VÔ BIÊN TRANG NGHIÊM BỒ TÁT
VỚI ĐỜI MẠT PHÁP
Vĩnh Hanh Thái Chí Bình
Vấn đề thái độ của người học Phật trong thời mạt pháp đã được nêu ra trong phẩm thứ nhất, phẩm Vô thượng Đà-la-ni, thuộc chương thứ hai, chương Pháp hội Vô Biên Trang Nghiêm, của Kinh Đại Bảo Tích.
Trong phẩm này, kinh văn thuật rằng vì muốn cho chư Bồ- tát chưa thành thục liền được thành thục, chư Bồ-tát đã thành thục liền được thần thông và giải thoát tri kiến, còn bậc đã trụ bất định liền được thành tựu cảnh giới nhất thiết trí, mà Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm đã bạch với Đức Thế Tôn xin Ngài giãi bày cặn kẽ các pháp môn vô ngại, giải
thích nhờ phương tiện gì khiến hàng Bồ-tát phát khởi vô lượng pháp môn,
thành tựu chánh niệm để hàng phục ma oán và ngoại đạo mà chẳng bị xô phá. Dẫn xuất của lời bạch này được kinh văn nêu rõ, “Đời mạt pháp sau này, trong thời kỳ đấu tranh, chúng sanh nhiều chấp trước làm hại lẫn nhau, thêm lớn tham, sân, si, hoại loạn Chánh pháp. Khiến chư Bồ-tát
ở trong thời kỳ đó, dùng đức đại từ bi chịu đựng mọi sự khổ để lưu hành
diệu pháp này, không tranh không đấu. Do không tranh đấu nên có thể nhiếp thọ đại từ đại bi, và sẽ chứa nhóm những căn lành”.
Có thể thấy, chỉ với một lời tác bạch sở nghi của mình, Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm đã nêu được ba nội dung quan trọng: Bối cảnh và duyên sự của đời mạt pháp; hành trạng của chư Bồ-tát; và diệu pháp bất khả tư nghì.
1/ Bối cảnh, duyên sự đời mạt pháp
Thời mạt pháp là lúc mà giáo pháp của Đức Thế Tôn chịu đựng nhiều sự xuyên tạc, bị giải thích sai lạc, không được “y giáo phụng hành”. Vị
Bồ-tát đương cơ trong pháp hội này gọi đó là thời kỳ đấu tranh. Sự đấu
tranh diễn ra trên ba lãnh vực: qui mô toàn cầu giữa các chủng tộc, chủng loại trong quan điểm để sinh tồn và phát triển; giữa nội bộ trong từng quốc gia do lợi ích nhóm, và trong mỗi con người luôn bị dằn vặt bởi ân hận, tiếc nuối.
Nguyên nhân dẫn đến thời kỳ đấu tranh xuất phát từ chúng sinh “nhiều chấp trước, thêm lớn tham sân si và hoại loạn Chánh pháp”.
– Vì chấp trước nên bằng mọi cách kể cả gây chiến tranh, tàn sát đồng
loại để bảo vệ thân mạng, danh vị và quan điểm quản lý xã hội của mình.
– Vì tham sân si nên quên mất luật nhân quả luân hồi, sẵn sàng gây ra khổ đau cho mình, cho người và cho muôn loài.
– Vì hoại loạn Chánh pháp nên mất phương hướng trong đời sống vật chất cũng như đời sống tâm linh, tự mình hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp, nhân nghĩa để chạy theo những chuẩn mực văn hóa “
hiện sinh”, “vật hóa”, ‘ cuồng vội”.
Hậu quả của chấp trước, nhiều tham sân si và hoại loạn Chánh pháp là
một thế giới ta-bà này với nhiều phương tiện giết hại lẫn nhau ra đời
ngày càng tinh vi thiện xảo, con người và muôn loài ngày càng chìm đắm trong bất an, lo sợ cho môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, một hệ thống quản lý kinh tế xã hội với nhiều lãnh vực lâm vào khủng hoảng trên qui mô toàn cầu mà tần suất ngày càng ngắn hơn. Sự khổ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
2/ Hành trạng của chư Bồ-tát
Đối với chư Bồ-tát, chư tôn đức Tăng Ni lại phải chịu đựng mọi sự khổ
để duy trì và quảng bá mạng mạch của Như Lai. Ở đây Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm chỉ dùng cụm từ “mọi sự khổ” để diễn tả tình trạng
trong Tăng đoàn và trong tu tập của chư tôn đức Tăng Ni vào thời mạt pháp. Khổ ở đây là khổ của bậc xuất thế gian trong thế gian. Nó xuất phát từ trong cảnh giới đấu tranh, chúng sanh chấp trước, tham sân si ngày càng thêm lớn và hoại loạn Chánh pháp:
– Đấu tranh là nhân gây khổ đau do tâm chúng sanh còn vô minh vọng tưởng các pháp thế gian là có thật, tốt, quí giá, tồn tại vĩnh viễn, không hư hoại… nên ra sức, bằng mọi cách thế đế chiếm đoạt, bảo vệ, thụ hưởng… Đối với chư Bồ-tát, các bậc tôn đức Tăng Ni tuy đã rời các pháp thế gian nhưng do đại nguyện của lòng từ bi cứu khổ chúng sanh mà phải vào thế gian, vào “nhà lửa” để thực hiện nguyện vọng lớn lao tha thiết của mình, nên phải cùng chịu chung số phận cùng với chúng sanh. Nếu chư vị xa rời đấu tranh một cách dứt khoát, tâm từ bi rộng lớn, dung
chứa mọi căn lành thì tuy thân có “nóng” nhưng tâm luôn vô ngại, an vui.
