VÔ NGÃ, TÍNH KHÔNG VÀ KHOA HỌC LƯỢNG TỬ
Vũ Thế Ngọc
Chúng ta có thể thấy toàn bộ tư tưởng Phật giáo đều liên hệ với nhau. Sự liên hệ này có tính hữu cơ và tất yếu. Chữ hữu cơ và tất yếu được dùng ở đây có nghĩa là các thành phần tạo lập ra nền móng tư tưởng Phật giáo như Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường, tính Không đều là những phạm trù tư tưởng tương quan tất yếu với nhau1 . Vô ngã và Vô thường là nội hàm của giáo pháp Duyên khởi, nói cách khác Vô ngã và Vô thường đúc kết thành tư tưởng cơ bản của giáo lý Duyên khởi. Tư tưởng Duyên khởi Trung quán triệt để triển khai từ cơ bản học thuyết tính Không, hoặc có thể nói ngược lại tư tưởng tính Không lại là cơ sở lập cước của học thuyết Duyên khởi, như Long Thọ kết luận “tính Không, Duyên khởi cùng Trung đạo, cả ba cùng không khác”, nên ngài cũng khẳng định vắn tắt trong Trung quán luận “không hiểu tính Không thì chẳng hiểu được Phật pháp”. Vì vậy trong tiểu chú về tính Không và Cơ học Lượng tử, chúng ta phải thấy tính Không trong tương quan với tư tưởng Duyên khởi, Vô ngã và Vô thường như thế. Nāgārjuna and the Quantum World 2
* * *
Tính Không và Vô ngã
Śūnya có nghĩa là “không, trống không, trống rỗng, rỗng lặng”. Chữ śūnya chính nó không có ý nghĩa riêng biệt hay siêu hình nào mà chỉ mang ý nghĩa tùy theo nội dung của câu văn. Chữ Hán dịch śūnya là 空 Việt ngữ dịch là không, trống không và Anh ngữ dịch là empty, void thì đều dễ hiểu. Śūnya chỉ trở nên khá phức tạp khi nó là danh từ Không hay tính Không (śūnyatā 空性).
Truyền thống Theravāda thường phân tích tính Không (Pali: suññatā) trong tư tưởng về tư tưởng Vô ngã để cho thấy “Thế giới là không vì không có tự ngã và tất cả những gì thuộc về tự ngã”. Truyền thống Đại thừa thì thường giảng luận về tính Không trong nghĩa không của tư tưởng duyên khởi “Vạn pháp đều là không vì vạn pháp chỉ là duyên hợp”. Vạn vật hiện diện chỉ vì sự tương tác giữa nhiều nhân duyên của chúng. Vạn vật không thể tự hiện hữu và không thể hiện hữu độc lập (nên gọi là Vô ngã) và vạn vật cũng luôn luôn biến chuyển với các duyên (nên gọi là Vô thường) – và vì thế không thường tại và không vĩnh viễn.
Như thế chúng ta thấy vô ngã và vô thường chính là nội hàm của giáo pháp duyên khởi. Vô ngã và vô thường đúc kết thành nội dung của tư tưởng tính Không. Tư tưởng Bát-nhã và Trung quán triệt để triển khai từ cơ bản học thuyết tính Không, hoặc nói ngược lại, tư tưởng tính Không là cơ sở lập cước của học thuyết Trung quán. Long Thọ là người xây dựng cho tư tưởng này trở thành lập cước (foundation) của các tông môn Đại thừa hằng khẳng định
“Nếu có người hỏi, mà lìa nghĩa tính Không để tùy tiện trả lời. Thì sự trả lời đó không trả lời gì cả, chỉ lẩn quẩn ở chỗ nghi ngờ như câu hỏi.
Nếu có người hỏi khó, mà lìa nghĩa tính Không để tùy tiện thuyết giảng. Thì vấn nạn không được giải quyết, không thoát chỗ đã hoài nghi như câu hỏi”3 .
