VÔ MINH & KHOA HỌC NÃO BỘ
Thái Minh Trung, M.D
Vô minh là một danh từ phát xuất từ
Phật giáo. Dân gian ai đi chùa thì ít ra cũng quen thuộc với khái niệm “tham,
sân, si”. Si mê hay vô minh nói lên một tâm trạng thiếu sáng suốt đưa đến những
hành động tội lỗi trái luân lý. Khi học đạo, người ta nghĩ rằng vô minh chỉ là
một khái niệm có lẽ nghiêng về luân lý (ethics) nhiều hơn là khoa học. Gần đây,
khi khoa học và tâm lý học phát triển, người ta mới bắt đầu hiểu rằng vô minh
có cơ sở khoa học.
Ở loài người, nguồn gốc của vô minh
có thể giải thích qua sự phát triển của não bộ. Khi các nhà nhân chủng học
(anthropologist) nghiên cứu sự phát triển não bộ của con người qua hàng triệu
năm, bằng cách đo xương sọ từ đó suy ra dung tích của não bộ, thì nhận thấy
rằng sự khác biệt giữa loài người có văn minh và loài khỉ là ở vỏ não (cortex).
Não của loài người có 2 phần, phần nằm trong sâu gọi là hệ thống limbic (limbic
system), phần này mọi sinh vật đều có, và phần vỏ não phát triển tột bực ở loài
người.
Hệ thống limbic là vùng não phát
triển rất sớm, nghiêng về tình cảm và bản năng. Nhờ có bản năng nên con người
nguyên thủy mới có thể sống sót và truyền giống nòi. Nói cách khác, khi đứng
trước thức ăn mà không thèm ăn, gặp người khác phái mà không có ham muốn tình
dục và khi gặp kẻ thù ăn cắp thức ăn và bắt cóc vợ con mà không giận dữ thì
loài người sẽ mất sự tồn tại trên thế gian và mất khả năng truyền gene lại cho
thế hệ sau. Ở loài khỉ, con khỉ đực nào có nhiều testosterone (kích thích tố
nam), chiến đấu chống lại những con khỉ đực khác (sân) thì sẽ có vị trí đầu đàn
và có quyền giao hợp với nhiều khỉ cái (tham). Hiểu như thế, tham và sân là bản
năng để con người tiền sử sống còn. Ở thế giới động vật bản năng tự nó điều
chế. Thức ăn nhiều thì sanh sản nhiều, thức ăn ít thì ham muốn sinh dục ít đi
và sinh sản bớt lại.
Khi não bộ chưa phát triển và loài
người tiền sử sống với sự điều khiển của bản năng thì chiều hướng của bản năng
là bảo vệ sự sống còn của giống nòi. Tuy nhiên, trên đà tiến hóa của não bộ thì
phần vỏ não (cerebral cortex) phát triển rất nhanh, nhờ đó tạo cơ hội cho sự
phát triển của ngôn ngữ và ý thức (consciousness). Ý thức được khoa học định
nghĩa là sự nhận thức ra cá nhân và cá nhân đó khác biệt với người khác. Khi ta
nhìn ta trong gương, ta nhận ra hình ảnh của chính mình, đó là ý thức cá nhân.
Hình ảnh của người kế bên không phải là ta. Sự phân biệt so sánh này là nguồn
gốc của cái “tôi”. Bản chất của cái tôi là
ý muốn khác biệt và hơn trội người khác. Cái tôi gây ra rất nhiều vấn đề chúng
ta sẽ đề cập ở phần sau.
Cũng vào thời điểm này, những bộ lạc
dần dần sống chung thành một xã hội. Nhờ vỏ não phát triển nên con người nguyên
thủy có sự sáng tạo quy ước dùng một âm thanh để diễn tả ý nghĩ và tình cảm.
