CĂN BỆNH PHÓNG TÂM
Nhất Tâm
Ai cũng biết rằng: Vì chúng sanh mắc phải nhiều căn bệnh nan y, cho nên Đức Phật bày ra nhiều phương thuốc cốt để chạy chữa. Hôm nay, chúng tôi xin nói về căn bệnh “phóng tâm”, một bệnh thuộc loại nan y.
Phóng tâm nghĩa là gì?
Thông thường, đức Phật và cả đạo Phật đều dạy chúng ta: Phải nhớ định tâm, giữ sao cho Tâm trở nên chuyên nhất. Đừng để Tâm buông lung, chạy theo bất cứ duyên đời. Kinh Pháp Cú đã nói:
“Giữ tâm lại một chỗ,
“Không việc gì mà không làm được”
Và Phóng Tâm nghĩa là làm ngược lại.
Phóng tâm, nghĩa là thả tâm chạy rong theo tiền trần, không biết câu thúc, không hề phá trừ phiền não và kiềm chế vọng tâm. Vì thiếu ĐỊNH TÂM nên cứ chạy theo những cám dỗ bên ngoài, buộc tâm ý bị nổi trôi theo những duyên đời và rồi, do đó luôn bị mê mờ theo tham dục mà tưởng rằng mình làm việc thiện, mê mờ danh vọng mà nghĩ rằng mình đang cứu độ chúng sanh, mang lại ích lợi cho kẻ khác và thế giới… vân vân…
Phóng tâm là căn bệnh phổ biến, thường gặp của tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai, kể cả những nhà tu chuyên nghiệp. Ngay cả kẻ viết bài này cũng đã hằng ngàn lần bị nó hành hạ và dẫn dắt. Rồi sau đó, bị nó vẽ vời làm cho chính mình bị lạc vào mê hồn trận khó lối thoát ra. May thay, nhờ vào cơ duyên nhiều kiếp trước, nên chúng tôi bám chặt vào tha lực Cứu Độ của A Di Đà, và tỉnh táo bước ra khỏi mạng nhện của sự phóng tâm.
VÀI THÍ DỤ VỀ “PHÓNG TÂM”
Anh Dũng, một người kiên cố với pháp môn Thiền Quán đã hai chục năm nay. Buổi sáng thức dậy, anh tụng một thời kinh ngắn, rồi xếp bằng trước bàn thờ Phật, hít thở và quán niệm theo các đề mục có sẵn. Xong, anh qua xưởng mộc sát bên hông nhà để hướng dẫn các thợ làm việc theo yêu cầu của khách hàng. Chiều tối sau khi công việc xong xuôi, anh giải quyết việc nhà, ăn tối sớm và nghỉ ngơi. Tối đến, anh đọc sách và chuẩn bị công phu.
Nếp sống tâm linh luôn song hành với mưu sinh bằng nghề mộc. Dù tôi không biết khả năng nghề nghiệp của anh ra sao, chỉ biết anh là người chịu khó, chăm chỉ, nên qua thời gian gia đình anh đã có nhà cao cửa rộng. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Anh ta có thể sống yên vui để tu trì nhờ vào nghề nghiệp chân chính ấy, nếu không có biến cố xảy ra bất ngờ.
Hôm nọ, ngồi cà phê buổi sáng, các anh em bạn hàng tự nhiên thảo luận sôi nổi đến cây cảnh, nuôi chim và nuôi cá kiểng: những thú chơi của các bậc đại gia. Nhiều kẻ biết đầu cơ, bèn phất lên như diều gặp gió. Nhiều kẻ ngẫu nhiên mua trúng một con cá kiểng cốt để nuôi cho vui, ai ngờ đó là giống cá quý của Nhật Bản và lắm vị đại gia cỡi xế hộp đến nhà đòi mua cho bằng được. Và chủ nhân đã bán được bạc tỷ.
Trong phút bốc đồng, anh Dũng phóng tâm và tự nguyện bước vào một ngành làm ăn mới lạ, với hy vọng lên đời.
Và đây là một nghề mới, nên anh Dũng không khỏi bỡ ngỡ, nhưng rồi sau vài tháng, anh đã trở nên sành sõi. Đây là “nghề chơi” của những kẻ nhiều tiền lắm bạc, nên có lúc cao trào thì rất dễ ăn tiền, nhưng ngược lại, lúc thoái trào thì… ngậm bồ hòn làm ngọt. Vậy thôi. Và mấy năm, sau mấy chuyển rớt giá, thua đậm, thất bại liên tục. Nhất là, vì vướng kinh doanh cây cảnh, mà anh phải giảm hoặc hủy bỏ việc hành trì. Anh Dũng buồn sự tình chằm hăm nhìn vào đống cây cảnh, mấy chục bể cá kiểng và lồng chim – mà ngao ngán! Muốn tống khứ nhưng dễ dầu chi?
Rốt cuộc, vì một phút phóng tâm theo kẻ khác, anh Dũng phải bỏ gần mười năm mới giải quyết xong, mất mớ tiền và mất cả tâm huyết, bỏ phế cả những buổi thiền quán quý báu mà ngàn vàng cũng không thể đánh đổi được – rồi anh vui vẻ trở lại với nghề mộc, ăn chắc mặc bền cho khoẻ.
