VỀ CHẾT VÀ TÁI SINH – CÁCH THỨC TÁI SINH
Khenpo Tsultrim Lodro Rinpoche[1] giảng
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Chết không phải là kết thúc của cuộc sống, bởi vẫn còn tái sinh sau khi chết. Chúng ta trải qua cái chết vô số lần, nhưng hôm nay không thể nhớ lại bất kỳ điều gì trong số chúng. Với những người tìm kiếm giải thoát rốt ráo, điều vô cùng quan trọng là đối diện trực tiếp với vấn đề sống và chết. Chúng ta không những cần biết cách đối mặt với cái chết mà cũng cần biết cách tái sinh.
Trong một số bản văn Phật giáo công truyền, có những miêu tả về các trạng thái sau khi chết và quá trình tái sinh, nhưng không phải cách biến cái chết thành một cách thực hành hay cách thức để tái sinh. Trong khi trong Bardo Todrol[2], toàn bộ quá trình từ chết đến tái sinh và cách dẫn dắt người đã khuất đến giải thoát khỏi trạng thái trung gian đều được giải thích chi tiết; thậm chí khi giải thoát nằm ngoài tầm với, những chỉ dẫn về cách lựa chọn một sự tái sinh tốt đẹp hơn cũng được cung cấp. Có thể nói rằng Bardo Todrol hoàn toàn lấp đầy những lỗ hổng còn lại trong các bản văn Hiển giáo.
Tuy nhiên, Bardo Todrol là một bản văn Kim Cương thừa và chúng ta cần đặc biệt chú ý tuân thủ trình tự đúng đắn của việc nghiên cứu và thực hành Kim Cương thừa. Trình tự được quy định của việc đầu tiên hoàn thành thực hành sơ khởi, thọ nhận quán đỉnh, sau đấy nghiên cứu và thực hành những giáo lý Mật thừa thường bị xem nhẹ hay vi phạm. Nếu người ta xem thường trình tự nghiên cứu giáo lý này, không lợi lạc nào có thể đạt được; thay vào đó, nó còn được xem là một hành động trộm Giáo Pháp. Vì thế, tốt hơn là không nghiên cứu toàn bộ nội dung của Bardo Todrol trước khi thọ nhận quán đỉnh thích hợp. Với những vị chưa thọ nhận quán đỉnh, sự thảo luận ở đây sẽ trình bày một vài trong số các biện pháp ngẫu nhiên được quy định trong cuốn sách khi cái chết đến gần, điều sẵn có cho sự sử dụng phổ biến.
Sau khi tỉnh dậy từ trạng thái bất tỉnh (tham khảo Cuộc Sống Thực Sự Là Gì để biết thêm chi tiết), người ta bước vào trạng thái trung gian.
Người đã khuất trong trạng thái trung gian có thể đến nhiều nơi và cũng thấy được nhiều họ hàng và bạn bè. Nhưng ban đầu, người đã khuất thường không biết rằng anh hay cô ấy đã chết. Vậy thì làm sao mà người ta biết được họ đã chết sau khi tỉnh lại từ trạng thái bất tỉnh? Bardo Todrol nói rằng khi người đã khuất không thể thấy hình ảnh của chính mình trong gương hay trong hồ nước hoặc bất kỳ dấu chân nào để lại khi đi bộ trên bãi biển, hoặc khi người đã khuất cảm thấy bị bao vây, giống như trong một phòng hòa nhạc lớn, bởi âm nhạc rất lớn tiếng và mạnh từ khắp mọi phía, hoặc nghe thấy tiếng sấm dữ dội hay tiếng nhiều người người nói và hát theo cách thức lạ lùng, anh/cô ấy cần lập tức nhận ra rằng: ‘Bây giờ tôi đã chết. Những âm thanh này đều là của trạng thái trung gian. Tôi không được phép sợ hãi mà cần đối mặt với hoàn cảnh như tôi đã được rèn luyện’.