D.T. Suzuki trong bộ sách Thiền Luận danh tiếng giới thiệu Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh (Prajñā Hṛdaya 般若波羅蜜多心經 viết tắt là Tâm kinh): “Điều đơn giản đầu tiên đánh vào tâm lý chúng ta khi đọc Tâm kinh là nó hầu như chỉ là một chuỗi những phủ nhận, và cái mà được gọi là tính Không chính là một chủ thuyết phủ nhận tất cả, với mục đích tận cùng của nó là giải giới mọi sự vào một cái trống không”4 . Đó không phải là điều nhận xét riêng của Suzuki, mà là ấn tượng chung của tất cả người đọc tụng Tâm kinh. Cho nên nếu Tâm kinh chỉ là một chuỗi phủ nhận như thế, thì có lẽ chúng ta chỉ có thể tiếp cận được tư tưởng Tâm kinh qua tư tưởng tính Không. Cuối cùng Phật giáo dù có nhiều tông môn, nhưng tất cả đều có chung một đạo lý về tính không và duyên khởi, nên Hồi tránh luận cũng kết luận tương tự “Con đảnh lễ Đức Thế Tôn vô thượng đại trí tuệ, người dạy thuyết tính Không, Duyên khởi cùng Trung đạo, cả ba cùng không khác”5 .
Chuỗi phủ nhận của Tâm kinh thật ra cũng chỉ là sự phủ nhận quen thuộc như thế trong Phật học. Cho nên khi Tâm kinh nói vô nhãn nhĩ tỉ thiệt, vô sắc thọ hành tưởng v.v. thì đây cũng chỉ là danh sách ngắn gọn của một vài danh xưng quen thuộc trong cách nói “nhất thiết pháp không” (các hiện tượng đều là không) của giáo lý Duyên khởi (pratityasamutpāda). Vạn pháp là không có nghĩa là chúng chỉ hiện hữu trong liên hệ hỗ tương với muôn vạn nhân (nhân do, yếu tố tạo tác) và duyên (điều kiện, điều kiện tạo tác). Nên ngoài cái tính Không này, Phật học có danh từ gọi chung các pháp là “giả hữu” (giả có – prajñapti). Giả hữu tức là cái có tạm thời, tức là cái hữu trên phương diện tri thức thông tin (conventional truth / Tục đế). Trong tư tưởng Trung quán, mọi hiện tượng không bao giờ hiện hữu độc lập hay đứng yên để người ta thấy nó là nó (it in-itself). Vạn vật chưa bao giờ là nó, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy nó hiện hữu trong sự tương tác của các nhân và duyên. Nên ta gọi nó là giả hữu và là cái hiện hữu mà ta gọi là biểu kiến (phần biểu tướng của hiện tượng), cho nên Long Thọ mới nói bản tính của vạn vật là không, vắn tắt là tính không (śūnyatā) 6 . Tính không phải hiểu theo nghĩa này.
Anh ngữ thường dịch śūnyatā là emptiness hay voidness. Hán văn dịch śūnyatā là 空性 (Không tính, tính Không) hay 空 (Không), thì cái Không này cũng có nghĩa là Vô ngã (vì không có Tự tính) và Vô thường (vì không thường trụ). Nói cách khác, vạn vật là Không (śūnya) vì không có “tự tính” (svabhāva). Tóm lại, sự hiện hữu của một hiện tượng nào đó không phải vì nó là nó se et per se, vạn vật không là nó (thing in-itself) nên gọi là không. Theo giải thích của Long Thọ, các hiện hữu (bhāva) đều không có cái gọi là tự tính (svabhāva) của riêng nó để nó có thể hiện hữu độc lập và vĩnh viễn. Tóm lại, tất cả các hiện tượng chỉ hiện hữu trong tương tác với các nhân duyên khác – mà ta gọi là biểu kiến (cái thấy trong liên hệ tương quan) và luôn luôn biến động theo các duyên (điều kiện tạo tác, conditions) – nên cũng gọi là Vô thường (không thường trực, không trường cửu)
Tính Không (śūnyatā / emptiness) là một lập cước của triết học Long Thọ và là tư tưởng chủ đạo trong các luận của Long Thọ, là nội hàm của giáo pháp Duyên khởi. Trong Trung luận, Long Thọ đã dùng rất nhiều kệ trong nhiều phẩm khác nhau để giải thích về tính không. Đặc biệt là ở 40 bài kệ của phẩm “Quán Tứ đế”, Long Thọ cho thấy tính Không là quan điểm đối nghịch với quan điểm tự tính (svabhāva)7 . Vì vậy luôn luôn Long Thọ phủ nhận tự tính và còn nói rõ tự tính là định tính (tính duy trì nguyên trạng) và như nếu vạn vật có tự tính như thế thì thế giới sẽ là một thế giới bất động. Trái với người không hiểu tính không mà cho đó là chủ nghĩa hư không, Long Thọ lại cho thấy ngược lại, chỉ vì tính không mà vạn vật mới thay đổi và mọi hiện hữu mới thành tựu “Thực ra vì có nghĩa của Không nên tất cả mọi hiện hữu mới thành tựu. Nếu không có nghĩa của Không, thì mọi hiện hữu đều không thành tựu”. Nói một cách cụ thể, vì tính không là Vô thường (không cố định, không thường trực) nên vạn vật mới thay đổi và sinh trưởng, mầm mới ra hoa, cây mới kết trái, và trong bình diện Phật Pháp mới nói là có thể diệt được vô minh, diệt được khổ.
