Du Ký kể chuyện Tam Tạng đi thỉnh kinh mà bọn trẻ chúng tôi phải “thuê truyện” để đọc, dĩ nhiên đọc say mê.
Năm 1954 khi đất nước chia đôi, gia đình tôi vào Nam. Sau một vài năm
thì cuộc sống của người “di cư” cũng ổn định. Từ một người không hề biết thần thánh là gì – mẹ tôi – không hiểu do một phúc duyên nào, cùng với một bà bạn hàng xóm thường xuyên đi lễ Chùa Phổ Quang – Phú Nhuận. Sau một thời gian hết sức kiên nhẫn thuyết phục bố tôi đi chùa, bàn thờ Phật được thiết lập trang nghiêm ở nhà. Tuy nhiên kiến thức Phật Giáo của tôi lúc này hoàn toàn là con số không cho đến ngày 1/11/1963.
Sau khi quân đội đứng lên làm cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài gia đình trị, đàn áp tôn giáo của Ngô Triều, Phật Giáo như một thân cây khô héo sau mùa đông dài hiu hắt, được kích thích bởi nắng xuân ấm áp bỗng đâm chồi nảy lộc. “Ý thức Phật Giáo” tưởng chừng như đã tàn lụi trong lòng dân tộc, bỗng bừng lên trong lòng mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên, sinh viên. Gia đình tôi nghèo, cư ngụ tại khu lao động, nhà tôn vách ván cho nên buổi trưa nóng nực, vả lại tiếng máy thu thanh (radio) của hàng xóm lúc nào cũng oang oang cho nên ngoài thời gian ở giảng đường Luật Khoa, tôi thường vào các thư viện, dưới những tàng cây ở công viên hoặc sân chùa để có một nơi yên tĩnh học bài. Chính
tại sân Chùa Xá Lợi (Sài Gòn) tôi đã gặp một “báu vật” khai mở trí tuệ cho tôi, đó là bài pháp của Đại Đức Narada Maha Thera (2). Sau Pháp Nạn 1963, tăm tiếng của Phật Giáo Việt Nam vang xa. Thế giới Tây Phương nhất
là người Mỹ mới chưng hửng, tưởng đâu xứ sở này là Thiên Chúa Giáo, ngờ
đâu 90% là Phật Giáo. Quý hòa thượng, thượng tọa lãnh đạo Phật Giáo Miền Nam lúc bấy giờ đã cho mời một số cao tăng trên thế giới tới thuyết
giảng, trong đó có Đại Đức Narada đến từ Tích Lan. Chính tại ngôi Chùa Xá Lợi này, tôi nhặt được một cuốn sách nhỏ (booklet) nhan đề Cốt Tủy Của Đạo Phật của Ngài. Nội dung cuốn sách thật ngắn gọn nhưng đầy đủ và thuyết phục trong đó có một câu nói của Đức Phật, “Kinh giáo của ta như ngón tay chỉ mặt trăng”. Vừa đọc xong câu này, tôi vội xếp cuốn sách lại và trong tôi bừng vỡ một niềm sung sướng và cảm phục, “Trời ơi, sao ông Phật này chân thật quá!”
Với kiến thức về tôn giáo của tôi – một sinh viên sắp bước lên năm thứ hai của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn lúc bấy
giờ thì…đối với các đạo thờ thần (God), không có một thứ gì không thuộc
về vị giáo chủ. Vũ trụ này do Ta sáng tạo. Ánh sáng này do Ta mà có. Bóng tối cũng thuộc về Ta. Cả cái trí khôn hay trí tuệ của loài người cũng do Ta mà có. Nếu không có Ta thì đầu óc loài người cũng như đầu óc thú vật mà thôi. Chân lý ở trong Ta. Ta là hiện thân của công lý. Miếng cơm manh áo mà các người đang ăn, đang mặc kia cũng do Ta mà có. Vợ con nhà ngươi cũng do Ta sắp đặt hết. Ta bảo chết là chết, bảo sống là sống.
Nói tóm lại, loài người trần trụi, không có một thứ gì hết. Tất cả thuộc về thần linh giáo chủ. Trong khi đó thì ngược lại, Đức Phật không “vơ vào”
những gì không phải của mình. Luật Vô Thường không phải của Đức Phật. Sinh – Lão – Bệnh – Tử không do Phật bày ra. Cái Chết không do Phật thiết kế. Niết Bàn không phải là đặc hữu của Phật mà bất cứ chúng sinh nào, nếu chịu nương theo giáo lý của Chư Phật (nương theo ngón tay) thì cũng đạt được Niết Bàn (tức thấy mặt trăng).
