ÁNH SÁNG NHƯ LAI
Nguyễn Thế Đăng
Suốt kinh Pháp hội Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt, Bồ tát Văn-thù-sư-lợi là người thuyết pháp chính, Đức Phật chỉ ấn khả và thọ ký, dùng thần lực hộ trì… thế nên kinh này cũng có tên là “Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát sở thuyết”, cũng có tên “Bửu Thượng Thiên tử sở vấn”. Phần chấm dứt kinh, Đức Phật phóng ánh sáng (quang minh), như ở nhiều kinh Đại thừa Pháp hoa, Hoa nghiêm, Lăng-nghiêm… Kinh Viên Giác gọi ánh sáng đó là “Đại quang minh tạng”. “Bồ tát Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật rằng: Cúi mong Thế Tôn giữ gìn kinh này để cho các thiện nam thiện nữ gieo trồng thiện căn. Nếu người cúng dường Pháp thì mến mộ kinh này. Bạch Thế Tôn! Như vậy, như vậy, thọ trì kinh này vì điều phục kiêu mạn và các oán ghét nên không bị ai làm trở ngại, trong đời tương lai sẽ lưu truyền rộng ở cõi Diêm-phù-đề. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ nơi thân phóng ánh sáng, ánh sáng ấy chiếu khắp, thế giới Phật tam thiên đại thiên đều thành màu hoàng kim. Bấy giờ Đức Phật bảo Vănthù-sư-lợi rằng: Này Văn-thù-sư-lợi! Ánh sáng Như Lai chiếu khắp tất cả, kinh này cũng như vậy. Người tâm hành vô ngại nơi cứu cánh Phật pháp, thiện nam thiện nữ ấy tay cầm kinh này”.
Đức Phật phóng ánh sáng chiếu khắp, thế giới tam thiên đại thiên của Phật đều biến thành màu sắc của vàng, nói lên thế giới tam thiên đại thiên này là thế giới Phật, luôn luôn được ánh sáng Như Lai chiếu khắp tất cả. “Kinh này cũng như vậy” nghĩa là kinh này cũng là ánh sáng Như Lai chiếu khắp tất cả, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Mà kinh này nói về Pháp giới Thể tánh vô phân biệt, nghĩa là Pháp giới thể tánh vô phân biệt chính là ánh sáng Như Lai chiếu khắp, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Ánh sáng Như Lai là nền tảng của thế giới tam thiên đại thiên, của kinh này và của “những người tay cầm kinh này”.
Trong những bài trước, chúng ta đã nói Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt là tánh Không, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt là ánh sáng (quang minh); hơn nữa, ánh sáng Như Lai. Hóa và ánh sáng tương quan với nhau như thế nào? “Ngài A-nan nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, người hóa không có pháp gì để có thể tương ưng với hay chẳng tương ưng. Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức A-nan, tất cả các pháp thể tánh là hóa. Chính hóa ấy điều phục nhóm Tỳ-kheo kia”.
Khi pháp giới thể tánh là ánh sáng, thì hóa tức là sự hóa hiện từ và của ánh sáng ấy. Và sự hóa hiện ấy cũng vô tự tánh, cũng là tánh Không: “Người hóa không có pháp gì để có thể tương ưng với hay chẳng tương ưng”.
Dĩ nhiên, sự hóa hiện ra người hóa của Bồ-tát Vănthù-sư-lợi là từ pháp giới thể tánh nên là thanh tịnh. Còn chúng ta, những sự việc chúng ta đang thấy trước mắt cũng là hóa hiện, vì “tất cả các pháp thể tánh là hóa”. Sự hóa hiện chúng ta thấy trước mắt là từ đâu? Từ ánh sáng, nhưng qua sự khúc xạ của cộng nghiệp của loài người và của biệt nghiệp từng người. Chính vì không biết thế giới và chúng sanh là sự hóa hiện từ ánh sáng căn bản, ánh sáng Như Lai được khúc xạ qua cộng nghiệp và biệt nghiệp mà cho đó là cứng đặc, là có tự tánh, là thật nên chúng ta lọt vào sanh tử. Nếu nhờ quán chiếu sâu sắc và bền bỉ, để thấy rõ sự thật “tất cả các pháp thể tánh là hóa” và hóa ấy là hóa của ánh sáng, thì chúng ta sẽ được giải thóat như nhóm Tỳ kheo trong kinh, “Chính hóa ấy điều phục nhóm Tỳ-kheo kia… Nghe hóa Tỳ-kheo giải bày (về pháp giới thể tánh), nhóm Tỳ-kheo ấy được vô lậu giải thóat”.