Ba tầng ý nghĩa của tính Không
Đại đa số người học Phật, người bình thường cũng như học giả, đầu tiên đều rất hoang mang về ý nghĩa chữ Không và tính Không. Đặc biệt là phần lớn độc giả người Việt lại thường bị các nhà văn ngày sau hay lộng ngôn với hai từ ngữ rất ư là thú vị và bí hiểm này trong cả một trường thiên dung tục “có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không” trong không khí vừa huyền bí vừa lãng mạn “có có không không mơ màng” từ thơ văn “sách không chữ, sáo không lỗ, đàn không giây” cho đến các loại truyện kiếm hiệp “vô chiêu thắng hữu chiêu” của thiền “tu vô tu tu, hành vô hành hạnh”…
Cao cấp hơn nữa là có người còn mang kinh điển ra chứng minh những điều “có có không không” nào đó, để kết luận một cách hoang đường “cả hai đều đúng, cả hai đều sai…” Chúng ta phải cúi chào sức mạnh dung tục của thế giới quần chúng này8 . Nhưng quả thật kinh Phật có dạy lúc Hữu lúc Vô như thế không? Chúng ta đã nghe trong Trung luận ngài Long Thọ giảng về Nhị đế, và trong Đại Trí độ luận, ngài còn giảng kỹ về hai loại là “kinh bất liễu nghĩa” (kinh dùng làm phương tiện tạm thời, dành cho một số đối tượng) và “kinh liễu nghĩa” (kinh nói về chân thật nghĩa tuyệt đối). Nên có trường hợp kinh này nói khác kinh kia có nghĩa là Đức Phật hoàn toàn vì trình độ thính chúng mà nói Pháp.
Tóm lại theo giải thích này, kinh bất liễu nghĩa giống như với trẻ con người ta nói có “ông ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con” ở Việt Nam hay “ông già Noel” ở Mỹ thế thôi. Với quần chúng sơ cơ hoặc như trẻ em thì chúng ta dễ hiểu, nhưng người chủ chùa lớn mà còn tổ chức lễ hội lớn mời “thày ngoại cảm” đến dạy thờ vong hay theo vong tìm xương cốt chiến sĩ đã mất từ mấy chục năm trên núi trong rừng, để chiều theo thị hiếu tín đồ hay chiêu mộ quần chúng thì thật đáng buồn lắm.
Sự thật kinh luận dạy chúng ta rất rõ ràng. Kệ đầu tiên trong Thất thập Không tính luận ngài Long Thọ đã giải thích “Chư Phật dạy về sinh trụ hoại, về hữu và vô, về cao và thấp, là tùy thuận theo thế gian chứ không phải là chân thật nghĩa”. Trong Trung luận, Long Thọ cũng nói “Chư Phật tùy thuận theo chúng sinh mà giảng về giáo pháp Nhị đế. Tục đế là chân lý phổ quát của thế giới thông tục, và Chân đế là chân lý giải thoát tối thượng thừa”. Trong luận phổ biến hơn là Trí độ luận Long Thọ còn giảng chi tiết về “Tứ tất-đàn” (“bốn thành tựu” hay “bốn loại kinh điển giáo pháp”). Theo đó tất cả 12 bộ kinh đều có thể chia làm bốn giáo pháp đối trị với các chủng loại chúng sinh.
1. Thế giới Tất-đàn là kinh điển giảng giải giáo pháp căn bản tổng quát cho tất cả chúng sinh.
2. Vị nhân Tất-đàn là kinh điển nói tùy theo căn cơ của thính chúng.
3. Đối trị Tất-đàn là kinh điển đối trị với từng căn bệnh của từng chúng sinh, như lương y tùy theo con bệnh mà cho thuốc.
