DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 15
ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH: SUỐI NGUỒN TỪ BI
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa quý thính giả,
Nhân dịp Đại Lễ Phật Đản Sanh đang diễn ra khắp miền đất nước và trên khắp nơi trên thế giới, chúng tôi trân trọng kính chúc đến toàn thể quý thính giả một mùa Phật Đản tràn đầy an lạc và hòa bình thế giới.
Thưa quý thính giả, Khởi
đi từ sự đản sinh của Đức Phật, một cuộc cách mạng
tư tưởng cũng ra đời.
Xuất
thân là một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật
chất nơi cung vàng điện ngọc lôi cuốn, thái tử Tất Đạt
Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử, triền
miên của kiếp người. Vào năm hai mươi chín tuổi, một đêm
kia, thái tử cùng với người đánh xe tên là Xa Nặc lìa bỏ
kinh thành, quyết lên đường tìm Chân Lý. Sáng hôm sau,
thấy đã đi được một quãng đường khá xa, Ngài xuống
xe, thay đổi y phục thái tử trao cho Xa Nặc đem về, chỉ
khoác lên mình một tấm vải vàng, ôm một bình bát, quyết
quay lưng lại đời sống dư thừa vật chất, với những người
hầu hạ vây quanh, thái tử từ biệt Xa Nặc, dấn bước lên
con đường gian nan phía trước.
Trải
qua sáu năm trời sống trong cảnh thiếu thốn, kham khổ, hành
trì nhiều phương pháp với nhiều bậc thầy, nhưng Ngài đều
không thỏa mãn, cứ đi hoài, tìm hoài. Cuối cùng, Ngài nhận
ra rằng tất cả các bậc thầy đó đều chưa thoát ra khỏi
được vòng vô minh. Từ nhận định đó, Ngài không còn trông
cậy vào một bậc thày từ bên ngoài, ngưng tìm kiếm, mà
một mình một bóng, tự quay vào soi rọi nội tâm.
Cuộc
chiến đấu để tự thắng bản thân của Ngài vô cùng cam
go. Với niềm tin tưởng rằng nếu không sống cuộc đời
khắc khổ thì sẽ không thể giải thoát, Ngài khép mình vào
kỷ luật, sống trong cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, chỉ
khoác trên mình một mảnh y, chỉ ăn một chút hạt khô và
rau cỏ, đến nỗi cơ thể Ngài vốn là một thái tử đẹp
đẽ oai phong, nay chỉ còn lại lớp da bọc bộ xương.
Thế
nhưng sự hành hạ xác thân đó cũng không khiến cho Ngài thấy
được Chân Lý. Cuối cùng, sau khi đã suýt gục ngã vì quá
khổ cực, Ngài mới thấy rằng lối sống xa hoa phủ phê thì
kéo con người xuống thấp vì đắm say vật chất, lối sống
quá thiếu thốn, quá cơ cực thì lại khiến cho tâm thần
mỏi mệt, không đủ ý chí để theo đuổi việc lớn. Từ nhận định này, Ngài chọn con đường Trung Đạo, giữ
sự quân bình đối với những nhu cầu cần thiết trong đời
sống để có đủ sức khỏe, nhưng không nuông chiều những
đòi hỏi quá với sự cần thiết. Con đường Trung Đạo này
còn được các hành giả của đạo Phật ứng dụng rất thành
công cho tới tận ngày nay.
Từ
sự phát hiện đó, Ngài ngưng hành xác, thọ nhận một vài
món thực phẩm thô sơ do thí chủ cúng dường. Sức khỏe
nhờ vậy mà dần dần hồi phục, tinh thần minh mẫn, Ngài
tự thanh tịnh hóa nội tâm, không cần đến một năng lực
siêu nhiên nào hỗ trợ.
Rồi
vào lúc rạng đông, khi sao Mai lóe sáng trên bầu trời, Ngài
bừng tỉnh, giác ngộ được Chân Lý, trở thành bậc Đại
Giác, thành Phật.
Đức
Phật đã nói lên những lời đầu tiên, sau khi giác ngộ:
“Xuyên
qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang
đi, đi mãi.
Như
Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất
cái nhà này.
Lặp
đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này
hỡi người thợ làm nhà,
Như
Lai đã tìm được ngươi.
Từ
đây ngươi không còn cất được nhà cho Như Lai nữa.
Tất
cả sườn nhà đều gãy,
Cây
đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như
Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã
tận diệt mọi Ái Dục”.