Ngôn ngữ là âm thanh, phát ra rồi mất đi. Người ta chế ra chữ viết để lưu
truyền ngôn ngữ. Nhờ có ngôn ngữ, chữ viết và đời sống xã hội nên những phát
minh mới và hiểu biết mới của một người được nhiều người áp dụng và biến chế
tốt hơn. Đây là nền tảng của khoa học. Nhờ có chữ viết nên kiến thức được lưu
lại sau khi con người qua đời. Nhờ vậy, sự hiểu biết của loài người lưu truyền
được và phát triển cực kỳ nhanh. Giả sử ta có một thần đồng sống biệt lập trong
rừng thì những phát minh khoa học sẽ không có phương tiện phát triển thành sản
phẩm khoa học.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng
của vỏ não và sản phẩm của nó là ngôn ngữ và khoa học kỹ thuật cũng có những
cái hại của nó. Con người không biết tự điều hòa như thiên nhiên. Con người có
sự ý thức để hiểu biết thiên nhiên, tuy nhiên sự phát triển vượt bực của ý thức
không đi đôi với sự trưởng thành của tình cảm. Từ đó mà những sản phẩm của khoa
học kỹ thuật có thể làm đảo lộn cái trật tự quân bình của thiên nhiên. Hồi xưa,
với cây búa rìu, muốn đốn cây thì không đốn được bao nhiêu nên thiên nhiên được
bảo tồn. Ngày nay, với công cụ tối tân, người ta có thể đốn hết khu rừng trong
nháy mắt. Đây mới là cái tham, sân, si mà tôn giáo đề cập đến và con người cần
thay đổi.
Cái phản ứng phụ của trí khôn là cái
ý muốn sở hữu. Con người muốn sở hữu đồng loại và thiên nhiên. Ngay từ thời
nguyên thủy, những bộ lạc thắng trận thường bắt những người thua trận làm nô lệ
cho mình. Điều này xảy ra cho tới thế kỷ thứ 19 với người da đen làm nô lệ cho
chủ đồn điền da trắng. Trong tình yêu, ta muốn giữ người ta yêu cho riêng mình.
Cha mẹ muốn con cái làm theo ý mình. Nếu con cái không theo thì đôi khi cha mẹ
từ con ra và gán cho con cái tên hư hỏng. Trong tôn giáo, kẻ không cùng tín
ngưỡng là kẻ ngoại đạo. Ở thiên nhiên, cái sở hữu quá độ như đốn rừng hay lưới
cá một cách cẩu thả ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh hóa.
Ngoài ra, con người còn muốn sở hữu
năng lượng (đất và nước) của quả địa cầu, chia ranh giới và gây ra tranh chấp.
Đối lập và xung đột là sản phẩm của trí khôn và của cái tôi. Khi trí khôn phát triển, con người muốn mình khác với người
khác vì đặc tính của trí khôn là sự sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo này nằm trong
một khuôn khổ cứng rắn. Khi ta gắn một tính từ đúng sai hay xấu tốt lên một người
nào đó thì ta mất cái khả năng nhìn sự thật. Ta chỉ thấy trắng hay đen. Ta
thương người theo mình (tham) và ghét bỏ người không theo mình (sân). Ta mất
cái nhìn trung dung.
Mất khả năng nhìn sự thật khách quan
và muốn vũ trụ xoay quanh theo ý mình là nguồn gốc của vô minh và cũng là nền
tảng của cái tôi. Một người có thể khôn xuất chúng nhưng vẫn có thể bị màng vô
minh che đậy tâm trí. Sự nhận thức và bỏ theo quỹ đạo của cái tôi tạo ra vô số
mâu thuẫn căng thẳng trong nhiều lãnh vực: gia đình, xã hội, chính trị và tôn
giáo. Trong vô minh, con người có thể dùng trí khôn biện hộ cho hành động sai
lầm thay vì dùng trí khôn giúp mình thay đổi để đáp ứng hoàn cảnh. Khi chưa
được cái mình muốn, con người sanh ra lòng tham và khi mất cái mình được thì
sân hận.
Độc giả hãy thử phân tích hoàn cảnh
này xem sao. Ông A di du lịch và làm quen được với ông B. Hai người nói chuyện,
trao đổi với nhau vui vẻ. Một ngày nào đó đất nước ông A và ông B trở thành thù
nghịch. Hai người bị động viên. Khi khoác áo
nhà binh lên người thì 2 người trở thành thù nghịch và sẵn sàng giết nhau, mặc
dù không có mối hận thù cá nhân riêng biệt. Như thế mới hiểu được cái tai hại
khi chúng ta gán cho người khác cái nhãn hiệu mà không hiểu được sự thật.
Chuyện như thế xảy ra rất nhiều và thịt rơi, máu đổ cũng vì hiểu lầm.