Cuộc sống vui, buồn, sướng, khổ của thế giới này không phải do Phật hóa
phép, mà do nghiệp lực vận chuyển từ vô thủy của chúng sinh. Trước khi Phật ra đời con chim ăn con sâu. Khi Đức Phật ra đời con chim tiếp tục ăn con sâu. Khi Đức Phật thành đạo con chim vẫn ăn con sâu. Khi Đức Phật
nhập diệt con chim vẫn ăn con sâu. Tất cả đều Như Thị và Như Thị.
Đức Phật không thể thay đổi được thế giới vật lý này. Đức Phật không dạy cách “di sơn đảo hải”, biến cát thành cơm, biến người chết thành người sống, biến tội ác thành thánh, biến kẻ đui mù thành mắt sáng, biến
kẻ què cụt thành lành lặn…mà Đức Phật chỉ dạy phương pháp khiến con người thoát khỏi khổ đau và sống một cuộc đời thánh thiện. Cái
gì của Phật A Di Đà thì Phật nói đó là của Phật Di Đà, cái gì của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thì Phật nói của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cái gì của
Ngài Quán Tự Tại Bố Tát thì Đức Phật nói của Ngài Quán Tự Tại. Đức Phật
cũng không chủ trương đời đời độc quyền thống ngự thế giới. Trong quá khứ đã có nhiều vị Phật thuyết pháp độ sinh, trong tương lai sẽ có Phật Di Lặc ra đời. Đức Phật luôn luôn nói lời chánh ngữ, nói lời chân thật (quảng trường thiệt). Đức Phật không bao giờ nói lời lừa mị, nói lời gian dối, nói lời hoang tưởng, nói lời không thể kiểm chứng, và cũng không nói lời tiên tri phỏng đoán vu vơ. Đức Phật không bao giờ nói hai lời, lúc rày lúc khác. Đức Phật không bao giờ nói lời mâu thuẫn trái – chống nhau. Đức Phật không bao giờ tự phong mình là quan tòa để phán xử ai. Ngài chỉ nói về Nhân Quả chứ không bao giờ đe dọa trừng phạt ai. Kinh giáo của Đức Phật dù trải qua hơn 2500 năm không bao giờ phải sửa chữa, thay đổi cho hợp thời thế. Các giáo hội Phật Giáo trên toàn thế giới cũng chẳng bao giờ phải tạ lỗi với nhân loại về những tội ác hoặc những sai lầm gây tạo trong quá khứ.
Thưa các bạn,
Vậy thì yếu tố đầu tiên tôi đến với Đạo Phật là vì thấy “Ông Phật” là
con người thành thật. Giáo lý của Ngài là giáo lý chân thật. Ý nghĩ của
Ngài là ý nghĩ thành thật. Theo tôi, Chân Thật (honesty) là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Thiếu thành thật, xa rời sự thật, phản lại
sự thật, che dấu sự thật thì mọi giá trị đều sụp đổ kể cả những gì gọi là linh thiêng, thánh thiện.
Với lời phi lộ như thế tôi xin mời quý bạn tiến vào ngôi nhà Phật Giáo. Dĩ nhiên khi tiến sâu vào Đạo Phật các bạn sẽ thấy Chân Thật không
phải là đức tính duy nhất của Đức Phật, mà Ngài còn có bao nhiêu đức tính tốt đẹp khác (Minh Hạnh Túc) mà thế gian này không một ai có thể đạt được. Trong một rừng giáo lý của Đức Phật dày gấp 11 lần cuốn Kinh Thánh của Ky Tô Giáo, tôi phải lựa chọn cái gì để tâm tình với các bạn đây?
