BỒ ĐỀ TÂM VÀ CHẤP THỦ
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Có
rất nhiều loại cảm xúc khác nhau, và chúng đều là sự
phóng chiếu của tâm. Các cảm xúc vốn không tách rời khỏi
tâm, nhưng vì chúng ta chưa nhận được bản chất tâm, nên
chúng ta vẫn coi chúng như những thể tách rời và khác biệt.
Tâm chúng ta cứ hết sân hận, ganh tị rồi lại mừng vui,
phấn khích – đủ mọi cung bậc thăng trầm của cảm xúc.
Thực sự chúng ta chưa hiểu được mình đang trải nghiệm
những gì, ta thực sự là ai, ai đang thực sự sân giận hay
vui vẻ, ai đang nản lòng hoặc tràn trề hứng khởi: điều
gì đang thực sự diễn ra? Trên thực tế, chúng ta không có
lấy một ý niệm về “bản thân”, mặc dù chúng ta vẫn
nói về “tôi” hay “chúng ta”, và sử dụng những nhãn
hiệu được gán cho mình. Tôi cho rằng cho đến giờ chúng
ta chưa thực sự hiểu gì về chính bản thân. Vì thế mà
giờ đây chúng ta cần tìm hiểu, khám phá bản thân mình,
điều này thật là thú vị! Đức Phật dạy rằng: “Luân
hồi không có khởi đầu”, vậy là từ vô thủy của luân
hồi khổ đau cho tới nay, chúng ta đã sống mà không hề biết
gì về mình? Thật nực cười phải không? Thực sự, tôi thấy
đây là một chủ đề thú vị để chia sẻ: Điều gì đã
xảy đến với bản thân ta, và ta cần làm gì từ giờ phút
này trở đi? Mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào tâm Đức
Phật dạy rằng tâm chúng ta rất hoang dại, vì chúng ta không
thể kiểm soát được nó. Các hoạt động dù tốt hay xấu
đều là sự phóng chiếu của tâm. Tôn chỉ của Phật giáo
Nguyên Thủy là “tránh hết thảy ác”, còn của Phật giáo
Đại thừa là “làm hết thảy lành”. Cả hai thừa đều
cùng một tôn chỉ: mọi thứ hoàn toàn tùy thuộc vào tâm
– vì tâm là năng lực duy nhất tạo nên hoạt động thiện
hay ác.
Thân,
khẩu chúng ta chỉ là phương tiện trợ giúp tâm tạo nên
hoạt động, còn tâm mới là nhân tố quyết định tạo nên
hoạt động đó. Nếu tâm không tác ý cho một hoạt động
cụ thể nào, thì chắc chắn thân, khẩu sẽ không biểu hiện
hoạt động đó. Rất nhiều tín ngưỡng không thuộc Đạo
Phật cũng nhấn mạnh tôn chỉ “bất bạo động”. Tuy nhiên
ĐỘNG CƠ (tâm tác ý) của Đạo Phật đối với tôn chỉ
này rộng lớn hơn. Đây là một điểm khác biệt rất tinh
tế giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Tất cả các tín
ngưỡng tâm linh đều dạy mọi người không được làm ác,
và đều khuyến khích hành thiện. Bởi vì chưa thực chứng
được bản chất của Tâm nên không ai trong chúng ta, ngay cả
một số hành giả tâm linh, có thể thực hành được điều
này một cách toàn vẹn. Vì thế mà giờ đây, dù có phải
là Phật tử hay không, bạn đều cần tìm cách đối trị
và chuyển hóa tâm mình. Vì chính tâm vô minh của chúng ta
đã quấy nhiễu hết thảy chúng sinh từ vô thủy tới nay.
Rất nhiều người trong số chúng ta đã tìm cách đào luyện
tâm theo những phương cách khác nhau, song chúng ta đều không
thực sự thành công.