…
Nhân vật thứ hai của chúng tôi là anh Phu, vốn là nhà tu tại gia chuyên nghiệp. Mười mấy năm ròng, anh ta ăn chay trường, sáng tụng Lăng Nghiêm, Thập Chú, bái sám. Chiều tối, tụng Phổ môn, Di Đà. Thỉnh thoảng tham gia các buổi cầu an cầu siêu cho bất cứ ai yêu cầu. Tôi thấy rằng: Cuộc sống tu hành của anh Phu rất chi là tốt đẹp và đàng hoàng, nghiêm chỉnh xứng đáng làm gương cho những người như tôi.
Một hôm nọ, tôi rất bị “sốc” khi nghe tin anh Phu bỗng dưng từ bỏ đạo Phật. Con người tôi như bị đắng họng, bần thần không làm chi được. Tôi vội đạp xe ra nhà anh. Anh tiếp khách với dáng điệu gượng gạo. Sau một chốc anh mới từ tốn kể lể mọi chuyện:
– Tu lâu thì phải tiến bộ theo một cách thức nào đó. Tôi hành trì đã mười lăm năm, đã đến lúc mình phải thay đổi phương tiện phát triển tâm linh. Bây giờ, xuất hiện một bậc Đại Đạo Sư có những giáo pháp tối tân, phù hợp với hiện đại, thì mình phải vứt bỏ giáo lý cũ, để theo cái mới…
Tôi hỏi:
– Bậc Đại Đạo Sư ấy là ai mà anh phải quăng bỏ Đức Phật phũ phàng như thế?
Anh nghếch mặt lên cao, hí hửng trả lơi:
– Hồng Sơn Vô thượng sư!
Tôi cười lớn:
– A! Thì ra là bà ấy, bà ấy huyên hoang, phách lối – mà anh gọi là đạo sư vô thượng ư?
Tức thì anh ta giẫy nẫy:
– Anh không được quyền phỉ báng đức tin của kẻ khác! Chúng ta có thể liên hệ như bạn bè hoặc là không, chứ đừng xâm phạm đời tư của nhau!
Tôi lật đật ra về, khỏi cần chào từ giã. Tình bạn đứt đoạn từ đó.
Sau này, qua tìm hiểu từ nhiều nguồn, tôi được biết, anh đã vứt bỏ công phu và cách hành trì của Phật Pháp để được một cái gọi là “Truyền Tâm Ấn”, “Bí pháp Quán Âm” một tà pháp của đạo Silk bên Ấn Độ. Và anh chính thức gia nhập giáo phái nầy. Anh còn truyền bá cho mấy người em và cả bà mẹ của anh.
Rồi thời gian bần bật qua mau, mới đó mà đã gần mười năm, tôi buồn cười khi nghe anh đã vẫy tay chào từ giã người đàn bà mắt lé kia cùng giáo lý hỗn tạp của bà ta.
Vào buổi sáng rất đẹp trời, anh ta bỗng dưng xuất hiện trước cổng nhà tôi. Khuôn mặt khá tiều tụy nhưng nhìn kỹ thì trên đôi mắt, vẫn còn vương vấn những nét bâng khuâng, xao xuyến như kẻ vừa bị người yêu bỏ rơi.
Tôi lịch sự pha trà và rót nước hoan hỷ mời khách, nhưng khách cứ mãi ngồi yên. Câm lặng, hút thuốc lia lịa và không nói năng chi, sắc mặt ra vẻ như hoang mang kẹt lối. Tôi gượng cười:
– Sao đó? Công việc hành trì đã tới đâu rồi?
Sau mấy bận thở dài sườn sượt, cuối cùng anh nói:
– Tôi đã rời bỏ người đờn bà ấy cùng giáo lý lăng nhăng của bà ta rồi. Nhưng, bây giờ tui như kẻ đánh mất phương hướng. Các thân hữu, các thiện tri thức đều trở mặt với tôi. Mình bối rối và đau khổ quá! Hiện không biết phải tu hành theo đường lối nào…
Lúc đó, tôi đang bận vài việc nhà, không thể thong thả ngồi nghe anh tâm sự. Bèn vô nhà trong, lấy ra cuốn sách NIỆM PHẬT THẬP YẾU do đại sư Thích Thiền Tâm biên soạn và chú giải từ những năm 1970. Tôi trao cho anh cuốn sách ấy, và nói:
– Như anh đã biết, đạo Phật vốn có rất nhiều pháp môn, nhưng rốt cuộc chỉ có pháp môn Niệm Phật là chúng ta có thể hành trì dễ dàng, mà lại an toàn, không gây nên biến chứng. Anh mang về đọc và cứ thế hành trì, khi nào rãnh tôi sẽ ra nhà anh và cùng thảo luận cho vui. Tôi hiện đang bận chút việc, anh thông cảm cho nhé!