Noi gương các bậc thiện tri thức và thánh tăng chẳng hạn như Ngài Narada và Đức Đạt Lai Lạt Ma, thường nói chuyện với các bạn trẻ về Bát Chánh Đạo, tôi cũng dùng Bát Chánh Đạo để thưa chuyện với các bạn. Tiêu chuẩn của tôi là: Nếu Bát Chánh Đạo làm cản trở, hoặc chướng ngại hoặc không giúp ích gì cho các bạn trên con đường học hành, tiến thân, tạo lập sự nghiệp và hạnh phúc gia đình…thì
xin các bạn đừng nghe và đừng tin theo Đạo Phật. Tôi sẽ dùng ngay xã hội Hoa Kỳ là nơi mà hầu hết các bạn trẻ trên thế giới ngưỡng mộ, mong muốn và thèm khát (ngoại trừ các bạn trẻ ở Bắc Âu) để ứng dụng Bát Chánh
Đạo chứ không phải chỉ gò bó các bạn trong khuôn khổ của các quốc gia chậm tiến, nghèo khổ để quảng cáo về Bát Chánh Đạo. Vậy Bát Chánh Đạo là
gì?
Bát Chánh Đạo là tám con đường tốt lành, chân chính, đúng đắn nhầt để con người sống hạnh phúc và cao thượng. Bát Chánh Đạo gồm có: Chánh Mệnh, Chánh Nghiệp, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
1. Chánh Mệnh:
Chánh Mệnh là yêu mến mạng sống của mình, yêu mến cuộc sống của mình.
Do đó tự tử, hủy hoại thân thể, ép xác, để thân hình bệnh tật, yếu đuối, đầu óc thiếu minh mẫn không phải là Chánh Mệnh. Nhưng yêu mến cuộc
sống không có nghĩa là bồi đắp quá đáng cho thân mình như ăn mặc diêm dúa, quần áo đắt tiền, trưng diện kim cương, ngọc thạch, vàng bạc, ăn nhậu, chè chén, chơi bời trác táng để thỏa mãn xác thân. Những thứ đó không phải là Chánh Mệnh. Các bạn có biết rằng nước Mỹ là một nước ăn mặc giản dị nhất thế giới không? Các bạn có biết rằng hầu như cả nước Mỹ, dù già dù trẻ, mỗi ngày đều tới phòng tập thể dục khoảng tiếng đồng hồ, hoặc chạy bộ ngoài công viên, hoặc đạp đạp xe…để giữ gìn sức khỏe không? Các bạn có biết rằng kỹ nghệ giúp người ta Diet (kiêng khem) ăn uống bớt đường, bớt mỡ để tránh bệnh cao huyết áp là kỹ nghệ hái ra tiền
không? Ngay nay, do ảnh hưởng của Đạo Phật, Hoa Kỳ và Tây Phương đang tiến dần đến chế độ ăn chay để bảo vệ sức khỏe
và cũng là để tránh giết hại thú vật. Như vậy Chánh Mệnh có gì làm cản trở cuộc sống tươi đẹp của bạn? Hay chính nó lại giúp cho cuộc đời của bạn tươi đẹp hơn?
2. Chánh Nghiệp:
Chánh Nghiệp là chọn lựa một nghề nghiệp chính đáng để sinh sống. Tại
thế giới Tây Phương, ngoại trừ những nghề như trộm cướp, mãi dâm, buôn người, làm bạc giả…thì không có nghề gì gọi là xấu. Cảnh sát lo an ninh trật tự cho xã hội, giám thị trại giam thi hành luật pháp để giam giữ phạm nhân…đều là những nghề cao quý. Những công ty cung cấp thịt cá, các
lò sát sinh cũng không phải là nghiệp xấu vì họ cung cấp thực phẩm cần thiết cho dân chúng chứ bản thân họ cũng không muốn giết hại thú vật. Nhưng mới đây Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phản đối kỹ nghệ nuôi gà quá tàn ác tại Hoa Kỳ, vì cách nuôi phản lại thiên nhiên và hành hạ thú vật quá mức. Tuy nhiên ý nghĩa của Chánh Nghiệp còn đi xa hơn nữa. Chánh Nghiệp còn có nghĩa là chúng ta phải hành xử nghề nghiệp của chúng ta một cách lương hảo, không lường gạt, gian trá, luôn luôn phải lấy chữ Tín làm đầu. Tại Hoa Kỳ, bất cứ ai làm một nghề gì cũng phải tuân thủ quy tắc đạo đức gọi là Code of Ethics, từ phóng viên báo chí đến tòa án, luật sư, bác sĩ, ngân hàng, người sửa xe, bán hàng siêu thị…nếu vi phạm vào lương năng chức nghiệp, lập tức bị công luận lên án và đưa ra tòa xét xử. Như vậy phải chăng Chánh Nghiệp chính là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta chọn một nghề nghiệp chân chánh, rồi hành nghề trong tinh thần trọng pháp, vừa sinh sống vừa phục vụ nhân quần xã hội, trong tinh thần đạo đức. Xin bạn nhớ cho, con người không phải chỉ bị hủy diệt bởi chiến
tranh, thiên tai, bệnh tật mà còn bị hủy diệt bởi sự thiếu chân chính mà con người dùng để đối xử với nhau.
