TỲ HẢI ĐÌU HIU
Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ
(Văn Công Tuấn)
Bay về ổ chín tầng cao
Con chim giã biệt quên chào mái hiên
(Bùi Giáng)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
Nhưng tôi cũng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những người xưng là bạn, là người quen, là đủ thứ quan hệ thân thiết gì gì đó với anh, tôi không thấy ai từ Vạn Hạnh xưa viết về anh. Dù sao, không ai có thể chối cãi được, giai đoạn ở tại Đại học Vạn Hạnh ở Trương Minh Giảng là giai đoạn „đẹp“ nhất, giai đoạn „tiên“ nhất và quan trọng nhất của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi này. Nhưng không, sau một thời gian dài chờ đợi, tôi thấy đã có hai người làm việc đó. Thầy Chơn Nguyên đã viết bài: Bùi Giáng, những chuyện chưa kể và anh Nguyễn Hiền bỏ công „làm“ một sưu tập „Hoàng Tử Bé Bùi Giáng“, dù chỉ để cho mình đọc. Sau này tôi nghe nói Thầy Phước An có viết nhưng tôi chưa đọc được. Trong những tháng ngày „đẹp“ ấy, theo thiển ý, cũng có chút dấu vết của bước chân tôi. Bởi vậy tôi sẽ cố không nói gì về chuyện văn chương thơ phú của anh mà – như Thầy Chơn Nguyên – chỉ nhắc vài kỷ niệm về/với anh.
Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ (BG)
Những lần nói chuyện say sưa như thế có vài lần anh nhắc về một vùng Tỳ Hải.
– Chú mày có biết sao tao gọi là Trăng Tỳ Hải không?
– Không, làm sao tôi biết được.
– Chú mày thử tưởng tượng. Trăm sông, sông cái sông con sông lớn sông bé đều chảy về biển cả. Sông có nước ngọt và biển có nước mặn, đúng không?
– Đúng. Tôi gật gù nửa tỉnh nửa mơ ngủ.
– Vậy chú mày biết chỗ nào là ranh giới, là biên địa giữa sông và biển? Chỗ ấy có vầng trăng nhìn suốt thấy sông là sông và biển là biển. Chú mày có hiểu không?
– Dạ …
– Chỗ đó là Tỳ Hải. Ông Trăng cũng sẽ thấy sông cũng là biển mà biển cũng là sông. Ông Trăng còn thấy Nước là Nước và Nước không phải là Nước.
Cũng có những khi chúng tôi “nói chuyện” với nhau mà không có một tiếng động, không một âm thanh. Đó là những hôm tôi thấy anh rất buồn. Anh gọi tôi, rồi không hiểu sao cứ ngồi thừ người ra yên lặng. Còn tôi thì ngồi trên giường của mình nhìn sang giường bên kia lim dim ngủ gà ngủ gật. Với một thanh niên hiếu động mà ngồi yên như thế thật không dễ chút nào. Nhưng tôi phần vì lịch sự, phần vì tôn trọng anh nên cứ ngồi như thế cho đến lúc có ai tới, hay cháu Ti con chị Tư mang cơm chiều đến. Thật ra thì tôi cũng ít khi có mặt ở phòng mình. Tôi đi làm ở thư viện nửa buổi, lại đi dạy kèm thêm, rồi rảnh thì đi chu du qua những phòng khác (Vạn Hạnh vui lắm) hay xách xe Honda chạy khắp nẻo Sài Gòn, hoặc có khi đi chơi thể thao. Dĩ nhiên chuyện chính của tôi là còn phải học, phải thi nữa nên lúc nào mệt thì mới về phòng. Tuổi thanh niên mười chín hai mươi ai mà chẳng làm như thế! Giờ nghĩ và nhớ lại, đa số nội dung những cuộc nói chuyện như thế tôi đã quên tuốt luốt từ lâu, nhưng những buổi ngồi yên lặng, ngồi không làm gì cả đã “thấm” vào tôi. Từ nhiều năm nay ở hải ngoại, tôi vẫn còn mãi thói quen vào mỗi buổi sáng, chỉ ngồi yên lặng thật lâu như thế trước khi ra xe đi làm.
