BÁT NHÃ TÂM KINH (PHẦN 3)
Mãn Tự
(Tiếp theo phần 2)
Các vị Đại bồ tát từ địa thứ tám Bất động địa trở lên các ngài tuy ở trong nhân gian, nhưng các ngài không phải người thế gian. Vậy thế nào là thế gian và tại sao các Đại bồ tát không phải là người thế gian. Thế gian là sáu căn + sáu trần, ngoài sáu căn –sáu trần thì không có gì gọi là nhân gian, còn Đại bồ tát vì sao không phải người thế gian. Người thế gian với sáu căn, thấy không ra ngoài sắc tướng, nghe không ra ngoài âm thanh… Còn Đại bồ tát thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe… Vì vậy nên các ngài không còn là người nhân gian. Trong kinh Kim Cang câu “Lấy sắc tướng, âm thanh để cầu Như Lai là tu sai đường” là như vậy.
Đại bồ tát đã vượt qua sự biến động sáu căn + sáu trần thô thiển, trí tuệ các ngài không còn ô nhiễm nên ở trong nhân gian học được cái nguyên nhân vi tế vận hành làm phát sinh nhận thức sáu căn + sáu trần. Các ngài đã vượt qua vô minh, sinh, lão, bệnh, tử, khổ, nên cái trí của các ngài học được thấy được cái nhân phát sinh sanh, lão, bệnh, tử, khổ… Khi thấy biết tường tận cái nhân thành thế gian cũng như cái quả hoại thế gian; rồi đem cái thấy biết như thật đó chỉ bảo cho nhân gian phương pháp giải thoát sinh, lão… các ngài học như thế đó. Cũng như khoa học, nhờ phát minh ra kính phóng đại mà khoa học càng ngày tiến bộ phát minh ra nhiều thứ kỳ diệu, các Đại bồ tát cũng vậy, nhờ có trí Bát nhã nên sự thấy biết của các ngài vượt lên sự thấy biết thô phù của nhân gian, vì vậy cảnh giới của các ngài không thể luận bàn được.
Đại bồ tát vì khai mở Bát nhã trí nên các ngài thấy được những sự việc mà người thế gian chấp nhận nó phải là như vậy, thì các ngài lại thấy thật ra không phải là như vậy. Người thế gian chỉ thấy biết một thời hiện tại, nên thấy thế gian này là bất bình đẳng, bất công, sanh lão bệnh tử khổ dẫy đầy, chiến tranh giết chóc, thiên tai hoạn họa bệnh tật tràn lan… Tuy nhiên với Bát nhã trí, chư Đại bồ tát thấy xuyên suốt ba thời, vì vậy mọi hiện tượng xảy ra trên thế gian các ngài thấy rất là bình đẳng không tâm phân biệt, mọi biến tướng đều nằm trong mười hai nhân duyên, từ vô minh cho đến bệnh tử chỉ là sự chuyển động của bánh xe luân hồi để vay trã trã vay bù trừ luật nhân quả, vì vậy các ngài chỉ cứu cái ngặt mà không cứu cái nghèo.
Tiếp theo: này Xá Lợi Tử; Thị chư pháp không tướng bất sinh, bất diệt … Thị cố không trung vô sắc, vô thọ -tưởng … vô nhân, vô nhỉ … vô sắc, vô thinh… Trong đoạn kinh này tất cả các bản dịch đều giống nhau về từ ngữ, mà những từ đó đều đi ngược lại ý nghĩa chính của bản kinh, thành ra tiền hậu bất nhất. Thật đáng thương thay cho người Việt chúng ta từ tiền nhân cho đến hậu thế bây giờ vẫn mơ màng không nhận ra, vẫn hàm hồ xưng tụng tán dương là Đại thần chú , là Đại minh chú, là vô thượng thượng chú trì tụng làu làu suốt cả ngàn năm mặc dù không đi tới đâu, không đột phá gì hết. Mà có muốn đột phá cũng không được, vì sao? Vì tiền hậu bất nhất vậy.
Đoạn kinh này, các dịch giả dùng ba từ lẫn lộn là không –vô –bất, và có một vài bản dịch thêm một từ nữa là “chẳng”. Trong bốn từ này, hai từ ‘không –vô” rất là quan trọng, còn hai từ “bất –chẳng” là thứ yếu. Quan trọng không chỉ cho bản kinh này mà còn cho toàn bộ bản kinh đồ sộ là Bát nhã ba la mật đa.