3. Chánh Kiến:
Chánh Kiến là nhìn sự vật một cách ngay thẳng và không thiên lệch. Từ
ngàn xưa đến giờ, sự ghét bỏ, sự kỳ thị, sự ngăn cách và thù hận đều gây ra bởi cái nhìn thiên lệch. Chính các yếu tố như chủ nghĩa, tôn giáo, mầu da, chủng tộc, đảng phái, quyền lợi và kể cả tình yêu…đã làm người ta không còn nhìn sự vật một cách khách quan nữa. Khi đã có cái nhìn thiên lệch thì hành động thiên lệch. Hành động thiên lệch đưa đến bất công. Từ bất công đưa đến chia rẽ, thù hận. Nếu bạn là thanh niên sinh viên tại các nước Á Châu và mong mỏi du học hoặc sinh sống ở Hoa Kỳ
hoặc các quốc gia Âu Châu, xin bạn ngay từ bây giờ hãy tự trang bị cho mình quan điểm Chánh Kiến. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy lạc lõng hoặc lạ kỳ trong một xã hội mà những nhận xét thiếu vô tư, thiên lệch, định kiến…hầu như đang bị loại trừ và không còn chỗ đứng. Vì muốn tạo bình an
cho nhân loại, muốn chân lý được thể hiện mà Đức Phật luôn luôn giáo hóa hàng đệ tử là phải luôn luôn quán xét sự vật một cách thận trọng, quán xét một cách công minh và xa hơn nữa quán xét với tâm Từ Bi (Từ Bi Quán) để không gây khổ lụy cho người và giữ gìn phẩm hạnh đạo đức của chính mình. Quan điểm đúng đắn – tức Chánh Kiến – về mọi vấn đề của xã hội luôn luôn được trân trọng và mọi người lắng nghe.
4. Chánh Tư Duy:
Chánh Tư Duy là suy nghĩ một cách chân chính. Thế nào là suy nghĩ chân chính? Không suy nghĩ về những điều ác, không suy nghĩ về những gì tổn hại cho mình và cho người. Không suy nghĩ về những gì làm tổn hại đến hạnh phúc của người khác. Không suy nghĩ về những gì gian trá, thiếu
lương thiện, thiếu thành thật, thiếu bao dung, thiếu Từ Bi, thiếu nhân đạo…như thế gọi là Chánh Tư Duy. Để có Chánh Tư Duy chắc chắn là phải có
Chánh Kiến bởi vì nếu đã có Tà Kiến thì chắc chắn sẽ đẻ ra suy nghĩ thiếu chân chính. Tuy nhiên Phật Giáo không dừng ở chỗ đó. Chánh Tư Duy còn nhìn vào bản thể sự thật của vũ trụ và nhân sinh. Sự suy nghĩ cho rằng tất cả những gì đang xảy ra trước mắt đây đều do sự an bài của Đấng
Thần Linh (God), suy nghĩ cho rằng Thần Linh có thể rửa sạch những tội ác kinh khiếp và biến nó thành phước, suy nghĩ cho rằng không có Quả Báo
gì hết, làm ác vẫn được sung sướng…những suy nghĩ như thế đều không phải là suy nghĩ chân chính. Vậy thì dưới góc cạnh khoa học, Chánh Tư Duy chính là sự suy nghĩ cẩn trọng, thấu đáo về mọi sự kiện xảy ra chung
quanh mình trong tinh thần khách quan, vô tư không ngoài mục đích mở mang trí tuệ và đem lại lợi ích cho mình và cho người. Chánh Tư Duy chính là khởi đầu của phương pháp khoa học.
5. Chánh Ngữ:
Qua ngôn ngữ, qua cách ăn nói chúng ta có thể nhìn thấy tình cảm, phẩm hạnh và trí tuệ một người. Chánh Ngữ có nghĩa là:
– Nói lời ngay thẳng mà không nói lời gian dối.