Sẽ đi cùng bước chân mùa (BG)
Mình ơi! tôi gọi bằng nhà
Biến cố thứ hai là vụ cháy nhà ở đường Trương Tấn Bửu Sài Gòn, cháy hết cả tủ sách và bản thảo, đẩy anh vào cơn khủng hoảng. Với một tâm hồn và thể chất nhạy cảm thì chuyện buồn chuyện vui gì cũng có thể tạo ra những khúc quanh đáng nói trong cuộc sống. Cho nên nếu sự kiện nhà cháy làm tiêu bao nhiêu bản thảo là một khúc quanh quan trọng, thì việc tạp chí (bị đổi thành “giai phẩm”) Văn số 11 thực hiện một số đặc biệt về Thi Sĩ Bùi Giáng vào tháng 5 năm 1973 cũng là một khúc quẹo đáng kể của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ. Giai đoạn này là thời gian tôi ở rất gần anh.
Ở đây xin mở ngoặc nói thêm là ở miền Nam Việt Nam trước 1975 tạp chí Văn là một trong những tờ tạp chí hàng đầu trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Tờ bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 01.01.64 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”. Số cuối cùng phát hành ở trong nước mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt : “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”. Trang cuối tờ giai phẩm Văn số này có ghi: ” Sàigòn ngày 13.03.75. Phát hành ngày 26.03.75. Số lượng in 6.000 cuốn”. Bán nguyệt san Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Thời kỳ đầu (1964- 1971) thư ký tòa soạn là ông Trần Phong Giao. Từ 1972, thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Xuân Hoàng. Tạp chí Văn từng ra nhiều số đặc biệt về những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhưng hầu hết đã quá cố. Lần đầu tiên Văn ra số đặc biệt về một nhà thơ còn sống, ở tuổi trung niên (47 tuổi) là Bùi Giáng. Thật tình hôm tôi nghe anh kể lại việc ông Nguyễn Xuân Hoàng tiếp xúc trao đổi về việc thực hiện số này tôi cứ tưởng anh nói đùa (vì anh vẫn thường hay đùa vui như vậy, như chuyện anh gặp và uống trà với Nguyễn Du hay Khổng Tử, Trang Tử v.v…). Đây là một quyết định táo bạo của Văn và cũng xứng đáng khi họ chọn ông thi sĩ họ Bùi cho số đặc biệt này. Anh bồn chồn hồi hộp lắm. Anh cứ bâng khuâng và tò mò hỏi tôi mãi rằng Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Phước An (Trần Hữu Cư) viết gì về anh, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi cũng đâu hỏi hai vị ấy được.
Và từ đó bắt đầu cuộc du hí của Thần Tiên Xuống Núi (trước kia là Thần Tiên Trên Núi, như anh viết). Sau lúc đi lang thang, dần dần vui quá anh mua thêm chó và khỉ dắt đi cả bầy, lúc hứng chí múa may quay cuồng. Chỉ thời gian ấy, lúc nào tôi gặp anh nhảy múa giữa đường thì tôi thấy xót lắm nên đến nhắc anh và gọi anh về (anh dùng chữ: tôi la anh), thì anh lại nghe và không nhảy múa nữa. Chúng tôi lại cùng về phòng, anh tắm rửa tử tế và chúng tôi lại ăn cơm chung. Vài hôm sau lại đi tiếp. Tôi biết, không phải anh “sợ” gì tôi nhưng anh biết những tình cảm và những lo lắng của tôi, một con người rất bình thường, không ham những trò thần tiên du hí, có khi tôi còn thấy quê nữa là khác.
