VU LAN VÀ NIỀM ĐAU MẤT MẸ
Huỳnh Kim Quang
Đây là mùa Vu
Lan đầu tiên trong đời mẹ tôi không còn. Cảm giác này chỉ khi nào tự thân mình
trải nghiệm thật sự thì mới cảm nhận được trọn vẹn ra sao.
Bao nhiêu năm, tôi
chỉ vay mượn cảm giác của người khác về trạng huống tâm thức của người con mất
mẹ làm cảm thức cho mình. Đôi khi tôi bị lôi cuốn vào trong cơn xúc động của người
khác để ngậm ngùi hoặc ngay cả rơi lệ trước sự đau đớn và mất mát của họ. Tất
nhiên, đó không phải là cảm xúc giả tạo, mà là sự đồng cảm với người còn sống hơn
là trải nghiệm trực tiếp sự mất mát của chính mình. Cảm giác sống trên cảm nhận
của người khác dù là thực tới đâu thì cũng không đạt đến trạng huống thấm thía
cùng cực của sự mất mát!
Kinh nghiệm sống
trên cảm giác mất người thân của người khác xảy ra lúc tôi ở tuổi 14. Năm ấy
cha của người bạn thân của tôi qua đời và tôi đã ở lại qua đêm tại nhà người bạn
thân này. Gia đình bạn tôi di cư từ miền quê lên thị xã trong thời chiến tranh
nên, cuộc sống rất túng thiếu, nghèo khổ. Vì nhà chật, cả đêm năm ba đứa bạn chúng
tôi ngủ ngay dưới đất bên cạnh chiếc giường còn để thân xác chưa liệm của người
cha mới mất của người bạn tôi. Tiếng than khóc và kể lể thảm thiết của người mẹ
của bạn tôi trong đêm trường vắng vẻ là dấu ấn đầu đời in đậm trong tâm thức tôi
mà mãi đến hôm nay vẫn chưa phai mờ. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cách
ý thức cảnh tử biệt sanh ly như thế nào. Nhưng vẫn không phải là cảm nhận trực
tiếp về sự mất mát của chính người thân mình. Rồi sau đó ít năm, tôi lại chứng
kiến trực tiếp cảnh người anh ruột của mình qua đời trong chiến tranh. Ba tôi
do đau khổ vì cái chết của người con trai cả mà sức khỏe suy nhược dần. Còn mẹ
tôi thì đau đớn nhiều hơn với những đêm dài chong đèn ngồi thương nhớ và khóc
con một mình.
Kinh nghiệm đau
thương và mất mát của người thân trong gia đình qua chiến tranh đã đánh thức tôi
về sự tàn khốc của chiến tranh và trò chơi bất nhân của sự xung đột ý thức hệ
chính trị. Tuy nhiên, sự ra đi của người anh của tôi dù đau thương vẫn không thể
so sánh với niềm đau mất cha và mẹ. Hai sự mất mát đó có thể so sánh bằng hình ảnh
của sự mất mát một cành cây và sự mất mát của cả gốc rễ và toàn thân cây. Anh
chị em mất đi như cành cây gãy đổ dù lớn vẫn còn cả thân cây sừng sững, nhưng
cha mẹ mất đi là toàn thân cây bị tróc gốc, mất hết cội nguồn và bóng mát giữa
cuộc đời.
Chiều hôm đó, tôi
đang ngồi làm việc trong sở một mình, thì nhận được điện thoại của người cháu gái
báo cho biết mẹ tôi vừa qua đời tại quê nhà Việt Nam. Cái cảm giác đầu tiên hiện
ra ngay với tôi là như một người mất điểm tựa lúc đang ngồi dựa vào ghế, nghĩa
là hụt hẫng và toàn thân như rơi xuống, không dừng lại được. Tôi cảm thấy chỗ dựa
tình cảm và tinh thần thiêng liêng suốt hơn nửa đời người của mình bỗng dưng mất
hẳn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy trống vắng mênh mông như người đang rơi
trong không trung, đồng lúc là cảm nhận về sự cô đơn tuyệt cùng, hay nói cụ thể
hơn là sự tách biệt hẳn ra khỏi một nguồn cội khai sinh ra mình giữa trần gian
này. Lúc mới sinh ra đời và được bà mụ cắt cuốn rún để tách lìa bào thai của mẹ,
để trở thành một chúng sinh có mặt hẳn hòi trên thế gian, vì quá nhỏ nên tôi không
biết mình cảm nhận rạ sao. Nhưng khi nhận được tin mẹ qua đời thì tôi cảm thấy
như mình bị cắt đứt mọi liên hệ với nguồn cội khai sinh và bị đẩy vào cuộc đời
như kẻ cô thân độc mã. Mãi đến hôm nay, cảm giác lẻ loi cô độc một mình trên trần
gian này vẫn cứ lảng vảng trong đầu óc, trong tâm thức mỗi khi tôi nghĩ nhớ đến
mẹ mình.