Bắt đầu bản kinh là “Quán tự tại Bồ tát hạnh thâm Bát nhã ba la mật đa “thời thời chiếu” kiến ngũ uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách. Chiếu kiến ở đây là Bát nhã trí, ngũ uẩn giai không là sắc–thọ-tưởng–hành–thức tánh không. Bát nhã trí là cái trí không ô nhiễm hay vướng mắc từ nội thân cho đến ngoại giới nên thấy biết một cách chân thật. “Chiếu kiến” là thấy chứ không phải là quán, không là tầm tư, suy luận, thiền định hay cả tu học, vì thấy là luôn luôn thấy lúc thức đã đành cho dù lúc ngủ cũng vậy, nên hai chữ “thời thời” hay “hằng thời” mới đúng nghĩa.
Từ Không có bốn nghĩa: Nghĩa thứ nhất nếu thêm vào từ “tánh” ở phía trước thì nó là Đệ nhất nghĩa là thấy bằng Bát nhã trí. Bát nhã trí vì thấy Chân Như nên thấy tánh Không của vạn pháp. Nghĩa thứ hai từ “Không” là phủ định, là thế lưu bố “thiết lập –phủ định”. Nghĩa thứ ba từ “Không” là đối đãi từ ngữ nhân gian “không-có” “có-không”. Nghĩa thứ tư từ “Không” là “biến” nghĩa của nó tùy theo đặt ở trước hay ở sau; thí dụ: Sắc-thọ-tưởng-hành-thức-“Không” thì là nghĩa Bát nhã trí, còn ngược lại không sắc, không thọ, không tưởng… là phủ định, là hư vô.
Bát nhã trí là thấy biết thế gian như thật, vì vậy mới gọi là Giác ngộ, chứ không phải phủ định hay từ bỏ thế gian, cho nên với Bát nhã trí thì: Thế đế, thế đế tánh không, đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa đế tánh không, thiết lập, thiết lập tánh không, phủ định, phủ định tánh không, cho đến đối đãi, đối đãi tánh không… Không này là tự tướng không, tuyệt đối không có một pháp nào khác đem đến để làm cho nó thành không. Nếu đem một pháp khác để làm thành không thì không phải là Bát nhã trí. Bát nhã trí không diệt thế gian, không phủ định vạn pháp, vì vậy các bản dịch là: Không tướng, Không sinh, Không diệt, Không cấu, Không tịnh cho đến… không giảm… dịch như vậy phủ định các pháp là hư vô. Mà phủ định vạn pháp thì thành đầu mọc thêm đầu, vì sao? Vì tự tánh các pháp đã là Không rồi đâu cần phủ định nữa. Hai nữa là trái với câu đầu của bản kinh là Quán tự tại Bồ tát hạnh thâm Bát nhã ba la mật đa hằng thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
Tiền hậu bất nhất là như vậy, cho nên từ tiền nhân trì tụng cho đến hậu thế nay không đột phá được dù rằng bản kinh được xưng tán là Đại thần chú, là Đại minh chú, là vô thượng thượng chú.
Tiếp theo: Thị cố không trung vô sắc, vô thọ… cho đến vô hữu khủng bố… ở trước là không là bất còn đến đây là vô. Ba từ này nghĩa có khác không hay không khác, nếu không khác tại sao các bản dịch giải phải dùng từ ba cho đến bốn từ để quy một nghĩa như vậy. Vì vậy cho dù là Không-Bất-Vô cho đến Chẳng đều là nghĩa phủ định, mà phủ định là trái với nghĩa Bát nhã, vì Bát nhã tuyệt đối không phủ định vạn pháp.
Bây giờ nói về nguồn gốc chữa Vô: Theo lịch sử, Ngài Cưu ma la thập khi dịch kinh Bát nhã ba la mật đa từ Phạn ngữ qua Hán ngữ, vì thiếu từ ngữ nên bắt buộc phải mượn một số từ của đạo Lão mà chữ Vô là một trong số từ đó. Thật ra từ Vô này là một cạm bẫy, là sợi dây thòng lọng, là sự phá hoại Bát nhã trí, nó làm sự chiếu diệu Bát nhã trí biến thành nghĩa phủ định, nó làm cho người học bản kinh có tư tưởng phỉ báng vì cho rằng giáo pháp đạo Giác Ngộ hay Bát nhã ba la mật đa là khuynh hướng đi về hư vô.