Và
tuyên ngôn cao thượng:
“Ta
là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”
Chúng
sinh ở đây không chỉ riêng cho loài người, mà là bao gồm
tất cả mọi loài chúng sinh, vì tất cả mọi loài hữu tình
đều có giác tánh, đều biết đau khổ, yêu thương, sợ hãi
và đều muốn được sống.
Tuyên
ngôn của Đức Phật nói lên lòng từ bi và bình đẳng tuyệt
đối của Ngài đối với muôn loài chúng sinh. Ngài không chỉ
nói xuông, mà ứng dụng tuyên ngôn ấy trong suốt cuộc đời
hoằng hóa của Ngài.
Mùa
Hè tại Ấn Độ mưa nhiều nên côn trùng sinh sôi nẩy nở
do ẩm thấp. Vì thế Đức Phật chế ra mùa an cư kiết Hạ,
mỗi năm ba tháng từ sau Rằm tháng Tư cho đến Rằm tháng
Bảy, để chư Tăng Ni không đi ra ngoài, tránh giẫm đạp lên
côn trùng. Nhà Phật có câu:
“Phụng
sự chúng sinh là phụng sự Chư Phật”, đã xác định tinh
thần bình đẳng, tôn trọng muôn loài của Đức Phật.
Cư
sĩ Diệu Chương kể lại câu chuyện “Bát Cơm Cúng Dường”
được in trong cuốn Truyện Cổ Phật Giáo, như sau:
“Thuở
Đức Phật còn tại thế, hằng ngày Phật và hàng đệ tử
đi khất thực để mọi người có duyên gieo hạt giống lành
vào thửa ruộng phước của mình.
Trong
mùa an cư, Phật thường thọ trai của thí chủ phần đông
là hàng cư sĩ, luân phiên nhau mang thức ăn đã nấu sẵn vào
Tịnh xá cúng dường.
Trong
giới tại gia của Đức Phật, có một người học trò tuy
của cải không bằng ai nhưng lại khá giàu lòng tốt. Phiên
chàng cúng dường thường vào những ngày cuối tháng. Những
bữa cơm giản dị không phải quý giá về phẩm chất, mà
quý vì chàng đặt vào đó tất cả lòng thiết tha thành kính
của một đứa con thuần hiếu, mà lòng chân thành lắm khi
làm cảm động đến chư Thiên. . .
Khi
sao mai vừa ló dạng, chàng thức dậy, sửa soạn vớt chất
đề hồ cho vào chiếc bình trắng trong, để lên chiếc bàn
con bằng gỗ chiên đàn, một gia bảo của mẹ chàng thuộc
dòng Bà La Môn để lại cho chàng. Chiếc bàn đã mấy đời
dùng làm bàn sắp đồ cúng tế trong các buổi lễ.
Kế đó, những món rau đậu chính chàng trồng lấy ở vườn nhà
được tự tay chàng nấu nướng.
Hôm
nào cũng như hôm nào, bữa cơm chàng sửa soạn cúng dường
Đức Phật cũng mang trọn tất cả tấm lòng thành kính vui
mừng. Chàng khẩn nguyện cho cơm chàng cúng dường là bữa
cơm đầy Pháp vị, tuy chàng biết vốn liếng tu học của
mình không được bao nhiêu và gia thế lại còn tệ hại hơn
cả sự hiểu biết của mình nữa.
Nhưng
không biết tại sao tâm chàng thấy hoan hỷ và tin tưởng rằng
những bữa cơm đơn giản của mình đều mang đến cho người
thọ dụng tất cả niềm thanh tịnh, hoan hỷ. Và đó cũng
là nguồn an ủi lớn lao nhất trong kiếp sống hiện tại của
chàng.
Mặt
trời lên khá cao, chàng vui vẻ mang thức ăn đi cúng dường
Đức Phật. Con đường đi vào Tịnh xá Kỳ Hoàn thật êm
ả trầm lặng. Chàng không bao giờ ngắm mây bay hoa nở, bước
chân chàng nhẹ nhàng thanh thoát lướt qua không kịp nhuốm
bụi đường, lòng chỉ lo quá ngọ Đức Phật không kịp thọ
dụng. . .
Nhưng
có một hôm, ra khỏi nhà một đỗi, mắt chàng dừng lại,
bóng dáng một sinh vật thất thểu dưới nắng hè. Đó là
một con chó gầy guộc, lông lá rụng hết, từng mảng ghẻ
lở loét hiện rõ dưới ánh mặt trời chói chang. Bốn chân
nó khẳng khiu xiêu vẹo không đỡ nổi chiếc thân vốn đã
quá gầy còm!