Các bản văn nói rằng bởi chúng sinh Bardo không có thân vật lý, họ thường không ổn định và không ngơi nghỉ, không thể ngồi hay đứng yên, cứ trôi giạt không mục đích, giống như thân thể trong một giấc mơ. Bởi chúng sinh Bardo mong mỏi một thân thể cho bản thân, nhiều vị cố gắng trở về thân thể cũ. Tuy nhiên, thân thể và thần thức đã tách rời và thân thể cũ đã là quá khứ. Bởi mối quan hệ giữa thân thể và thần thức đã kết thúc, không có cách nào để chúng sinh Bardo quay trở về thân thể trước kia. Lúc này, người đã khuất, vị đã mất đi nhận thức sở hữu đó, sẽ cảm thấy rất buồn bã và đau đớn. Sau đấy, người đã khuất sẽ nhập vào một trong sáu trạng thái Bardo, Chonyi Bardo hay Bardo chói ngời của Pháp tính.
Khi bước vào Chonyi Bardo, nhiều người sẽ thấy ánh sáng lóa mắt và âm thanh đáng sợ như tiếng sấm cùng với vô số hình Phật, đàn tràng và v.v. Nhều ghi chép về kinh nghiệm cận tử ở phương Tây cũng tường thuật lại các hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, chúng chỉ là ảo giác dưới con mắt của các nhà khoa học. Sự thật là những hiện tượng này không phải là ảo giác mà là các ký ức nằm ngoài não bộ.
Trong bản văn Hiển giáo Kinh Thụ Thai và những Mật điển Đại Viên Mãn Dzogchen, Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích quá trình thụ thai của con người. Sau khi tái sinh, thần thức nhập vào hợp tử và một sinh mạng được hình thành, nhưng vẫn chưa có một thân thể vật lý. Đầu tiên, sự chia tách của hợp tử bắt đầu khoảng một tuần sau khi thụ thai và sau đó kết hợp lại. Vài ngày sau khi kết hợp, sự phân bào lại bắt đầu và quá trình này cứ lặp đi lặp lại. Hình dạng của phôi sau mỗi lần phân chia được miêu tả rõ ràng trong các bản văn, điều hoàn toàn phù hợp với y học hiện đại.
Bản văn nói rằng, trong trạng thái trung gian, chúng sinh thực sự không biết rằng họ sẽ tái sinh và họ cũng không biết điều gì sắp xảy đến với họ hay cách tái sinh. Nó tiếp tục nói thêm: Nhìn chung, nếu chúng sinh Bardo sắp tái sinh trong địa ngục, họ sẽ cảm thấy như thể đi vào một đường hầm tối hay trên con đường tối tăm; nếu sắp tái sinh trong cõi người, họ sẽ cảm thấy như thể bước vào một công viên hay cung điện đẹp đẽ, v.v. Trong cuốn sách Câu Chuyện Đầu Thai của tôi, có câu chuyện về một người nhớ về quá trình tái sinh của anh ta:
Có một người tên là Tian San-niu ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Lần nọ, một cơn mưa như trút phá hủy căn nhà [trong] hang động của anh ấy và anh ấy bị đè chết. Khi ‘tỉnh lại’, anh ấy không biết rằng bản thân đã chết, chỉ nghĩ rằng anh ấy đã vùng vẫy để bò ra khỏi đống bùn lở. Sau đấy, anh ấy về nhà đầy phấn khởi để gặp vợ và bảo, “Hôm nay, tôi suýt chết, nhưng may thay tôi vẫn sống”. Nhưng vợ anh ta thờ ơ. Anh ta đến trước người con trai nhưng cũng chỉ được trao cho một cái nhìn hờ hững. Anh ta điên tiết trước sự thờ ơ của họ và quyết định rời nhà. Khi đến thị trấn và đi qua cửa của một công viên, anh ta bất ngờ cảm thấy như thể đang đi vào công viên và ngồi một lúc. Tuy nhiên, anh ta thấy cánh cửa bị đóng lại. Khi cảm thấy cánh cửa bị đẩy mở ra bởi anh ta, anh ta đã sinh ra.
Anh ta hoàn toàn bối rối trước cách mà bản thân đã trải qua chín tháng từ chết đến tái sinh. Với anh ta, dường như anh ta mới chỉ ở trong thị trấn một lúc.
Anh ta có thể nói ngay sau khi chào đời. Nghĩ rằng đây là một điềm xấu, họ hàng đã sẵn sàng để ném anh ta xuống hố phân nếu mẹ anh ta không khăng khăng giữ lại. Anh ta đã nhớ lại nhiều chi tiết trong đời quá khứ; các cảnh tượng sau nhiều thập niên trôi qua vẫn được ghi nhớ sống động. Đây chẳng phải là lời đồn bởi người dân trong vùng đều biết về nó.