Rồi ngày 30 tháng tư 1975 đến, chúng tôi mỗi người mỗi ngã.
Nghĩ lại từ ngày ấy đến lúc anh mất là hai mươi ba năm. Hơn hai mươi năm ấy anh mặc tình lang thang du hí, và không biết bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu chùa chiền sư sãi đã thương, đã quý, đã đón tiếp nồng hậu anh. Tôi biết làm việc ấy không phải dễ vì tiếp một vị khách dị thường như thế cần phải có nhiều kiên nhẫn và dũng cảm. Kể cả nghệ sĩ Kim Cương cũng một mặt lo lắng chăm sóc cho anh. Rồi gia đình người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài đã lo lắng chăm sóc những khi anh đã mỏi mệt sau những cuộc đi hoang. Việc ấy không phải ai cũng làm được. Thật đáng phục.
***
Tôi còn muốn ghi lại một kỷ niệm nữa, một câu chuyện nhiều ấn tượng, một câu hỏi chưa tìm ra đáp án và cứ vang đọng mãi trong tôi.
Một buổi chiều kia, anh Giáng dặn tôi hôm sau cố gắng về để anh có việc muốn hỏi. Tôi y theo lời về sớm hơn thường lệ.
– Chú mày có đọc truyện Kiều không?
– Dạ không, à mà có. Nghĩa là tôi chỉ học ở trung học thôi.Tôi đậu tú tài đàng hoàng mà anh.
– Vậy là chú mày cũng kém như lũ ấy. Ông Nguyễn Du sống dậy cũng sẽ ngã lăn ra chết tức tưởi ngay vì chúng mày.
– Nghĩa là sao?
– Mới chỉ hơn hai trăm năm mà chúng bay không hiểu gì về Nguyễn Du. Một trăm năm nữa sẽ không còn ai khóc Nguyễn Du là cái chắc. Ông Tố Như đã đoán biết như thế.
Giọng anh trở nên giận dữ.
– Làm sao tôi biết là chuyện gì?
– Tại sao nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, chú mày nói tao nghe thử?
Anh Bùi Giáng hỏi gằn giọng.
– Tại vì nàng ta muốn chết. Tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ (thì muốn chết mới tự tử chứ).
– Tao biết, chú mày khá lắm.
– Tôi khá làm sao? Tôi chỉ học như vậy và nói lại thôi.
– Chú mày khá là chú mày biết được, cụ Nguyễn Du muốn Thúy Kiều chết. Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là nàng muốn chôn vùi cuộc đời nàng ở đó. Chuyện ngư ông giăng lưới vớt nàng, rồi đem về Am Chiêu Ẩn chỉ là trò giả ngụy. Sông ơi em bỏ sa mù, đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau.
Rồi anh tiếp tục sang sảng đọc thơ, giảng thơ. Lúc ấy tôi chỉ lơ mơ, nghĩ trong bụng rằng may là tôi không học Việt văn của ông Thầy nầy chứ viết văn như ông nói thì Bộ Quốc Gia Giáo Dục sẽ cho tôi rớt tú tài và sẽ phải xách gói đi Thủ Đức nhập ngũ, không biết chừng đã gởi thây nơi chiến địa. Những năm ấy cuộc chiến đã lên cao độ, biết bao nhiêu bạn học thời trung học của tôi đã bỏ mình trên các mặt trận.
Bây giờ ngồi đọc lại cuốn “Sương Tỳ Hải” do anh dịch, phần thứ ba của Martin Heidegger, giúp tôi hiểu thêm ra ít nhiều về điều ấy. Anh viết như sau (tr.166):
Dặm khuya ngất lạnh mù khơi
Bóng hoa đầy đất ngang trời vẻ ngân
Mây Tỳ Hải dội lên ngàn
Càn khôn ở lại bên làn Tồn Lưu.
Cõi người Mặt Đất ưu tư…
Bên mình phố thị Lan ừ hay vâng?