…
Từ đó, anh quyết tâm thực hành theo lời dạy trong sách và kinh, thề quyết không thay lòng đổi dạ để đi theo một con đường nào khác nữa cả.
Về sau, anh tâm sự với tôi rằng, vì một phút phóng tâm nhất thời, mà anh đã trả giá vô cùng đau thương. Cuộc sống gia đình và cả công chuyện làm ăn cũng bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Gần 20 năm sau, anh ta mới dứt trừ những hậu quả không mấy tốt đẹp của một thời lầm mê đi theo tà giáo.
…
CON MÈO CỦA NHÀ SƯ PHÓNG TÂM
Một ông sư tu hành trong một tịnh thất nhỏ, nơi yên tĩnh xa cách thị thành. Quyết chí tu tập để giải thoát nên sư chăm chỉ thiền quán không bao giờ bê trễ, lười biếng – tự nguyện sống trong cảnh thanh bần nhưng luôn tìm thấy niềm hoan lạc vô biên, kết quả của sự tinh tấn không ngừng nghỉ. Nếu câu chuyện ngừng ngang đây thì chẳng có gì để nói.
Nhưng ông sư này cũng bị phiền phức do lũ chuột mang lại, khiến sư không thể tham thiền nhập định được. Bầy chuột lại còn gặm nhấm y phục, và xơi sạch chút thức ăn ít ỏi do sư bỏ công nhẫn nại khất thực hàng ngày. Sư đem vấn đề này ra hỏi ý kiến của các vị cư sĩ đệ tử khôn ngoan. “Làm thế nào để giải quyết sự quấy rối của các chú chuột?”. Mấy vị cư sĩ liền mách nước:
– Ối dào! Khó khăn gì chứ? Sư cứ mang về một con mèo thì các chú chuột ba chân bốn cẳng lỉnh đi chỗ khác liền ngay!
Bản chất chúng sanh là dễ dàng phóng tâm, cho nên vừa nghe qua, ông sư đồng ý ngay.
Người đệ tử mang đến cho sư một chú mèo nhỏ và từ khi có chú mèo thì tịnh thất của sư không còn bị lũ chuột gây nhiễu loạn nữa.
Sư thấy sự góp mặt của chú mèo này quả nhiên giúp sư tu hành tinh tấn hơn, mọi thứ trở nên ngăn nắp, trật tự hơn. Nhưng, ngặt một nỗi là cái việc kiếm cho ra thức ăn cho chú mèo đúng là một vấn đề nan giải: Ngoài thời gian hành thiền, sư còn phải đi xin chút sữa để nuôi mèo. Nhà dân thì ở xa, lại không phải nhà nào cũng có nuôi bò, nên sư cảm thấy vất vả khi cáng đáng thêm chú mèo này.
Có người khuyên sư: Tại sao sư lại không nuôi một con bò cái để luôn luôn có sẵn sữa nuôi mèo, cần chi phải khổ nhọc đi xin nơi này nơi khác?
Thế là sư bắt đầu phóng tâm lần nữa, phải kiếm một con bò sữa để… nuôi con mèo. Hợp lý quá đi thôi. Thế là ông sư bằng lòng nuôi một con bò sữa để dễ tu hành, Có sao đâu?
Mỗi sáng, sư chỉ cần ra chuồng, vắt chút sữa cho mèo, mà chẳng tốn thì giờ bao nhiêu. Sư nghĩ, mình vẫn còn nhiều thời gian để tu tập thiền định, chẳng sao cả!
Nhưng chuyện đâu có đơn giản như vậy mãi. Bởi vì con bò cái phải đẻ ra bê con thì vú của nó mới luôn luôn đầy sữa, và cần phải có… bò đực thì bò cái mới hoàn thành chức năng sanh đẻ. Rắc rối dzậy đó! Từ một con bò cái, lại phải cưu mang thêm một con bò đực, rồi thời gian sau phát triển thành nhiều bê con, rồi chẳng mấy chốc, cả đàn bò đông đúc của Sư xuất hiện bên cạnh tịnh thất.
Khoảng mười năm sau, mọi người đi ngang qua tịnh thất năm xưa, họ chẳng trông thấy đâu là dấu vết tu hành của ông sư ngày trước. Bây giờ, nơi này chỉ là một trang trại trù phú biết bao công nhân tấp nập làm việc, với chuồng bò cò bay thẳng cánh, bò mẹ bò con cũng cò bay thẳng cánh. Và ông sư đã thành một ông chủ bự với gia sản kếch sù, cùng vợ con điều khiển một sản nghiệp bề thế, đáng kể nhất vùng! Có lẽ giờ này ông chủ đã quên khuấy đi mất những buổi tịnh tu và những năm tháng an lạc trong thiền định năm xưa!
Ôi, con mèo! Con mèo của sự phóng tâm của con người.
…
Chúng tôi lòng tự dặn lòng rằng: Hãy kiên trì với con đường và pháp môn của mình – và đừng bao giờ phóng tâm. Đừng bao giờ nuôi bất cứ con mèo nào trong tâm thức.
NHẤT TÂM – QUYẾT VÃNG SANH
Discussion about this post