Hình
như nó đánh hơi được thức ăn chàng đang xách trên tay nên
lấm la lấm lét tiến lại gần. Nó không biết nói, nhưng
đôi mắt van nài, bộ tướng ủ rũ tiều tụy của nó, đủ
nói lên được với chàng rằng: “Tôi không được ăn đã
từ lâu lắm rồi” .
Chàng
đứng khựng lại. Bấy giờ, trước mắt chàng chỉ có hình
ảnh của một sinh vật đói lả, mà trong tay chàng lại có
sữa, cơm và thức ăn. Thật may phước cho nó quá! Chàng ngồi
xuống bên đường, mở bình bát ra, bày các thức ăn trước
mặt nó. Con chó ăn không kịp thở. Chàng hồi hộp nhìn con
vật, cùng chia sớt với nó sự bằng lòng, niềm vui hy hữu
đang âm thầm tràn ngập tâm hồn. Trong một thoáng chiếc bình
đề hồ, cơm, thức ăn đều hết sạch. Bây giờ con chó no,
thong thả ra đi. Chàng trông theo bước chân của nó, giờ đây
chắc chắn vững chải trên con đường và nở một nụ cười
thoải mái. Nhưng, khi chó vừa khuất dạng sau rặng cây trước
cửa Tịnh xá, chàng nhìn lại bình đề hồ và liễn cơm với
thức ăn sạch nhẵn, lo sợ kinh hoàng! Mặt trời rọi bóng
chàng lùn xủn trên mặt đường vậy là vừa đúng ngọ. Tới
thì không dám, lùi cũng không đành, sau một giây, thu hết
can đảm, chàng rảo bước vào Tịnh xá mà nước mắt lăn
tròn theo mồ hôi.
Đức
Thế Tôn dùng huệ nhãn soi rõ sự tình. Ngài ngồi yên, đôi
mắt tinh anh như hai vì sao, nụ cười hoan hỷ từ bi nở tươi
làm sáng một vùng trời.
Chàng
nào dám ngó lên, đôi mắt e dè dán chặt xuống đôi bàn chân
tê dại. Tuy nhiên, chàng quyết không dối Phật, quyết thú
thật hết tội lỗi của mình, mà cũng không dám mong cầu
được Phật tha thứ.
– Bạch
Thế Tôn! Hôm nay con có lỗi nặng vô cùng. . .
. .
. và tiếng chàng rút lại nhỏ dần như tắc nghẹn. . .
Đức
Phật ôn tồn khuyến khích như thường lệ:
– Hôm
nay phải phiên con đem cơm cúng dường Như Lai đó không?
– Bạch
Thế Tôn!. . . — tiếng chàng nức nở trong nước mắt — xin
Ngài thứ tội cho con. Vừa rồi tại trước Tịnh xá, con gặp
con chó ghẻ đói lả, con lú lẫn quên mất giờ trai của Thế
Tôn, con lỡ đem bình bát thức ăn cho con chó ăn hết. Tội
con xuẩn ngốc, vô lễ nặng nề không biết ngần nào.
Nhưng,
một vùng hào quang giữa đôi mày Đức Phật phóng ra ánh ngời
Tịnh xá như những hôm Phật lên Pháp tòa để khởi đầu
nói một bài Kinh trác tuyệt. Tiếng Ngài ngân vang, từ ái
tròn đầy:
– “Mùa
hạ này, Như Lai muốn cho các con biết, chỉ có hôm nay Như
Lai thọ dụng một bữa cúng dường rất thanh tịnh của một
vị đại thí chủ, đầy đủ Pháp vị trong một bữa cúng
dường”.
Tại
sao chàng thanh niên này lại được đức Phật tán thán là
“đại thí chủ”, và sự cho con chó ăn này lại được đức
Phật khen là”một bữa cúng dường rất thanh tịnh”?
Vì
rằng khi chàng thanh niên cho con chó ăn, tâm chàng hoàn toàn
trong sáng, chỉ có một niệm từ bi bình đẳng khởi lên,
chỉ thấy có một sinh vật đang sắp chết vì đói, và chàng
hồn nhiên đem ngay món thực phẩm đang có trong tay để cứu
nó, không tính toán, không phân biệt rằng “cúng Phật được
phước hơn”, hoặc “con chó là loài vật”, vân vân. Như thế
là Bố Thí Ba La Mật, bố thí trong tinh thần hoàn toàn trong
sạch, không thấy có người cho, người nhận, giá trị của
vật đem cho, mà chỉ có một tấm lòng trắc ẩn nguyên sơ,
làm một việc vì cần phải làm, không so đo, tính toán, không
làm vì hiếu danh, không làm để kể công, kể ơn.