Mặc
dù có nhiều cách thức đào luyện tâm, nhưng thực tế, tâm
chỉ có thể thực sự được rèn luyện bởi chính nó, chứ
không phải nhờ bất kỳ yếu tố bên ngoài nào khác. Đôi
khi, chúng ta cố gắng hiểu được tâm mình, đôi khi chúng
ta muốn đè nén tâm. Tôi cho rằng đây không phải là những
biện pháp tích cực, thiện xảo để chuyển hóa tâm. Hầu
hết các kỹ năng rèn luyện tâm đều không thực sự thành
công vì tâm phức tạp như chính chúng ta vậy. Nếu bối rối,
tán loạn, tâm sẽ dẫn dắt ta trôi lăn trong cõi luân hồi.
Nếu định tĩnh, an lạc, tâm có thể đưa ta tới Niết Bàn
giải thoát. Vì thế, tâm chúng ta có đủ công dụng thiện
và công dụng bất thiện. Đó là lí do tại sao Đức Phật
dạy rằng tâm cần phải được điều phục.
Cần
phải liên tục quán chiếu tâm.Phương pháp tu tập phát triển
Bồ đề tâm là cách rèn luyện và mở rộng tâm mình. Tâm
chúng ta thường hẹp hòi ích kỷ, tới nỗi không còn chỗ
dành cho người khác. Chúng ta chỉ có thể nghĩ về chính mình
và những người thân của mình, như gia đình, bạn bè và
con cái. Nhưng điều này cũng chỉ diễn ra với một thời
gian ngắn ngủi và kèm theo rất nhiều điều kiện. Đôi lúc,
chúng ta không thích người khác đeo bám lấy mình, nhờ vả
mình. Có lúc chúng ta lại thích được yêu thương, được
quan tâm chăm sóc, có lúc chúng ta lại muốn ở một mình để
được yên thân, phải vậy không? Nếu mong muốn của mình
được thỏa mãn, chúng ta sẽ phần nào cảm thấy dễ chịu.
Ít nhất thì điều này cũng đúng với tôi! Các bạn không
cảm thấy như vậy sao? Có thể chưa ai trong số các bạn quán
sát về điều đó, nhưng quả thực tâm của ta hoạt động
theo cơ chế như vậy.
Tôi
nghĩ rằng tâm không thích khi bị kiểm soát và bị ép buộc.
Nhưng tâm cần được quán chiếu một cách liên tục, trong
sáng không chút ảo tưởng và hư ngụy nào! Chỉ cách đó
mới đưa chúng ta về bản chất tự nhiên của tâm (Niết
Bàn) – trạng thái hoàn toàn thư giãn, an lạc và trải rộng
muôn nơi.
Tôi
đã nói khá nhiều về phương pháp chuyển hóa tâm. Vì tâm
chúng ta vốn hẹp hòi ích kỷ nên cần phải tu tập trưởng
dưỡng Bồ Đề Tâm hay “Tâm Giác Ngộ”. Bằng cách trưởng
dưỡng các phẩm hạnh về tình yêu thương và lòng bi mẫn,
không căm thù, sân giận hoặc ganh ghét, bạn sẽ có thể trải
rộng tâm mình. Trong lúc tu tập phát triển Bồ Đề Tâm, bạn
nên quán chiếu một cách logic rằng tất cả chúng ta đều
là anh chị em của nhau, bởi vậy cần quan tâm chăm sóc nhau,
vì tất cả chúng ta đều đau khổ như nhau do chưa thực chứng
được bản chất tâm của chính mình. Tất cả chúng ta đều
quay cuồng và điên dại như nhau, vì thế tại sao không giúp
đỡ và phụng sự những người khác cũng đang trong tình trạng
đau khổ tột bậc như mình? Đây là một loại lý thuyết
logic bên ngoài mà chúng ta có thể quán chiếu, và là một
trong những logic chính yếu mà tất cả chúng ta đều có thể
quán xét.
Vạn
pháp là hư ảo
Logic
siêu việt hay logic nội chứng liên quan đến quan điểm triết
học cho rằng vạn pháp đều không tồn tại như nó xuất
hiện: vạn pháp đều hư ảo. Thế giới hư ảo dường như
rất bền chắc đối với chúng ta, nhưng nó không thực sự
tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi thế giới
này, chúng ta bị cuốn trôi tới điên đảo bởi những thứ
hư vọng đó. Chúng ta cuồng loạn bởi những hấp dẫn bên
ngoài liên tục khuấy đảo tâm ta, và kết cục chẳng có
gì tồn tại, đó là kết quả của thế giới này. Chúng ta
đang đơn thuần rượt đuổi theo những huyễn ảo như cầu
vồng. Lẽ đương nhiên là tới đây chúng ta trở nên kiệt
quệ. Bạn có thể nói đó là một trong những đau khổ chính
mà chúng ta đang phải trải qua.
