Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo tỉnh Tiền Giang giữa thế kỷ XX, trong ảnh hưởng chung của phương ngữ dân dã miền Tây, tôi không thể phát âm đúng các phụ âm l, n, g, r… theo đúng chuẩn của tiếng Việt. Cho đến năm lên lớp nhì (lớp bốn hiện nay), Trường Tiểu học Trung An (nay là Trường Đạo Thạnh), tôi vào lớp thầy Tấn nổi tiếng nghiêm nghị với học trò.
Trước năm học mới, thầy đã ân cần hỏi thăm gia cảnh của mỗi học trò và ghi chép cẩn thận. Vào năm học, đến giờ tập đọc, thầy gọi tôi lên đọc bài trong có các từ bắt đầu bằng phụ âm l, r… và lắng nghe với cây thước kẽ trên tay. Khi tôi đọc đến các tiếng phát âm lỗi, thầy biểu dừng và đưa cây thước vào miệng tôi, tôi như hồn xiêu phách lạc. Thầy đã ôn tồn chỉ bày cách uốn lưỡi trong khi phát âm, tôi làm theo, và khi thầy rút cây thước ra, tôi đã sửa được lỗi về phát âm của mình.
Chính với tình thương sâu sắc ẩn đàng sau vẻ nghiêm nghị đó của thầy mà các thế hệ học trò trưởng thành thường xuyên lui tới thăm viếng trong nguồn cội tôn sư trọng đạo tốt đẹp ngay cả khi thầy nghỉ hưu dưỡng già, cho đến tận ngày cuối đời.
Tuy nhiên, vụ việc cô giáo ở Quảng Bình đã không còn trong ý nghĩa “Thương cho roi cho vọt…”, mà đã đi quá xa. Cô cũng đã phải chịu những hình phạt của pháp luật cũng như dư luận trong thời gian qua.
Sự việc không dừng lại ở đó, mà như giọt nước tràn ly, khiến dư luận bức xúc. Nhiều người quan tâm lo ngại cho môi trường giáo dục ở nước ta, tình trạng bạo lực học đường, tình bạn, hiện tượng thiếu trung thực do áp lực về thành tích, mức thu nhập chính đáng của giáo viên – những kỹ sư tâm hồn quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, khó giữ được giá trị thiêng liêng của người thầy.
Không lo lắng sao được khi chính giáo dục, môi trường ảnh hưởng lên nhân cách của các thế hệ có hiện tượng như thế, liên tục xảy ra nhiều vụ việc chấn động dư luận, làm cho niềm tin vào các giá trị đạo đức truyền thống bị rạn nứt, dẫn tới sự hoài nghi. Chính sự hoài nghi ấy sẽ gây nên nhiều xáo trộn, cản trở cho sự ổn định và phát triển.
Do đó, những cái tát theo lệnh của cô giáo không chỉ nhằm vào một học sinh lớp trung học cơ sở, hậu quả không khác gì tự tát vào chính mình, chẳng những làm tổn thương hình ảnh thiêng liêng của thầy, cô giáo, mà còn để lại vết hằn xót xa cho nền giáo dục cộng đồng.
Đã đến lúc cần những biện pháp cụ thể và hệ thống nhằm chấn hưng giáo dục của chúng ta. Đây là sự nghiệp không phải nhất thời, mà ảnh hưởng cả trăm năm. Trong cái nhìn nhân quả của đạo Phật, nếu không kịp thời chấn chỉnh, cải thiện chất lượng để lấy lại niềm tin, thì khó để có được kết quả tốt đẹp trong tương lai, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực – căn bản cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Discussion about this post