Was soll das heissen? Nichts weniger als: „der Weite des Himmels sich öffnen und zugleich in das Dunkel der Erde wurzeln… „
Tôi (Thanh Niên Tuấn) xin tạm dịch nguyên ngữ đoạn tiếng Đức:
Điều đó nghĩa là gì? Chẳng qua nó chỉ là: cái cõi Thiên Không kia tuy thênh thang rộng mở, nhưng cùng lúc Bóng Tối cũng đã cắm rễ sâu vào miền Đại Địa ấy rồi.
Thúy Kiều đã kinh qua tận cùng khắp cõi những nỗi đau của nhân thế, khi đã trầm mình vào dòng Tiền Đường thì nàng đã chết. Đây là trạm cuối cùng. Vở kịch đã đến hồi kết thúc. Màn phải kéo lại. Chuyện chết đi sống lại chỉ là chuyện dựng ra trong một vở kịch thường tình kiểu Happy End. Một giải pháp hình nhi hạ. Cụ Tố Như đã quá lịch sự và từ bi nên phóng bút thêm mấy trăm câu thơ phỏng theo Kim Vân Kiều Truyện chứ theo anh Bùi Giáng thì cụ đã cho Thúy Kiều chết ở đấy rồi.
Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu thêm tại sao anh Bùi Giáng đã chọn cuộc rong chơi điên đảo nhảy múa khắp Sài Gòn để hứng chịu bao nhiêu đắng cay và đau đớn khi thiên hạ đánh đập la mắng hay bị bắt bớ. Anh đã sống tận cùng để cảm nhận những điều anh suy tư. Có triết gia nào, có thi sĩ nào đã can đảm làm như thế? Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu được tấm lòng Chúa Giê-Su khi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá. Nghĩ ra vậy tôi mới cảm nhận được tâm tình của Thái Tử Tất Đạt Đa khi rời bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu thực hành khổ hạnh cho đến lúc chỉ còn da với xương.
Thể nghiệm bước tận cùng của khổ đau cũng chính là lúc trở mình chuyển sang bước thăng hoa.
Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau (BG)
Mới mấy tháng trước, có người bạn phương xa gọi điện thoại hỏi thăm, rồi câu chuyện tự nhiên đậu lại những câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng.Bạn hỏi tôi: tao hỏi thật, ông ấy có điên không? Sợ bạn buồn nên tôi im lặng không trả lời, nhưng lại nghĩ thầm trong bụng: bộ mày điên rồi hay sao mà hỏi vậy?
Trong cuộc sống quanh ta, một cuộc sống bình thường, có những con người rất bình thường (tôi cũng thuộc vào số đó). Rồi trong số những người bình thường ấy cũng có những người không bình thường, ta gọi là bất thường. Trong số những người bất thường kia rồi sẽ có những người phi thường. Những con người phi thường lại có khi sống bất thường và hành động thất thường. Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng của chúng ta là tổng thể của những con người ấy. Vui chơi nhảy múa viết văn làm thơ cho đời vì cuộc đời vốn vô thường. Hay ta gọi ấy là một người dị thường? Chắc cũng không đúng! Xin bình tâm đọc lại.
Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?
Một lần nữa ngồi đọc kỹ những câu văn ấy, tôi chợt nhận rõ ra rằng, trần gian không phải chỉ có những khung cửa hẹp. Đằng sau những khung của hẹp còn có rất nhiều những chấn song. Con người tự do là người dám vượt thoát ra khỏi cả những chấn song sau những khung cửa hẹp ấy. Và những con người can đảm ấy thường bị người đời gán cho tên gọi là „những người điên“.