Lúc ấy, Bardo Todrol chỉ có trong Tạng ngữ. Không có cách nào để Tian và họ hàng của anh ấy có thể đọc cuốn sách này, nhưng quá trình mà họ miêu tả chính xác giống như Bardo Todrol trình bày. Nó chứng minh rằng sự đầu thai thực sự tồn tại và quá trình lâm chung như được các bản văn Phật giáo trình bày, là đúng đắn và đáng tin cậy.
Nếu người đã khuất đã thọ nhận quán đỉnh trong đời và là một hành giả nghiêm túc, đạo sư hay những đạo hữu có thể dẫn dắt người đã khuất đến giải thoát lúc này bằng cách tuân theo các chỉ dẫn nằm trong Bardo Todrol. Nếu giải thoát không đạt được trong giai đoạn này, người đã khuất sẽ phải đối mặt với sự tái sinh sau đó.
Khi sự tái sinh sắp xảy ra, chúng sinh Bardo sẽ gặp một người nam và một người nữ đang giao hợp. Nếu sắp tái sinh làm nam, chúng sinh đó sẽ cảm thấy sân hận và đố kỵ với người đàn ông nhưng ham muốn người phụ nữ; nếu sắp sinh làm nữ, chúng sinh đó sẽ nuôi dưỡng sân hận và đố kỵ với người phụ nữ nhưng ham muốn người đàn ông. Chừng nào mà tham và sân đều cùng hiện hữu, sự tái sinh sẽ xảy ra tức thì. Vài tháng đầu tiên sau khi tái sinh, người ta duy trì bất tỉnh. Bởi giai đoạn bất tỉnh này diễn ra trong thời gian dài, họ quên mọi thứ đã xảy ra trong đời trước sau khi sinh ra.
Khi thấy sự hợp nhất tình dục giữa một nam và một nữ trong trạng thái trung gian, đừng cảm thấy đố kỵ hay sân hận mà ngay lập tức biết rằng đó là không thật, rằng nó chỉ cho thấy thời gian để tái sinh đang đến gần. Nếu người ta mong muốn đạt giải thoát vào lúc này, hãy dùng một trong ba biện pháp sau đây:
1. Với những hành giả chứng ngộ, an trụ trong tính Không và giác tính thanh tịnh để cuối cùng đạt giác ngộ.
2. Lập tức quán tưởng bản thân là Bổn tôn, chẳng hạn Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Địa Tạng Bồ Tát, Phổ Ba Kim Cương, Phật Thích Ca Mâu Ni, v.v. Nếu người ta không có một Bổn tôn đặc biệt, hãy cứ quán tưởng Quán Thế Âm, bởi lòng đại bi của Quán Thế Âm là hữu ích nhất với chúng sinh trong trạng thái trung gian. Sau đấy, hãy quán tưởng Quán Thế Âm chầm chậm tan từ các rìa thành một quả cầu ánh sáng và cuối cùng tan biến vào tính Không.
Với những vị thường không thực hành, sự quán tưởng như vậy có thể khó thực hiện. Vì thế, hãy nhanh chóng tiến hành thực hành của bạn ngay bây giờ, bắt đầu bằng các thực hành sơ khởi (Ngondro), sau đấy, giai đoạn phát triển và các thực hành Bổn tôn Yidam tiếp sau. Tuân theo trình tự này thì vô cùng quan trọng. Trong năm thực hành sơ khởi bên trong, các thực hành Kim Cương Tát Đỏa và Đạo Sư Du Già thuộc về thực hành giai đoạn phát triển. Nếu chúng sinh Bardo thành thạo trong thực hành khi còn sống, có một cơ hội mà sự giải thoát có thể đạt được trực tiếp nhờ giác tính thanh tịnh hay Bổn tôn Yidam trong giai đoạn trung gian, như thế, không cần tái sinh. Thậm chí không thể làm được vậy, người ta vẫn có thể sử dụng phương pháp này để lựa chọn phương hướng và những tài năng bẩm sinh trong đời sau. Tuy nhiên, nếu điều này vẫn không thể được và hình ảnh một người nam và nữ hợp nhất tình dục tiếp tục xuất hiện, tham và sân không thể bị kiểm soát, lựa chọn thứ ba cần được tận dụng.
