VƯƠNG AN THẠCH TRỞ VỀ VỚI PHẬT
PGS. Hồ Sĩ Hiệp
Vương
An Thạch (1021 – 1086) tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn, người Lâm Xuyên, tỉnh Giang
Tây, xuất thân gia đình quan lại, thông minh, hiếu học và rất giỏi thơ văn,
“cầm bút là viết một mạch, tác phẩm viết ra ai nấy đều bái phục về sắc sảo”.
Ông đậu tiến sĩ, làm tri phủ, tri huyện, hàn lâm học sĩ và sau khi chết được
ban tên là Văn (truy phong là Thư Vương).
Vương An
Thạch hoạt động chính trị vào lúc vương triều Bắc Tống (thế kỷ XI) đang lâm vào
hoàn cảnh khó khăn. Để cứu nước cứu dân, Vương An Thạch chủ trương cải cách
mạnh mẽ và đổi mới pháp chế, “lấy sức lực của thiên hạ để làm ra của cải cho
thiên hạ, lấy của cải của thiên hạ để cung cấp cho thiên hạ”. Để thực thi chủ
trương cải cách pháp chế, Vương An Thạch đề ra các nội dung cụ thể, thiết thực
và hữu hiệu như: “đẩy mạnh quản lý tài chính trong cải cách pháp chế”, “chỉnh
đốn quân bị” và “tuyển chọn, đề bạt và bồi dưỡng nhân tài”. Sau hơn một năm cải
cách quyết liệt, Vương An Thạch bị giai cấp thống trị chống đối nên ông thất
bại. Mặc dù sự nghiệp tiến bộ không thành, nhưng Vương An Thạch được coi là
người cải cách pháp chế nổi tiếng, rất được nhân dân yêu mến, kính phục. Lê Nin
đã gọi ông là “nhà cải cách Trung Quốc thế kỷ XI”.
Thời kỳ đầu,
Vương An Thạch chịu sự chi phối bởi tư tưởng kinh bang tế thế của Nho giáo. Ông
thường nói: “Văn chương là sự nghiệp ngắm nhìn Khổng Mạnh” (văn chương sự
nghiệp vọng Khổng Mạnh). Ông nghiên cứu Chu
lễ, thư pháp và đọc trước tác của Khổng Tử, Mạnh Tử.
Sau khi bước
lên vũ đại chính trị, đối phó với tình hình phức tạp và hỗn loạn của xã hội
triều Bắc Tống, Vương An Thạch nhận thấy sự cấp bách và cần thiết của tư tưởng
Pháp gia mà người khởi xướng là Hàn Phi Tử. Nhưng từ năm 1076, sau khi những
chủ trương cải cách tư pháp mạnh mẽ và triệt để bị thất bại, tư tưởng của Vương
An Thạch chuyển biến sang Phật gia và cho đến cuối đời, nhận thức, hành động,
nhân sinh quan và sáng tác thơ văn của ông đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo
Phật. Tư tưởng thiền và nghệ thuật thơ trong tác phẩm của ông hòa lẫn và được
biểu hiện vô cùng sâu sắc, sinh động.
Về trường hợp
ba “nhà” trong một “nhà” và cuối đời trở về với đạo Phật của Vương An Thạch,
các nhà nghiên cứu tư tưởng và triết học Trung Quốc nêu lên ba nguyên nhân sau
đây: Trước hết, về mặt lịch sử, thì thời đại Bắc Tống mà Vương An Thạch sống
hết sức rối ren, phức tạp, tình hình chính trị, xã hội luôn luôn bất ổn. Những
chủ trương cải cách đụng chạm đến quyền lợi của giai cấp thống trị, nên họ câu
kết với nhau để chống lại. Họ từ trên xuống dưới đều nham hiểm, thâm độc và rất
tham nhũng, luôn tìm mọi cách đục khoét của cải của nhân dân. Ngay cả những bạn
thân là những nhà tư tưởng và nhà văn lớn như Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Tăng
Củng và hai người bào đệ chẳng những không ủng hộ mà còn phản đối ông. Ông bị
tước chức tể tướng hai lần, chính sách cải cách bị ngưng bỏ. Về làng ẩn dật mười năm cuối đời, Vương An Thạch rất bất mãn,
hoàn toàn không tin vào chính quyền và con người đương thời.
