ĐẠO PHẬT TRONG THẾ KỶ 21
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn
Trích đoạn từ buổi nói chuyện với những người Tây phương đã từng cư ngụ ở Dharamsala, Ấn Độ, tháng 11, năm 2010; Sean Jones và Michael Richards sao chép, Luke Roberts và Alexander Berzin hiệu đính. Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính.
NỘI DUNG TỔNG QUÁT
- Cách Làm Phật Tử Trong Thế Kỷ 21
- Thân Và Cành Của Truyền Thống
- Tầm Quan Trọng Của Chủ Nghĩa Hoài Nghi
- Bác Bỏ Niềm Tin Về Núi Tu Di, Và Vị Trí Của Địa Ngục
- Nguy Cơ Của Lòng Sùng Mộ Bổn Sư
- Đạo Phật Thích Nghi Với Phương Tây
- Vấn Đề Hiểu Lầm Những Giáo Pháp Cao
- Nên Hành Động Vì Nhân Danh Loài Người, Hay Nhân Danh Đạo Phật?
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Cách Làm Phật Tử Trong Thế Kỷ 21
Tôi luôn luôn nói với người Tây Tạng, cũng như người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Ladakh và tất cả những người theo đạo Phật ở vùng Hy Mã Lạp Sơn – rằng hiện giờ, mình đang ở trong thế kỷ 21, nên chúng ta nên làm Phật tử của thế kỷ 21. Điều đó có nghĩa là có kiến thức đầy đủ hơn về giáo dục hiện đại, khoa học hiện đại, và tất cả những điều này, và cũng sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng đồng thời cũng có tín tâm xác tín, trọn vẹn với giáo huấn của Đức Phật về lòng vị tha vô hạn, bồ đề tâm và tri kiến về tánh phụ thuộc lẫn nhau, pratityasamutpada [duyên sinh]. Rồi thì bạn có thể là một Phật tử chân chính, và cũng thuộc về thế kỷ 21.
Gần đây tôi đã đến Nubra [Ladakh], và dừng lại trên đường để ăn trưa. Một số người địa phương đã đến – có một số người trong đó mà chúng tôi đã quen biết trong 20 hoặc 30 năm – nên tôi đã trò chuyện với họ. Tôi nói với họ rằng chúng ta phải là Phật tử của thế kỷ 21, và việc học hỏi cũng rất, rất là quan trọng. Rồi tôi hỏi họ, “Đạo Phật là gì?”, và họ nói, “Buddham saranam gacchami. Dharmam saranam gacchami. Sangham saranam gacchami. [Con quy y Phật, Pháp và Tăng.] Đó là đạo Phật.”. Điều này quá đơn giản. Sau đó, tôi hỏi họ về sự khác biệt giữa Phật, Chúa Giê-su và Muhammad là gì? Họ nói, ”Không có sự khác biệt.”. Điều đó không đúng. Là những bậc thầy vĩ đại của nhân loại thì họ đều giống nhau, nhưng khi nói về giáo lý của họ, thì có một sự khác biệt lớn, vì đạo Phật thì vô thần. Một ngày nọ, tôi đã hỏi các bạn liệu đạo Phật có phải là một hình thức của thuyết vô thần hay không, và các bạn đã nói rằng thuyết vô thần (atheism) có nghĩa là “chống lại Thượng đế”. Đạo Phật không chống lại Thượng đế – đạo Phật tôn trọng tất cả các tôn giáo – nhưng đạo Phật là vô thần, theo nghĩa là không có đấng sáng tạo, không có khái niệm về đấng sáng tạo. Vì vậy, về mặt giáo lý, về mặt triết học thì có những khác biệt lớn giữa đạo Phật và các tôn giáo khác, nhưng những người dân làng này cảm thấy chúng đều giống nhau.
Điều đó nhắc nhở tôi có một lần ở Tây Tạng, một vị Lạt ma đang thuyết Pháp, và người ta hỏi ông rằng, “Tam Bảo ở đâu? Phật ở đâu?”, và ông đã im lặng một chút, rồi chỉ lên trời và nói, “Ồ, Đức Phật ở trong một cung điện pha lê trong không gian, có những ngọn đèn rực rỡ bao quanh.” Đó không phải sự thật. Nói một cách tối hậu thì Phật ở đây, trong tim của chúng ta, đó là Phật tánh.
Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với các bạn là chúng ta phải đi đến nền tảng thật sự của Phật pháp [giáo huấn của Đức Phật]. Giống như khi bạn có món ăn chính, là gạo hay bột, hoặc trong trường hợp của người Tây Tạng là tsampa, sau đó là một vài loại rau. Rau cải thì tuyệt vời, chúng rất tốt. Nhưng nếu như không có món ăn chính, mà chỉ có một vài loại rau, chỉ có một vài món ăn phụ, thì không đủ. Và đây là điều rất quan trọng để hiểu.
Thân Và Cành Của Truyền Thống
Tôi thường mô tả Phật giáo Tây Tạng là truyền thống Nalanda thuần túy [theo nghĩa nó là người thừa kế giáo pháp của 17 bậc thầy vĩ đại của Tu Viện Nalanda ở Ấn Độ cổ xưa.] Đó là điều cơ bản. Tôi cũng giải thích cho các nhóm Phật tử, bao gồm những người ở Ladakh, về tính ẩn dụ của thân cây và những nhánh khác nhau. Truyền thống Nalanda giống như thân cây. Rồi [các truyền thống Tây Tạng của] Nyingma, Sakya, Kagyu, Gelug, Kadam, Jonang, tất cả những truyền thống này giống như những cành cây.
Gần đây, tôi đã ở trung tâm Dorzong, một trung tâm của phái Drugpa Kagyu. Các Rinpoche của họ thường có chương trình tu học rất tốt, không chỉ cho các nhà sư, mà còn cho các đệ tử trẻ tại gia người Tây Tạng. Tôi đã hỏi Dorzong Rinpoche về chương trình của họ, và đó là một chương trình rất tốt. Nên tôi đã giải thích cho những người ở đó về thân cây và cành cây, và cách mà Sakya, Nyingma, Kagyu, Gelug, Kadam và Jonang đều đi ngược về cội nguồn, khi nói về sự thống nhất. Không có sự khác biệt. Nhưng khi có quá nhiều sự nhấn mạnh vào những nhánh cây, thì những sự khác biệt nhỏ ở đó và ở đây sẽ nổi bật quá nhiều. Những nhánh này rất quan trọng; có một số điều đặc biệt ở đó, như Dzogchen [Đại toàn thiện] và Mahamudra [Đại thủ ấn] và Lamdre [đường tu và kết quả] của Sakya, và Seltong-zungjug [quang minh và tánh Không hợp nhất]. Mỗi một giáo pháp đều tốt, nhưng chúng đều liên hệ với thân cây. Khi các đặc điểm này xuất hiện bên trên kiến thức đầy đủ về giáo pháp cơ bản của thân cây, thì rất tốt, và nó sẽ trở nên trọn vẹn. Nhưng nếu như bạn bỏ bê giáo pháp cơ bản, và chỉ níu vào những cành cây này thôi, thì không trọn vẹn, và cũng có nguy cơ diễn giải sai lầm.
Thế thì các đại sư Nalanda là thân cây. Tôi thường mô tả 17 đại sư Nalanda. Sách vở của các ngài là giải thích về Phật pháp cơ bản. Những sách vở khác là nhánh cây.
Tầm Quan Trọng Của Chủ Nghĩa Hoài Nghi
Theo thân cây, là giáo pháp cơ bản của Phật giáo, thì chủ nghĩa hoài nghi là điều rất thiết yếu. Bây giờ, tôi nghĩ rằng và hy vọng mình là một Phật tử, nhưng tôi không còn chút niềm tin nào về núi Tu Di (Mount Meru) nữa. Nhị đế và các diệu đế là giải thích chân thật về vũ trụ, về các dãy thiên hà và Big Bang (Vụ Nổ Lớn). Đó là giáo pháp chân thật của Đức Phật và đạo Phật.