Nhìn lại lịch sử con người, ta thấy
những trường hợp như vậy xảy ra rất thường xuyên. Khi một chính phủ hay một cơ
quan tôn giáo xác nhận một nhóm người khác là “kẻ thù” hay “ngoại đạo” rồi thì
sự sát nhân hàng loạt xảy ra rất dễ dàng. Thời Trung cổ có tòa án dị giáo
(inquisition tribunal) giết chết hàng loạt người không theo Thiên Chúa giáo,
rồi đến Thánh chiến (Crusade). Thời thực dân (colonial), người da trắng coi
người da đen là dòng giống kém và đến châu Phi bắt cóc họ làm nô lệ cho các đồn
điền. Vào đệ nhị thế chiến, Hitler ra lệnh
giết hàng loạt người Do Thái (holocaust). Gần đây hơn thì chế độ kỳ thị
Apartheid ở Nam Phi vẫn không công nhận quyền lợi bình đẳng của người da đen.
Sở dĩ vô minh xảy ra vì tư tưởng và
trí khôn loài người chưa phát triển để đạt đến khả năng trực nhận thực tế (danh
từ Phật giáo gọi là giác ngộ). Sự truyền đạt thông tin của tư tưởng rất hạn
chế. Có lẽ vì thế con người thích có một khuôn mẫu hiểu biết có sẵn để nương
theo. Ở những xã hội sơ đẳng (lúc đó chưa có những phương tiện truyền thông như
TV và radio) thì ca dao tục ngữ là những công thức cho dân gian kém học thức
nương nơi đó mà cư xử với nhau cho thích hợp. Ngoài ca dao tục ngữ thì có những
chuyện cổ tích để cho người ta noi theo gương tốt. Những phương pháp truyền đạt
kiến thức kể trên rất đơn sơ và chỉ thích hợp với một số nhỏ người, hạn chế ở
địa lý cư ngụ của những người đó. Thí dụ như ca dao về mùa màng ở miền nhiệt
đới không thích hợp với dân miền ôn đới.
Độc giả nên phân biệt giữa hiểu biết
và diễn đạt hiểu biết. Hiểu biết của ông thầy có thể diễn ra trong nháy mắt,
nhưng khi người thầy giáo dùng tư tưởng, suy nghĩ để giải thích sự hiểu biết đó
cho học sinh thì phải mất nhiều thời giờ hơn. Ngoài ra, sự truyền đạt hiểu biết
qua tư tưởng và lời nói không thể nào trung thực và đạt được 100% dữ kiện chứa
trong cái trực hiểu của ông thầy. Tệ hơn, đôi khi người nói một đường, kẻ hiểu
một ngả. Càng cố chấp trên suy nghĩ thì sự hiểu lầm càng sâu hơn. Nếu người sở
hữu kiến thức (trò) áp dụng một cách cứng rắn thì khả năng đáp ứng thực tế của
họ càng kém hơn người (thầy) tạo ra kiến thức đó. Vì thế, muốn xã hội tiến bộ
thì trò phải hơn thầy. Nếu ông thầy sợ học trò hơn mình và không truyền đạt hết
kiến thức, và người học trò không hiểu hơn thầy mình thì xã hội sẽ đi lùi. Hiểu
như thế, tinh thần vô ngã là thái độ cần có để xã hội phát triển.
Các mạch thần kinh ở não bộ con
người khác với mạch máu. Mạch máu có đường đi nhất định. Những mạch thần kinh
có khả năng kết nối với nhau một cách uyển chuyển (plasticity of the nervous
system). Những người bị tai biến mạch máu (stroke), mất hết một phần của não bộ
nhưng vẫn có thể phục hồi một phần nào chức năng cơ thể vì các tế bào thần kinh
ráp nối với nhau tạo ra mạch thần kinh mới để thông qua những tế bào thần kinh
bị chết, từ đó bệnh nhân có thể sử dụng trở lại những bắp thịt bị tê liệt. Cũng
như thế, khi ta không cố chấp thì khả năng kết nối của hệ thống thần kinh ta
dồi dào hơn. Khi sự kết nối nhiều thì khả năng hiểu nhiều khía cạnh của một sự
kiện tăng theo.