Xưa, thời chiến quốc bên Tàu, có chuyện ông thần y tên là Văn Chí chữa bệnh cho ông Long Thúc. Thần y Văn Chí nổi tiếng một thời, từng chữa khỏi cơn bệnh hiểm nghèo cho Tề Hy Vương. Cụ Nguyễn Hiến Lê kể lại trong tác phẩm Liệt Tử – Dương Tử (tr.172-177) câu chuyện ấy như sau:
Long Thúc bảo Văn Chí: Y thuật của ông thật huyền diệu! Tôi bị một bệnh, ông trị cho được không?
Văn Chí đáp: Xin vâng, nhưng ông cho biết bệnh gì đã.
Long Thúc đáp: Người trong làng khen tôi, tôi không lấy làm vinh, người trong nước chê tôi, tôi không lấy làm nhục; được đã không mừng, mất cũng không buồn; tôi coi sống chết như nhau, giàu nghèo như nhau; coi mọi người khác như loài heo, mà tự coi tôi cũng như mọi loài khác. Tôi ở trong nhà tôi mà tự coi là quán trọ, coi làng tôi như nước ngoài. Ngoài mấy tật đó, tôi lại còn coi thường tước quí, chẳng sợ hình phạt; thịnh suy lợi hại không làm thay đổi được lòng tôi, vui buồn cũng không động được lòng tôi, cho nên tôi không thể thờ vua giúp nước được, không thể thân với bà con bạn bè được, kiềm chế vợ con, sai khiến tôi tớ được. Tôi có bệnh gì vậy ông? Có phương nào trị được không?
Văn Chí bảo Long Thúc quay lưng ra chỗ sáng, rồi mình đứng ở phía sau hướng ra phía sáng mà xem xét.
Xem kĩ rồi bảo: A! Tôi thấy con tim của ông rồi, nó rỗng như một tấc vuông, gần như tim một bậc thánh. Sáu lỗ tim của ông đều thông, chỉ có một lỗ nghẹt thôi. Ngày nay người ta cho cái trí sáng suốt của thánh nhân là một thứ bệnh, có lẽ đó là bệnh của ông chăng? Y thuật của tôi không trị được thứ bệnh đó.
(Chú thích của cụ Nguyễn Hiến Lê: Người thời đó cho rằng trái tim bậc thánh chỉ có bảy lỗ, đều thông cả nên rất minh trí)
Bởi thế, ai nói gì mặc ai. Có kẻ nói Bùi Giáng là người điên, thậm chí còn nói là giả điên. Có người nói ông là thiên tài, là tiên ông, là thiền sư thi sĩ, là thi thánh, là kỳ nhân. Và là gì đó nhiều tên nhiều chữ khác nữa. Với tôi, anh luôn là “người hàng xóm” ít lời và dễ thương. Còn nếu nói về văn nghiệp hay thi nghiệp của anh, thì tôi chỉ có thể mượn chữ của anh thôi: “Ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ”. Gọi thế để tôi vẫn còn là “Thanh Niên Tuấn” của năm nào còn ở Vạn Hạnh, dù đã bước vào lục thập.
Thác là thể phách còn là tinh anh (Nguyễn Du)
Anh Giáng ơi! Giờ anh lại xách gói ra đi. Lần này anh đi thiệt và đi lâu.
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về (BG).
Ai biết anh sẽ đi đâu? Chính anh còn không biết nữa thì ai biết.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu (BG).
Có điều tôi biết chắc, đi đâu anh cũng cứ vui đùa du hí chọc phá theo thể điệu đười ươi cho đến khi ngã quỵ. Những điều anh muốn và những điều tôi hứa với anh ngày ấy năm 73 tôi đã làm. Giờ, vào đã đến tuổi lục thập nhi nhĩ thuận tôi mới thu hết can đảm ngồi ghi lại lai rai những sự việc xảy ra trong đời mình (mình đã ngoéo tay như vậy). Tôi không còn phải lo học hành thi cử gì nữa, có chăng thì chỉ lo tu tập thôi. Và rồi sẽ có một hôm đẹp trời nào đó tôi cũng sẽ không đọc không viết luôn, để thì giờ làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình hơn.