Tôi đã dự đoán được
sự ra đi của mẹ tôi trước khi bà qua đời khoảng gần một tháng, khi được tin từ
người thân ở quê nhà cho biết mẹ tôi đã không thể đi tới đi lui trong nhà và cũng
không ăn cơm như bình thường mà chỉ có thể uống cháo xay lỏng và sữa. Với một
người ở tuổi 95 như mẹ tôi không bệnh hoạn gì mà xảy ra tình trạng sức khỏe như
thế thì chắc chắn là sắp ra đi rồi. Từ đó, mỗi ngày tôi đều gia tâm cầu nguyện.
Điều tôi mong nhất là mẹ tôi có thể ra đi một cách bình an, không hôn mê, không
đau đớn, không bệnh tật trầm kha. Thực ra từ mấy chục năm qua, ngày nào khi lễ
Phật tôi cũng cầu nguyện cho mẹ tôi, cho người thân, kẻ còn người mất đều được ân
triêm công đức gia hộ của chư Phật. Và điều mong cầu ấy đã trở thành hiện thực
với mẹ tôi lúc bà ra đi. Dĩ nhiên, đó là nhờ vào chánh nhân phúc đức của chính
mẹ tôi, còn sự cầu nguyện của tôi hoặc của gia đình chỉ là trợ duyên phụ.
Dù đã biết trước
bà sắp ra đi như vậy, nhưng khi nghe tin chính thức bà qua đời thì tôi cũng không
thể bình thản, có điều là tôi không khóc như lúc nghe tin ba tôi qua đời cách
nay ba mươi mốt năm. Có phải vì tôi thương ba hơn mẹ? Chắc là không! Ba tôi như
nhiều người đàn ông khác ít khi phô bày tình cảm thương con cho người khác nhận
biết. Ông nghiêm khắc nhưng không phải không thương con nhiều. Mẹ tôi thì biểu
thị sự thương con rất rõ ràng, giận thì la rầy chửi mắng, thương thì chiều chuộng
dịu dàng. Bà hy sinh tất cả cho con cái. Bà từng mạo hiểm đi từ Trung vào Nam một
mình để tìm con trong thời buổi dầu sôi lửa bỏng của chiến cuộc, hoặc để thăm
con đang ngồi tù trong thời buổi đen tối của xã hội. Bà dám một mình lặn lội lên
tận vùng chiến tuyến cao nguyên để tìm và thăm anh tôi lúc anh ấy bị thương ngoài
chiến trường. Lúc ba tôi mất mà tôi khóc có lẽ vì lúc đó tôi còn trẻ nên, cường
độ cảm xúc sôi nổi trên bề mặt tâm thức còn mạnh; hơn nữa ba tôi mất rất đột ngột
mà không ai dự đoán được trước; và cũng vì ba tôi mất ở tuổi 66 nghĩa là chưa
qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy,” nên thuộc diện không thọ lắm.
Từ nhỏ tôi có
hai điều sợ mà một ngày nào đó mình sẽ gặp phải dù biết chắc nó sẽ đến. Đó là sợ
cha và mẹ qua đời. Bây giờ thì cả hai đã xảy ra và mỗi lần xảy ra đều mang đến
cho tôi cảm giác riêng biệt. Điều rõ ràng mà tôi có thể chiêm nghiệm được là sự
khác biệt cảm giác lúc cha mẹ tôi qua đời cũng chính là sự khác biệt của tiến
trình trưởng thành qua kinh nghiệm đời sống và qua thực nghiệm lời Phật dạy.
Kinh nghiệm về đời
sống lớn dần theo với tuổi tác. Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua, con người học thêm được
một vài bài học từ trong chính cuộc sống của họ. Chẳng hạn như sự thành bại
trong công ăn việc làm, sự khổ não và hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân, sự đắc
thất vinh nhục trong sự nghiệp ở ngoài xã hội, v.v… Mỗi lần trải nghiệm như thế,
con người trở nên hiểu biết hơn về bản chất của cuộc đời, mặt phải và trái của
thế gian. Cũng có thể, đối với một số người, mỗi lần trải nghiệm như vậy là mỗi
lần bị tổn thương trầm trọng thêm, và rồi, đến một mức nào đó là họ không thể gánh
chịu được nữa và đầu hàng. Đầu hàng được thể hiện qua hai cách: Một, buông xuôi
tất cả mọi chuyện đời và sống buông thả, sống bất cần, sống không cần biết ngày
mai theo nghĩa tiêu cực nhất, ở đây cũng có trường hợp trốn chạy nghịch cảnh bằng
phản ứng tâm lý tự vệ để trở thành mất trí; Hai, kết thúc cuộc đời bằng hành động
tự tử để mong thoát khỏi tình trạng bi đát và khổ não quá mức chịu đựng. Nếu biết
học hỏi từng sự việc xảy ra trong đời sống thường nhật của mình thì kinh nghiệm
có thể dạy cho chúng ta cách từ từ thích nghi và tự điều chỉnh mình đối với hoàn
cảnh. Không bỏ mất một cơ hội nhỏ nào để tự đào luyện mình thì không những có
thể nuôi dưỡng mình lớn lên theo với tuổi đời mà còn có đủ nghị lực để đương đầu
với một cơn bão dữ xảy tới cho đời mình một cách bất ngờ vào một lúc nào đó. Giống
như một người bất thần và lần đầu thì không thể nhấc nổi một quả tạ nặng 200 kí
lô. Nhưng nếu trước đó chúng ta biết tự tập luyện nhấc dần những quả tạ nhẹ hơn
và tăng dần trọng lượng quả tạ theo thời gian tập luyện thì có thể chuyện nhấc
quả tạ nặng 200 kí lô không phải là điều quá sức mình.