Chữ vô trong Đạo Lão nói cho đủ nghĩa là vô vi; vô vi là từ bỏ thế gian, không can dự vào chuyện thế gian; mà hãy tìm núi cao rừng thẩm không còn bóng người hay hải đảo hoang vắng để tu hành, luyện bùa luyện phép cho đến đạo quả viên thành thì phi thẳng lên những tầng trời thượng diệu, sống lâu dài trường sanh bất tử hay tối thiểu cũng vượt ra khỏi nhân gian phiêu du cùng mây cùng gió, nước cạn ẩn trái châu, mây tan vào cung nguyệt, dù thế nào cũng không muốn tiếp xúc với người đời. Với tâm niệm rằng trần gian là ô uế bẩn thỉu, là hèn hạ không muốn lưu luyến nên vứt bỏ để tìm chốn thanh cao.
Đạo lý đó hình thành tầng lớp thần tiên thanh cao thoát tục, ra khỏi ngũ hành đi mây về gió, rảnh rang vô sự đến mức chỉ biết uống rượu đánh cờ và dạo chơi. Sớm ở bồng lai xem phụng múa, chiều qua biển bắc cởi hạc cởi rồng. Lý tưởng siêu nhiên đó làm say đắm giới thượng lưu Trung Hoa từ Vua cho đến các vị quan quyền cao chức trọng, còn giai cấp thấp thì không có cửa.
Triết lý vô vi của Lão giáo đi song song với triết lý vi vương của Khổng giao ngự trị vận hành đất nước Trung Hoa một thời gian dài, lúc thăng lúc trầm kìm chế lẫn nhau và chuyển biến theo thời thế là loạn hay trị. Mỗi bên đều phát minh học thuyết mới, tư tưởng mới, vừa giải thích vừa đã phá lẫn nhau, tuy nhiên không bên nào dành được phần thắng, vì hai triết thuyết đó là hai cực đoan nên không thể giải quyết rốt ráo. Cho đến lúc giáo pháp Đại Thừa Bồ tát đạo truyền sang lấy Trung đạo làm cứu cánh, không nghiên về thế hay xuất thế, hữu vi hay vô vi mà lấy thế gian làm trường học hỏi vừa làm lợi cho thế gian cũng lợi cho mình, hòa mình vào thế gian mà không bị cảnh trần ô nhiễm.
Nhờ pháp Trung đạo Bồ tát hạnh phá vỡ sự bế tắc triết lý nhị nguyên, mở ra một bầu trời thênh thang mặc tình bơi lội, nên các trí giả Trung Hoa thời đó tán thưởng học theo. Không nói về Khổng giáo, tuy nhiên triết lý vô vi của Lão giáo thì bị cho là quá yếm thế nên lép vế trước pháp Trung đạo Đại Thừa.
Vì sự tồn tại, vì để lấy lại sự ủng hộ của nhân gian, vì để được cân bằng với kinh Đại Thừa, vì để các bậc trí giả không phê phán chỉ trích là yếm thế, nên các bậc chưởng giáo đạo Lão chuyển sửa triết lý vô vi cho phù hợp bằng cách thêm câu “vô bất vi” sau vô vi thành ra “vô vi-vô bất vi” có nghĩa là “Không làm- mà không gì không làm” để đối lại pháp Trung đạo Bồ tát hạnh là “Làm tất cả mà như không làm”.
Thông thường theo tri thức thì “Không làm- mà không gì không làm” với câu “Làm tất cả mà như không làm” thì nghĩa cũng không có gì khác nhau, chỉ đổi qua đổi lại thôi mà. Hãy thận trọng, tuyệt đối thận trọng, vì với nhân gian sai một li còn đi cả dặm thay huống chi là kinh điển, là niềm tin là sự chỉ đạo muôn đời.