3. Không quán tưởng bản thân là Bổn tôn Yidam mà hãy quán tưởng cặp đôi đang quan hệ là Guru Rinpoche và vị phối ngẫu Yeshe Tsogyal của Ngài, tức là sự quán tưởng giống như trong thực hành Đạo Sư Du Già[3]. Sau đấy, hãy quán tưởng thọ nhận quán đỉnh từ Guru Rinpoche và vị phối ngẫu. Dựa trên giáo lý Đạo Sư Du Già, khi thọ nhận quán đỉnh, hãy quán tưởng đạo sư tan thành ánh sáng và hòa vào thân của chúng ta để những chướng ngại đều được tiêu trừ và chúng ta đạt được thành tựu hoàn hảo về thân, khẩu và ý giống như Guru Rinpoche. Điều này tức là thọ nhận quán đỉnh. Sau đấy, hãy cầu nguyện đến Guru Rinpoche với niềm tin thanh tịnh để đưa chúng ta đến cõi Cực Lạc hay Núi Màu Đồng[4], hoặc để tái sinh làm người với các tự do và thuận duyên nhằm tiếp tục thực hành Giáo Pháp. Nếu có thể thực hành đủ tốt vào lúc này, chúng ta sẽ không gặp phải những hiện tượng của trạng thái trung gian nữa mà đi trực tiếp đến Cực Lạc hay cõi Tịnh độ khác.
Bardo Todrol cũng tuyên bố rằng có các cấp độ chỉ dẫn cao, trung bình và thấp, tổng cộng có 30, để đạt giải thoát trong Bardo hay tái sinh. Có những chỉ dẫn tương ứng cho mỗi giai đoạn. Nếu các hành giả không thành công trong bất kỳ giai đoạn nào, sẽ có những cơ hội khác để đạt giải thoát trong các giai đoạn tiếp theo. Vì thế, nếu người ta có thể tập trung và tuân theo sự hướng dẫn của đạo sư và các đạo hữu, giải thoát chắc chắn có thể đạt được trong 49 ngày. Tuy vậy, điều này dựa trên tiền đề là người đó đã học hỏi và thực hành giáo lý lặp đi lặp lại khi còn sống. Giống như nhảy múa, người ta phải học các bước cơ bản trước và thực hành tinh tấn trong khoảng thời gian dài trước khi lên sân khấu trình diễn. Hãy chắc chắn nhớ mọi giáo lý then chốt về thực hành này.
Thậm chí nếu phương pháp thứ ba cũng không thể kiểm soát hiệu quả cảm giác tham lam và đố kỵ khi thấy hành động tình dục, điều đó nghĩa là phẩm tính của sự hành trì vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Trong trường hợp này, giải thoát không còn có thể đạt được trong trạng thái trung gian; người ta không còn lựa chọn nào khác ngoài tái sinh.
Nếu không phạm phải các ác hạnh nghiêm trọng, chẳng hạn Ngũ Nghịch Tội – điều dẫn đến sự tái sinh trực tiếp trong Avici[5], cõi địa ngục thấp nhất, hữu tình chúng sinh, những vị đã tích lũy vô số nghiệp cho các cõi súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục từ vô thủy vẫn có thể tiêu trừ nguyên nhân đọa lạc vào cõi xấu và thay đổi hướng tái sinh trong trạng thái trung gian.
Có hai lựa chọn khi tái sinh: (1) tái sinh trong Cực Lạc hay cõi Tịnh độ khác; (2) tái sinh trong gia đình con người, những vị vốn là các hành giả trong một gia đình Phật tử hay có thiên hướng tích cực để thực hành Giáo Pháp.
1. Tái sinh trong Cực Lạc
Không cần thiết phải quán tưởng bất cứ điều gì khi tái sinh, chỉ cầu nguyện chí thành đến Phật A Di Đà, phát khởi niềm tin và nguyện ước mạnh mẽ để tái sinh trong Cực Lạc và nương tựa Phật A Di Đà một cách chí thành để đưa chúng ta đến cõi Tịnh độ của Ngài. Tuy nhiên, đây là một lộ trình rất khó.
