ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN VÀ TÍNH ĐẢNG
Nhóm phóng viên (RFA) tường trình từ Việt Nam 2015-05-31
(Bài viết lưu trữ chưa phổ biến public)
Những phương cách tuyên truyền trong cửa chùa
Một vị Đại Đức không muốn nêu tên, buồn bã chia sẻ: “Nói chung đại lễ Phật Đản tỉnh nào cũng tổ chức vậy hết, có xe hoa chạy khắp các nơi, cũng có phát quà từ thiện. Nhìn chung, sách báo bây giờ nêu cũng nhiều, cũng có nhiều người tu hành nhưng lại có đạo hạnh không được bình thường, nhưng đó là số ít chứ cũng không nên vì vậy mà vơ đũa cả nắm. Nhìn chung, nhiều vị bây giờ lạ lắm, tu hành mà cũng đi chơi, chạy sô, cũng đeo vàng, dắt chó săn, đeo kính đen. Nhìn chung là bây giờ cũng hơi lộn xộn. Nhưng cũng không hẳn vì vậy mà nhìn bi quan…”.
Theo vị sư này tiết lộ, hằng năm, các chương trình đại lễ trong tôn giáo đều phải lên danh sách người tham gia, tham dự, sau đó viết kịch bản và trình lên cho cơ quan văn hóa địa phương để họ duyệt. Và các chương trình này có thể bị cắt gọt rất nhiều, miễn sao vừa lòng các quan chức địa phương. Ngay trong các tiết mục văn nghệ mừng đại lễ cũng phải có sự đồng ý của cơ quan văn hóa địa phương.
Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong vấn đề quản lý chùa chiền, sư sãi hiện tại từ phía nhà nước. Nếu đi sâu vào vấn đề, tất cả các trụ trì của các chùa đều do nhà nước chỉ định. Và có một điều chắc chắn là những vị trụ trì kiêm nhiệm chức vụ cỡ Phó Chủ tịch đến Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo tỉnh phải là một đảng viên Cộng sản, có thể họ công khai điều này và cũng có thể đây là một chuyện bí mật. Nhưng tất cả những gì các vị này phổ biến cho các Phật Tử đều mang dáng dấp chủ trương của Đảng và họ rất triệt để trong chỉ đạo thực hành.
Ngay cả việc treo cờ Phật Giáo trong các đại lễ, nếu như trước đây, các chùa chỉ cần treo cờ Phật Giáo thì hiện tại, các sư Chủ tịch đã ra lệnh cho các chùa phải treo cờ đỏ sao vàng cùng lúc với cờ Phật Giáo và khi treo, cờ đỏ sao vàng phải nằm vị trí cao hơn cờ Phật Giáo với lý lẽ “nếu như không có tổ quốc lấy chỗ nào để Phật tử hay chùa chiền sinh hoạt? Và nếu không có tổ quốc thì chùa chiền còn ý nghĩa gì? Tổ quốc phải cao nhất!”.
Chính vì cách biện luận như vậy mà mọi chùa đều phải treo cờ đỏ sao vàng cao hơn cờ Phật Giáo. Đó là chưa muốn nói đến việc hiện nay, có rất nhiều chùa đã thực hành cho Phật Tử hát quốc ca trước khi hát đạo ca trong các buổi lễ hay chương trình văn nghệ chùa. Mà với vị Đại Đức này, không có gì khó chịu cũng như không có gì nguy hiểm hơn việc cho hát những ca từ theo kiểu “đường vinh quang xây xác quân thù…/ Tiến quân ra sa trường tiến lên cùng tiến lên…”. Những ca từ như vậy hoàn toàn không phù hợp với môi trường sinh hoạt lấy lòng từ bi làm mục tiêu và lẽ sống cho con người.
