Chùa có niên đại hơn 200 năm, khoảng giữa thế kỷ XVIII, xuất hiện sau thời kỳ Đình Làng Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp (xưa là Vĩnh Xương) được dân làng lập nên bằng mái tranh vách đất tọa lạc gần đó.
Chùa chỉ là một ngôi chùa nhỏ do làng lập nên vào năm 1858, làng quản lý thờ phụng, cắt cử thủ tự trông coi. Được biết, trong khuôn viên chùa hiện nay có phần mộ của đến 4 vị hàng Tổng, và một số mộ phần của các vị tiền hiền chức sắc trong làng.
Năm 1864, Hòa thượng Tế Định, dòng thiền Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, đã được làng cung thỉnh về đây để hành đạo, nên được xem là vị trụ trì đầu tiên.
Theo sử sách còn ghi, khi vua Chăm Pa xin hàng và dâng đất từ sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần đã đưa người Việt đến định cư tại vùng đất mới và thành lập dinh Thái Khang gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, sau đó đổi thành dinh Bình Khang, rồi Trấn Bình Hòa, và năm 1831 mới chính thức đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa. Trong đoàn người di cư vào vùng đất mới có các nhà sư lên đường để hoằng pháp và hướng đạo tinh thần cho cộng đồng người Việt mới định cư. Vì vậy, Phật giáo đã có mặt ở Khánh Hòa rất sớm, và Tổ Tế Định là một trong những cao tăng mở đạo thuở ban sơ cùng lúc hoặc sau các Tổ Tế Điền-Như Bổn, Tế Cảm-Linh Phù, Tế Dưỡng- Châu Cấp, Tế Xuân-Lưu Quang và Tế Hiển-Bửu Dương v.v…
Sau khi Tổ Tế Định viên tịch, chùa lại được làng quản lý trông nom…
Năm 1945, Hòa thượng Thích Minh Tân, húy Thanh Tú, tự Hoằng Thạnh nhận trụ trì, bắt đầu tôn tạo, tu bổ lại ngôi chùa đang trong tình trạng tiêu điều, dột nát…
Đến năm Đinh Mùi 1967, nhờ công hạnh uy đức Hòa thượng được Phật tử và đàn na tín thí trong vùng tôn kính và ủng hộ, nên ngài đã thuận duyên mở cuộc đại trùng tu xây dựng hoàn thành ngôi chánh điện trên nóc có lưỡng long chầu pháp luân, và Tổ đường uy nghiêm, làm rạng rỡ Phật đạo và môn phong.
Năm 1988, chùa xây dựng thêm một công trình quan trọng là kiến tạo thêm bên ngoài sân, phía trước ngôi bảo điện một tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trong tiểu điện bốn trụ rồng uốn leo, trên đỉnh nóc điện là búp sen hồng, trước điện là một hồ thả sen súng… Phía trước hồ sen súng được bài trí một lư hương lớn, có đôi hạc trắng chầu hai bên thật oai nghi hiền hòa. Cách khoảng 2 thước về phía trước là hai vách tường thành thấp, cùng trụ cổng bằng gạch quét vôi, đắp nổi ba chữ “Quan Âm Đài”.
Trong những năm kế tiếp, chùa xây thêm những tịnh thất, tăng xá, nhà trù… và đổi hướng cồng chính vào chùa, nên cổng tam quan dời qua phía bên phải của ngôi chánh điện để đại chúng thuận tiện đi lại, tránh được đường vòng xa xôi khó tìm đến chùa lễ Phật, tu tập…
Năm 2009, Hòa thượng Minh Tân viên tịch, an nghỉ trong ngôi bảo tháp 3 tầng khiêm cung nằm trong sân vườn gần bên Quan Âm Đài.
Thời gian sau đó , Đại đức Thích Duy Châu, húy Tâm Tạng, hiệu Tế Hải, là hàng điệt tôn (sư cháu) được điều về làm giám tự. Qua 10 năm trông coi gìn giữ ngôi chùa vùng quê ngoại thành, vừa ngăn chặn được tệ nạn trộm đạo phá phách chốn tu hành, Đại đức trụ trì vừa xây dựng thêm nhiều công trình nhỏ như khu ký gửi linh cốt vào năm 2017 để đáp ứng nguyện vọng của Phật tử trong thôn xã, đồng thời thiết trí thêm cảnh vật quanh chùa ngày càng tươi sáng, trang nghiêm, và chính thức được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì vào năm 2019.
Chùa hiện nay còn lưu giữ được 2 cổ vật của chùa xưa: tượng Bổn Sư Thích Ca bằng đất nung đã được sơn lại lớp sơn mới, và chiếc chuông đồng nhỏ đã đen xỉn theo thời gian…
Ngoài hai thời kinh công phu hằng ngày, nhà chùa mở rộng cửa vào các ngày đại lễ Phật Đản, Vu Lan… cũng như các buổi tối 14 và 30 để Phật tử trong thôn xã vào điện lạy Phật, dự lễ sám hối, cầu an, cầu siêu, thăm viếng khu ô linh cốt…
Discussion about this post