Trong cuốn sách Câu Chuyện Đầu Thai của tôi, có một câu chuyện về Terton [vị phát lộ kho tàng Terma] vĩ đại, người mà nhờ sự hành trì vững chắc, đã có thể giao tiếp với người em đã mất của Ngài trong trạng thái trung gian. Nhưng chúng ta cần cẩn trọng để không nhầm lẫn sự trao đổi này với kiểu đồng cốt theo nhận thức phương Tây – thực hành đồng cốt đem ‘vong linh’ của người chết trở lại và trò chuyện với nó. Theo tri kiến Phật giáo, điều này là không thể bởi người quá cố sẽ thường tái sinh nhanh chóng. Khi mà những vị đồng cốt cố gắng gọi vong linh về, người quá cố có thể đã là một con người hay súc sinh. Làm sao mà người này có thể được đem về?
Có thể vài người hỏi rằng, “Làm sao những vị đồng cốt có thể nói được các chi tiết về cuộc đời của người quá cố?”.
Một Kinh điển trong Tam Tạng Đại thừa giải thích điều này rõ ràng:
Lần nọ, một trưởng lão đáng kính của tộc Thích Ca qua đời. Gia đình và bạn bè của ông ấy, mong muốn chôn cất với sự kính trọng nhất dành cho một thủ lĩnh, đã chuẩn bị y phục và đồ ăn tốt nhất để dâng cúng. Quỳ trước người đã khuất, họ than khóc, “Xin dâng cúng những món này … Xin hãy thụ hưởng”.
Một đệ tử hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni, “Liệu người đã khuất có thể thực sự ăn đồ ăn và dùng những vật được cúng?”.
Đức Phật đáp, “Một người sẽ tái sinh rất nhanh sau khi chết và có thể đã ở trong cõi của súc sinh, ngạ quỷ hay chư thiên, vì thế, không có khả năng để người đã khuất ăn hay dùng bất cứ thứ gì được cúng. Thời gian duy nhất mà người đã chết và người đang sống có thể gặp nhau là trong giấc mơ. Người đã khuất không thể quay trở lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác. Vì thế, cúng cho người chết chỉ là một thực hành mê tín; nó chẳng đem lại lợi lạc thực sự nào cho những người đã khuất”.
Người đệ tử lại hỏi, “Vậy thì tại sao đôi lúc người đã khuất được mời về nói chuyện hay kể những chi tiết trong đời trước?”.
Đức Phật đáp rằng, “Thực sự không phải người đã khuất đang nói chuyện mà là một chúng sinh của cõi ngạ quỷ sở hữu vài sức mạnh siêu nhiên, vị biết đời quá khứ của người chết và giả bộ là người đã khuất để thọ dụng đồ cúng”.
Theo những giáo lý Kim Cương thừa, có những cách để đem chúng sinh Bardo trở lại trước khi sự tái sinh diễn ra. Chúng sinh Bardo, người đã khuất đang trong trạng thái trung gian, có thể tận hưởng đồ cúng dường chỉ nhờ sự gia trì của định, sự tập trung của tâm hay nghi quỹ của thực hành Kim Cương thừa. Điều quan trọng nhất là dẫn dắt người đã khuất đến cõi Cực Lạc bằng sức mạnh của sự tập trung thiền định.
Vị Terton vĩ đại được nhắc đến phía trên chỉ sử dụng phương pháp này để gặp người em quá cố. Người em nói rằng, “Em chỉ sống hơn ba mươi năm, chẳng đủ dài để tận hưởng những thời gian tốt đẹp trong đời. Em thực sự không muốn đến cõi Cực Lạc”. Người em cũng thừa nhận rằng đây là một nghiệp chướng. Nó cho thấy khi nghiệp chướng quá lớn, thậm chí cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà cũng trở nên ít cuốn hút hơn.
Vì thế, điều quan trọng là rèn luyện thật tốt khi còn sống bởi những ý niệm sai lầm có thể tình cờ xuất hiện vào thời điểm quan trọng. Chỉ những vị đã được rèn luyện trong các thực hành này trong khoảng thời gian dài mới có thể duy trì tri kiến đúng đắn mọi lúc. Sau khi chết, bằng cách cầu nguyện đến Phật A Di Đà, họ có thể tái sinh thành công trong cõi Cực Lạc.