Trong
cái xã hội Bà La Môn phân chia giai cấp một cách vô cùng
khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ đụng tay vào giai cấp
thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một quan
điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người
với người, mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà
Phật, phải nói là đức Phật đã làm một cuộc đại cách
mạng. Ngay đến thế kỷ thứ hai mươi mốt này, tại nhiều
quốc gia trên thế giới, người ta vẫn còn đang phải chật
vật tranh đấu để giành quyền bình đẳng giữa nam nữ,
giữa các mầu da, vân vân, thì đức Phật, cách nay hai ngàn
năm trăm năm, đã tuyên bố : ” Không có sự khác biệt giữa
những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng
đỏ”, cao thượng thay lời nói của bậc Đại Giác!
Cũng
trong tinh thần tôn trọng sinh mạng này, Đức Phật chế giới
tu sĩ không được chặt cây, đào đất, vì làm như vậy có
thể giết hại các loài vi sinh vật. Sở dĩ có thể thi hành
giới này vì vào thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ, tăng
sĩ ôm bình bát đi khất thực hằng ngày, không cần phải
trồng trọt để mưu sinh.
Lòng
từ bi bình đẳng của Đức Phật bao quát tất cả mọi dạng
sống trên trái đất, dù là lớn hay nhỏ, mắt thấy được
hay không thấy được, như đã nói trong Kinh Từ Bi :
“Nguyện
cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh
phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện
cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính
mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho
kẻ khác bị đau khổ và khốn đốn.”
Đạo
Phật được ví như một con đại bàng mà Trí Tuệ và Từ
Bi là hai cánh. Nhờ có Trí Tuệ, chúng ta mới tỉnh cơn mê.
Nhưng đồng thời, trên bước đường tu tập, chúng ta phải
trải rộng Tâm Từ để tránh đau khổ cho chúng sinh, hơn thế
nữa, để giúp chúng sinh, cùng chúng sinh tiến bước theo dấu
chân Đức Phật, đó là chúng ta đang hành Bồ tát Đạo.
Để
tỏ lòng tôn kính thâm sâu của mình đối với Đức Phật,
Sri Radhakrishnan viết:
“Nơi
Đức Phật Gotama (Cồ Đàm) ta nhận thấy một tinh hoa toàn
thiện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong
tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu,
cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo
chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài
là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng cao
thâm huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế
giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí bởi vì, đứng
về phương diện trí thức, chắc chắn Ngài là một trong những
bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử”.
Trong
quyển “Three Greatest Men in History”, học giả H. G. Wells ghi nhận
như sau:
“Nơi
Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị có
tâm đạo nhiệt thành, một mình tự lực phát huy ánh sáng
tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi
người chớ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện
trong nhiều truyền thuyết hoang đường. Ngài cũng ban bố cho
nhân loại những lời kêu gọi có tính cách phổ thông. Bao
nhiêu quan niệm của thế hệ tân thời đều tương hợp với
giáo lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao
sầu khổ và bất hạnh trong đời đều do lòng ích kỷ sinh
ra. Trước khi có thể trở nên tĩnh lặng, con người cần
phải tự chế trước những đòi hỏi của giác quan. Rồi
từ đó, vượt lên trên tất cả mọi người, Ngài sống cuộc
đời siêu nhiên. Năm trăm năm trước Chúa Christ, xuyên qua
nhiều ngôn ngữ khác nhau, Phật Giáo đã kêu gọi con người
nên tự quên mình. “
Ngày
nay hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, lời dạy của đấng Bổn
Sư Thế Tôn vẫn còn vang vọng đâu đây. Chúng ta những người
con Phật mà không có may mắn được gặp Ngài, được nghe
những lời giáo huấn từ kim khẩu Ngài, đành chỉ còn biết
ngậm ngùi theo với lời than thở của cổ nhân:
Phật
tại thế thời ngã trầm luân
Kim
đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo
não tự thân đa nghiệp chướng
Bất
kiến Như Lai kim sắc thân.
Tạm
dịch:
Vào
thời Phật tại thế gian
Thì
ta nghiệp nặng lang thang luân hồi
Nay
ta có được thân người
Tiếc
thay Phật đã về nơi Niết bàn
Ban
Biên Tập
www.thuvienhoasen.org
Discussion about this post