– Nói lời êm ái mà không nói lời hung bạo.
– Nói lời chân thật mà không nói lời lừa mị.
– Nói lời đạo đức mà không nói lời gian tà.
– Nói lời giải oan mà không nói lời kết tội.
– Nói lời dịu êm mà không nói lời xỉ vả.
– Nói lời nâng đỡ mà không nói lời ghét bỏ.
– Nói lời tin tưởng mà không nói lời bi ai.
– Nói lời kết đoàn mà không nói lời chia rẽ.
– Nói lời thứ tha mà không nói lời trói buộc.
– Nói lời chở che mà không nói lời hắt hủi.
– Nói lời Từ Bi mà không nói lời cay nghiệt.
– Nói lời khiêm tốn mà không nói lời khoa trương.
Các bạn có biết không, tại Hoa Kỳ, nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ, bộ
trưởng, phóng viên, nhà báo sự nghiệp lẫy lừng, cũng chỉ vì một lời nói
sơ xuất mà sự nghiệp tiêu tan. Vậy thì hành trang Chánh Ngữ sẽ giúp các
bạn trở nên một người có phẩm hạnh, được mọi người quý trọng, thương mến và dĩ nhiên giữ an vui cho cuộc sống của chính mình. Đó cũng là chìa
khóa của sự thành công lớn và bền vững. Cứ tưởng tượng trong một tập thể, một gia đình, một xã hội mà toàn là những lời gian dối, toàn là những lời hung bạo, những lời chửi rủa thì xã hội, tập thể và gia đình đó như thế nào? Chánh Ngữ cũng là hình ảnh của một Cung Trời an vui và thánh thiện đó bạn ạ.
6. Chánh Tinh Tấn:
Chánh Tinh Tấn là cố gắng, nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu tốt lành mà mình đã đề ra. Ngày nay thế giới đang ở vào cuộc chạy đua khốc liệt. Quốc gia này chạy đua với quốc gia khác. Tổ chức này chạy đua với tổ chức khác. Tôn giáo này cạnh tranh với tôn giáo khác. Công ty này cạnh tranh với công ty khác. Cá nhân này ganh đua với cá nhân khác trong
nghề nghiệp sinh sống nếu không muốn bị đào thải. Sinh viên ra trường phải cạnh tranh với bạn mình để tìm việc. Tìm được việc làm rồi mỗi năm lại phải trau dồi thêm kiến thức nếu không muốn bị lạc hậu và có khi mất
việc. Thế hệ trẻ chịu rất nhiều áp lực xã hội mà thế hệ cha anh không có. Chính vì thế mà sự căng thẳng (stress), và thúc ép (pressure) của cuộc sống gia tăng. Thế nhưng theo lời Phật dạy, các bạn trẻ phải nỗ lực
vươn lên, nhưng trong tinh thần trọng pháp và ngay thẳng.
Còn trong thể thao, hoặc các môn chơi, Chánh Tinh Tấn có nghĩa là ganh đua trong “tinh thần thượng võ”. Còn đối với các bậc tu hành, Chánh Tinh
Tấn có nghĩa là trên con đường tiến tu để đạt Thánh quả, không sợ ngăn ngại hay thối chuyển vì các chướng duyên, vì hoàn cảnh éo le, vì cám dỗ,
vì mệt mỏi, vì dao động và hồ nghi. Còn các bạn trẻ, với đời sống của một Phật tử bình thường, Chánh Tinh Tấn còn có nghĩa là luôn luôn học hỏi thêm để mở mang trí tuệ, không thối chí ngã lòng khi gặp thất bại, không bỏ cuộc nếu mục tiêu theo đuổi là tốt đẹp. Chánh Tinh Tấn khiến bạn sống vui và tin tưởng.