Bản văn cũng nói rằng mười người không thể di chuyển một khúc gỗ nặng trên mặt đất, nhưng một người có thể dễ dàng kéo nó nếu nó bị ném xuống nước. Tương tự, đến cõi Cực Lạc khi còn sống là điều vô cùng khó khăn với hữu tình chúng sinh, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi đang ở trong trạng thái trung gian. Điều đó bởi những chúng sinh trong trạng thái trung gian, chúng sinh Bardo, không có thân thể thực sự, chỉ thân tinh thần – thân được tạo ra bởi thức. Giống như trong vũ trụ bên ngoài, nơi phi trọng lực, một cú đẩy nhẹ có thể đẩy thân thể sang hướng khác; thân tinh thần có thể được dẫn dắt đến cõi Cực Lạc với chỉ một chút hướng dẫn. Dĩ nhiên, người ta cũng có thể lựa chọn tái sinh trong các Tịnh độ của Đức Di Lặc hay Đạo Sư Liên Hoa sinh, nhưng Cực Lạc là lý tưởng và dễ dàng nhất và người ta sẽ không bao giờ quay trở lại luân hồi từ cõi Cực Lạc. Đồng thời, chúng ta cũng cần lưu ý rằng nếu có bất kỳ điều kiện tiêu cực nào vào lúc này, chẳng hạn một ý niệm xấu khởi lên, đọa vào các cõi thấp hơn cũng dễ dàng không kém.
Trong trường hợp không thể tái sinh trong cõi Cực Lạc, người ta chỉ có thể sử dụng phương pháp thứ hai.
2. Tái sinh làm người với tự do và thuận duyên
Yếu tố quan trọng nhất để tái sinh trong cõi người là mong ước. Người ta cần nghĩ như sau: Bây giờ có vẻ như tôi chỉ có thể tái sinh trong cõi người. Dẫu vậy, tôi phải lựa chọn sinh ra trong một gia đình thân thiện với Phật giáo. Trong suốt đời, tôi sẽ hoằng dương Phật Pháp và giúp hữu tình chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau. Các Kinh điển cũng đề cập rằng người ta cần tái sinh trong một gia đình không quá giàu cũng không quá nghèo. Một gia đình rất giàu có thể khiến tôi khó từ bỏ của cải gia đình. Và tôi sẽ có thể bị ép phải lập gia đình riêng để tiếp tục và bảo vệ di sản gia đình; học hỏi Giáo Pháp và sống cuộc đời tu sĩ sẽ là không thể được. Nhưng sinh trong một gia đình nghèo khó sẽ chẳng có cơ hội thực hành Giáo Pháp bởi hầu hết thời gian và sức lực sẽ dành cho việc kiếm sống. Như thế, có một lời phát nguyện trong giới luật Theravada, điều cũng thường được trì tụng bởi môn đồ của các trường phái khác. Lời cầu nguyện nói rằng, “Nguyện con tái sinh trong gia đình trung lưu, không quá giàu, không quá nghèo; sau đấy, mong con có cơ hội xuất gia và thực hành Giáo Pháp”. Mặc dù đây là một mong ước của Phật giáo Nguyên Thủy Theravada, những hành giả Đại thừa và Kim Cương thừa cũng cần có mong ước tương tự. Mong ước như vậy đại diện cho một kiểu sức mạnh cảm ứng, điều rất hữu hiệu. Sau khi phát nguyện như thế, người ta cũng cần cầu nguyện đến chư Phật và Bồ Tát, thỉnh gia trì để mong ước được viên thành. Sau đấy, họ tái sinh sau khi lời cầu nguyện này được thực hiện.
Bên cạnh đó, một phương pháp Kim Cương thừa có thể giúp người ta quyết định những tài năng bẩm sinh, sự tỉnh thức và tính khí sau khi tái sinh. Ví dụ, nếu mong muốn trở nên rất thông tuệ, họ cần quán tưởng tâm là chủng tự gốc དྷཱི༔ (DHIH) của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trước khi tái sinh. Nếu họ muốn có lòng đại bi, tâm cần được quán tưởng là chủng tự gốc ཧྲཱིཿ (HRIH) của Quán Thế Âm trước khi tái sinh. Như thế, mong ước chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Bằng cách sử dụng phương pháp được nhắc đến ở trên để tái sinh, người ta không thể thoát khỏi vòng luân hồi, nhưng có cơ hội lại được làm người với các tự do và thuận duyên, gặp gỡ Phật Pháp và có thể đạt thành tựu nhanh chóng hơn nhờ thực hành một lần nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp thiết thực khi mà không còn lựa chọn nào khác.