Việc trình bày các kinh sách cổ điển được xây dựng xung quanh Tứ y pháp (rton-pa bzhi). [Y pháp bất y nhân; y nghĩa bất y ngữ; y liễu nghĩa kinh, bất y liễu nghĩa kinh; y trí bất y thức.] Kinh sách cổ điển nói rằng độc giả chân thật, những độc giả nghiêm túc phải có thái độ hoài nghi. Họ phải khảo sát xem nội dung của sách có liên quan đến đời sống của mình hay không. Nó có những lợi ích tạm thời nào? Và về lâu dài, nó có lợi ích gì? Độc giả nghiêm túc phải nhận thức rõ ràng về vai trò thích hợp của sách vở, trước khi noi theo lời dạy của nó.
Đó chính là cách tiếp cận của Nalanda. Những người trong đại chúng phải hoài nghi. Chủ nghĩa hoài nghi tạo ra nghi vấn; nghi vấn sẽ dẫn đến việc khảo sát; khảo sát sẽ đem lại đáp án. Đó là cách tiếp cận hợp lý duy nhất.
Bác Bỏ Niềm Tin Về Núi Tu Di, Và Vị Trí Của Địa Ngục
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Khi tôi ở Sar Ashram 40 năm trước, trong một dịp kia, tôi đã đề cập rằng, “Đức Phật đã không đến hành tinh này để vẽ bản đồ, nên việc có núi Tu Di hay không thì không phải là vấn đề của Phật tử. Nó không quan trọng.”. Nó là như vậy. Thế thì chúng ta có quyền tự do bác bỏ lời giải thích của Thế Thân (Vasubandhu) [trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (Abhidharmakosha)]. Chúng ta phải phân biệt giữa nghĩa đen và nghĩa bóng. Kalachakra (Thời Luân) có nói rằng núi Tu Di và tất cả những thứ này tượng trưng cho cơ thể con người, từ đầu cho đến lòng bàn chân. Có nhiều lời giải thích tương tự như vậy trong Mật tông. Vậy thì những biểu tượng này có một ý nghĩa nào đó, mục tiêu nào đó.
Nói về các cõi địa ngục, khái niệm về địa ngục thì tôi thấy rất khó chấp nhận những gì mà A Tỳ Đạt Ma Câu Xá của ngài Thế Thân đã đề cập đến: hai mươi do tuần [pagtse (dpag-tshad), Phạn ngữ: yojana] dưới mặt đất của Bồ Đề Đạo Tràng là tám cõi địa ngục. Các pagtse dài hơn một cây số nhiều. Vậy nếu như bạn đi xuống sâu hơn và sâu hơn nữa, thì rất có thể là địa ngục sẽ tồn tại ở Mỹ! Nhưng nếu như nói rằng nước Mỹ là địa ngục thì đó là điều đáng hổ thẹn. Vì vậy, việc bác bỏ những điều này không có gì khó khăn.
Có ba cách để hiểu sự vật: thông qua nhận thức giác quan, qua suy luận dựa trên lý lẽ, và dựa vào thẩm quyền kinh điển. Điều đó có nghĩa là [trong trường hợp kinh điển] thì phải dựa vào người thứ ba. Tôi thường nói với mọi người rằng nó giống như sinh nhật của mình. Không có cách nào để điều tra ngày sinh của mình. Chúng ta phải dựa vào người thứ ba, ví dụ như mẹ của mình. Và nếu muốn chấp nhận lời nói của người thứ ba, thì trước tiên, phải chứng minh rằng người đó trung thực, đáng tin cậy và có đầu óc bình thường. Vậy thì phải kiểm tra một vài vấn đề khác mà người thứ ba đã đề cập đến, điều gì mà mình có thể điều tra. Nếu như mình điều tra, và thấy rằng điều đó đúng, thì mới biết là người này trung thực, và không có lý do gì để nói dối hay giả vờ. Rồi thì ta có thể chấp nhận những lời tuyên bố của họ.