Chính vì sự pha tạp theo kiểu nửa Phật nửa chính trị, nửa tôn giáo nửa tuyên truyền như đang thấy đã làm các vị sư chuyên tâm tu tập cảm thấy mình đang rơi vào một loại ma trận rất khó xử nếu như tiếp tục bám trụ ở chùa. Nhưng môi trường hiện tại, để được vân du khắp nơi truyền bá đạo pháp và tu tập đạo hạnh cũng hết sức khó khăn. Mỗi mùa Phật Đản đến là một mùa mà Phật tử thuận thành cảm thấy mình càng rời xa mái chùa thân yêu thuở nào.
Đạo hạnh ngày càng xuống cấp
Một vị Tỳ Kheo thuộc hệ phái Khất Sĩ, đang tu ở một tịnh xá thuộc khu vực Tây Nam Bộ, không muốn nêu tên, buồn bã chia sẻ: “Bây giờ trá hình thì đầy, làm như một kiểu phong trào, bột phát một thời gian vậy đó. Nó giống như không phải hướng về chúng sanh mà hướng về một thứ chi đó. Chùa bây giờ cũng mệt lắm, phe phái về ông này ông kia, đủ các trò. Đạo hạnh của nhiều sư có vấn đề trầm trọng…”.
Theo vị này, đạo hạnh của các bậc tu hành hiện nay có vấn đề trầm trọng. Nếu như các trang mạng xã hội tung lên các video clip cho thấy đời sống của một số tăng sư đã chuyển sang hình thái đồi bại và trụy lạc thì điều đó cũng không đáng kể cho mấy so với thực tế. Nghĩa là thực tế đời sống tại các đạo tràng Việt Nam hiện nay đã xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, khó bề mà điều chỉnh trở lại cho tử tế.
Chuyện thầy chùa đi uống bia ôm, đi tán gái, chạy xe hơi siêu khủng, dùng điện thoại cio1 giá vài trăm triệu đồng, đua đòi ăn chơi hoặc sinh hoạt tình dục nơi cửa chùa không còn là chuyện quá ngạc nhiên trong hiện tại.
Hơn nữa, với kiểu qui định tất cả mọi khoản tiền cúng dường từ Phật Tử, sư trụ trì được ăn chia theo tỉ lệ 40/60, nghĩa là trong một triệu đồng, sư trụ trì được hưởng bốn trăm ngàn đồng, hoặc ở một số nơi, tỉ lệ này thấp hơn nhưng số lượng Phật tử đến cúng dường lại rất cao, số tiền một trụ trì thu được hằng tháng có thể lên đến tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Làm trụ trì ở chùa có nhiều Phật tử giàu có sẽ có thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm một giám đốc doanh nghiệp.
Chính vì những mối lợi vật dục này đã làm mờ mắt rất nhiều tăng sư và họ chấp nhận mọi điều kiện từ phía nhà nước để được nắm quyền trụ trì. Phần lớn các trụ trì được chỉ định từ phía nhà nước, họ là người của Đảng hoặc chí ít cũng thông qua nhiều khóa đào tạo của Đảng để khi được phân bổ trụ trì, họ thực hiện đúng chức năng của một tuyên truyền viên tôn giáo nhằm đảm bảo sự tồn tại của Đảng cao hơn sự tồn tại của Đức Phật cũng như gieo rắc niềm tin vào mỗi Phật tử về sự trường tồn của Đảng.
Chính vì bức tranh xôi đậu trong tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng ngày càng đậm nét nên cuộc tranh đoạt quyền lợi, rời xa phẩm hạnh nhà tu ngày càng bùng phát trong giới tăng sư trực thuộc giáo hội Phật giáo nhà nước. Và cứ mỗi mùa lễ hội lớn như đại lễ Phật Đản, Vu Lan Bồn – Tự Tứ Tăng, những trò hề chính trị pha tạp lại diễn ra lộ liễu nơi cửa Phật.
Mùa lễ Phật Đản năm nay lại đến, nỗi buồn của các vị chuyên tâm tu học lại dày thêm bởi những vở kịch đời trá hình tôn giáo lại sắp diễn ra. Nói đến đây, vị Tỳ Kheo này im lặng, không nói gì thêm.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Nguồn:
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/vesak-n-party-05312015055226.html
Discussion about this post