Đối với các Phật tử, ngày Rằm tháng Tư, đại lễ Phật Đản là một ngày có ý nghĩa vô cùng lớn bởi đây là ngày mà Phật tử toàn thế giới hướng về Đức Bổn Sư, Đức Giáo Chủ của Phật Giáo. Ngày kỉ niệm ngài thái tử Tất Đạt Đa ra đời, thế giới đón nhận thêm một nguồn hỷ lạc và cũng là nguồn ánh sáng chân lý để mỗi người tự soi mình, tìm ra bản lai diện mục, sống đẹp hơn, nhân ái hơn. Đại lễ Phật Đản năm nay có lồng thêm chương trình đón mừng đại hội Vesak. Với không ít Phật tử, đại hội Vesak năm nay mang tính chất lễ hội, festival nhiều hơn là một chường trình lễ nghi tâm linh.
Vesak làm tốn kém quá nhiều
Một Phật tử miền Trung, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Vesak Việt Nam vừa rồi cho đến bây giờ thì biểu tượng về người Việt, văn hóa Việt cũng không có luôn. Về khía cạnh tôn giáo, Vesak vừa rồi tổ chức ở Hà Nội, giờ thì là Ninh Bình nên cái tôn giáo này chỉ nằm một cánh phía Bắc thôi, điều đó chứng tỏ chính quyền làm chủ tôn giáo Việt Nam, điều này rất rõ ràng luôn. Tại sao trong miền Nam không làm được, cho nên cả chủ trì trong tôn giáo cũng dính đến chính quyền, mình đâu có làm gì được đâu.
Về vấn đề kinh tế hoàn toàn không mang lại gì, vấn đề tâm linh cũng vậy, không gợi mở cho người Việt đi vào nội tại của họ như sự bình yên. Nó trở thành như một lễ hội rồi, Vesak đầu tiên còn có chút tôn giáo, sự ngưỡng mộ. Nhưng Vesak ở Việt Nam năm nay nó giống như một lễ hội lớn, chứ không mang lại một sự tín ngưỡng về tâm linh, và đời sống, hành vi xã hội thì giống như việc khơi mở chỗ đông người để gầy dựng thân thế mạnh vậy thôi. Còn chính quyền thì nó có chút lợi điểm về kinh tế, cá nhân. Ngay trong Phật giáo cũng vậy luôn!”
Theo người này, tình hình hoạt động của giáo hội Phật Giáo nhà nước năm nay có vẻ tốn kém và mang tính đại trà, ít mang dấu ấn tâm linh hơn mọi năm. Vì theo ông, một đại lễ nhằm hướng đến tâm linh viên mãn không cần phải hoa hòe hoa sói và cũng không nên để ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người Phật tử nói riêng và người dân nói chung. Trong khi đó, một đại lễ có khuynh hướng festival du lịch đã làm ảnh hưởng khá nặng đến các Phật Tử.
Nếu như những dịp như thế này là cơ hội thu nhập một cách bội phát của một số chức sắc trong giáo hội Phật giáo nhà nước, và cũng là cơ hội thu nhập khá ngon cơm của các trụ trì ở các chùa nhà nước thì với các Phật tử, việc đóng góp sức người, sức của cho những đại lễ như thế này không phải là nhỏ. Thậm chí có nhiều Phật tử nhỏ tuổi phải nằm viện vì quá hăng hái tham gia tập luyện các chương trình văn nghệ chùa.
Đặc biệt, trong tình hình đất nước có biến, kẻ ngoại xâm đã vào tận vùng đặc quyền kinh tế quốc gia và tác oai tác quái ở đó, gây thương tích cho nhiều cảnh sát biển Việt Nam và làm hư hỏng nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Theo người Phật tử này, lẽ ra, tất cả các chùa trực thuộc giáo hội nhà nước phải dừng ngay chương trình đại lễ, chỉ tổ chức ở qui mô tưởng niệm Bổn Sư và đồng hành cùng những người yêu nước khác phản đối xâm lăng. Vì phản đối xâm lăng cũng có nghĩa là phản đối bạo lực, phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, đó cũng là giới hạnh của con nhà Phật.