Vậy thì nó là như thế, có thể có những hiện tượng bí ẩn, vượt quá mức độ hiểu biết của mình, và chúng ta không có kinh nghiệm. Nếu có những người nói rằng họ đã trải qua những hiện tượng này, thì ta có thể phối kiểm những bài viết của họ, và xem họ có đáng tin cậy về những điểm khác hay không. Nếu họ đáng tin cậy, thì có thể dựa vào lời giải thích của người thứ ba này về những điều vượt qua khả năng lý luận của mình. Phải áp dụng cách tiếp cận này đối với một vài cách giải thích trong văn học Phật giáo.
Bây giờ, theo pramana (Lượng học) – nhân minh học và nhận thức luận – thì [có nhiều loại bằng chứng và phủ nhận khác nhau. Một loại phủ nhận liên quan đến một hiện tượng có thể quan sát, nhưng không tìm ra được]. Ví dụ như theo A Tỳ Đạt Ma Câu Xá thì mặt trời và mặt trăng có cùng khoảng cách với trái đất, và khi chúng xoay quanh núi Tu Di thì sẽ tạo ra ngày và đêm. Dường như chúng ta có kinh nghiệm về bóng của núi Tu Di [trong đêm], nhưng nếu như mình có kinh nghiệm về bóng của nó, thì cũng có thể nhìn thấy ngọn núi. Vào thời cổ xưa ở Ấn Độ, Thế Thân không có khả năng phối kiểm xem có núi Tu Di hay không. Nhưng hiện nay, chúng ta có tàu vũ trụ, nên có thể nhìn thấy nó. Nếu như núi Tu Di tồn tại, thì chúng ta sẽ nhìn thấy nó. Nhưng vì không nhìn thấy nó, nên ta có thể nói rằng nó không tồn tại.
Vậy thì có những sự bác bỏ liên quan đến việc không thể quan sát hiện tượng mà bạn đang cố chứng minh, hoặc khi bạn quan sát hiện tượng đối nghịch của nó. Trần Na (Dignaga) và Pháp Xứng (Dharmakirti) đã đề cập đến những điều này một cách rõ ràng trong sách vở của họ. Khi sử dụng nhận thức luận trong nhà Phật, thì núi Tu Di sẽ được chứng minh là không hiện hữu một cách dễ dàng. Không có vấn đề gì để bác bỏ những điều này.
Một lần nọ, ở Nam Ấn, tại một cuộc nhóm họp của các tăng sinh – tôi nghĩ là hơn mười ngàn tăng sinh (tất cả các tăng sinh của các tu viện lớn đã tập trung ở đó) – tôi đã đề cập đến quan điểm của mình về tầm quan trọng của khoa học, và chúng ta phải học hỏi về khoa học, khoa học hiện đại. Sau đó, tôi đã nói rằng tôi không tin vào núi Tu Di và tất cả những điều này. Rồi tôi nói rằng, “Ồ, nhưng làm ơn đừng xem tôi là người theo thuyết hư vô nhé.”. Vào ngày đầu tiên thì tôi đã dạy nhiều hơn về mối quan hệ giữa khoa học Phật giáo và khoa học phương Tây. Vào ngày thứ hai thì tôi đã giải thích về Phật pháp. Thế thì tôi đã có tính cách tân hơn trong bài giảng của ngày thứ nhất, và ngày thứ hai là bài giảng tôn giáo truyền thống hơn. Dù sao đi nữa thì không có vấn gì, đối với việc bác bỏ những điều này.
Video: Mingyur Rinpoche — “Phật Giáo Và Khoa Học”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Nguy Cơ Của Lòng Sùng Mộ Bổn Sư
Thế thì bây giờ, nếu như đi ngược về cội nguồn, thì không có sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của lòng sùng mộ. Nhưng nếu như bạn đi vào những nhánh cây, như Đại thủ ấn hay Đại viên mãn, thì guru-yoga (bổn sư-du già) rất quan trọng. Thật ra điều này làm hư hỏng một số Lạt ma, rồi thì trung tâm Phật giáo của họ có thể trở thành tà giáo. Tại sao? Bởi vì họ đã quên đi giáo pháp cơ bản trong nhà Phật, và chỉ chú trọng vào những nhánh này.
