ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Lời nói đầu
Cuốn sách này được viết ở Thái Lan, nơi tôi đã sống trong một vài năm. Khi tôi gặp người Thái, tôi đã rất ấn tượng trước sự rộng lượng của họ. Tại Thái Lan, chúng ta gặp nhiều người có lòng rộng lượng vô hạn, dù giàu hay nghèo, và điều ấy khiến chúng ta có cảm hứng để trở nên quảng đại hơn. Khi chúng ta gặp người Thái, chúng ta sẽ nhận thấy sự chân thành của họ, lòng khoan dung và thái độ khôn ngoan của họ trước các vấn đề của cuộc sống. Tôi cũng ấn tượng trước lòng nhiệt thành và tận tụy của các nhà sư – những người sống một cuộc sống đơn giản, “hài lòng với ít ỏi”, và là những người cố gắng chứng ngộ giáo lý Đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày của họ. Khi tôi đến thăm các ngôi chùa ở Thái Lan, tôi thấy Phật giáo được sống trong cuộc sống hàng ngày.
Và vì vậy, tôi đã muốn nghiên cứu Phật giáo. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng Phật giáo chỉ là một tôn giáo dành cho những người sống trong nền văn hóa phương Đông, nhưng khi chúng ta tìm hiểu thêm về Phật giáo, chúng ta sẽ thấy rằng nó hoàn toàn khác với những gì chúng ta vốn nghĩ về nó trước kia. Chúng ta biết rằng, sự thực, Phật giáo là một “cách sống” mang đến lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả mọi người, bất kể quốc tịch nào.
Thông qua việc nghiên cứu giáo lý của Đức Phật, hay còn gọi là “Giáo pháp”, chúng ta học cách phát triển trí tuệ để dẫn đến buông bỏ sự dính mắc vào ý niệm về “ngã” và cuối cùng là sự diệt trừ tham, sân và si. Khi có ít dính mắc trong cuộc sống của chúng ta, sẽ có nhiều chỗ hơn cho tâm từ (Metta) và lòng từ bi (karuùå) đối với tất cả chúng sinh.
Con đường mà chúng ta theo đuổi để phát triển trí tuệ là “Bát Chánh Đạo”. Thông qua sự phát triển Bát Chánh Đạo, chúng ta sẽ dần biết rõ hơn các hiện tượng trong và xung quanh mình, những hiện tượng được kinh nghiệm thông qua sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng liên tục thay đổi và là vô thường. Những gì chúng ta cho là “Tôi” hoặc “tự ngã” luôn luôn biến đổi, chỉ là những hiện tượng sinh rồi lại diệt.
Tại Thái Lan, tôi được trải nghiệm sự thật rằng “ở trú xứ thích hợp là phước lành tối thượng” (Maha-Mangala Sutta). Thái Lan là đất nước nơi tôi đã được gặp “bậc thiện tri thức”, người đã giúp tôi hiểu được giáo lý Phật giáo và là người đã chỉ cho tôi cách phát triển Bát Chánh Đạo. Đó là một phước lành tuyệt vời khi được sống trong một đất nước mà Phật giáo được dạy và thực hành, nhằm có được không chỉ kiến thức lý thuyết về Phật Pháp, mà còn là con đường dẫn sự chứng ngộ lời dạy của Đức Phật trong đời sống hàng ngày.
Đức Phật, người đã đạt được giác ngộ và là người có hiểu biết rõ ràng về tất cả những gì có thật, đã để lại lời dạy của Người cho chúng ta qua Tam tạng (Tipiìaka), ba phần kinh điển Phật giáo, bao gồm Tạng Luật (Vinaya) – gồm các giới luật cho các tì khưu, Tạng Kinh (Suttanta) và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidamma), là “giáo lý cao siêu” hay sự diễn giải về các thực tại một cách chi tiết. Chính Giáo lý Phật giáo là chỉ dẫn thực hành cho chúng ta. Một số người muốn tự mình “hành thiền” ngay lập tức mà không cần học Giáo lý và do đó, họ không biết cách thực hành của họ sẽ đưa đến kết quả nào. Giáo lý Phật giáo rất tinh tế, chúng ta cần suy xét một cách kỹ lưỡng nhằm hiểu điều Đức Phật đã dạy về sự phát triển tâm trí. Phát triển tâm trí bao gồm cả phát triển sự an tịnh (samatha) và phát triển tuệ giác (Vipassana), nhưng mỗi loại có một cách thực hành khác nhau và cho kết quả khác nhau. Nếu chúng ta không đi theo con đường của Đức Phật, mà đi theo cách của riêng mình hoặc của người khác, chúng ta không thể đạt được mục tiêu.