4. Đệ nhất nghĩa Tất-đàn là chân nghĩa giải thoát, đó chính là giáo nghĩa Bát-nhã ba-la-mật. Nhưng liền sau đó, luận cũng chú thích rõ ràng là tuy chia làm bốn loại tất-đàn để đối trị tùy trường hợp chúng sinh, nhưng chúng đều là chân thật Pháp, chẳng có gì trái ngược nhau9 .
Vì vậy ở đây tôi muốn nói thêm về thực tế chúng ta có nhiều ý nghĩa về Không và tính Không như những cách đối trị khác nhau tùy thuận theo tâm lý và trình độ thính chúng. Trong nghĩa này ta có thể đồng ý và phát triển ba tầng ý nghĩa của tính Không như Cát Tạng từng gợi ý10.
Tầng thứ nhất, gọi là tính Không śūnyatā để phủ nhận các pháp và ý niệm thông thường, đó là cách dùng nghĩa “không” để phủ nhận “hữu”. Trên phương diện hành trì cụ thể, kinh luận thường dạy “vạn pháp giai không” như thế lấy nghĩa tính không như một khí cụ để giúp người ta giải thoát khỏi tham ái (“không” phủ nhận “các cái có”).
Tầng thứ hai, tính Không śūnyatā là tư tưởng lập cước để phủ nhận những chủ thuyết cực đoan hư vô lẫn thường trụ (về vũ trụ và vạn pháp thế gian). Trong thực tế hành trì giáo pháp “tính Không” được dùng để củng cố giáo pháp Vô ngã (không thể có một cá thể hoàn toàn tự chủ và độc lập với thế giới quanh nó) và giáo pháp duyên khởi là giáo pháp cơ bản của toàn bộ giáo lý Phật giáo (không thể có một hiện tượng tự hiện hữu ngoài sự tương tác với nhân – nhân do tạo tác, và duyên – hoàn cảnh tạo tác).
Tầng thứ ba, đây mới là chân nghĩa của tính Không (mục đích của giáo pháp tính Không). Vì một khi xem tính Không như một tư tưởng hay phương tiện để phủ nhận sắc (các hiện tượng) hay dùng tính Không là phương tiện để phủ nhận những quan điểm nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên thì chính tính Không lại trở nên một đối tượng – có nghĩa là trở nên một trở ngại khác vi tế hơn. Nói cách khác, Không bây giờ lại là Sắc. Cho nên ở tầng thứ ba này trong chân nghĩa của tính không là phải phủ nhận ngay cả chính nó. Vì vậy tại sao ở Bát-nhã Tâm kinh sau khi nói “sắc tức thị Không” còn nói tiếp “Không tức thị sắc” để hành giả hoàn toàn cắt đứt mọi tư tưởng nhị nguyên tương đối, buông bỏ mọi hình tướng sắc để đạt đến “vô ngại” (không còn mâu thuẫn) và vô ngại chính là sự thể nghiệm chân nghĩa của tính không (tức là cứu cánh giải thoát)
Như thế, đúng như chúng ta vừa nói, ý nghĩa tối hậu của tính Không chính là sự thể nghiệm tính Không. Đây là thực nghiệm hành trì, là phương pháp quán chiếu vượt bỏ cả giáo nghĩa tính Không để đưa đến vô ngại (không còn thấy mâu thuẫn). Một khi hành giả không còn bám víu vào bất cứ gì khác, tất cả những ý niệm và các loại chấp thủ hoàn toàn bị diệt trừ thì tính Không śūnyatā cũng biến mất và chỉ còn là “Tự tại Tuyệt đối” (Ultimate Reality) – là tên khác của Trí tuệ Giải thoát (prajñā parāmitā) đồng nghĩa với Niết-bàn giải thoát Nirvāṇa. Nói cách khác, thể hiện tính Không là Giải thoát.