Giống như Naropa, là đại sư phụ của Marpa, nhân vật chính của dòng truyền thừa Kagyu. Naropa là một trong những học giả vĩ đại của học viện Nalanda. Về sau thì ngài đã tu theo Mật thừa (Tantrayana), trông giống như một người ăn xin, hay sadhu (nhà tu khổ hạnh). Naropa có tiềm năng tu tập theo cách này, vì ngài đã nghiên cứu tất cả kinh sách quan trọng trong truyền thống Nalanda. Nhưng hiện nay, một số hành giả ở phương Tây – một số trong những người Tây Tạng và người Ladakh cũng vậy – không hiểu nền tảng của Phật pháp, nên cứ làm theo bất cứ điều gì mà Lạt ma của họ nói. Ngay cả khi Lạt ma của họ nói, “Hướng Tây là hướng Đông” thì anh ấy hoặc cô ấy sẽ tin rằng: “Ồ, đó là hướng Đông.”. Đó là điều đi ngược lại với truyền thống Nalanda.
Tất nhiên, người thật sự hội đủ trình độ kiến thức cơ bản trong nhà Phật thì khác với một Lạt ma chỉ ngồi trên pháp tòa – giống như tôi ngồi trên pháp tòa – nhưng kinh nghiệm thật sự của họ thì rất hạn chế. Hiện giờ, có vẻ như tôi rất ganh tỵ với những Lạt ma này! Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì tôi nghĩ họ không có kiến thức đúng đắn, đầy đủ, và chỉ nhấn mạnh vào những nhánh này. Điều đó tạo ra rất nhiều sự hiểu lầm. Đó là điều rất quan trọng mà mình phải hiểu.
Đạo Phật Thích Nghi Với Phương Tây
Ý tưởng về việc có đạo Phật phương Tây là hoàn toàn ổn, hoàn toàn ổn thỏa. Các bạn biết rằng đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ. Rồi khi lan truyền đến những nơi khác thì đã hòa trộn với truyền thống văn hóa địa phương, và trở thành Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Nhật Bản, như thế đó.
Một số nhạc cụ mà các tu viện Tây Tạng của chúng tôi sử dụng không bắt nguồn từ truyền thống Nalanda, mà từ phía Trung Quốc. Có một nhạc cụ gọi là gyaling (rgya-gling) [kèn cổ hay kè ô-boa Tây Tạng], nghĩa đen là “sáo Trung Quốc”. Và ở một số tu viện thì những người thổi loại kèn này cũng ăn mặc như người Trung Quốc. Đó là điều ngớ ngẩn, đúng không? Đó không phải là một phần của đạo Phật, mà chỉ là khía cạnh văn hóa. Tương tự như vậy, trong cộng đồng Phật giáo phương Tây, bạn có thể sử dụng các nhạc cụ hiện đại, và cầu nguyện theo giai điệu của một bài hát Tây phương. Điều đó ổn thôi. Không có vấn đề gì.
Đối với ý niệm về Tứ diệu đế, lòng vị tha và tất cả những điều này thì bạn thấy đó, đạo Phật đối phó với cảm xúc, và cảm xúc của con người ngày nay cũng giống như cảm xúc của con người trong 2600 năm trước. Tôi nghĩ cảm xúc của con người luôn luôn giống nhau trong ba hoặc bốn ngàn năm qua, và sẽ vẫn giống y như vậy trong vài ngàn năm tới. Sau mười ngàn hoặc hai mươi ngàn năm thì một số hình dạng mới của bộ não sẽ phát triển, rồi thì sự việc có thể sẽ khác đi một chút. Nhưng điều này quá xa xôi. Không cần phải sửa đổi giáo pháp cho thế hệ của chúng ta, thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba – vì chúng ta có cùng bộ não của con người, cùng những cảm xúc của con người. Bạn có thể hỏi các nhà khoa học về vấn đề này, các chuyên gia về não bộ, và họ sẽ nói, “Ồ, bộ não sẽ giống như vậy trong ít nhất vài thế kỷ tới. Không có thay đổi.” Nó là như vậy, nên Phật pháp cơ bản phải xác thực.