Cả các bản văn Hiển và Mật đều tuyên bố rằng khi sự tái sinh sắp xảy ra, người ta có thể bị nhiều người hay con vật đuổi theo, hay thấy tuyết, mưa đá hoặc mưa dông lớn. Để tìm chỗ trú, người ta có thể đi vào phòng tối hay đường hầm. Dù nhiều người không biết, điều này thực sự ám chỉ việc tái sinh. Chỉ chư Bồ Tát từ sơ địa trở lên và chư A La Hán mới thực sự hiểu ý nghĩa của những điều như vậy.
Điều quan trọng cần lưu ý vào lúc này là sự đuổi theo hay thời tiết bão tố chỉ là một dấu hiệu của sự tái sinh; không ai thực sự đang đuổi phía sau. Trong hoàn cảnh này, hãy đảm bảo không đi vào bất kỳ đường hầm tối, con đường tối tăm hay hang động bẩn thỉu. Thay vào đó, hãy lựa chọn đến một cung điện hoặc một căn phòng đẹp đẽ, bởi điều này chỉ ra sự tái sinh trong những cõi cao hơn. Lựa chọn bất kỳ nơi nào khác sẽ đại diện cho sự tái sinh vào một trong ba cõi thấp hơn.
1. Đừng thèm muốn tiền bạc và tài sản của người đã khuất
Gia đình và bạn bè của người đã khuất cần chú ý đến giai đoạn 49 ngày sau khi chết. Mặc dù có những trường hợp về sự tái sinh diễn ra nhiều tháng, hai năm hay thậm chí nhiều thập niên sau khi một người qua đời, trạng thái trung gian của đa số mọi người nhìn chung không dài hơn 49 ngày. Vì thế, sẽ đặc biệt hữu hiệu và lợi lạc nếu cử hành lễ chuyển di thần thức và tiến hành các thiện hạnh vì người đã khuất.
Các bản văn Kim Cương thừa cũng như Tuyển Tập Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma cũng tuyên bố rõ ràng rằng nếu cha mẹ qua đời, người ta cần sử dụng một phần tiền tiết kiệm để cử hành lễ chuyển di thần thức tại một Tu viện và phần còn lại cho các thiện hạnh, chẳng hạn giải phóng sinh mạng, xây dựng chùa chiền hay bảo tháp, giúp đỡ những người cần hay cứu trợ thiên tai, v.v. Người ta không bao giờ được phép sử dụng tiền bạc vì mục đích của bản thân. Áo quần của người đã khuất có thể được cho tặng bởi sẽ thật lãng phí nếu chỉ đốt chúng. Trong trường hợp người đã khuất không để lại tiền tiết kiệm, cũng thật tốt nếu con cái dùng tiền của mình để làm điều tương tự.
Một lưu ý đặc biệt dành cho những người con trai và gái là Phật tử, điều bắt buộc cần giữ trong tâm là không chiếm đoạt tài sản của người đã khuất theo cách thức không thích hợp, điều dẫn đến mối hận thù gia đình nghiêm trọng. Là Phật tử, chúng ta không bao giờ được phép thờ ơ với nguyên tắc nhân quả.
Thông thường, sau khi tái sinh, người đã khuất sẽ không nhớ đời trước, nhưng sẽ biết được các ý nghĩ của những thành viên gia đình và bạn bè thân thiết khi trong trạng thái trung gian. Nếu người đã khuất lại hiểu về nghiệp và nhận ra rằng con cái của anh/cô ấy không sẵn lòng sử dụng tiền để làm thiện hạnh vì anh/cô ấy mà thay vào đó lại chia chác tiền bạc, người đã khuất có thể cảm thấy buồn bã và tức giận. Hãy nhớ không làm điều gì có thể xúc phạm người đã khuất hay khiến cho người đã khuất sân hận. Nếu sân hận hay thù ghét bị phát triển trong trạng thái trung gian, thậm chí người vô tội nhất cũng có thể kết thúc trong cõi địa ngục.
Tương tự, nếu bạn nhận ra bạn sắp chết, bạn cần sắp xếp mọi của cải của bạn trước – thứ gì để từ thiện, thứ gì cho con cái, v.v. Đừng để lại thứ gì khác. Điều tuyệt đối cần thiết là cắt đứt mọi tham luyến với tài sản trước khi qua đời để tránh bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra trong trạng thái trung gian.
Vào thời của Đức Phật, tu sĩ chỉ được phép có ba y và một bát; sở hữu nhiều hơn ba y được xem là vi phạm giới luật, lý do là Đức Phật biết rằng tham luyến cản trợ sự giải thoát.