Trong cuốn sách này, tôi không có ý định phác họa tất cả Giáo lý của Đức Phật. Mục đích của tôi là giúp người đọc tự nghiên cứu kinh điển Phật giáo và thực hành đúng theo Giáo lý. Tôi mong người đọc đọc cuốn sách này với sự suy xét, tự mình thẩm định về những gì kinh điển Phật giáo nói đến. Bằng sự thực hành của riêng mình, chúng ta có thể tự chứng minh con đường mà chúng ta đang đi có đúng theo mục tiêu mà chúng ta đã chọn hay không. Nếu chúng ta muốn phát triển tuệ giác, Vipassana, kết quả nên là có hiểu biết hơn các thực tại xuất hiện tại giây phút hiện tại thông qua năm căn và ý căn, và bớt dính mắc vào ý niệm về “ngã”. Cuối cùng, người đọc sẽ phải tự tìm ra cho mình và tự quyết định về con đường mà mình sẽ theo đuổi trong suốt cuộc đời.
Tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc đối với Bà Sujin Boriharnwanaket – người đã giúp tôi hiểu giáo lý Phật giáo và là người đã chỉ cho tôi con đường phát triển Vipassana trong cuộc sống hàng ngày. Cuốn sách này sẽ không thể được thực hiện mà không có sự giúp đỡ và những lời khuyên giá trị của Bà, những lời khuyên được thu thập từ những chương trình phát thanh về Phật giáo bằng tiếng Anh mà được ấn bản và tái bản nhiều lần bằng tiếng Thái. Trước đây, cuốn sách này đã được in thành hai phần với tựa đề Tổng quan Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày (giờ là phần I) và Sự phát triển tâm trí trong cuộc sống hàng ngày (giờ là Phần II). Jonathan Abbot và Susie Whitmore đã giúp đỡ nhiều trong việc biên soạn hai phần này. Phiên bản này đã được tái bản tại Anh theo yêu cầu của một số người Anh. Tôi xin bày tỏ sự trân quý của tôi tới “Hội Nghiên cứu và Tuyên truyền Giáo pháp”, tới các nhà tài trợ cho việc in ấn, Asoka Jayasundera và gia đình, Anura Perrera và gia đình, Laksham Perera và gia đình; và nhà xuất bản Alan Weller. Nhờ sự giúp đỡ của họ, việc tái bản cuốn sách này đã có thể thực hiện được. Tôi đã viết cuốn Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày cách đây một thời gian dài, sau đó tôi đã viết cuốn Vi Diệu Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Thế giới trong cái nhìn Phật giáo, và cuốn Con đường của Đức Phật. Cuốn sách cuối cùng đưa ra phác thảo đầy đủ hơn về lời dạy của Đức Phật dành cho người phương Tây, những người có thể không có cơ hội nghiên cứu Phật giáo và những người có thể thấy khó nắm bắt nội dung cốt lõi của Giáo lý. Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày phản ánh kinh nghiệm của riêng tôi khi tôi lần đầu tiên tiếp xúc với Phật giáo ở Thái Lan và có được ấn tượng sâu sắc trước Giáo lý của Đức Phật.
Đối với những trích dẫn từ kinh điển Phật giáo, tôi đã sử dụng chủ yếu là các bản dịch tiếng Anh của Tổ chức tiếng Pali (Pali Text Society ). Đối với những trích dẫn từ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), tôi đã sử dụng bản dịch của Bhikkhu Ñanamoli (Colombo, Sri Lanka, 1964). Thanh tịnh đạo là một Bách khoa toàn thư về Phật giáo, được luận sư Buddhaghosa biên soạn từ các chú giải cổ vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên.
Tôi đã viết các chương dưới dạng các câu hỏi và câu trả lời bắt nguồn từ những câu hỏi đã thực sự được đặt ra của những người phải đương đầu với nhiều vấn đề trong thực hành thiền minh sát (vipassanå). Tôi thấy từ kinh nghiệm của bản thân rằng việc thực hành vipassanå là rất tinh tế; rằng sự dính mắc vào ý niệm về ” ngã” và mong muốn đạt được kết quả có thể dễ dàng khiến chúng ta lạc lối, rằng chúng có thể làm cho chúng ta đi theo tà đạo thay cho chánh đạo.
Khi tôi viết cuốn Phật giáo trong đời sống hàng ngày, tôi đã nghĩ về nhiều người muốn biết sự thực về bản thân họ. Tôi nhận thấy Giáo pháp là phước lành lớn lao nhất trong cuộc đời và tôi muốn chia sẻ với mọi người điều mà tôi đã được học từ Giáo lý của Đức Phật và từ việc thực hành Giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này có thể giúp mọi người tìm thấy được chánh đạo để dẫn đến sự an bình thực sự.
Mong cho Giáo pháp là phước lành tối thượng đến trong cuộc đời tất cả chúng ta.
Nina Van Gorkom
(Thiền Viện Phước Sơn)
Discussion about this post