Một lần nọ ở Pháp, tôi đã đề cập đến Thời Đại Mới (New Age) – bạn lấy thứ gì ở chỗ này, thứ gì ở chỗ kia, thứ gì ở chỗ nọ, và kết quả cuối cùng thì không xác thực. Điều đó không tốt. Tôi nghĩ chúng ta phải giữ truyền thống Nalanda chân thật. Điều đó rất quan trọng, nhưng khía cạnh văn hóa có thể thay đổi.
Vấn Đề Hiểu Lầm Những Giáo Pháp Cao
Bây giờ, tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ có một vài điều chỉ trích có tính xây dựng. Ở phương Tây, tôi đã gặp một số người chỉ hiểu biết chút ít, nhưng lại cảm thấy: “Ồ, mình có kiến thức đầy đủ!”. Sau đó, vì kiến thức hạn hẹp và quan niệm sai lầm, nên họ sáng tạo ra giáo pháp. Dĩ nhiên, điều này cũng có khả năng xảy ra trong số những người Tây Tạng, đặc biệt là những người không nghiên cứu những tác phẩm triết học lớn.
Có một ví dụ mà tôi nghĩ có thể chia sẻ với các bạn. Tôi đã đến thăm San Francisco ngay sau khi một trận động đất lớn xảy ra. Tài xế của tôi lúc đó không phải là từ Bộ Ngoại Giao. Đó là một chiếc xe hơi riêng, và tài xế là một trong những thành viên của trung tâm Phật giáo, người đã tu tập Đại viên mãn. Tôi tình cờ hỏi anh ấy, “Khi trận động đất lớn xảy ra thì bạn cảm thấy thế nào?”, và anh ấy nói, “Ồ, đó là cơ hội tuyệt vời để thực hành Đại viên mãn, bởi vì đó là một cú sốc, một cú sốc lớn.”.
Nhưng nếu chỉ ở trong trạng thái sửng sốt vô niệm – nếu như anh ấy cảm thấy đó là pháp tu Đại viên mãn chân chính, thì tôi nghĩ nó sẽ khá dễ dàng, vì nếu như bạn bị đánh thì bạn có thể thực hành Đại viên mãn! Đại viên mãn không dễ dàng như vậy. Bản thân tôi đã tu tập Đại viên mãn. Ồ, nó rất khó, rất khó khăn.
Có một ngạn ngữ: “Một chút kiến thức là một điều nguy hiểm.”. Có một chút sự thật ở đó, nên hãy cẩn thận. Hãy học hỏi, và đừng dựa vào chỉ giáo của một Lạt ma, mà hãy dựa vào sách vở xác thực. Đó là điều quan trọng. Đừng dựa vào lời của tôi. Hãy nghiên cứu những tác phẩm xác thực mà Long Thọ (Nagarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), tất cả những bậc thầy này trong đạo Phật đã sáng tác. Những giáo pháp này đã được các học giả này khảo nghiệm qua nhiều thế kỷ. Vị Thánh nhân Vô Trước (Arya Asanga) đã viết sách và tranh luận với một vài triết gia khác. Ví dụ như một số tác phẩm của Long Thọ đã bị Thánh nhân Vô Trước chỉ trích một chút; rồi một bậc thầy khác đã phân tích tác phẩm của Thánh nhân Vô Trước, và chỉ trích nó. Những tác phẩm tuyệt vời được các bậc thầy này sáng tác, đã được thử nghiệm và khảo nghiệm qua nhiều thế kỷ, nên chúng thật sự đáng tin cậy.
Rồi còn có doha, chứng đạo ca [những bài ca tự phát của các đạo sư chứng ngộ]. Những hành giả rất độc đáo này, như Naropa hay Tilopa, đã nghiên cứu kỹ truyền thống Nalanda. Sau đó, qua việc tu tập, họ đã từ bỏ đời sống thế tục, kể cả đời sống Tăng đoàn, và hoàn toàn sống như những vị khất sĩ và du già (yogi). Rồi qua kinh nghiệm bản thân, các vị đã sáng tác những bài thơ này, theo sự lãnh hội sâu sắc và ngôn từ đơn giản của mình. Vì vậy, có nguy cơ hiểu lầm những điều này, nếu như một người chỉ hiểu biết truyền thống cơ bản [mà không hiểu biết xa hơn nữa.]
