“何期自性能生萬法。“
“Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp?“
“Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.”
Tâm Tịnh
Tự Tánh, chính Tự Tánh (by itself), chẳng sanh chẳng diệt đã đành, Tự Tánh by itself cũng chẳng sanh ra muôn pháp. Tự Tánh tiềm tàng, hiện hữu trong muôn pháp, nhưng không sanh ra muôn pháp. Do nghiệp (karma), cộng với sự tương tác của pháp (mà nhà Phật gọi chung là duyên) mà muôn pháp hình thành.
Trong Pháp Bảo Đàn kinh, viết về ngài Lục Tổ Huệ Năng, kể rằng, khi ngài Đại Ngộ được Tự Tánh, ngài đã nói ra 5 câu, trong đó có câu mà nguyên bản tiếng Hán như sau:
何期自性能生萬法。
Phiên âm chữ Hán sang chữ Việt:
Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp?
Con không biết ai là người dịch đầu tiên câu này ra tiếng Việt, mà những người sau, khi dịch kinh này, cũng dịch giông giống. Lý do gì mà như vậy?
Những links mà con liệt kê và trích sau đây là toàn bài Pháp Bảo Đàn kinh đã được dịch ra tiếng Việt, con chỉ trích một đoạn liên quan đến câu này. Câu mà đã khiến nhiều người đọc lầm tưởng rằng Tự Tánh (hay Phật Tánh) đã tạo ra mọi sự vật trên thế gian này, và như vậy, với riêng quyền năng này, nhiều người đã nghĩ rằng, Phật Tánh tương đương với tên gọi Thượng Đế ở một số tôn giáo khác, trên bình diện tạo ra muôn pháp, ngoại trừ vô hình, vô tướng, và ta có thể dùng danh từ Thượng Đế thay cho Phật Tánh.
Từ câu được phiên âm từ chữ Hán sang chữ Việt cho dễ đọc này, con đã thấy có một số bản dịch ra nghĩa tiếng Việt, từ nhiều tác gỉa:
Con xin được liệt kê ra đây 4 bản dịch:
1. Tác giả Đoàn Trung Còn
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009
http://thienphatgiao.wordpress.com/2013/06/23/kinh-phap-bao-dan-doan-trung-con-nguyen-minh-tien-dich/3/
Bắt đầu trích: “Tổ lấy áo cà-sa che quanh, chẳng cho ai trông thấy, rồi giảng kinh Kim Cang cho nghe. Đến câu ‘Nên sanh tâm từ nơi chỗ chẳng trụ vào đâu cả.’ Huệ Năng vừa nghe liền đại ngộ, hiểu rằng hết thảy muôn pháp chẳng rời tự tánh. Liền bạch Tổ rằng: ‘Ngờ đâu tự tánh vốn tự thanh tịnh. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng sanh diệt. Ngờ đâu tự tánh vốn tự đầy đủ. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng lay động. Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.’ ” Hết trích.
2. KINH PHÁP BẢO ĐÀN
Lục Tổ Huệ Năng
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch và Lược Gỉai
Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana Xuất Bản1992
http://thuvienhoasen.org/p16a681/pham-tua-thu-nhat Phẩm Tựa Thứ Nhất
Bắt đầu trích: “Tổ dùng Ca sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết Kinh Kim Cang, đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lià tự tánh, bèn bạch Tổ rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!” Hết trích.
3. Dịch giả: THÍCH NỮ TRÍ HẢI
http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/kinhphapbaodan1.htm
Bắt đầu trích: “Tổ dùng tấm cà sa vây che không cho người thấy (ánh đèn), đoạn đọc Kinh Kim cang cho nghe. Đến chỗ “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Huệ Năng hoắc nhiên đại ngộ, hết thảy vạn pháp không lìa tự tánh, bèn bạch Tổ rằng:
– Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không lay động, có thể sanh muôn pháp.” Hết trích.
4. PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Minh Trực Thiền Sư Việt dịch
http://thienphatgiao.wordpress.com/2013/04/28/kinh-phap-bao-dan-minh-truc-thien-su-dich/3/
Bắt đầu trích: “Ngũ Tổ lấy áo ca sa đắp cho ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Có nghĩa là: Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình ( Phải thật đúng y như lời, như lúc tiếp vật, xúc chạm, tâm mình vẫn như như không nhiễm, không chấp, không thủ, không xả, không không, cũng không phải là không không. Phải biết, ngoài Bổn Tâm, không còn sanh tâm chi khác. Trên cảnh không sanh tâm, hết cảnh tâm không diệt – Nđm)
Huệ Năng này nghe nói rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp đều chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư:
Nào dè tánh mình vốn tự nhiên trong sạch.
Nào dè tánh mình chứa đầy đủ (muôn pháp –nd)
Nào dè tánh mình vốn không lay động
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.” Hết trích.
(Con xin được mở ngoặc ở đây, để ghi nhận thêm:
* Có một bản dịch sang Anh ngữ, do tác giả Philip B. Yampolsky vào năm 1967, vị này đã không dịch đoạn mà có những câu này:
http://www.fodian.net/world/Platform_Sutra_Yampolsky.pdf
* Hòa Thượng Thích Mãn Giác, năm 2003, cũng đã dùng bản dịch Anh ngữ này để dịch sang tiếng Việt:
http://thuvienhoasen.org/p16a731/kinh-phap-bao-dan
)
Chúng ta thấy rằng, cả bốn vị dịch gỉa đều dịch giông giống nhau, con xin tóm lược:
Lục Tổ đại ngộ rằng:
Cư Sĩ Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến: hết thảy muôn pháp chẳng rời tự tánh
Tỳ Kheo Thích Duy Lực: tất cả vạn pháp chẳng lià tự tánh
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải: hết thảy vạn pháp không lìa tự tánh
Thiền Sư Minh Trực: cả thảy muôn pháp đều chẳng lìa tánh mình
Nói một cách khác Tự Tánh luôn hiện diện trong muôn pháp.
Và trong 5 câu mà ngài Lục tổ đại ngộ, có câu Tự Tánh vốn không lay động, nói một cách khác, Tự Tánh ở thể tĩnh lặng.
Và đây là câu cuối cùng trong 5 câu “đâu ngờ” này:
Cư Sĩ Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến: Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.
Tỳ Kheo Thích Duy Lực: Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải: Nào ngờ tự tánh có thể sanh muôn pháp.
Thiền Sư Minh Trực: Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.
Cả 4 vị dịch câu này cũng tương tự nhau.
Tư duy, con nhận thấy, có sự mâu thuẫn giữa sự đại ngộ về tự tánh vốn chẳng lay động và tự tánh sanh ra muôn pháp.Tự tánh tĩnh lặng, như như, sao lại động để sanh ra pháp? Ngoài ra, Đạo Phật là Đạo Cứu Khổ chúng sinh, Đức Phật dạy chúng sinh tu để tâm thanh tịnh trong Tự Tánh, thoát khỏi mọi khổ đau cho mình và độ cho người cùng thoát khổ, sao Chân Như Tự Tánh lại tạo ra muôn pháp sinh diệt, hư huyễn trong cõi đời này, để sự khổ đau trở lại với chúng sinh? Mâu thuẫn, phải không ạ? Hay Tự Tánh đóng vai một quan tòa, sáng tạo, định đoạt, an bài nhân quả cho chúng sinh, do đó tạo ra muôn pháp? Nếu nói Tâm Sinh Diệt tạo ra muôn pháp thì con đồng ý, còn như nói Tâm Bất Sinh sinh ra muôn pháp, thì con thấy … không hợp lý Đạo.
***
Đó là những bản dịch ra tiếng Việt tiêu biểu mà con tìm thấy nhờ kỹ thuật internet tân tiến ngày nay. Từ một trong những bản dịch này, chúng ta được sự giảng giải của các vị Thầy, con xin được viết ra đây sự giảng giải tiêu biểu của 2 vị Thiền Sư về câu chính trong chủ đề của bài này: “Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.”:
1. Hòa Thượng Tuyên Hóa: Ngài (hoặc người dịch dùm ngài, vì ngài không biết tiếng Việt) dùng bản dịch của Thiền sư Minh Trực:
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp!
