Trong thế gian, tất cả pháp hữu vi đều vô thường đồng thời đều vô ngã: Vô thường vì chuyển hóa theo quá trình sinh, trụ, hoại. diệt; Vô ngã vì tự nó không có thực, cái mà nhận thức được chỉ là duyên hợp giả tạo nhất thời.
Pháp ấn này cũng gọi là Phi ngã, có nghĩa là không có bản thể nhất định, thường hằng vĩnh cửu.
Trong thế gian, tất cả pháp hữu vi đều vô thường đồng thời đều vô ngã: Vô thường vì chuyển hóa theo quá trình sinh, trụ, hoại. diệt; Vô ngã vì tự nó không có thực, cái mà nhận thức được chỉ là duyên hợp giả tạo nhất thời.
Vô ngã bao trùm tất cả các pháp hữu vi. Cũng như vô thường, Vô ngã là chân lý rốt ráo của mọi vật, mọi pháp. Xếp loại một cách đại cương, có hai thứ Vô ngã:
Nhân vô ngã: Con người thực ra không có bản thể. Cái gọi là con người chỉ là Ngũ uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành và thức) tạm thời hợp lại mà thành ra có. Chúng sanh vô minh mê lầm tin rằng con người có bản thể chân thực nên sinh ra phiền não. Đến khi tỉnh thức nhận ra lý Vô ngã thì dứt hết phiền não chướng.
Pháp vô ngã: Pháp tự nó không có thực, chỉ có nhân duyên hội lại mà hiển lộ sanh ra. Kẻ vô minh ngộ nhận là có thực, người tỉnh thức nhận ra lý Vô ngã thì dứt hết sở tri chướng.
Tiếng Hán Việt ngã thường diễn nôm là tôi hay ta. Sự diễn nôm này không trọn nghĩa, chỉ có nghĩa ở Nhân vô ngã khi chỉ cái ngã ở con người, không diễn được nghĩa ở Pháp vô ngã khi chỉ cái ngã ở vạn pháp. Người thiện học cần lưu tâm đến từ ngữ này. Trong Phật học, Ngã cần hiểu là chân lý, là sự có thực thường tồn bất biến, dù ứng dụng vào con người hay sự vật.
Về phương diện chứng ngộ có hai thứ Ngã:
Vọng ngã cũng gọi là Gỉa ngã. Đây là trường hợp cái Ngã của kẻ vô minh mê lầm cố chấp yêu mến thân mình, bênh vực ý tưởng của mình. bảo tồn vật sở hữu của mình như người thân, nhà cửa, tiền bạc, quyền thế…Sự mê lầm cố chấp này là Chấp ngã, Chấp kiến gây nên phiền lụy, khổ não… Người thiện học, khéo biết hành trì lý Vô ngã sẽ chứng nghiệm thấy cái Ngã của mình là giả tạm, là Không, là không thực sự có.
Chân ngã cũng gọi là thực ngã, đại ngã. Đây là trường hợp cái Ngã của chư Phật, Bồ-tát. Cái Ngã này chính là cái ngã ba –la- mật, còn gọi là Phật tánh, Như Lai tánh, Như Lai tạng. Cái Ngã chân thực rốt ráo này có đầy đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã và Tịnh. Cái Ngã giả tạm và riêng biệt của kẻ vô minh có đủ bốn tánh xấu Vô thường, Vô lạc (khổ), Vô ngã và Bất Tịnh.
Phật và chúng sanh đồng nhất thể, cùng có cái ngã cả. Tu Phật là chuyển hóa từ tâm chúng sanh Vô minh thành tâm Đại giác của chư Phật, nghĩa là:
– Vô thường chuyển hóa ra Thường,
– Khổ (Vô lạc) chuyển hóa ra Lạc,
– Vọng ngã chuyển hóa ra Chân ngã,
– Bất tịnh chuyển hóa ra Tịnh.
Hội đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là Đại giác, Đại ngộ, là Giải thoát, là Tịch Diệt, ngộ nhập Niết-bàn, là chuyển hóa từ Vọng ngã thành Chân ngā.
Vô thường và Vô ngã là hai pháp ấn tuy hai mà một, tuy một mà hai. Là một vì lý do cả hai pháp ấn đều là sự chuyển hóa từ cái này sang cái khác, kế tiếp nhau và liên tục không ngừng, cả hai đều là pháp duyên sanh. Là hai vì lý do: Vô thường là sự chuyển hóa theo thời gian, theo từng thời điểm nối tiếp nhau không ngừng, từ vô thủy đến vô chung, từ quá khứ xuyên qua hiện tại đến tương lai; Vô ngã là sự chuyển hóa trong không gian vô cùng vô tận, trong pháp giới vô biên; khi nói chung nhất quán là trong cả hai phạm trù thời gian và phạm trù không gian (theo ngôn từ ngày nay là khái niệm thời-không).
Một trường hợp dẫn chứng điển hình: Giọt nước. Nước chuyển hóa vô thường lúc là mây, hơi nước, khi là nước lỏng hay băng tuyết. Nước tự nó không có thực, nước Vô ngã, cái tên gọi nước chỉ là giả danh duyên hợp. Phân tích ra, nước là sự tổng hợp hội lại của khí Hydrô và khí Oxy. Mây trời, nước biển và băng sơn chỉ là ba hình tướng khác nhau của nước trong khi chính nước không có bản thể chân thực. Nước chỉ là sự duyên hợp của khí Hydrô và khí Oxy, khi hội lại thì có hình tướng và tên gọi là Nước, khi phân tán ra thì không có hình tướng và tên gọi là Nước. Khi có thì đó là cái Giả Ngã của nước, khi không thì đó là cái tự tánh Không của nước,có mà không, không mà có là như thế. (còn tiếp)
Discussion about this post