Với nhân gian bình thường không nói, còn các bậc tri thức , những bậc tu hành, những bậc thông thái… hầu hết tự mình trói mình bằng văn tự. Văn tự là trói buột cũng là giải thoát, văn tự là vô minh cũng lại là giác ngộ. Trong kinh Đại bát Niết bàn Đức Thế Tôn nhắc nhở “Văn tự trong những bộ kinh Đại Thừa là thuốc cam lồ nếu nhận ra, nhược bằng không nó là độc dược”. Văn tự là cái thòng lọng vô hình nó sẵn sàng thắt cổ ta như một tên tử tù, mà cũng chính ta tự đưa cổ cho nó thắt.
Bây giờ phân tích lý giải hai câu một của Lão giáo, một của Bát nhã Trung đạo mà hầu hết các dịch giả vô tình cho là giống nhau về ý nghĩa. Câu “Làm tất cả mà như không làm gì”, xin trích dẫn câu chuyện trong Thiền luận: “Có vị Tăng làm đầu bếp trong một thiền viện nọ, hằng ngày vị Tăng đầu bếp phải hoàn thành xuất ăn cho các vị Tăng sĩ tu hành. Vì số lượng đông đảo nên vị Tăng đầu bếp bận rộn suốt cả thời gian. Rồi một hôm nọ vị Thầy xuống tham quan nhà bếp, thấy vị Tăng đó đầu tắt mặt tối liền tay liền chân chẳng có thời gian ngơi nghỉ, thấy vậy vị Thầy kêu lại an ủi: “thật tội nghiệp cho con cực nhọc suốt ngày”. Vị Tăng đó thưa rằng: “Bạch Thầy, nhờ ơn Thầy nên tuy bận rộn suốt ngày mà chủ nhân ông của con thì luôn luôn thong thả”. Câu chuyện trên nói lên phần nào về Bát nhã Trung đạo của giáo pháp Đại Thừa.
Còn “Không làm- mà không gì không làm” “Vô vi- vô bất vi”, đó là Đạo là cốt tủy của Lão giáo. Đạo đó có trước trời đất, không tên –không tuổi, không thể nắm bắt. Đạo làm nên tất cả, nó tự biết điều chỉnh, biết đem chỗ thừa bù vào chỗ thiếu… và rất nhiều điều kỳ diệu được ca tụng tán dương về Đạo. Như hết loạn tới trị, hết ngày tới đêm, nắng mưa lạnh nóng bốn mùa thay đổi xuân-hạ-thu-đông, giàu nghèo sống chết… cũng do đạo vận hành, vì vậy triết lý của Lão giáo là dạy người hãy sống theo Đạo. Với các Hoàng Đế cai trị thì dạy vô vi trị, còn với bá tánh thì dạy hãy sống theo vô vi phản phác qui chân theo luật phản phục trong thuyết Âm-Dương.
“Vô vi- vô bất vi” dù rằng lấy từ Đạo làm gốc, tuy nhiên triết thuyết diễn tả về Đạo không ra ngoài “Thức”. Triết thuyết tất cả Tôn giáo trên thế giới này xây dựng niềm tin không ngoài ba phương diện sau đây: 1.-Quán ngoại giới thiết lập triết thuyết niềm tin; 2.-Xu hướng ngoại cảnh thiết lập triết thuyết niềm tin; 3.-Thần phục ngoại cảnh thiết lập triết thuyết niềm tin.
Cho dù là Quán, là xu hướng, hay thần phục cũng đều hướng ngoại giới thiết lập niềm tin, nên Đức Thế Tôn Như Lai gọi là Ngoại đạo là như vậy.
Đạo của Lão giáo Trung Hoa cùng Phạm Thiên, Tự tại Thiên của Ấn giáo, hay God-Thượng Đế của Thiên chúa giáo đều có bóng dáng của đấng Thần Linh, đấng quyền năng tối thượng dựng lên cái thế giới này, và thân phận con người chỉ là những sản phẩm được tạo ra dù trong lúc vô tình hay cố ý.
Văn hóa là lưu chuyển, thế giới bây giờ không có một quốc gia nào mà văn hóa không pha trộn, như người Trung Hoa thời xưa nhờ diễn dịch kinh điển mà phát sinh nhiều từ ngữ, nhờ vậy nền văn học, triết học càng thêm phong phú. Hay như nước Mỹ thời nay tuy mới thành lập chỉ 300 năm mà nền văn minh vượt bậc trên thế giới không nước nào so sánh được; đó cũng là nhờ biết dung nhập nhiều nền văn hóa và biết làm cho nó dung hòa với nhau.