Khi chúng ta học hỏi và nhận thức
một điều mới lạ thì những tế bào thần kinh sẽ liên kết với nhau nhiều hơn. Khi
ta cố chấp vào một sự việc thì tế bào thần kinh không có sự ráp nối dồi dào,
khiến ta không nhận biết được những dữ kiện khác của sự thật. Ta trở thành
người mù sờ voi, chỉ thấy được một phần nhỏ của con voi và tranh chấp cãi lộn
với những người khác thấy những phần khác của con voi. Vì thế, ở kẻ mê tín dị
đoan, não bộ của họ mất sự uyển chuyển kể trên. Chính đây là nền tảng cơ sở
khoa học não bộ của vô minh. Cái khó khăn là người vô minh không bao giờ nhận
ra tâm trạng đó. Cũng giống như người bị điên (psychosis), cho rằng kẻ khác bất
bình thường, còn mình thì hoàn toàn bình thường.
Làm sao ra khỏi cái vòng lẩn quẩn
của vô minh khi mà người vô minh không nhận ra họ bị vô minh. Rồi một nhóm
người vô minh tranh cãi biện luận với nhau để giành phần đúng về mình. Họ tạo
thành nhiều băng đảng chính trị, chủ nghĩa quốc gia hay niềm tin tôn giáo khác
nhau. Suy nghĩ càng biệt lập và khác biệt thì lòng tin tưởng lẫn nhau giữa loài
người suy giảm trầm trọng và lòng lo sợ, hận thù tăng hơn. Nếu sự lo sợ tăng
đến nỗi người ta mất khả năng dùng lý trí để thay đổi nhận thức thì nó trở
thành cực đoan và bịnh hoạn (paranoid delusion). Đây là những cách người ta bảo
vệ cái chủ nghĩa tư tưởng mà họ cho là đúng. Nói tóm lại, trong sự bảo vệ quá
đáng đó, họ thiếu lòng tin và sự suy nghĩ sáng suốt
một cách trầm trọng.
Hiểu như vậy
thì không có gì lạ khi hai tôn giáo chính của thế giới đề cao lòng tin (Ki tô
giáo) và suy nghĩ sáng suốt (Phật giáo). Chúa và Phật có thể được coi là những
bậc thánh nhân và cũng là những bác sĩ tâm lý đại tài. Sở dĩ những ấn tượng
trên tâm lý của hai đạo này tồn tại đến ngày nay, có lẽ vì các vị thánh nhân
này đã thấu hiểu được căn bệnh về tâm lý của loài người và nói trúng tim đen
của loài người. Những vị này muốn mở đường hướng dẫn nhân loại – nói theo khoa
học não bộ ngày nay – sử dụng não bộ của họ một cách hữu hiệu để tránh loài
người dùng trí khôn sáng tạo vũ khí tự tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt quả địa
cầu. Khi trị được si mê thì tham và sân tự nó biến đi. Chính vì tham và sân là
sự hiểu lầm do si mê gây ra.
Có cách nào
nhanh nhất để trị cơn si mê, giấc mộng ngàn đời của nhân loại? Như ta thấy, khi
nào con người còn có suy nghĩ đúng sai thì lúc đó sự tranh chấp sẽ không dừng.
Suy nghĩ có thể vẽ ra ngàn lối khác nhau. Một khi suy nghĩ vẽ ra rồi thì ít khi
nó chịu rời bỏ sản phẩm của nó. Con người phải tập vượt qua cái ý nghĩ chấp
đúng sai. Con người phải tập lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác. Chấp
đúng sai là vội khóa mình trong một kết luận nông cạn. Khi còn suy nghĩ đúng
sai thì cái suy nghĩ đó sẽ làm nhiễm (contaminate) cảm nhận sự thật. Suy nghĩ
là hình bóng chứa dữ kiện của một hiện tượng đã qua. Khi ta giữ cái hình bóng
đó trong tâm thì sự đáp ứng tức thời và khả năng nhận ra sự thật bị giảm đi rất
nhiều.
Thí dụ như ông A vừa mới cãi lộn
xong với vợ mình và bực bội lái xe ra khỏi nhà. Trong tâm trí ông còn những suy
nghĩ lẩn quẩn về câu chuyện không vui vừa xảy ra. Tâm ông bị phân trí và suýt
nữa ông vượt đèn đỏ gây ra tai nạn. Khi vào sở, ông nạt nộ với nhân viên trong
sở gây ra nhiều căng thẳng. Ở trường hợp trên, ông A vì suy nghĩ về chuyện quá
khứ nên mất khả năng nhận ra hiện tại, như đèn đỏ và không đáp ứng với hoàn
cảnh hiện tại trong sở (nhân viên không có lỗi lầm mà bị nạt).