7. Chánh Niệm:
Chánh Niệm có nghĩa là nhớ nghĩ tới những gì chân chính và tốt lành. Cuộc sống của chúng ta đây có quá nhiều phiền trược và khổ đau. Hầu như ai ai cũng từng trải qua những mất mát, tình yêu gẫy đổ, thất bại, bất ưng, nhọc nhằn trong quá khứ. Những điều đó hằn sâu vào tiềm thức (A Lại
Da) (3) của chúng ta và có thể kéo lê nhiều kiếp. Ký ức giúp chúng ta nhưng cũng làm khổ chúng ta. Trong cuộc sống, dù chúng ta đang ở vào thì
hiện tại nhưng lại bị tác động bởi gánh nặng của quá khứ. Quá khứ do những người đi trước để lại và do chính chúng ta tạo tác. Do đó, để sống
an bình và hạnh phúc, chúng ta phải biết chọn lọc tức biết quên và biết nhớ những gì. Trên tinh thần đó, Chánh Niệm nghĩa là:
– Hãy nhớ nghĩ đến những gì tốt đẹp.
– Hãy nhớ nghĩ tới những gì lợi lạc cho đời.
– Hãy nhớ nghĩ tới những gì là tương lai tươi sáng.
– Hãy nhớ nghĩ đến những người đã gia ân cho mình.
– Hãy nhớ nghĩ đến những người đã từng giúp đỡ mình.
– Hãy nhớ nghĩ tới những lỗi lầm trong quá khứ để không tái phạm.
– Nhưng hãy quên đi thù hận.
– Hãy quên đi những oán hờn, vay trả trong quá khứ.
Chánh Niệm theo cái nhìn của các tâm lý gia, trên một góc độ nào đó gọi là “giải tỏa những ẩn ức” nhưng trong Phật Giáo còn có ý nghĩ hướng thượng và tạo bình an trong tâm tưởng để hướng về tương lai.
8. Chánh Định:
Theo Phật Học Phổ Thông do Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn thì Chánh Định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và cho người. Chánh Định gồm những phép Quán như: Quán Thân Bất Tịnh, Quán Từ Bi, Quán Nhân Duyên, Quán Giới Phân Biệt (sự giả hợp của sáu căn) và Quán Sổ Tức (hơi thở). Theo
tôi, Chánh Định như vậy khó quá chỉ dành cho các bậc xuất gia hoặc cư sĩ tại gia. Còn đối với các bạn trẻ, Chánh Định là hành Thiền để cho đầu
óc thanh thản. Hiện nay trên toàn nước Mỹ và Canada có khoảng trên 1000
Thiền đường (Medition Center) là nơi giải thóat tâm linh, là nơi thật sự “cứu rỗi” (theo danh từ của Ky Tô Giáo) và “cứu khổ” (theo danh từ của Phật Giáo) cho hằng triệu người Mỹ Da Trắng đã từng khẩn thiết cầu nguyện Thần Linh (God) nhưng không đem lại kết quả. Một số tài
tử điện ảnh, danh ca nổi tiếng Hoa Kỳ, khi đi đâu xa họ, đều mang theo một tượng Phật nhỏ, để rồi sau những buổi trình diễn căng thẳng và mệt nhọc, trở về phòng nghỉ, họ đặt tượng Phật lên và bắt đầu ngồi Thiền. Nhờ hành Thiền mà họ được an tĩnh tâm hồn, tìm lại sự thanh thản từ đó lạc quan, yêu đời, tránh được căn bệnh buồn chán, nhàm chán…dễ đi đến mất ngủ rồi uống thuốc an thần, hút xì – ke ma túy, nghiện rượu như một thói quen của các nghệ sĩ trình diễn, tài tử ci – nê. Dĩ nhiên hành Thiền không phải dễ. Muốn làm được điều này, các bạn nên học qua một khóa tu Thiền nơi các vị thiền sư.
Xuyên qua Bát Chánh Đạo, các bạn đã thấy phần nào cốt lõi của Đạo Phật, đã thấy ngôi nhà Phật Giáo lung linh đầy mầu sắc giống như Lưới Đế
Châu của Trời Đế Thích, và các bạn có thể dùng Bát Chánh Đạo làm hành trang để vào đời: Một cuộc đời an vui, đầy ý nghĩa và có thể nói là cao thượng
vì Đức Phật suốt đời chỉ giảng dạy việc giúp đỡ người khác và không làm
tổn hại đến người khác. Để làm kết luận cho bài này, tôi xin trích dẫn ở
đây một số lời giảng của một vài vị cao tăng dành cho các bạn trẻ trên thế giới, như một hành trang phụ thêm cho các bạn.