Từng có một tu sĩ quá tham luyến với bát của ông ấy đến mức ông ấy không thể buông bỏ lúc lâm chung. Kết quả là, ông ấy tái sinh làm con rắn sống trong cái bát này. Đức Phật nói với các đệ tử rằng quá tham luyến với bất kỳ đối tượng nào, giá trị hay không, sẽ trở thành một chướng cản đối với giải thoát. Người giàu sẽ không bị cản trở bởi của cải của họ để đạt giải thoát nếu họ có thể phân chia tài sản trước khi chết, không có bất kỳ sự dè dặt và tham luyến nào. Trái lại, nếu người ta không thể từ bỏ tham luyến với tài sản cá nhân, dù cho ít và chẳng đáng giá đến thế nào, đó sẽ là một chướng ngại với giải thoát.
2. Giúp dẫn dắt người đã khuất đến lối đi an toàn
a. Với những người đối mặt với cái chết mà chẳng biết gì về Phật giáo hay không có bất kỳ niềm tin tôn giáo nào, chúng ta cần nói với họ, “Bạn sắp rời bỏ thế giới này. Không bao lâu, bạn sẽ gặp phải nhiều hiện tượng khủng khiếp. Đừng sợ hãi trước những âm thanh hay hình ảnh xuất hiện; hãy dũng cảm đối mặt với chúng. Cùng lúc, hãy quy y, phát Bồ đề tâm và nương tựa sức mạnh Tam Bảo để vượt qua sợ hãi. Hãy giữ trong tâm rằng lúc này bạn không còn thân vật lý. Thứ bạn có chỉ là một thân hư huyễn giống như trong mơ. Vì vậy, không điều gì có thể thực sự làm hại bạn ngoài nỗi sợ hãi của chính bạn. Bạn cần cầu nguyện đến Tam Bảo và tin tưởng sức mạnh của Tam Bảo”.
b. Với những người đã quy y Tam Bảo nhưng không nghiên cứu và thực hành Giáo Pháp, khi đối mặt với cái chết, chúng ta chỉ có thể giúp họ cầu nguyện đến Tam Bảo cùng đạo sư và thỉnh cầu sự giúp đỡ. Cùng lúc, hãy trì tụng những lời cầu nguyện Bardo, chẳng hạn như Lời Cầu Nguyện Giải Cứu Khỏi Tình Cảnh Hiểm Nghèo Trong Bardo. Tốt nhất là trì tụng những lời cầu nguyện mỗi ngày và ghi nhớ chúng khi vẫn còn sống. Sau đấy, trong trạng thái trung gian, nếu người ta có thể trì tụng những lời cầu nguyện này và phát khởi niềm tin mạnh mẽ với Tam Bảo, họ sẽ không tái sinh trong ba cõi thấp hơn mà sẽ sinh làm người với tự do và thuận duyên. Điều này được tuyên bố chính thức trong các Kinh điển.
Như thế, chúng ta cần biết được tính quý báu và hiếm có của việc được làm người với các tự do và thuận duyên trong đời này, bởi thân người là không thể nếu không có nhân và duyên, đó là kết quả của việc tích lũy công đức trong nhiều đời quá khứ. Vì vậy, chúng ta cần trưởng dưỡng đời này cũng như cơ hội được học hỏi mọi giáo lý quý báu, chẳng hạn như Bardo Todrol và thực hành tinh tấn để đạt giải thoát trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nguồn Anh ngữ: Khenpo Tsultrim Lodro Rinpoche, On Death and Rebirth – How to Take Rebirth (https://www.luminouswisdom.org/index.php/publications/the-handbook-for-life-s-journey/2097-on-death-and-rebirth-how-to-take-rebirth).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Khenpo Tsultrim Lodro là một trong những đạo sư quan trọng nhất hiện sống ở Tây Tạng. Là Pháp tử chính yếu của Khenpo Jigme Phuntsok, Ngài giảng dạy ở Larung Gar.
[2] Theo Rigpawiki, tên đầy đủ của bản văn này là Bardo Todrol Chenmo – Đại Giải Thoát Nhờ Nghe Trong Bardo, một Terma được phát lộ bởi Tổ Karma Lingpa vào năm mười lăm tuổi trên đỉnh của một ngọn núi ở Tây Tạng.
[4] Cõi Tịnh độ của Guru Rinpoche – chú thích của người dịch.
Discussion about this post