Đó
là lý do tại sao chúng ta nên trưởng dưỡng lòng từ bi tới
tất cả chúng sinh, bởi vì chúng ta đã nhận ra được sự
thật này một cách có trí tuệ. Có hàng triệu triệu người
vẫn hoàn toàn vô minh, họ không có dù chỉ một chút tri thức
ít ỏi về điều này. Vì thế, chúng ta là số người may
mắn ít ỏi có đủ phúc duyên thấy được thực tại của
thế giới này.
Đó
là lý do tại sao cần phải có hạnh nguyện Bồ Tát cứu độ,
phụng sự hết thảy hữu tình. Đó là một dạng logic rất
sâu sắc, và là một lý do tốt để bạn trưởng dưỡng Bồ
đề tâm. Bạn biết rằng còn triệu triệu chúng sinh đang
sa vào cạm bẫy và bám chấp vào thế giới hư ảo, không
nhận ra thế giới vô thường. Đây là căn nguyên dẫn đến
khổ đau. Như vậy bạn là người đang nắm được cơ hội
hy hữu để thực hành pháp chấm dứt khổ đau. Điều này
cần trở thành động cơ khuyến khích bạn tinh tấn thực
hành với mong nguyện, “Tôi phải tu tập một cách chân thành,
không bỏ phí một chút thời gian quý giá nào trong cuộc đời
này, để có thể cứu độ chúng sinh đang thực sự khổ đau
mà không hề nhận thức được”. Những động cơ như thế
này phải luôn hiện diện trong tâm bạn. Đó là cái được
gọi là động cơ vị tha hay “Tâm Giác Ngộ”.
Mọi
hoạt động thế tục trong đời sống đều bắt nguồn từ
sự chấp thủ mạnh mẽ của chúng ta.
Chừng
nào còn bám chấp vào thế giới này thì chừng đó chúng ta
không thể giải thoát. Chúng ta bám chấp vào những vật đẹp
đẽ hay xấu xí, vào kẻ thù hay bằng hữu. Bất kỳ hoạt
động thế tục nào được làm đều bắt nguồn từ sự chấp
thủ mạnh mẽ của chúng ta. Chúng ta nói: “Như vậy này!
Điều này phải được làm thế này còn điều nọ phải được
làm thế nọ.” Chúng ta đưa ra các yêu cầu đòi hỏi thuận
theo sự ham muốn chấp thủ của chính mình. Đó thực sự
là điểm xuất phát của mọi sai lầm mà từ đó ta kinh qua
vô số kinh nghiệm đầy khổ đau. Chẳng hạn như, bạn bám
chấp vào ý niệm ai đó là kẻ thù của mình, rồi bạn thấy
rất khó chịu và bực mình mỗi khi nhìn thấy người đó,
hay chỉ cần nghe thấy tên và giọng nói của người đó.
Đây là điều mà tôi đã nói lúc trước về sự huyễn ảo
của những thứ mà chúng ta đang theo đuổi. Khi bạn có một
người bạn tuyệt vời thì bạn sẽ rất ích kỷ muốn người
ta thuộc về mình mãi mãi, không muốn một ai khác kết giao
với người đó, thậm chí không ai được chạm vào người
hay cười với anh ta, cô ta. Đây là một kiểu chấp thủ mà
bạn thường có. Sau này, khi bạn phát hiện ra một ai đó
đã kết thân với anh ta hơn cả bạn, thử hình dung xem bạn
sẽ đau khổ như thế nào. Sự đau đớn này là sản phẩm
từ tâm chấp thủ của bạn tạo ra chứ không phải do bất
kỳ ai khác.