Nhưng rất tiếc, cho đến thời điểm này, số lượng cờ, băng rôn, biểu ngữ cổ xúy và hưởng ứng đại hội Vesak đã cắm khắp mọi nẻo đường và hầu như mọi sự chú ý đều được điều hướng về đại hội Vesak. Đặc biệt, dường như các vị sư trong giáo hội Phật Giáo nhà nước vẫn chưa có hành động nào nhằm hướng dẫn cho Phật tử đi đến hành động hợp lý nhằm phản ánh lòng yêu nước và sự bất bình trước kẻ xâm lăng Trung Quốc. Hầu như mọi hoạt động để đi đến đại lễ Phật Đản và đại hội Vesak vẫn xoay quanh trục tài chính, tính hình thức và sự phô trương thanh thế nào đó.
Các chùa Phật giáo Thống Nhất bị cô lập
Một vị Đại Đức tham gia chương trình đại hội Vesak cho biết: “Các nước thì 4 năm tổ chức một lần, năm nay Việt Nam đăng cai nên tất nhiên năm nay các tỉnh, các huyện, các chùa họ sẽ tổ chức lớn hơn, quy mô hơn.”
Theo vị này, đại hội Vesak năm nay không có sự tham gia hay tham dự của các vị cao tăng Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất vì ban tổ chức đại hội không có chương trình mời các vị này. Điều này cũng cho thấy đại hội Vesak là của nhà nước, mang đậm tính chính trị mặc dù trên danh nghĩa đây là một đại hội tôn giáo. Cũng theo vị này, một đại hội tôn giáo đích thực phải mang tinh thần không phân biệt, cùng hướng đến đức Bổn Sư và cùng hồi hướng công đức của Ngài. Bất kì chi phái nào hoặc tổ chức nào có chung mục đích hướng thiện và thờ chung Đức Bổn Sư đều có thể là đối tượng được mời tham gia đại hội. Có như vậy mới phản ánh được tinh thần đại bi, viên dung của nhà Phật.
Hiện tại, thời gian khai mạc đại hội Vesak đang được đếm ngược và thời gian diễn ra đại lễ Phật Đản cũng đang được đếm ngược. Không khí đại hội, lễ hội có vẻ chộn rộn, nóng bỏng trong giới Phật tử. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của Phật tử với đại hội và đại lễ rất cao nhưng đồng thời cũng làm lộ ra tính lễ hội, tính phong trào và ít nhiều mang dấu hiệu của đám đông nhiều hơn là một chương trình mà ở đó những người tham gia cũng như tham dự nhận rõ giá trị cũng như ý nghĩa của nó.
Một bạn trẻ ở Sài Gòn quyết định bỏ ra hai mươi triệu đồng để đến chùa Bái Đính, Ninh Bình tham dự đại hội Vesak. Chia sẻ với chúng tôi, bạn trẻ này nói rằng cô không phải là một Phật tử, cô cũng không theo tôn giáo nào, cô là một đoàn viên đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cô đến Bái Đính vì đây là một đại hội Phật giáo Liên Hiệp Quốc, qui mô to lớn của nó hứa hẹn sẽ có một đô hội kì thú ở chốn này và nó sẽ giúp cô xả stress tốt hơn đi du lịch những nơi khác.
Mối lo duy nhất của cô bạn trẻ đoàn viên này là không biết với qui mô to lớn như vậy, có đủ phòng ốc cho khách du lịch và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có đảm bảo hay không. Vấn đề còn lại là túi tiền hai mươi triệu đồng của cô không biết có đủ để chi tiêu trong vòng bốn ngày hay không bởi vì theo kinh nghiệm đi du lịch của cô, những nơi đô hội thường kèm theo nạn chặt chém, cướp giật, móc túi và nhiều thứ tệ nạn khác.
Mối quan tâm và lo lắng của một bạn trẻ đoàn viên về chuyến đi chơi của cô giữa lúc đất nước đang dầu sôi lửa bỏng vì kẻ xâm lược Trung Quốc đang tiến dần mỗi lúc một sâu vào vùng biển Việt Nam với thái độ hung hăng, bất chấp khiến chúng tôi thấy lo lắng và nghĩ về những hoạt động đại lễ rình rang trong những ngày sắp tới một cách không được mỹ mãn.
Bởi lẽ, một đại hội hay một đại lễ hoành tráng, qui mô chỉ diễn ra một cách có ý nghĩa trong lúc đất nước thanh bình, người dân no ấm. Một khi đất nước đang bị đe dọa, mọi thứ hội hè đình đám đều mang ý nghĩa đồng lõa và thỏa hiệp với sự vô tâm, vô trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.
( RFA: Nhóm phóng viên tường trình từ VN)
Discussion about this post