Ở mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, nếu
ta làm chủ được những dòng tư tưởng suy nghĩ hiện ra trong đầu, không dùng
những dữ kiện của quá khứ để đối phó với hiện tại hay phỏng đoán tương lai thì
khả năng nhận thức tức thời tại thời điểm hiện tại (here and now) sẽ rất nhạy.
Phát triển cái nhận thức tức thời không qua suy tư được gọi là thiền. Nghiên
cứu cho thấy não bộ con người phản ứng với những hình bóng suy nghĩ dựng ra y
như sự thật trước mặt. Rồi như thế chưa đủ, con người cố gắng diễn tả những
hình bóng suy nghĩ đó bằng nghệ thuật điện ảnh. Khán giả thật sự vui buồn với
cái ảo giác. Nếu ai cũng xem cái thực tế của phim ảnh là những hình bóng màu mè
phản chiếu lên màn ảnh thì công nghiệp điện ảnh sẽ bị phá sản từ lâu rồi.
Bây giờ độc giả hãy tưởng tượng rằng
chỉ có một màn ảnh mà có đến nhiều người muốn đồng lượt chiếu phim của mình lên
trên đó. Như thế những hình bóng trên màn ảnh rất rối loạn, chính sự rối loạn
đó là vô minh. Ai cũng muốn la lớn là tôi hay, tôi đúng, mọi người nên theo
tôi. Không ai nghe ai và không ai chịu khó tìm hiểu người khác. Đó là vô minh.
Đây là thảm trạng của xã hội hiện giờ, sự thành công được đo bằng mình trội hơn
người khác. Có ai biết tại sao sản phẩm tiện nghi của khoa học càng nhiều,
nhưng ngược lại với dự đoán, stress và những bịnh do căng thẳng tinh thần xảy
ra nhiều hơn chăng? Bây giờ muốn cho mọi người nhìn thấy ánh sáng thì chúng ta
phải tắt hết phim lại.
Tắt hết phim lại
là để cho tâm tĩnh lặng. Khi tâm tĩnh lặng rồi thì người ta mới có cơ hội cùng
nhìn về một hướng và hiểu một chuyện. Nếu tâm loạn động thì chỉ có hai người
thôi mà xảy ra biết bao nhiêu chuyện phức tạp. Chỉ có một chuyện mà bị méo mó
biến ra mười chuyện khác nhau. Cho nên để tâm tĩnh lặng thì màn vô minh bị mỏng
dần và khả năng nhận định sự thật và thông cảm lẫn nhau tăng hơn. Khi vô minh
mỏng dần thì tham biến thành trí tuệ thích hiểu biết và sân biến thành sự dũng
cảm dám thay đổi tánh tình (tu). Khi vô minh mỏng dần thì não bộ sẽ có khả năng
kết nối với những vùng mới lạ. Và từ đó đời sống tâm linh của nhân loại sẽ được
phát triển và phong phú hơn.
Tâm tĩnh lặng
không phải là một cái gì trừu tượng mà hiện nay khoa học có thể dùng điện não
đồ EEG để đo được. Khi ta thư giãn để tâm tĩnh lặng thì tần số rung động của
não bộ giảm xuống khoảng 8- 10 Hz, tần số này gọi là tần số Alpha. Những nghiên
cứu cho thấy não bộ hoạt động hữu hiệu nhất ở tần số này. Đây cũng là cái tần
số của tâm “vô ngã”. Đó là một tâm trạng sáng suốt với ý thức mở rộng để hiểu
mình và hiểu người. Khi ta tập tâm tĩnh lặng ở tần số này, để mặt trời ý thức
hiện ra thì những tư tưởng mây đen cố chấp của vô minh sẽ ít dần. Chúng ta rất
may mắn sống ở thời điểm này. Với những kiến thức mới của khoa học não bộ, cái
ranh giới giữa tôn giáo và khoa học sẽ mỏng dần. Hy vọng sẽ có một ngày người
ta không còn giết lẫn nhau vì sự khác biệt tín ngưỡng. Ngày đó đa số con người
sẽ sống với tần số Alpha và sẽ có tâm trạng “vô ngã”, biết lắng nghe và thông
cảm lẫn nhau. Hòa bình thật sự chỉ có thể xây dựng được từ trong tâm mà
thôi.
Nguồn: Nguyệt san
Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS
Discussion about this post