Truyền thống Nyingma mô tả một hệ thống chín thừa [yana]. Ba thừa đầu tiên – Thanh văn thừa (shravaka-yana), Độc giác thừa (pratyekabuddha-yana) và Bồ tát thừa (Bodhisattva-yana) [tam thừa Kinh điển] – chủ yếu dựa trên sự hiểu biết về Tứ diệu đế. Rồi ba thừa tiếp theo – kriya, upa và yoga [các thừa liên quan đến ba bộ ngoại Mật điển] – nhấn mạnh việc thực hành tính sạch sẽ. Rồi ba thừa cuối cùng – maha, anu và ati [các thừa liên quan đến ba bộ nội Mật điển] – nhấn mạnh các pháp tu để kiểm soát tâm thức của hành giả.
Ý nghĩa thật sự đằng sau ba thừa cuối cùng này là cho phép cảm xúc phát triển, và sau đó, thay vì làm nô lệ cho cảm xúc ấy, thì tâm vương của bạn có thể nhìn vào bản chất tối hậu của cảm xúc. Đó là thanh quang. Vậy thì trong ba thừa cuối cùng này, cảm xúc tiêu cực không được xem là điều mà bạn phải khắc phục, mà phải nhìn vào bản chất của chúng, và thấy thực tại. Thế thì điều này dựa trên cơ sở của kinh nghiệm sâu sắc hơn, và là một loại pháp tu rất khác biệt, so với những giai đoạn trước. Ở mức độ của chúng ta thì rất khó tu tập một số giáo pháp của các hành giả cao cấp, những người đã trải qua các giai đoạn này. Chín giai đoạn này không dễ dàng chút nào.
Nên Hành Động Vì Nhân Danh Loài Người, Hay Nhân Danh Đạo Phật?
Gần đây, tôi đã đến Patna, tiểu bang Bihar. Họ đã xây dựng một vihara, một ngôi chùa thật vĩ đại. Họ có một số xá lợi từ các quốc gia theo đạo Phật, và tôi cũng tặng cho họ một số xá lợi. Tại buổi lễ đó, ông Thủ Hiến đã nói rằng nhờ lực gia trì của Phật, nên tiểu bang Bihar sẽ tiến bộ nhanh chóng. Sau đó, tôi nói với ông, vì tôi biết ông, và ông là một người bạn rất thân của tôi, rằng: “Nếu như lực gia trì của Phật có thể giúp cho tiểu bang Bihar phát triển, thì nó đã phát triển sớm hơn nhiều, vì lực gia trì của Phật đã có sẵn rồi. Việc phát triển sẽ không xảy ra, cho đến khi nào một vị Thủ Hiến có thực lực đến đây. Lực gia trì của Đức Phật phải thông qua bàn tay của con người.”.
Cầu nguyện không có tác dụng thật sự, dù cầu nguyện là điều rất tốt đẹp, nhưng khi mình làm điều gì thì khác, phải không? Hiệu quả thật sự cần có hành động. Đó là lý do tại sao đạo Phật nói, “Nghiệp, nghiệp.”. Nghiệp ngụ ý là “hành động”. Vì vậy, chúng ta phải năng động.
Hành động nên được thực hiện với niềm tin: “Tôi là một con người trong gần bảy tỷ người. Tôi có trách nhiệm quan tâm đến phúc lạc của gần bảy tỷ người một cách nghiêm túc. Phải là như vậy đó. Khi tụng một bài cầu nguyện trong nhà Phật, chúng ta luôn nói đó là cho tất cả chúng sinh. Không có Phật tử nào tụng lời cầu nguyện chỉ dành riêng cho người Tây Tạng cả. Đừng bao giờ cầu nguyện kiểu đó. Hoặc chỉ cho thế giới này, mà là có vô lượng thế giới, vô lượng chúng sinh. Sau đó, chúng ta phải thực hiện điều đó, nếu không thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở thành đạo đức giả. Hãy cầu nguyện trên cơ sở của một “đại đồng” to lớn, nhưng nếu như nghiệp hay hành động thực tế của mình lại dựa trên cảm giác mạnh mẽ về “chúng tôi” và “họ”, thì đó là đạo đức giả.