Tóm lại, tính Không là một chủ đề lập cước của triết học Long Thọ và là tư tưởng chủ đạo của tất cả các luận của Long Thọ. Không nên hiểu như nhiều luận sư và triết gia Tây phương hiện đại thường hiểu lầm tính Không như quan điểm (dṛṣṭis) hay lập trường (pratijñā) của Long Thọ. Đây là một hiểu lầm cơ bản. Long Thọ luôn luôn nhấn mạnh rằng tính Không chỉ là một “khái niệm tùy thuộc” prajñapti (Trung luận XXIV.18) – có nghĩa tính Không chỉ được dùng như một giả hữu, “thi thiết” (prajñapti), phương tiện thiện xảo (upāya) tùy thời mà ứng chế – dùng để “phản bác hóa giải các kiến giải” śūnyatādṛṣṭis (Trung luận XIII.9) – Vì vậy nếu xem tính Không như một quan điểm (dṛṣṭis) để lý luận tranh cãi hay bênh vực thì theo Long Thọ chính là đã ngược lại với chân nghĩa của tính Không: “Phật thuyết giảng về pháp tính Không śūnyatā, là để ta lìa bỏ những định kiến. Nhưng nếu ta lại cho Không là có thực, thì chư Phật cũng chẳng còn cách nào dạy nữa”. Cho nên, Long Thọ luôn luôn cảnh tỉnh những kẻ căn tính nông cạn ám độn không có khả năng quán nhập tính Không nhưng ưa thích dùng ngôn ngữ để ba hoa “có có không không” thì chỉ là tự dối mình lừa người thì cuối cùng cũng chỉ hại mình hại người mà thôi”.
Tính Không và Quantum Physics
Cơ học lượng tử (quantum mechanics)11 hay rộng hơn là vật lý lượng tử (quantum physics) là phần mở rộng, bổ sung và đào sâu hơn hệ thống cơ học cổ điển Newton. Cơ học lượng tử là một khám phá sâu sắc và cơ bản nhất của thời đại, mở đầu cho kỷ nguyên khoa học mới, khai phá những lãnh vực kỳ thú mà con người trước đây thường gọi là khoa học giả tưởng. Cơ học lượng tử hiện đại không những nói y hệt Long Thọ hay Bát-nhã Tâm kinh mà còn chứng minh được giáo ly tính Không trong những lời tuyên bố khó hiểu như “ngũ uẩn giai không” hay “bất sinh bất diệt”, v.v. khi khẳng định tính bất định (uncertainty principle) của vạn vật. Có nghĩa là vũ trụ và mọi hiện tượng đều là biến động và xác suất (bất khẳng định) chứ không phải là một thế giới cụ thể cố định, phân minh, rõ ràng và tiên đoán được như chúng ta đã biết trước đây trong khoa học theo quan điểm Newtonian-Cartesian.
Đại cương, khoa học lượng tử khẳng định tính bất định của vạn vật, có nghĩa là vũ trụ và cuộc sống là biến động và xác suất, chứ không phải là một thế giới cụ thể cố định và phân minh, thì chính đó là cơ sở của giáo lý tính Không của Long Thọ. Tôi viết sách Nāgārjuna and the Quantum World nhưng chỉ viết về triết học Nāgārjuna với các thị kiến của ngài mà chúng ta có thể so sánh với khoa học hiện đại để giúp độc giả dễ tiếp cận tư tưởng tính Không chứ không muốn làm việc ngược đời là dùng quantum physics để chứng minh tư tưởng của Nāgārjuna12. Đây cũng là lời giới thiệu về sách Nāgārjuna and the Quantum World sẽ được tiếp tục trình bầy trong nhiều chủ đề khác sẽ được trình bầy trên Văn Hóa Phật Giáo.
Chú thích:
1. Vì vậy, các học giả hành giả Phật giáo thật sự đều không quan tâm đến việc nhiều tông môn Phật giáo phát triển về sau vì thấy rõ bản chất “nhất thừa” của tất cả, ngoài thực tế là sự phát triển Phật giáo (hay bất cứ một học thuyết nào) trong lịch sử đều phải phát triển dựa trên sự khế hợp với văn hóa bản địa. Chính Đức Phật đã đề ra nguyên lý này khi Ngài khuyến cáo các nhà truyền giáo đầu tiên của Phật giáo khi hoạt động khắp nơi phải dùng ngôn ngữ bản địa và không cho phép hai đệ tử trí thức đương thời khi họ xin dùng ngôn ngữ “quí phái” là Sanskrit để “thống nhất” và “qui phạm hóa” giáo lý của ngài. Đó chính là lý tưởng “tùy duyên bất biến” và “khế lý khế cơ” mà về sau Phật giáo Đại thừa hay nói đến.
2. Vũ Thế Ngọc, Nāgārjuna and the Quantum World, nguyên tác bằng Anh ngữ gửi trong Hội nghị Triết học Phật giáo, được tác giả mở rộng và chuyển dịch qua Việt ngữ.