Không thể phủ định văn hóa cùng văn học nước ta đa phần là du nhập nếu đem loại trừ hết ngoại ngữ thì nền văn học chúng ta không còn sinh động. Cũng như kinh điển đạo Giác Ngộ mà không dùng từ Hán-Việt thì khó có thể diễn đạt hết ý nghĩa thâm diệu trong câu kinh. Tuy nhiên, những từ đó quá rắc rối quá thâm diệu để diễn tả, để nói lên, để chỉ bày một thứ mà không thể diễn tả, không thể nói lên, không thể chỉ bày; vì nó vượt lên tầm hiểu biết của tri thức nên các dịch giả hầu hết đặt sai vị trí. Thay vì là Trí Ngộ Nhập thì ngược lại là Thức, vì là Thức nên thành ra nghĩa phủ định, nghĩa hư vô. Hai từ “Không-Vô” vô cùng quan trọng.
Không thể nói rằng lấy hay bỏ vì đó là sự vận hành trao đổi nên điều quan trọng là hãy cố gắng đặt để làm sao cho đúng với dòng tâm thức Thế lưu bố tưởng của nhân gian. Tuy vẫn biết rằng văn tự không là đệ nhất nghĩa, hay âm thanh sắc tướng không là Như Lai; Nhưng ngược lại rời văn tự cũng không tìm đâu ra đệ nhất nghĩa, hay rời âm thanh sắc tướng cũng không tìm đâu ra Như Lai, vì Như Lai không là hư vô vậy.
Sau cùng là khuyến tấn hành giả vượt qua- vượt qua- vượt qua- vượt qua cái gì. Đó là vượt qua tâm thức vì tâm thức tạo nên tam giới là: Dục giới –Sắc giới và Vô sắc giới. Còn trên đường tu hành thì hành giả phải vượt qua sự chứng đắc từ sơ thiền- nhị thiền cho đến tứ thiền… cửu thứ đệ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ đến diệt tận định. Phải vượt qua cảnh giới Nhị thừa, phải vượt qua từ Sơ địa bồ tát cho đến Đệ thất viễn hành địa. Vượt qua như vậy cho đến lúc bước lên bước lên Đệ bát bất động địa chứng Vô sanh Pháp nhẫn, thành tựu vô công dụng hạnh.
Nói về cấp độ thì cảnh giới Đại bồ tát Bất động địa là đã bắt đầu bước vào Đại Thừa Chung Giáo lần lần tiến lên hai cảnh giới nữa là Thiện Tuệ địa và Thập địa. Vì sao gọi là Chung Giáo, Đại Bồ tát trong cảnh giới này Trí thấy được không chấm hết mà không thấy được không bắt đầu (vô thủy-vô chung). Thập địa Đại Bồ tát là đã viên mãn căn bản Trí, còn Hậu đắc Trí tức Phổ Hiền thập nguyện hạnh thì phải là cảnh giới Đẳng Giác mới bắt đầu và cảnh giới Diệu Giác- Tối hậu thân là viên mãn.
Về Bồ tát đạo còn hai cảnh giới nữa mới hoàn tất là Đẳng Giác- Diệu Giác; Tuy nhiên bài thần chú này công dụng đến Đại Thừa Chung Giáo mà thôi, vì sao? Vì còn hai chữ “Tức thị”; Hành giả muốn bước lên cảnh giới Đẳng Giác –Diệu Giác thì phải vượt lên hai chữ “Tức thị”; vượt qua như thế nào? Ở đây xin trích một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm: Ngài A-Nan trả lời Đức Thế Tôn: “Con xem khắp cả rừng Kỳ Đà, thật chẳng biết trong đó cái nào chẳng phải là Tánh thấy (kiến tinh); Tại sao? Nếu cây chẳng phải là Tánh thấy thì sao lại thấy cây? Còn nếu cây là Tánh thấy thì chẳng nên gọi là cây; như vậy cho đến hư không chẳng phải Tánh thấy thì sao lại thấy hư không? Còn nếu hư không là Tánh thấy thì chẳng nên gọi là hư không. Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong vạn tượng không vật nào chẳng phải là Tánh thấy cả.
(HẾT)
Bát Nhã Tâm Kinh (phần 3)
Bát Nhã Tâm Kinh phần 2
Bát Nhã Tâm Kinh
Discussion about this post