– Chấp trước cũng là nhân gây ra mọi sự khổ đau. Cùng với đấu tranh,
chấp trước trực tiếp tạo ra sự đối kháng, tranh cãi về các pháp của thế
gian. Hậu quả của hành trạng này là bắt ép, đánh đập, giết chóc nhau qua xung đột chiến tranh. Khác với đấu tranh là sự đối kháng có sự có việc phát sinh mâu thuẫn diễn ra bên trong tâm do ức chế (stress) hoặc thể hiện bên ngoài do lời nói, hành động; còn chấp trước nó vi tế hơn, ẩn khuất bên trong, như một màn kính đã bị nhuộm màu, tùy nghiệp lực của từng người mà màu sắc của màn kính này dày mỏng, đậm nhạt, trắng, đen, xanh, đỏ… Chấp trước là chủ của đấu tranh. Vì thế bên cạnh việc xa rời các pháp đấu tranh của thế gian để được an vui giải thoát, các bậc tôn túc trong Tăng đoàn luôn thúc liễm thân tâm mỗi năm vào mùa An cư kiết hạ, thực hành chánh niệm để nhận biết các pháp như thật mà xa
rời sắc tướng hoại diệt của thế gian để an trụ trong Chánh pháp, đạt giải thoát tri kiến.
– Tham Sân Si: là nguồn năng lượng của đấu tranh. Vào thời mạt pháp,
tham sân si càng thêm lớn, cũng đồng nghĩa với năng lượng cung cấp cho đấu tranh càng thêm lớn, hậu quả là gây ra nhiều khổ đau, chết chóc cho muôn loài càng rộng lớn hơn. Các bậc Bồ-tát, chư tôn đức Tăng Ni trong thời mạt pháp, do vì có lòng từ bi cứu độ chúng sinh, phát đại nguỵện lớn, nhưng dưới sự quán chiếu của Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm, vẫn có ba bậc Bồ-tát còn cần cầu đến lời giảng nói của Đức Như Lai; đó là chư Bồ-tát chưa thành thục được thành thục, chư Bồ-tát đã thành thục mau được thần thông và giải thoát tri kiến, và bậc đã trụ bất định thì được thành tựu cảnh giới nhứt thiết trí.
– Hoại loạn Chánh pháp:
Chánh pháp bị hủy hoại, báng bổ từ bên ngoài bởi tà ma ngoại đạo; bị khinh mạn, cống cao, phá bỏ giới luật, qui môn từ bên trong tứ chúng tu Phật. Trong hai loại hoại loạn này, loại thứ hai mới thật là điều mà Bồ-
tát Vô Biên Trang Nghiêm cần cầu pháp môn vô ngại và diệu nghĩa quyết định của Đức Phật. Cả hai dù từ bên ngoài hay từ bên trong tứ chúng đều khởi phát từ tín hạnh, chấp trước và ngã mạn, lấy sự làm trọng mà xa rời bổn tánh thường hằng thanh tịnh của các pháp trong cõi ta-bà này, điều mà Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm gọi là “Tịch tịnh chẳng diệt hoại”, có
được là do thành tựu được chánh niệm, thấy sự vật như chính nó, không bị dính mắc bởi nó, không đấu tranh với nó; là một quá trình nhiếp thọ lòng đại từ đại bi và trọn nên Phật trí của các bậc Bồ-tát, chư tôn đức Tăng Ni.
3/ Diệu pháp bất khả tư nghì.