Bây giờ, liệu hành động của chúng ta nên được thực hiện nhân danh nhân loại hay nhân danh Phật giáo? Nếu như bạn cố gắng phát huy giá trị cơ bản của con người trên cơ sở giáo lý nhà Phật, thì nó trở nên hạn hẹp, và không được phổ quát. Truyền thống hàng ngàn năm của Ấn Độ liên hệ đến chủ nghĩa đa nguyên trong tất cả các tôn giáo, và đó là điều thế tục, không thiên vị đối với một tôn giáo cụ thể nào, tôn trọng tất cả các tôn giáo. Bên cạnh các tôn giáo trong nước thì tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới cuối cùng đã an cư ở Ấn Độ. Thế thì trong ít nhất hai ngàn năm qua, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đã chung sống với nhau ở đất nước này một cách tự nhiên. Vì sự kiện này, nên họ đã phát triển đạo đức thế tục. Điều đó rất tốt. Có rất nhiều tôn giáo mà chúng ta không thể tạo ra sự căng thẳng về đức tin tôn giáo. Vì vậy nên cách thực tiễn duy nhất là không đụng chạm đến tôn giáo, mà chỉ đơn giản làm việc với đạo đức thế tục.
Tôi là một Phật tử cam kết một cách trọn vẹn. Nếu như có ai tỏ ra quan tâm đến đạo Phật thì đôi khi, tôi sẽ thấy vui, nhưng không bao giờ cố gắng truyền bá đạo Phật. Đức tin tôn giáo là vấn đề của mỗi cá nhân. Đạo đức thế tục là vấn đề của toàn thể con người. Vì vậy nên chúng ta, cộng đồng Phật giáo, bên cạnh việc tu hành hàng ngày như một Phật tử, nên suy nghĩ nhiều hơn theo chiều hướng này.
Tôi thật sự cảm kích công việc của anh chị em Cơ Đốc giáo. Tôi nghĩ họ đã tạo ra sự đóng góp lớn nhất cho giáo dục trên toàn thể hành tinh này. Bạn không thấy tôn giáo nào khác làm điều đó. Gần đây, ở Ấn Độ, phong trào Ramakrishna đang làm điều gì đó [trong lãnh vực giáo dục đại chúng], nhưng tất cả những nhóm tôn giáo khác vẫn ở trong đền thờ của họ và thu tiền. Bạn thấy đó, chúng ta phải tích cực thúc đẩy một xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn. Ở mức độ đó, tôi nghĩ rằng các anh chị em Cơ Đốc giáo của chúng ta đã thực hiện một dịch vụ lớn lao cho con người. Nhưng trong thời gian đó, họ cũng thực hiện việc truyền giáo, cải đạo, và đó là điều phức tạp.
Một lần nọ ở Salt Lake City, người Mặc Môn (Mormon) mời tôi đến trụ sở của họ. Tôi đã gặp các nhà lãnh đạo của họ, và sau đó, tôi đã nói chuyện với công chúng ở đó. Tôi đã đề cập rằng khi những nhà truyền giáo đi đến những khu vực không có truyền thống tôn giáo vững chắc, thì việc cải đạo những người ở đó sang Cơ Đốc giáo là điều rất tốt. Việc này rất tốt, khi không có triết lý vững chắc nào có mặt sẵn ở đó. Nhưng ở những vùng đã có tín ngưỡng tôn giáo vững chắc thì việc cải đạo sẽ tạo ra xung đột và khó khăn.
Đôi khi, họ sẽ cho tiền, khi người ta cải đạo. Khi có một người cải đạo, thì họ cho $15 đô la. Người Mông Cổ khá thông minh về điều này. nên họ cải đạo hàng năm, nên mỗi năm họ nhận được $15 đô la!
Bản gốc: Study Biddhism bt Alexander Berzin
.
Discussion about this post