Mặc dù chịu
ảnh hưởng của Nho, Pháp, Phật và Lão, nhưng tư tưởng, tình cảm và hành động
Vương An Thạch vẫn là người bao dung độ lượng, đầy lòng nhân ái, nhân từ. Mười
năm rũ áo quan trở về ở ẩn, tư tưởng bao dung, nhân hòa lại trỗi dậy mạnh mẽ
trong người ông. Cuối đời, ông trở về với Phật giáo là sự tất yếu và rất hợp
với quy luật nhân sinh mà ông đã có từ trước. Trong bài từ “Tiễn Tôn Chính”,
ông từng khẳng định là “Mạnh Tử không cự tuyệt Dương – Mặc, Hàn Dũ không hề bài
xích Phật – Lão”. Khác với Hàn Dũ, khi trở ẩn dật chán đời rồi đốt sách, Vương
An Thạch trở về thiên nhiên thanh bình với cảnh non xanh nước bạc, ông lại tìm
cảm hứng ở nơi kinh Phật. Ông cất giữ nhiều sách kinh, suốt ngày gõ mõ, tụng
kinh và đọc sách, làm thơ. Khi bị Tăng Củng chỉ trích, ông còn tự mình biện hộ
là “thầy cố tình quên rồi sao và người giỏi việc học phải đọc sách, tìm kiếm sự
dụng ý, có hợp với lòng ta thì đó là điều không thể từ bỏ”. Điều này chứng tỏ
ông không bao giờ rời bỏ Phật kinh. Trở về với Phật gia, theo ông, đó là kết
quả tất nhiên của sự “tận cùng với thánh nhân” (tận thánh nhân) phù hợp với
“tấm lòng ta” (hợp ngô tâm) và truy cầu với sự dung lý (dung lý chi cầu) v.v…
Vương An Thạch tin rằng, trong cuộc đời, mỗi người có thể tự tìm cho mình con
đường đi của đạo, nhưng cuối đời rồi thì ai cũng trở về với một đức tin rất cốt
lõi sâu sắc và vững bền nhất.
Một nguyên nhân cũng rất quan trọng làm cho Vương
An Thạch cuối đời trở về với đạo Phật, đó là sự phát triển vô cùng mạnh mẽ và
đầy khí thế của Phật giáo ở miền Nam, nhất là quê hương Lâm Xuyên (tỉnh Giang
Tây) của ông và sau đó là Nam kinh (tỉnh Giang Tô) là những nơi quan trọng của
Thiền tông “ngũ gia thất tông”. Khi còn làm quan và khi lui về ẩn dật làm người
tu hành, Vương An Thạch quan hệ thân thiết với nhiều bậc thiền sư nổi tiếng và
chịu ảnh hưởng trực tiếp của các vị sư khả kính này. Ông học ở họ trí tuệ và
cốt cách cao quý mà ít người đời có được. Nguyên nhân cuối cùng sự trở về với
Phật gia của Vương An Thạch cũng là phản ánh chung của trào lưu tư tưởng và tâm
lý văn hóa (Nho, Phật, Lão) của vương triều Bắc Tống là nhằm thiết lập và duy
trì vững chắc chế độ trung ương tập quyền thích ứng với xu thế phát triển “tam
giáo hợp nhất” ở Trung Quốc. Vương An Thạch trở về với Phật giáo cũng là xuất
phát từ điều kiện chính trị và hoàn cảnh học thuật của thời bấy giờ. Sách “Tổ
đình sự uyển” của Tống Thiện Khanh có đoạn chép: “Vương Kinh công (tức
Vương An Thạch) thường hỏi Trương Văn Định rằng: “Khổng Tử chết trăm năm sinh
ra á thánh Mạnh Tử, còn đời sau tuyệt nhiên không có người? Văn Định nói há
không có sao? Đó là những người kế tiếp Khổng Tử. Vương hỏi là ai? Văn Định trả
lời: “Ở Giang Nam
có Mã Đại Sư còn ở Phần Dương không có. Nghiệp Thiền sư ở Tuyết Phong, Nham
Đầu, Đan Hà, Vân Môn cũng vậy. Nho môn vốn đạm bạc, tập hợp không đủ nên tất cả
đều về với họ Thích vậy”. Kinh công Vương An Thạch trực tiếp và tự giác tiếp
thu Phật thiền. Ông từng nói: “Phần lớn thánh nhân trong thời Thành Chu tam đại
đều ở trong Nho, từ thời Lưỡng Hán về sau phần lớn thánh nhân đều ở trong Phật,
điều đó không dễ bàn luận (theo sách “Lãnh trai dạ thoai” của Huệ Hồng).