Đây là diệu pháp, là món thuốc, mà Đức Phật kê đơn
cho các bậc Bồ-tát, cho chúng sinh trong thời mạt pháp vượt thoát mọi khổ đau, hàng phục ma oán và ngoại đạo mà chẳng bị xô phá. Pháp môn này là phương tiện để Bồ-tát phát khởi vô lượng thiện xảo, tịch tịnh, thành tựu chánh niệm, viên thành Phật trí. Đạt được công hạnh thù thắng vô ngại này, theo Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm, có ba công hạnh lớn
lao của bậc Bồ-tát trong thời mạt pháp:
3.1/ Mở rộng lòng Từ bi
Đạo của Đức Phật là đạo của Từ bi. Sự hiện diện của Đức Phật Thích-ca
nơi cõi ta-bà này cũng chỉ vì một bi nguyện rộng lớn vô biên là cứu độ
chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau do sanh tử luân hồi trong lục đạo. Nơi nào trong cõi ta-bà này còn khổ đau thì nơi đó vẫn còn cần lưu hành diệu pháp của Đức Phật. Do đó, chư Bồ-tát, chư tôn đức Tăng Ni là đệ tử,
là sứ giả của Như Lai, cũng vì lòng Từ bi này mà chịu đựng, vượt thoát mọi khổ đau, tiếp nối mạng mạch, lưu truyền diệu pháp này.
3.2/ Hành thâm Chánh niệm
Chánh niệm là thấy biết một cách chân thật và rõ ràng sự hoại diệt của tất cả các pháp để dứt khoát, nhanh chóng, xa rời chấp trước, đoạn diệt mọi khổ đau. Do sống trong chánh niệm nên chư Bồ-tát, chư tôn đức Tăng Ni luôn tỉnh thức trước mọi sự đấu tranh, là gốc khởi phát của cố chấp, của tham sân si. Do không tranh, không đấu nên tâm luôn nhiếp thọ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, thường hằng thanh tịnh, bao dung; mang đến an vui giải thoát cho tất cả mọi loài chúng sinh.
3.3/ Chứa nhóm mọi căn lành
Do thấy biết rõ bổn tánh của các pháp nên các bậc Bồ-tát luôn dùng năng lực diệu dụng của hạnh từ bi để vượt thoát mọi khổ đau trong thời
mạt pháp, đồng thời miên mật lưu hành diệu pháp không tranh, không đấu;
dung chứa mọi căn lành, lánh xa tất cả việc ác, nhờ đó hàng phục được ma oán, tăng trưởng thiện nghiệp, thành tựu cảnh giới nhứt thiết trí.
Hiện tại chúng ta đang ở thời kỳ mạt pháp. Những gì Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm tác bạch với Đức Phật về sở nghi của mình cũng đang diễn ra
ở một mức độ rộng và khá phổ biến trong đời sống của chúng ta. Tuy thời
của Đức Phật còn tại thế và thời đại của chúng ta cách xa nhau nhưng sự
và lý mà vị Bồ-tát đương cơ nêu trong Pháp hội vẫn còn có một giá trị vô cùng lớn lao cho những người con Phật trên bước đường tu học của mình. Những chướng duyên do chúng sanh trong thời mạt pháp tự gây đau khổ cho nhau cũng như do chính chúng ta trong quá trình tu tập còn chấp trước, cống cao ngã mạn, xa lìa giới hạnh, lấy giả làm chân, đều là nhân
của hoại loạn Chánh pháp.
Ba sở hành của hạng Bồ-tát được Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm nêu lên trong lời tác bạch trước Đức Phật và đại chúng cho Phật tử chúng ta một phương tiện đầy lòng từ bi, trí tuệ vượt thoát mọi khổ đau trong thời
mạt pháp này. Bồ-tát tác bạch là vì sở nghi của chúng sanh trong ba cõi, về phương tiện vượt thoát những chướng duyên trong thời mạt pháp.
Chúng ta cảm kích biết bao khi giữa Pháp hội thanh tịnh, uy nghi, Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm, chứ không phải vị Bồ-tát nào khác, đã nêu tình trạng của thời mạt pháp để mong cầu Đức Phật truyền dạy diệu pháp
vượt thoát cho chư vị Bồ-tát và chúng sinh tin Phật. Phải chăng danh hiệu Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm là sự khởi đầu cũng là câu kết đầy ý nghĩa cho chúng ta về diệu pháp vượt thoát mọi khổ đau, mọi xô phá của ma oán, là thực hành hạnh nguyện Vô Biên Trang Nghiêm của ngài. Nếu tất cả người con Phật, tự mỗi người do thấy biết nhân quả của khổ đau mà xa lìa đấu tranh, rộng lòng từ bi, bao dung nhiếp thọ mọi
ma oán, chúng sinh; dung chứa, gieo mầm những căn lành tức là chúng ta
trang nghiêm thân tâm của chúng ta một cách vô biên vô tận. Vô biên trang nghiêm Thân Khẩu Ý, Vô biên trang nghiêm Đạo tràng, Trú xứ tức là chúng ta vô biên trang nghiêm Quốc độ, hàng phục ma oán, vượt thoát mọi khổ đau, thành tựu viên mãn những thệ nguyện hoằng pháp độ sanh một cách vi diệu, thiện xảo.
Tham khảo: Kinh Đại Bảo Tích, tập I, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 153 | Vĩnh Hanh Thái Chí Bình
Discussion about this post