Ngài (hoặc người dịch dùm ngài) diễn giảng câu này như sau:
“Con thật không ngờ rằng, vạn pháp vốn từ tự tánh sanh ra. Lúc trước con không nghĩ ra, nhưng nay lại chứng đắc cái diệu lý này. Thật không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả hết điều kỳ diệu này!”
Ghi chú: Chữ “con” trong trích dẫn này: Ngài Lục Tổ đang thưa gởi với ngài Ngũ Tổ.
http://thuvienhoasen.org/p17a1193/4/pham-hanh-do-pham-1#nl_detail_bookmark
2.Hòa Thượng Thích Thanh Từ: Ngài dùng bản dịch tương tự của Tỳ Kheo Thích Duy Lực:
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!
Hòa Thượng chỉ đọc qua câu này mà không giảng giải.
http://thuvienhoasen.org/p17a1628/4/pham-thu-nhat-hanh-do
***
Qua những dẫn chứng trên, rồi qua sự học Phật sơ thiển của con, con trở nên thắc mắc (Văn, Tư, Tu), và câu hỏi con xin được hỏi chư vị: “Tự Tánh hay Phật Tánh có đích thực sanh ra muôn pháp (muôn sự, muôn vật, muôn loài) như được viết và giảng giải không? hay là muôn pháp trên thế gian này đều như huyễn và đều do nhân quả, nhân duyên, hợp lại mà tạo thành?”, vì thắc mắc (Tư – trong Văn, Tư, Tu), con đã mạo muội viết bài này kính gởi tới chư vị cao minh xin được thỉnh giáo.
***
Con xin được trở lại với câu chữ Hán:
何期自性能生萬法。
Phiên âm chữ Hán:
Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp?
Mỗi chữ Hán có nhiều nghĩa, tùy theo nội dung của câu. Dựa trên tự điển Việt-Hán-Nôm:
http://hannom.huecit.vn/
con đã lựa nghĩa nào cho đúng với chánh pháp (con tô màu vàng). Hai chữ quan trọng trong câu này là chữ Năng và chữ Sanh:
Hán Việt:
能 |
Năng (1): tài năng, như: năng viên 能員 chức quan có tài. |
Hán Việt:
生 |
Sanh |
Vậy, theo con học hành và hiểu về Tự Tánh, con xin mạn phép tạm dịch là:
Đâu ngờ Tự Tánh năng sống trong muôn pháp
– “năng” đây ý chỉ “có công năng” chứ không phải là “hay” với nghĩa là có sức làm nổi, làm được.
– “sanh” đây là “sống” (đối lại với tử), ý chỉ “hiện diện, tồn tại, có mặt” chứ không phải là “sanh” với ý nghĩa “sanh ra, creating, sinh sôi nẩy nở”
Nếu dùng 8 chữ để cùng thể với 4 câu trên, thì có thể bỏ chữ “năng”, cũng vẫn y nghĩa. Xin được sửa lại là:
Đâu ngờ Tự Tánh sống trong muôn pháp
Câu cuối cùng này, cũng là câu quan trọng nhất trong 5 câu, và cũng chính là sự đại ngộ của ngài Lục Tổ Huệ Năng, rằng: Tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự Tánh. Nói một cách khác, Tự Tánh luôn hiện diện trong muôn pháp. Trong kinh Kim Cang cũng có câu tương tự: Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Tự Tánh sống trong muôn pháp, hay nói một cách khác, Tự Tánh có mặt trong muôn pháp, nhưng bị che khuất bởi vô minh, bởi tham, sân, si mà chúng ta đã huân tập từ nhiều kiếp. Một khi chúng ta nhận biết sự giả tướng, sự huyễn hóa, sự sinh diệt của muôn pháp trên thế gian này, và không còn dính mắc vào chúng trong mọi lúc, thì Tự Tánh hiển lộ tròn đầy.
