Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị
Ngồi Thiền, ngồi tới lúc trong không có thân tâm, ngoài không có thế giới, xa gần đều trống rỗng thì mới đạt đến chỗ không có ngã-tướng, không có nhân-tướng, không có chúng-sinh-tướng, không có thọ-giả-tướng; cũng là lúc “tâm quá khứ không có, tâm hiện tại không có, tâm vị lai cũng không có”. Đạt tới cảnh giới này chưa phải là đắc được công phu thật sự, cũng chẳng có gì đặc biệt đâu. Dù quý vị ngồi được một giờ, hay ngồi được mười giờ, nhẫn đến ngồi suốt một tháng, mười tháng, đó chẳng qua là công phu của quý vị có được chút ít tương ưng, chỉ mới được chút ít cảnh giới khinh an mà thôi. Trải qua cảnh giới nhẹ nhàng khinh an, cứ tiếp tục tham Thiền thì quý vị sẽ nhập cảnh giới Sơ-Thiền.
Sơ-ThiềnThiên gọi là “Ly Sanh Hỷ Lạc Địa”, tức là cảnh giới xa rời những lạc thú của chúng sanh. Tại cảnh giới “Ly Sinh Hỷ Lạc Địa này, quý vị rất mau nhập Định. Trong lúc nhập Định, hơi thở sẽ ngừng hẳn, không ra không vào, không đi không đến, giống như con rùa tới mùa đông thì rụt đầu vào mai, đình chỉ sự hô hấp bên ngoài, song sự hô hấp ở bên trong vẫn tiếp tục. Đó là hiện tượng “đông miên”. Người tham Thiền, khi nhập Định thì ngừng thở, nhưng khi xuất Định thì vẫn hít thở như thường. Quý vị hãy chú ý! Tới cảnh giới này quý vị chớ khởi vọng niệm: “A! Ngừng thở rồi!”, khi vọng niệm ấy nảy sinh thì hô hấp sẽ tiếp nối ngay. Do đó không thể thiếu cảnh giác, bằng không quý vị sẽ lỡ mất cơ hội và phải làm lại từ đầu.
Từ Sơ Thiền, nếu quý vị tinh tấn tu tập thì sẽ nhập Nhị Thiền. Nhị Thiền Thiên gọi là “Định Sanh Hỷ Lạc Địa”, tức là trong cảnh giới Định, niềm hỷ lạc sanh khởi. Nên có câu:
Thiền duyệt vi thực, Pháp hỷ sung mãn.
Nghĩa là:
Thiền vị là thức ăn, sung mãn niềm vui Pháp.
Nhập cảnh giới này, chẳng những ngừng thở, mà tim cũng ngừng đập. Mạch tim chỉ ngừng chớ không phải dứt hẳn, nên khi xuất Định sẽ trở lại bình thường.
Từ Nhị Thiền, nếu quý vị tiến tu thì nhập Tam Thiền. Tam Thiền Thiên gọi là “Ly Hỷ Diệu Lạc Địa”, nghĩa là xa rời mọi sự hoan lạc thô thiển, chỉ còn niềm vui vi tế, vô cùng vi diệu. Nhập cảnh giới Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, thì không những hơi thở ngừng, tim hết đập, mà ý niệm cũng dứt hẳn, hệt như một người chết vậy. Lúc ý niệm dứt thì mọi vọng tưởng mông lung cũng dứt.
Khi hơi thở ngừng lại máu huyết hết dưỡng khí nên sự tuần hoàn cũng đình chỉ, do đó tim cũng không đập, không còn có mạch nữa. Lúc ấy tạp niệm chẳng còn. Giả sử hơi thở là gió, mạch là sóng, mà ý niệm là nước, nếu gió im thì sóng lặng, nước tự nhiên yên tịnh. Đó chính là đạo lý “gió ngừng, sóng lặng” vậy. Đây là tác dụng tạm thời lúc nhập Định chứ không phải là dứt hẳn như khi chết. Lúc nào muốn phục hồi hơi thở hay mạch đập thì chúng lại hoạt động bình thường.