Tất
cả chúng ta, không ai muốn loại đau khổ này! Vì thế, chúng
ta cần loại bỏ chấp thủ. Để làm được điều này, bạn
cần nhận ra bản chất chân thật của vạn pháp. Những xúc
cảm như “thích” hay “không thích” không tự có bản chất, mà
chỉ là sự sáng tạo hay sự phóng chiếu của tâm bạn. Điều
đó có nghĩa rằng thế giới này được tạo thành từ tâm
của bạn, và nó là một thế giới huyễn ảo. Ví như một
người bạn rất hấp dẫn với bạn, nhưng anh ta lại không
hề hấp dẫn với người khác, nên sự hấp dẫn này chỉ
là ảo tưởng, không có bản chất. Bởi vì bạn không nhận
ra đó là ảo tưởng hay sự phóng chiếu của tâm, nên bạn
cảm thấy ngây ngất si mê truớc người đó. Đến một lúc
nào đó, bạn sẽ cảm thấy một cái gì bất ổn, và giao
kết với người kia là một sai lầm. Lúc đó, theo thói thường,
bạn sẽ than thở, trách móc, đổ lỗi cho người bạn của
mình. Nhưng thử nhìn lại xem, trước đó ai là người đầu
tiên đã hết sức bám chấp vào “hương vị ngọt ngào”
của mối quan hệ này? Chính sự chấp thủ đã khiến bạn
bám chấp vào sự bền chắc và vị ngọt của tình bạn đó.
Cho nên chính sự chấp thủ của bạn mới đáng trách. Cho
tới nay thì sự chấp thủ và ảo tưởng vẫn hòa hợp với
nhau một cách đầy sáng tạo. Nhưng trên thực tế mọi việc
không hẳn là như vậy. Vì thế, qua trí tuệ của bạn về
Trung Quán hay Đại Thủ Ấn, và hai chân lý – (chân lý tương
đối và tuyệt đối), bạn sẽ thấu hiểu bản chất hư ảo
của thế giới, và sẽ có thể giảm thiểu những khổ đau
được tạo ra từ chấp thủ. Bạn cần thực hành trưởng
dưỡng tình yêu thương và tâm bi mẫn
Tóm
lại, tôi muốn nói rằng ta không nên chấp vào những tư tưởng,
xúc cảm của mình, dù nó tốt hay xấu. Sự bám chấp vào
những thứ này thực sự là chấp thủ. Tôi không muốn nói
rằng chúng ta không nên có lòng từ bi hay thương yêu lẫn
nhau. Nếu thế chúng ta sẽ trở thành vô cảm như sỏi đá.
Vì thế, xin bạn đừng hiểu lầm khi tôi nói, “Đừng bám
chấp vào cảm xúc của mình”. Có rất nhiều người có thể
hỏi: “Làm sao tôi có thể yêu thương người khác mà không
quyến luyến bám chấp?” Tình yêu thương với chấp thủ
là tình yêu thương mê lầm, yêu thương không chấp thủ là
yêu thương trí tuệ. Như tôi đã nói lúc đầu, bạn cần
phải thực hành trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi
mẫn. Tình yêu thương là tinh yếu của giáo lý Đạo Phật
và cả các tôn giáo khác. Không có gì là sai trái trong tình
yêu thương, tâm bi mẫn hay sự quan tâm và lòng mến mộ, nhưng
phải được thắp sáng bởi trí tuệ không còn chấp thủ
hay không còn hiểu biết sai lệch. Làm sao hành giả có thể
đi trên con đường cao quý của Bồ đề tâm vĩ đại, khi
tâm hành giả tràn đầy vô minh và hiểu biết lệch lạc về
thế giới mà mình đang sống.
Điều
chúng ta cần tránh là sự bám chấp hay thái độ chấp thủ.