Kinh nói, “Tất cả các pháp giới là pháp giới thể tánh”, nghĩa là tất cả các thế giới sai khác, phân biệt là pháp giới thể tánh vô phân biệt. Đứng về phương diện ánh sáng mà nói, thì tất cả các sắc tướng sai khác, phân biệt là ánh sáng (pháp giới thể tánh) vô phân biệt. Như thế, các hóa là các hình tướng sai khác nhau thật ra là ánh sáng vô phân biệt. Thấy các hóa là thật, là sai khác nhau, đó là cái thấy khiến chúng ta lạc vào sanh tử. Thấy các hóa là không thật, là huyễn hóa, chứ thật ra chúng là ánh sáng vô phân biệt, do ánh sáng vô phân biệt hóa hiện ra theo cộng nghiệp và biệt nghiệp, người ta ở trong ánh sáng vô phân biệt hay pháp giới thể tánh vô phân biệt.
Để tìm thấy pháp giới thể tánh vô phân biệt này, người ta thiền định thiền quán về các sắc tướng. Khi thấy biết các sắc tướng là hóa, người ta thấy biết được nền tảng của các hóa là ánh sáng vô phân biệt. Khi thấy biết các hóa hiện ra từ đâu, hiện hữu trong cái gì, và biến mất ở đâu, người ta biết được nền tảng của tất cả mọi hóa.
Khi thiền định thiền quán sâu vào các hóa, chúng ta thấy các hóa là vô tự tánh, như mộng như huyễn, nên nền tảng của chúng là tánh Không. Các hóa khác biệt nhau, luôn luôn thay đổi, nhưng đi sâu vào chúng, chúng ta sẽ thấy các hóa hiện ấy đều có bản chất là ánh sáng, nền tảng của chúng là ánh sáng vô phân biệt.
Sống trong nền tảng tánh Không và ánh sáng vô phân biệt này, đây là giải thóat. Tất cả mọi phiền não nhiễm ô do sự phân biệt sai lầm đều tan vào pháp giới thể tánh vô phân biệt, vào ánh sáng Như Lai vô phân biệt, và trong cái nhìn từ nền tảng, chúng chính là pháp giới thể tánh (tánh Không, ánh sáng Như Lai) vô phân biệt: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp giới thể tánh không có kinh quái. Sự kinh quái ấy tức là pháp giới thể tánh”.
Cho đến các chúng sanh và phiền não nhiễm ô, các nghiệp thiện và bất thiện của chúng sanh cũng chính là pháp giới thể tánh, tức là ánh sáng vô phân biệt:
“Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Các chúng sanh ấy điên đảo chấp ngã và ngã sở. Hàng phàm phu ấy phát khởi ngã tưởng, chấp trước tưởng ta và chấp trước tưởng khác mà phát khởi tâm và tâm sở. Những tâm và tâm sở ấy tạo tác các nghiệp thiện hoặc bất thiện. Do hành nghiệp ấy làm nhân mà các chúng sanh ấy có được quả báo. Nếu đã có sanh bèn có nhiễm ô. Chính nhiễm ô ấy là pháp giới thể tánh.
Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu biết nhiễm ô là pháp giới thể tánh thì gọi là trắng sạch vậy. Nhưng trong Đệ nhất nghĩa, không có nhiễm ô, không có pháp nhiễm hoặc pháp tịnh. Lúc Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói pháp ấy, có năm trăm Tỳ-kheo dứt hết phiền não được tâm vô lậu”.
Nguyễn Thế Đăng | Văn Hóa Phật Giáo 1-11-2018
Discussion about this post