Từ Tam Thiền mà tinh tấn tu Thiền định thì nhập cảnh giới Tứ Thiền. Tứ Thiền Thiên gọi là “Xả Niệm Thanh Tịnh Địa”, nghĩa là xả bỏ niềm vui vi diệu của Tam Thiền, tâm niệm thanh tịnh. Hơi thở ngừng, huyết mạch ngừng, ý niệm ngừng; song cảnh giới ấy cũng phải xả bỏ luôn thì lúc đó bản tánh Chân như thanh tịnh mới hiện tiền. Cảnh giới này, quý vị chớ nghĩ lầm là xuất sắc hay đặc biệt, bất quá chỉ là ở cõi Tứ Thiền mà thôi, chưa phải là cảnh giới chứng đắc Đạo quả. Đây vẫn còn là địa vị phàm phu, bởi vì dục vọng chưa đoạn tuyệt. Từ cảnh giới này, nếu quý vị tu phép Tà định của ngoại đạo thì sẽ nhập Vô Tưởng Thiên, thọ hưởng cảnh giới vô cùng an lạc. Nhưng nếu quý vị tu phép Chánh-định thì sẽ nhập Ngũ Bất Hoàn Thiên, tức là cảnh giới của bậc chứng quả.
Nếu chứng được Sơ-quả A-la-hán, tức là quả vị Tu-đà-hoàn, thì không những khi nhập Định không còn vọng niệm, mà khi đi đứng nằm ngồi đều chẳng có vọng tưởng, chẳng có chấp trước. Đạt được Sơ quả thì chỉ mới đoạn được tám mươi tám phẩm kiến hoặc (sự mê mờ do cái thấy) trong Tam giới mà thôi. Hãy còn bảy vòng sinh tử nữa, chứ chẳng phải chứng Sơ quả là nhập Niết bàn được đâu. Lúc chứng được Sơ quả, bất luận là gặp cảnh giới gì cũng không bị dao động, “đối cảnh vô tâm” (gặp cảnh, không khởi tâm tưởng), duy chỉ có Đạo tâm, chuyên nhất tu Thiền. Giả như cảnh giới bên ngoài có trang nghiêm, đẹp đẽ ra sao, như là gái đẹp, trai bảnh, cũng không thể làm cho tâm quý vị dao động. Lúc bấy giờ quý vị cũng chẳng tham tiền, tham sắc, tham danh, tham ăn, hay tham ngủ nữa. Mọi thứ đều không tham thì mới có thể gọi là chứng quả. A-la-hán Sơ-quả đi không gây ra tiếng động bởi vì chân họ cách xa mặt đất ba phân. Vì sao vậy? Vì thánh-nhân đắc quả có lòng từ bi, sợ rằng sẽ đạp chết các côn trùng nhỏ, nên mới đi trong hư không.
Quý vị hãy chú ý! Không được tự xưng là đã chứng ngộ khi chưa chứng ngộ, hay là đã đắc quả khi chưa đắc quả. Như thế là phạm giới vọng ngữ, tương lai phải đọa địa ngục kéo lưỡi. Tôi phải nói trước cho quý vị rõ, còn tin hay không là tùy ở quý vị. Trong số Phật tử có kẻ chưa khai ngộ mà cứ tự rêu rao là đã khai ngộ, đó là hành vi không thể chấp nhận được. Dù thật quý vị đã khai ngộ, quý vị cũng không nên khoe khoang: “Tôi khai ngộ rồi! Tôi có Ngũ-Nhãn Lục-Thông rồi nè!” Quý vị chớ tự tuyên truyền, tự mình quảng cáo cho mình; vì như thế thật chẳng có ý nghĩa gì cả.
Ngay cả Phật và Bồ-tát, các Ngài cũng không tự tuyên truyền, tự quảng cáo. Nếu có ai biết vị này là Bồ-tát hay vị kia là Phật hóa thân thị hiện ở thế gian, thì các Ngài liền biến mất.