Kinh nghiệm cuộc
sống dạy cho tôi điều gì trong trường hợp mẹ tôi mất? Mấy chục năm trong đời tôi
học được một sự thật chắc như đinh đóng cột rằng ai rồi cũng chết, bản thân mình
cũng vậy. Cái chết, dù là của mẹ tôi, thì cũng vậy, nghĩa là không thể tránh khỏi.
Khi biết điều mà mình không tài nào tránh khỏi thì tự nhiên là phải can đảm chấp
nhận. Hơn nửa đời người dạy cho tôi rằng nếu có thể sống được một cách có ý nghĩa,
làm tròn những bổn phận thiêng liêng, và không gì luyến tiếc nữa thì ra đi ở tuổi
nào cũng là đủ, huống gì mẹ tôi thọ đến tuổi 95. Mỗi ngày trải nghiệm thêm một
việc, có thể là vui, có thể là buồn, làm cho tôi chững chạc hơn, thâm trầm hơn,
sâu lắng hơn, bình thản hơn để đón nhận từng sự việc xảy ra trong đời mình, kể
cả sự ra đi của mẹ tôi. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tôi trở nên chai đá
lòng dạ hơn qua kinh nghiệm trường đời, mà ngược lại là đàng khác, bởi vì giống
như mặt nước hồ càng trong lắng bao nhiêu thì càng ghi nhận cảnh vật chung
quanh rõ ràng và tinh tế bấy nhiêu.
Tuy nhiên, có một
sự thật không thể chối cãi được là nếu tôi không gặp được Phật Pháp, không từng
sống trong thiền môn, không được sự dạy dỗ của nhiều bậc Thầy khả kính từ lúc còn
thơ ấu thì chắc chắn tôi cũng đã không có được hiểu biết và ý thức tỉnh giác để
học những bài học quý giá trong đời sống hàng ngày. Chính Phật Pháp dạy cho tôi
cách nghe, nhìn, hiểu, cảm nhận về mọi sự việc xảy ra chung quanh mình trong từng
giây phút. Trong trường hợp Mẹ tôi, từ bao nhiêu năm qua, điều mà tôi nghĩ là có
thể giúp ích lớn lao nhất cho bà chính là niềm tin Tam Bảo và công phu niệm Phật.
Cho nên, mỗi lần gọi điện thoại về thăm mẹ, tôi đều nhắc bà nhớ niệm Phật, và bà
đã làm điều đó một cách tinh tấn. Không có Phật Pháp thì chắc tôi chỉ nghĩ được
là báo hiếu cho mẹ bằng cách đáp ứng nhu cầu vật chất của đời sống là đủ, mà không
biết rằng nhu cầu tâm linh cũng không kém quan trọng, đặc biệt cho đời sống khác
trong tương lai của mẹ tôi. Không có Phật Pháp thì dù cho tôi có ý thức rằng ai
rồi cũng mất, nhưng đến khi mẹ mất thực sự thì tôi cũng khó tránh được cảm giác
thống khổ đi kèm với nỗi bi quan cùng cực về cuộc đời. Nhờ Phật Pháp, khi mẹ tôi
mất, dù đau thương tôi vẫn có thể giữ được tâm mình không bị quật ngã bởi cơn đau
quằn quại, không bị buộc chặt trong phiền não lâu dài. Nhờ Phật Pháp tôi biết rằng
mẹ mất là cơ duyên để quán chiếu sâu hơn, kỹ hơn hành tác của vô thường trong đời
sống của chính bản thân mình.
Mất mát nào cũng
là sự thiếu vắng, nỗi buồn, niềm đau, huống gì đó lại là mất mẹ! Mùa Vu Lan này,
với tôi, chắc câu kinh tiếng mõ và những khóa lễ nơi thiền môn sẽ trở nên thiêng
liêng và ý nghĩa hơn bao giờ hết, vì đó là cung bậc tâm linh mầu nhiệm mà những
người con như tôi cần có để cầu nguyện và tiễn đưa hương linh của mẹ mình về cõi
an lành.
Thành kính tưởng
niệm và tri ân công ơn sanh thành dưỡng dục của cha và mẹ.
Discussion about this post