3. Vũ Thế Ngọc, Triết học Long Thọ, Nxb Thế Giới, 2016, tr.131.
4. Suzuki, D.T. Essays in Zen Buddhism. London: Rider & Co. 1973, tr.27.
5. Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận, nxb Hồng Đức 2017, tr.238.
6.śūnyatā “the state of śūnya”. Tiếp vĩ ngữ -atā trong Phạm ngữ giống như -ity / -ness trong Anh ngữ thêm vào một từ để tạo danh từ trừu tượng chỉ tình trạng (state) hay phẩm chất (quality) của từ đó (emptiness, voidness, loneliness…).
7. Nhắc lại Tự Tính (svabhāva) theo đức tin Bà-la-môn là phần “linh hồn” bất biến của mọi hiện tượng,. Theo đó vạn vật nhờ có tự tính mà tự sinh (trái với thuyết Duyên khởi). Trong tất cả các luận của Long Thọ, ngài đều phản bác đức tin vào cái Tự Tính này và khẳng định tư tưởng tự tính hoàn toàn tương phản với giáo lý Duyên khởi của Phật giáo, nên kết luận “Nếu thừa nhận giáo pháp Duyên khởi thì phải thừa nhận vạn pháp không có cái gọi là tự tính, còn đã chấp nhận có tự tính thì không thể thừa nhận giáo lý Duyên khởi” Trung luận XV.1&2.
8. Nhiều chùa lớn ở Sài Gòn các chủ chùa tự thuyết pháp hay mời các nhà “ngoại cảm” có tiếng đến chùa để nói chuyện về vong linh hay tìm xương cốt các chiến sĩ tử trận. Để đối trị với các loại thày này cũng trong Đại Trí Độ luận ngài Long Thọ cũng đã giảng về pháp “y pháp bất y nhân” (nương tựa theo chính pháp chứ không theo người nói pháp) rất rõ ràng trong Tứ y pháp (y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh).
9. Trí độ luận, phẩm Duyên khởi, quyển I.
10. Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận (sđd).
11. Cơ học lượng tử được hình thành do nhiều nhà khoa học tiền phong xuất hiện từ thế kỷ XX như Max Planck, Albert Einstein, Niels Bohr, Werner Heisenberg, Erwin Schrödinger, Max Born, John von Neumann, Paul Dirac, Wolfgang Pauli… Sau lớp tiền phong về cơ bản lý thuyết vật lý, hầu hết các nhà khoa học ưu tú ngày nay còn mở sâu nghiên cứu trong các lãnh vực khác. Điển hình là hầu hết các giải thưởng khoa học cao quí trong những thập niên vừa qua hầu như đều trao cho những nghiên cứu liên quan đến lượng tử.
12. Đây là bệnh chung của một số người (thường không tinh thâm Phật học lẫn khoa học) có ảo tưởng dùng “khoa học” để chứng minh cho Phật học
Vũ Thế Ngọc | Văn Hóa Phật Giáo số 315 ngày 15-2-2019
Bài đọc thêm:
Trung Đạo (Vũ Thế Ngọc)
Thuyết lượng tử và sự di chuyển của tâm thức
Trung Luận – (Madhyamaka Sastra) (Thích Thiện Siêu)
Trung Luận (Thích nữ Chân Hiền)
Trung Luận (Thích Viên Lý)
Trung Quán Luận (Đại Sư Ấn Thận – Thích Nguyên Chân)
Trung Quán Luận (Cao Dao)
Tìm Hiểu Trung Luận (Hồng Dương)
Luận Giải Trung Luận, Tánh Khởi Và Duyên Khởi (Hồng Dương)
Đại Cương Về Triết Học Trung Quán (Thích Viên Lý)
Trung Luận – Bồ Tát Long Thọ (Thích Tâm Thiện)
Lịch Sử Tư Tưởng Và Triết Học Tánh Không (Thích Tâm Thiện)
Trung Quán Luận Kệ Tụng (Thích Tịnh Nghiêm)
Tìm Hiểu Trung Luận Nhận Thức Luận Và Không Tánh Trung Quán Luận
Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào (Thích Nhất Hạnh)
Trung Luận Và Hồi Tranh Luận – Bồ Tát Long Thọ (Đỗ Đình Đồng)
Bài học tóm tắt trung quán luận
Discussion about this post