Trong cuốn sách Phật Pháp Cho Sinh Viên (4)
viết bằng Thái Ngữ, Rod Bucknell dịch ra Anh Ngữ và Thiện Nhựt chuyển qua Việt Ngữ, Đại Sư Buddhadasa Bhkkhu nơi trang 23 đã giảng dạy như sau
“Đức Phật dạy rằng các pháp hữu vi, tức là mọi sự vật và mọi chúng sanh trên thế gian đều vô thường vì chúng luôn luôn trôi chảy,
biến đổi, hoại diệt. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức. Hãy thận trọng ghi nhớ lời dạy này. Mọi sự vật trên thế gian đều luôn luôn trôi chảy, biến đổi, hoại diệt tức là vô thường. Đừng đùa với chúng. Chúng sẽ cấu xé bạn, sẽ tát vào mặt bạn, sẽ cột trói và giữ chặt bạn. Rồi bạn sẽ ngồi bệt xuống đất mà khóc than, và biết đâu lại muốn tự
tử nữa!” (trang 23)
Còn Đại Sư Tinh Vân (Hsing Yun) Đài Loan, trong cuốn sách nhỏ nhan đề Looking Ahead: A Guide for Young Buddhists đã viết như sau, tôi xin dịch ra Việt Ngữ “Phật
Giáo giống như một ngọn núi cao. Khi trèo lên chúng ta sẽ thấy tất cả mọi hiện tượng. Phật Giáo lại giống như một đại dương. Nếu chúng ta thấu
hiểu, trí tuệ của chúng ta sẽ rộng lớn và không ngằn mé. Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm cho mình trở nên thanh sạch và dũng mãnh qua những lời chỉ dẫn và giáo pháp, nói một cách tổng quát, giúp và giải
phóng muôn loài bằng cách đem lại lợi lạc và hạnh phúc cho tha nhân, và
chính chúng ta tự thăng hoa qua thiền định và trí tuệ.” (trang 40) (5)
Còn Giáo Sư Rhys Davids (6) sau khi nghiên cứu Phật Giáo, đã kết luận mạnh mẽ như sau trong cuốn Phật Giáo Là Gì của Đại Sư Narada Maha Thera do Phạm Kim Khánh dịch ra Việt Ngữ, “Dầu
là Phật tử hay không phải Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và tòan vẹn hơn Bát Chánh Đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy.” (trang 23)
Đào Văn Bình
(California Tháng 12, 2554. PL – 2010. TL)
Cước chú:
(1) Hòa Thượng Thích Đức Nhuận – Nguyên Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống Giáo Hội PG/VNTN, sinh năm 1924, viên tịch năm 2002.
(2) Đại Sư Narada Maha Thera sinh năm 1898 tại Tích Lan, viên tịch năm 1983, tốt nghiệp St. Benedict’s College & Ceylon University
College. Thập niên 1960 Ngài thường thăm viếng Miền Nam Việt Nam để thuyết pháp và biếu tặng một cây Bồ Đề trồng ở Thích Ca Phật Đài, Vũng Tàu.
(3) Tiềm Thức hay Tạng Thức, thức thứ tám hay Nghiệp Thức.
(4) Đại Sư Buddhadasa Bhikkhu (Phật Lệ) xuất gia năm 1923 sau đó thành lập Thiền Viện Giải Thoát tại Thành Phố Pum Riang, Thái Lan. Ngài chú tâm hành Thiền Minh Sát và trở nên một biến cố quan trọng của lịch sử Phật Giáo Thái Lan. Ngài thị tịch năm 1993.
(5) Đại Sư Hsing Yun sinh năm 1927 tại Giang Tô (Trung Hoa) thọ giới tỳ kheo năm 1941 sau những năm tu hành gian khổ. Năm 1949 ngài qua Đài Loan và làm sống lại Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa. Ngài vân du khắp thế giới để thuyết giảng và tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại về tôn giáo. Mười sáu trường cao đẳng Phật học trong đó có University of the West in Rosemead, California nằm dưới sự giám sát của Phật Quang Sơn
(Fo Guang Shan) là một tu viện và cơ sở Phật Giáo do ngài sáng lập.
(6) Giáo Sư Thomas William Rhys Davids sinh năm 1843 mất năm 1922
là một học giả người Anh về tiếng Pali và là sáng lập viên của Pali Text Society. Ông là con cả của một mục sư cai quản giáo đoàn Welch (Anh
Quốc) được mọi người thương mến coi đó như Giám Mục của Essex (Bishop of Essex).
Discussion about this post