Đời Đường có hai vị Đại-sư, một vị là Hàn Sơn, một vị là Thập Đắc. Hàn Sơn là hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, còn Thập Đắc là hóa thân của Đức Phổ Hiền Bồ-tát. Cả hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc vốn là quý vị đồng tu rất thân với nhau. Ngài Thập Đắc khi còn thơ ấu được Phương-trượng Phong Can đem về Chùa Quốc Thanh nuôi nấng và dạy bảo. Ngài Thập Đắc chuyên việc nấu nước trong nhà trù và mỗi ngày góp nhặt đồ ăn thừa cho vào ống trúc đem cúng dường ngài Hàn Sơn. Ngài Hàn Sơn thì ngụ ở động Nguyệt-quang trên núi Thiên-thai, mỗi ngày tới Chùa Quốc Thanh nhận đồ thừa để ăn. Hai ngài tâm đồng ý hiệp, thường cười đùa bỡn cợt với nhau, nên cả chùa ai cũng cho các ngài là hai người điên, chẳng ai đếm xỉa gì đến họ cả. Không ai biết rằng hai ngài là Bồ-tát hóa thân, du hý ở nhân gian để cứu độ những chúng sanh cần được độ.
Một hôm, quan Thái-thú Lã Khưu Yên tới gặp Hòa-thượng Phong Can và hỏi rằng: “Thưa Thiền-sư, trong quá khứ chư Phật và Bồ-tát thường hóa thân tới thế giới này, vậy thời nay chư Phật và Bồ-tát có còn hóa thân tới cõi này nữa hay không?”
Ngài Phong Can đáp: “Có chớ! Bất quá ngài không nhận ra mà thôi. Bây giờ tại Chùa Quốc Thanh núi Thiên-thai, vị Thầy chuyên nấu nước ở nhà trù chính là Phổ Hiền Bồ-tát đấy. Thầy có một người bạn là Hàn Sơn, tức là Văn Thù Bồ-tát. Sao ngài nói chẳng có ai?”
Lã Thái Thú nghe xong rất vui mừng, bèn đi gấp đến Chùa Quốc Thanh để đảnh lễ hai vị Bồ-tát Hàn Sơn và Thập Đắc. Thầy Tri-khách Chùa Quốc Thanh thấy quan Thái-thú đến viếng thì ân cần tiếp đãi. Nhưng khi nghe vị quan này muốn gặp Hàn Sơn và Thập Đắc thì ngạc nhiên vô cùng, chẳng biết vì sao ông ta lại muốn gặp hai người điên này. Tuy không hiểu được lý do, Thầy cũng dẫn quan Thái-thú tới nhà trù.
Bấy giờ đúng lúc hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc đang cười nói bô bô như hai kẻ điên khùng khiến ai cũng nực cười. Nhưng Lã Thái Thú vô cùng cung kính đảnh lễ hai Ngài, rồi cũng hết sức cung kính thưa: “Đệ tử là Lã Khưu Yên xin thỉnh cầu quý Đại Bồ-tát từ bi dạy bảo cho kẻ mê muội này!”
Ngài Thập Đắc hỏi: “Ông làm gì thế?”
Thái-thú đáp: “Con nghe Hòa-thượng Phong Can dạy rằng hai Ngài là hóa thân của Đức Văn Thù và Đức Phổ Hiền. Bởi vậy con đặc biệt tới đây để xin đảnh lễ và khẩn cầu quý Ngài khai thị cho con”.
Ngài Thập Đắc nghe xong thì vừa thụt lùi vừa nói: “Ngài Phong Can nói nhảm! Ngài Phong Can nói nhảm! Ngài Phong Can là hóa thân của Đức A Di Đà, sao không lạy Ngài mà lại tới đây quấy rầy chúng tôi?”
Nói xong thì chạy ra khỏi chùa, lên tới động Nguyệt-quang núi Thiên-thai rồi, cả hai ngài nhập vào vách đá. Thái-thú thấy vậy vô cùng thất vọng bởi vì hai vị Bồ-tát đã ẩn mình trong vách đá, không ra nữa. Ông ta nghĩ thầm: “Thôi hãy về lạy Đức Di Đà vậy!”; nhưng khi y về tới chùa thì mới hay Ngài Phong Can cũng đã viên tịch. Đúng là “đang diện thác quá” (vuột mất cơ hội trước mắt). Cho nên có câu rằng:
“Đối diện với Đức Quán Thế Âm mà chẳng nhận ra được Ngài”
Trong Thiền-đường này cũng có Quán Thế Âm Bồ-tát, song tôi không thể tiết lộ cho quý vị biết được, để Ngài khỏi bị quý vị đuổi chạy mất!
(Thiền thất 12/1980)
Discussion about this post