Chúng ta thử lấy quan hệ bạn bè để minh họa. Quá nhiều
ý nghĩ chấp thủ đối với bạn của mình sẽ đem đến sự
đau khổ sau đó. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có
ít nhiều kinh nghiệm về chuyện này nên tôi không cần nói
nhiều. Vì thế, nếu chấp thủ, bạn sẽ kết thúc tình bạn
của mình trong mâu thuẫn và lục đục, không hưởng được
khoảng thời gian tốt đẹp bên nhau. Đôi khi sự cãi vã cũng
chỉ để vui, nhưng đa số trường hợp, nó đều đem lại
đau khổ mà chúng ta không hề muốn. Chính thái độ chấp
thủ này đã khiến trái tim bạn nhức nhối, tan nát, dẫn
đến bệnh tim mạch. Nếu không chấp thủ, khi đối diện
với vấn đề rắc rối trong gia đình hay xã hội, bạn sẽ
tìm ra nhiều giải pháp tốt để giải quyết mọi việc một
cách bình an. Bạn sẽ tránh được những trải nghiệm đau
đớn, sẽ dễ dàng coi những vấn đề rắc rối làm những
bài pháp thực tế trong cuộc sống, như những hành giả Phật
pháp thực thụ. Đây là những phương cách giúp bạn cải
thiện tâm mình. Sự tiến bộ sẽ được thấy rõ sau vài
năm thực hành phương pháp thực tập đào luyện tâm một
cách chân chính và đúng đắn Nếu không cải thiện tâm thức,
chúng ta sẽ không thể cải thiện được lối sống của mình.
Có
rất nhiều người nói rằng: “Tôi thích thiền định. Tôi
đã thiền định trong nhiều giờ đồng hồ, nhiều tháng trời,
nhiều năm ròng”. Nhưng họ vẫn không thể cải thiện được
lối sống của họ. Họ tiếp tục cãi vã, mắng nhiếc, thậm
chí đánh nhau thường xuyên với bạn trai hoặc bạn gái của
mình. Vì họ đã không hiểu được thực tế – điều gì đang
diễn ra trong cuộc sống và điều gì cần được chấp nhận.
Mặc dù tu tập và thiền định rất nhiều năm, song họ đã
không thể thay đổi được lối sống, chẳng có chút tiến
bộ hay an bình nào trong cuộc sống của họ. Điều này cho
thấy họ đã không thực sự tập chung vào việc chuyển hóa
tâm, không tiếp cận được phương pháp đúng đắn giúp họ
cải thiện tâm. Sự tiến bộ sẽ được thấy rõ sau vài
năm thực hành phương pháp thực tập đào luyện tâm một
cách chân chính và đúng đắn. Sự thay đổi bên trong sẽ
mang đến sự thay đổi bên ngoài. Khi sự chuyển hóa bên trong
diễn ra, chúng ta có thể nhận biết được điều này từ
bên ngoài. Chỉ cần nhìn những dấu hiệu thay đổi ngoài
là chúng ta có thể nhận biết ai đó thực sự đang cải thiện.
Và rồi những người hàng xóm, bạn bè và tất cả mọi người
cũng sẽ để ý tới điều đó và nói rằng, “Anh ta đã
tu tập thật tốt. Trước khi thực hành con đường tâm linh,
anh
ta
từng là một người kinh khủng, nhưng bây giờ anh ta trở
nên thật ôn hòa và chẳng bao giờ tranh cãi với bất kỳ
ai? Nhờ công phu tu tập, anh ta thực sự trở thành một người
tốt, trầm tĩnh và đầy hiểu biết”.
Chúng
ta không thực hành để mong cầu danh tiếng hay để phô trương,
nhưng những dấu hiệu tốt của sự thay đổi vẫn hiển diện.
Kinh điển có dạy, các vị Bồ Tát có những phẩm hạnh,
dấu hiệu đặc biệt chúng ta có thể nhận biết. Tương tự
như vậy, thông qua sự chuyển hóa từ bên ngoài, chúng ta có
thể nhận ra một người có thực hành Phật Pháp hay không.
Niềm mong ước và lời cầu nguyện chân thành của tôi là
hết thảy hữu tình chúng sinh, đặc biệt là những ai có
duyên với tôi và Truyền Thừa Drukpa, sẽ biết tinh tấn tu
tập để có thể mang lại những chuyển đổi tích cực trong
cuộc đời mình, sống hòa hợp với người khác và mãi mãi
an vui trong hạnh phúc.
Discussion about this post