Tôi thương nhớ và trân quý những ngày ấy lắm. Ngẫm lại, thời gian ngắn ngủi chỉ khoảng một ngàn ngày ở Vạn Hạnh ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất đời tôi. Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ; Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau (BG). Xó chợ kia là góc chợ Trương Minh Giảng ngày nào hay cũng chính là những xó chợ đời?
Bây giờ anh làm một giấc “miên trường”, thật bình yên và thơ mộng tại nghĩa trang Gò Dưa ở Thủ Đức sát bên chùa Quảng Bình. Mộ anh còn nằm sát mộ thi sĩ Tạ Ký và gần mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rốt cuộc rồi anh cũng về nằm gần chùa để khuya sớm được nghe tiếng mõ câu kinh.
Trước mộ chí, tôi đã cung kính đốt một nén hương trước và rồi một điếu thuốc lá đặt vào bức tượng đá của anh sau (dù tôi đã bỏ hút thuốc 25 năm nay rồi). Bỗng dưng lòng tôi chợt vui vô hạn. Tôi nhớ ngay hai câu thơ đã từng nghe anh đọc và nằm kín đâu đó trong xó ký ức tôi (tiếc là bây giờ tôi không có tài liệu tra cứu nguồn và lời thơ cho chính xác. Xin cứ ghi ra, nếu không đúng hẳn xin anh đừng trách, chỉ một lần này thôi).
Du hí thần thông tam muội tận
Hồi đầu ngộ kiến Thích Ca thân.
Nghĩa: Dạo chơi đến tận cùng cõi thần thông tam muội, lúc quay về chợt gặp pháp thân (tượng) Thích Ca đã nằm ở đó.
———–
(*) Ghi chú: Tấm hình bìa báo Giai phẩm Văn phía trước tôi tìm thấy trên mạng và tải xuống giữ trong máy như một kỷ niệm trân quý với thi sĩ Bùi Giáng và sơ ý quên ghi nguồn. Bây giờ cần trích dẫn đi tìm lại thì không còn thấy nữa. Nguyên gốc hình hơi mờ, có con dấu đóng tên người cũng mờ, có thể là Phan Kim Thịnh và ghi chồng một chữ lên, hình như là chữ “bỏ”. Thấy phiền nên tôi đã tẩy nó đi và chỉnh sửa lại cho đẹp. Xin cáo lỗi cùng chủ nhân.
(**) Tất cả những nhan đề tiểu mục trong bài này là các câu thơ của Bùi Giáng, có ghi chữ BG trong ngoặc.
Viết thêm:
Bài viết vừa xong thì anh Nguyễn Hiền gởi Email cho biết thêm, vào năm 1997 tập san Thời Văn trong nước cũng có ra một số đặc biệt về Bùi Giáng. Thời Văn viết trong “Thay Lời Vào Tập”: Ở đây, Thời Văn chỉ mạo muội nhìn thi sĩ như ngắm một hiện tượng văn học. Lúc ấy ở hải ngoại tôi không biết và không đọc được đặc san này. Nhưng, sao lại gọi là một “hiện tượng văn học” và lại “nhìn” rồi “ngắm” ??? Không biết trong năm cuối đời này anh Giáng đã nghĩ sao (anh mất năm 1998) nhưng khi tôi đọc những chữ này thấy sao chua xót quá. Tôi một lần nữa cám ơn ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi ngày ấy đã chận không cho tôi lún chân vào làng văn nghệ. Ơn ấy lớn lắm!
Thôi, tôi xin học hạnh “ngồi yên lặng” của anh.
Tôi cũng đang buồn lắm đây!
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Bùi Giáng – Chào Nguyên Xuân
Văn Công Tuấn
(Trích từ tác phẩm Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. Nxb Tôn Giáo, 2016)
Discussion about this post