XUÂN NHƯ Ý
Vĩnh Hảo
Hỏa hoạn qua đi, để lại vết tích hoang tàn của hàng trăm nghìn mẫu cây rừng, nhà cửa, cơ sở thương mại, và niềm đau mất mát của hàng nghìn gia đình ở miền tây. Trong khi đó, bão tuyết đã phủ trùm một vài tiểu bang miền đông, hàng trăm nghìn gia cư mất điện, hơn một nghìn chuyến bay bị hủy bỏ.
Thiên tai và nhân họa như luôn chờ chực để phá hủy, cướp đoạt những gì con người gầy dựng bằng trí tuệ, tài sản, công sức và thời gian của họ. Sự thành tựu nơi đây có thể là hiểm họa ở nơi kia, và ngược lại.
Khi ngọn gió vô thường thổi qua, núi biếc nghìn năm cũng phủ màu rêu khói. Người và sông, không thể cùng là người và sông của giây phút trước (1). Không kỵ sĩ nào có thể ngồi mãi trên lưng ngựa; cũng không vó ngựa nào rong ruổi mãi trên đồng hoang.
Thế rồi, từ hoàn cảnh bất lực không thể hiểu, không thể giải đáp về sự bất công, đau khổ trong đời sống, người ta đi cầu cạnh kẻ trên; không được thì khấn vái đến thần linh. Danh vọng chưa có, cầu cho có; đã có, cầu cho nổi thêm. Phú quý chưa có, cầu cho có; đã có, cầu cho ngày càng tăng hơn… Ai cũng mong được một thứ gì đó tốt đẹp hơn hiện trạng.
Rồi khi năm hết Tết đến, khi muôn hoa mãn khai, không khí phong quang của ngày xuân làm người ta náo nức, vui tươi, kỳ vọng một vận hội mới, người người chúc mừng nhau: vạn sự như ý!
Vạn sự như ý—nói cho văn vẻ cái ý “muốn chi được nấy”—là một giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng người ta vẫn cứ chúc tụng nhau mỗi khi xuân về.
Làm thế nào mà mọi điều mong ước (vạn sự) của một người có thể thành tựu trong năm mới, hay trong một đời!
Làm thế nào mà mọi điều mong cầu của nhân loại trên toàn cầu có thể thành tựu trong một đời, thậm chí chỉ trong một năm mới đang đến!
Chỉ một vài ước vọng thôi, mong được như ý, đã là khó, huống chi “vạn sự” đều được thỏa đáng, vừa lòng! Mà nếu mười ngàn cái muốn của một người đều được đáp ứng, hẳn phải có mười ngàn người khác chịu thiệt thòi ít nhiều theo luật bù trừ.
Một gian thương chuyên lách thuế, lường gạt khách hàng mà muôn sự mong cầu đều được như ý thì sẽ làm khó, làm khổ cho bao nhiêu người khác!
Nhà lãnh đạo vô nhân, thất đức, nhũng lạm của công, hối mại quyền thế, đã là một đại họa cho dân cho nước rồi, không lẽ còn cầu chúc “muốn chi được nấy” cho thỏa lòng tham của kẻ độc tài!
Cho nên, cảnh giới mà tất cả mọi người đều được vạn sự như ý là cảnh giới hoang tưởng. Ước mơ mọi người đều được vạn sự như ý là ước mơ không tưởng.
Bản chất của cuộc đời là vô thường, bất định, vì vậy, con người đứng trong trời đất, thường là sẽ bất như ý. Không thể tìm cầu sự như ý tuyệt đối.