Lại nói một cách khác, trong muôn pháp đều có Tự Tánh, muôn pháp do duyên mà thành, muôn pháp không do Tự Tánh tạo ra, muôn pháp biến dịch, tạo tác, hành hoạt, tương tác, mà thọ quả trên bề mặt của Tự Tánh. Sự gây tạo nghiệp nhân do thức hành hoạt, do kinh nghiệm, do sự tính toán, đo lường, cố ý của thức xen vào, để rồi quả hình thành. Tự Tánh được ví như đất, mọi sự hành hoạt trên đất, đổ chất dơ hay chất sạch vào đất, đất chẳng từ nan, đất không sinh ra chất dơ, chất sạch, và đất vẫn hiện diện. Tự Tánh cũng được ví như hư không, dung chứa tất cả, hư không không sinh ra những gì hư không đang dung chứa, và hư không vẫn bao trùm ở đó. Tự Tánh cũng được ví như nước biển với những lượn sóng sinh diệt, hết lớp này tới lớp khác, xô đẩy trên bề mặt, nước biển không sinh ra sóng, và trong tầng sâu, nước biển tĩnh lặng hiện hữu v.v… Vậy thì, Tự Tánh chính (đúng) là tồn tại, có mặt, hiện diện, sống trong muôn pháp. Nếu Tự Tánh sanh muôn pháp thì chẳng khác nào khái niệm về thần quyền, Thượng Đế, khiến đã có một số vị, kể cả những vị đã nghiên cứu sâu dầy trong Phật Học, xuất gia và tại gia, đã dùng từ Thượng Đế thay cho Phật Tánh. Như vậy, khả năng “sinh ra muôn pháp” này đã khiến các vị hiểu như thế và giảng giải như thế, như những chữ đã được viết ra, rồi cũng dựa trên câu này, mà suy diễn thêm ra rằng, như vậy, mọi sinh vật, mọi sự việc trên thế gian này, kể cả duyên, đều được sáng tạo, an bài, định đoạt bởi Tự Tánh hay Phật Tánh hay Thượng Đế (God), giống như nhiều tôn giáo khác đã quan niệm trên bình diện tạo dựng này, chỉ riêng với đạo Phật, thì đừng nhân cách hóa mà thôi, và nếu có ai phản đối việc dùng từ Thượng Đế để chỉ Phật Tánh, các vị này sẽ khuyên là “chúng ta đừng nên chấp vào văn tự”.
Mong thay,
Tâm Tịnh.
BÀI ĐỌC THÊM:
Đọc thêm: Vượt Trên Cả Chư Thiên (Nguyễn Thường Tâm dịch)
Chúng ta cũng có thể dẫn ra một số nơi khác trong Kinh Phật, khi Vua Cõi Trời phải tới xin học với Đức Phật. Thí dụ, như khi Vua Cõi Trời thấy vòng hoa trên người bắt đầu héo, nên phải tới xin vấn pháp Đức Phật. Như thế, rõ ràng rằng Đức Phật đã nói rất minh bạch, không hề có cái gì gọi là Thượng Đế Sáng Tạo. Và Đức Phật cũng nói rõ rằng, chính các Vua Cõi Trời vẫn phải tới xin học với Đức Phật. Tương tự, kháí niệm ông Trời trong ca dao tục ngữ Việt Nam cũng là cháu của con cóc thôi.
Đọc thêm: Ông Trời Trong Tâm Thức Việt (Nguyên Giác)
Việc “du nhập” danh xưng này khi giảng nói về Giáo pháp của đức Phật chẳng có ý nghĩa tích cực gì mà rất dễ gây hiểu lầm và lạc dẫn cho người nghe, người đọc. Hơn nữa, dùng danh xưng Thượng Đế để chỉ Phật Tánh chỉ làm hoang mang cho người nghe, người đọc, vì Phật giáo xưa nay luôn bác bỏ hoàn toàn quan điểm về một Thượng Đế tạo dựng nên con người và vạn vật.
Discussion about this post