Sự trở về Phật gia cuối đời của Vương An Thạch thể
hiện ở các mặt như: phương thức cuộc sống, tư tưởng triết học và sáng tạo thơ
từ. Ông ngụ ở núi Chung Sơn, lấy hiệu là Bán Sơn đạo nhân, ngày ngày cưỡi lừa
dắt trẻ du chơi với Phật tử, thăm viếng chư Tăng, sống thanh nhàn ven sông,
dưới rừng. Cả đời ông kết giao thân thiết với rất nhiều tăng nhân nổi tiếng như
Thụy Tâm, Tranh Nhân, Nguyễn Công, Thường Đản, Hành Tường, Bảo Giác, Đạo Quang,
Đại Giác, Huệ Tư, Thăng Thượng Nhân, Vinh Thượng Nhân, Giản Đạo Nhân… Ông cùng
với họ đọc kinh, vấn đạo, thù lạc xướng họa thơ từ làm niềm vui cuộc sống. Năm
Nguyên Phong thứ 7 (64 tuổi), ông tự nguyện xin sửa chữa nhà ở của mình thành
chùa, đặt tên là chùa Báo Ninh. Ông cho mời đệ tử của Tuệ Nam – người
sáng lập ra phái thiền tông Hoàng Long – tên là Khắc Văn Tiền đến trụ trì. Ông
lấy phần đất ruộng tư của mình để mở rộng chùa Thái Bình Hưng Quốc, làm công
đức theo lời dạy của cha mẹ. Khi làm nhà, ông lấy tên là Tri Vọng (Biết xằng
bậy) và tự mình để lời dạy rằng: “Biết xằng bậy” tức là nhận biết xằng bậy để
làm điều thật. Không sát sinh súc vật, mua được cá sống, ông thả xuống ao. Ông
tham gia sinh hoạt tu hành Phật giáo. Khi ngồi thiền, ông căn dặn con
gái nên ham đọc “Lăng Nghiêm” để hiểu rõ sự giải thoát. Gia đình Phật giáo của
ông vô cùng nồng hậu. Người em trai của ông tên là Vương An Quốc lấy máu và mực
để sao chép kinh Phật. Em gái trưởng An Quân mặc dù đã muộn nhưng vẫn yêu thích
kinh Phật. Con của ông là Vương Bàng viết tác phẩm “Phật kinh nghĩa giải”
mấy vạn chữ (theo Vương An Thạch truyền).
Chẳng những là nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất, Vương
An Thạch còn là nhà Thiền học, Phật học nổi tiếng thời Tống. Ông đã để lại cho
giới nghiên cứu Phật học đời sau những kiệt tác lý luận đáng chú ý như: “Duy
Ma kình chú” (3 quyển) “Bàng nghiêm sơ giải” và “Hoa Nghiêm
giải”. n
Nguyệt San Giác Ngộ 184
Discussion about this post