Xét cho cùng, chỉ nên hiểu đơn giản: “vạn sự như ý” là lời chúc tụng mọi việc đều hanh thông tốt đẹp, vừa lòng mình mà chẳng tổn hại ai (rất khó!). Nhưng ước vọng mong cầu gì thì cũng tương đối, vừa phải, đừng cầu mong quá giới hạn tài năng và hoàn cảnh của mình. Khi lòng tham của một người vượt khỏi lằn ranh nhu cầu, đời sống hài hòa của cá nhân và gia đình bắt đầu lung lay; khi lòng tham của ngàn người cùng lúc trào dâng, xã hội rối loạn; khi hàng triệu sự muốn của hàng vạn người đều tranh nhau được thỏa đáng, thế giới đảo điên. Và thế giới đã thực sự điên đảo kể từ thời kỳ cổ đại của lịch sử nhân loại, khi mà của cải vật chất trở thành yếu tố phân chia giai cấp xã hội, củng cố địa vị của các guồng máy thống trị vô nhân. Cái gốc của sự điên đảo chính là mong cầu những gì chưa có, và ham muốn được nhiều hơn những gì đã có.
Theo nhà Phật, sống ít muốn (thiểu dục) và biết đủ (tri túc) thì sẽ có hạnh phúc, an nhàn. Ít muốn là ít mong cầu, giảm tham muốn, tức là tự giới hạn mình với nhu cầu cần có thay vì mong cầu cái chưa có; và biết đủ là biết chấp nhận, hài lòng với hiện trạng tương đối của mình. Ít ham muốn thì sẽ bớt mưu tìm, biết đủ thì sẽ ít ham muốn. Thay vì dành hết thời gian, năng lực cho tham cầu danh tiếng và của cải, người ít muốn biết đủ có thêm nhiều thời giờ để vui sống với gia đình, giúp đỡ tha nhân, cứu tế xã hội, và hòa đồng với thiên nhiên.
Như ý, theo nghĩa này, chính là niềm hạnh phúc đơn giản có thể có được trong tầm tay mỗi người, dù ở trong hoàn cảnh nào. Bằng lòng với hiện tại, dừng lại những vọng cầu tương lai. Ít muốn, biết đủ không phải là chấp nhận cuộc sống bần cùng thiếu thốn, không chịu thăng tiến, mà là biết hài lòng với cuộc sống bình dị, vừa đủ, không đòi hỏi quá nhiều nhu cầu. Lòng tham, hễ biết đủ thì đủ; không biết đủ thì sẽ chẳng bao giờ đủ (2). Hạnh phúc là biết sống nhàn hạ, vô ưu: không tham để tâm không lo lắng tân toan; không sân để tâm không ưu phiền náo động; không si để tâm không ù lì ủ dột. Giữ cho đèn tâm vững chãi trước những ngọn gió chướng (3) thì vạn sự cũng thành vô sự; vì vạn sự có đến, lòng vẫn như ý, an vui, không lay động.
Và bây giờ, hãy nói về mùa xuân của chúng ta. Đâu đó nơi những miền đất giá lạnh, ngàn hoa đã bắt đầu trổ nụ sau bão tuyết mùa đông; và nơi miền nắng ấm, dưới những tro tàn đổ nát từ hỏa hoạn để lại, cây cỏ cũng kiên trì vươn lên, trổ những nhánh lá đầu xuân. Lau dọn bàn thờ. Dâng trái chưng hoa. Trầm hương thoảng. Thiền phòng tịch mịch. Gió xuân sang rụng phấn hoa vàng. Lòng vô sự mở toang cửa sổ, đón chào xuân như ý.
California, ngày 31 tháng 12 năm 2018
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
Xem thêm:
Nguyệt San Chánh Pháp 86 (01.2019)
__________________
(1) Ý của Heraclitus, triết gia Hy lạp thế kỷ thứ 5-6 trước Tây lịch: “You could not step twice into the same river…” (Bạn không thể bước qua hai lần trong cùng một dòng sông).
(2) “Trí túc tiện túc, đãi túc hà thời túc / Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.” Nghĩa là, biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ? / Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn? (Nguyễn Công Trứ, Chữ Nhàn).
(3) Bát phong (tám ngọn gió): được/mất, nhục/vinh, khen/chê, và khổ/vui (lợi/suy, hủy/dự, xưng/cơ, và khổ/lạc)
Discussion about this post