Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
Internet cung cấp cho Tăng Đoàn (Sangha) một nguồn lực mới lạ để giảng dạy và truyền thông giáo pháp. Người nghiên cứu có thể tiếp cận thông tin, giáo lý, kinh điển, nguồn giáo dục và các vị thầy cùng các tăng ni trên mạng, có thể có trong tương lai từ khắp nơi trên thế giới (qua việc tiếp cận một máy computer được nối mạng) bất cứ lúc nào trong hai mươi bốn giờ, miễn phí, với nội dung được đích thân người sử dụng chọn lựa và được chuyển giao ngay tức khắc. Đây là một nguồn tiềm năng vô tận cho các tổ chức in ấn, xuất bản kinh sách Phật giáo và những chương trình giáo dục tương đối rẻ, hoặc có thể sử dụng miễn phí. Internet phù hợp với truyền thống Phật giáo “ehi passiko” tức là lời mời hãy đến, và tự mình nếm thử.
Canh Tân Kỹ Thuật:
Kỹ thuật sẽ tiếp tục phát triển ở mức độ nhanh với Internet phối hợp với những thiết bị và máy móc hiện đại, tạo ra những phương thức mới trong việc truyền thông, và điều khiển những dụng cụ ở xung quanh chúng ta. Sự việc này có nhiều ý nghĩa cho những hệ thống giáo dục và thông tin Phật giáo. Trong công cuộc truyền bá giáo pháp của Đức Phật, Internet là một phương tiện phổ biến giáo lý của Đức Phật phù hợp với tính năng động của cộng đồng Phật giáo. Internet cung cấp một diễn đàn tương đối miễn phí cho cộng đồng Phật giáo, có thể tiếp cận qua nhiều mạng lưới điện tử khác nhau bao gồm những trang nhà (homepage) của các trung tâm truyền thông và các tu viện, với những bài giảng được ghi âm của các pháp sư nổi tiếng thuộc những tông phái khác nhau, cũng như nhiều kinh sách của các vị ấy. Tất cả đều có thể có được bằng cách tải xuống (download) miễn phí. Những nguồn lợi khác có thể thấy được là những sách hướng dẫn trên mạng (online directory), chẳng hạn như văn bản dữ kiện (database); cẩm nang Phật giáo thế giới (World Buddhist Directory) của Buddhanet với những chi tiết liên lạc của tu viện và trung tâm Phật giáo ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, cũng như các khóa học thiền quán trên mạng. v.v…
Một thế giới toàn cầu hóa:
Sự kiện người dân trên thế giới liên kết với nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa đang phá hoại khả năng hoạt động của cá nhân như một thành viên có tinh thần cộng tác và trách nhiệm trong xã hội của mình. Điều này xảy ra vì hệ quả tối hậu của nền văn hóa mua bán, đã làm cho con người chỉ còn biết tiêu thụ, với quan niệm sai lầm cho rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được ngang qua sự thủ đắc của cải vật chất và hưởng thụ các sản phẩm.
Trong phương diện xã hội của mình vốn có thể xét đến những vấn đề toàn cầu, Phật giáo có một “phương cách để chữa bệnh các loại vết thương của thế gian”. Phương thuốc đó là Bát Chánh Đạo, Đức Phật từng giảng lần đầu tiên tại Vườn Nai sau khi Phật thành Đạo. Việc thực hành Bát Chánh Đạo tuy có tính cách riêng lẻ nhưng đòi hỏi người thực hành phải đạt được những kết quả có tính chất xã hội sâu xa. Vì vậy trong hiện tại phải có sự phối hợp giữa phương diện tham dự xã hội của Phật giáo, với sự tu tập riêng tư và đạo giải thoát để biến thành lời giải cho những vấn nạn từ sự xa lánh xã hội của cá nhân.
Việc này đòi hỏi những sự thay đổi mạnh mẽ trước khi chúng ta thấy được những gì mới hơn những giá trị và lối sống hiện hành. Nhưng Internet có thể mang lại một cuộc cách mạng xã hội về những giá trị như vậy, trong khi thế giới cộng đồng dù hết sức cố gắng vẫn chưa đạt được thành tựu trong việc chế ngự xã hội. Nếu được dùng một cách sáng tạo, Internet có thể đáp ứng phương diện tôn giáo hay tâm linh của con người và là phương tiện mang lại sự quan tâm và lòng từ bi trong thế giới kỹ thuật số (digital) này. Phật giáo với giáo lý lâu đời cùng những nền văn hóa của mình phải nắm lấy cơ hội này và tự thích ứng để có thể đóng góp một cách có ý nghĩa cho những nhu cầu xã hội và tâm linh của những cư dân trên hành tinh này.
Đối với những người thủ cựu thì không thể có chuyện thay đổi lại từ đầu. Thật là kỳ cục khi nghĩ rằng có thể tạo ra một thứ ‘chùa ảo’ (virtual temple) trên Internet dựa theo lễ nghi Phật giáo, hoặc nghĩ rằng những tập quán văn hóa đặc thù của Phật giáo mà trong đó nhiều giáo lý của Đức Phật đã ăn sâu là thích hợp với phương tiện truyền thông mới, Internet.
Phật giáo không phải là một tôn giáo tuyên truyền để chiêu mộ những tín đồ mới, nhưng Phật giáo có nhiệm vụ truyền bá thông điệp của mình. Trong quá khứ, giáo lý của Đức Phật đã lan truyền một cách chậm chạp, không những do việc truyền thông ngày xưa giới hạn mà vì Phật giáo khi đến một địa phương mới nào cần phải làm cho mình thích ứng với văn hóa của địa phương đó. Ví dụ, Phật giáo phải mất năm trăm năm để đi từ Ấn Độ đến Trung Hoa. Đây không chỉ là nhân tố thời gian mà còn là sự cần thiết chuyển hóa thành “Phật giáo Trung Hoa”. Ở đây muốn nói, Phật giáo đã phải tự làm cho mình thích hợp với tôn giáo và triết lý bản địa, với Lão Giáo và Khổng Giáo, trước khi được người dân Trung Hoa tiếp nhận. Nhưng trong tiến trình tự thích ứng này, giáo lý Phật giáo đã biến đổi và có thể rất khác với giáo lý nguyên thủy.
Điều khác biệt trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay là việc chấp nhận Phật Pháp không tùy thuộc vào việc Phật giáo có tự thích ứng với một văn hóa hay tôn giáo nào đó hay không, mà tùy thuộc vào tính chất hấp dẫn của triết thuyết Phật giáo, tức là ý nghĩa cốt tủy của Đạo Phật. Sự thật là cần phải có sự phân biệt những điểm biến đổi về văn hóa với ý nghĩa cốt tủy trước khi Phật Pháp được nhận thấy là phù hợp với chân lý phổ quát. Vậy trong một thế giới toàn cầu hóa có tính chất thế tục mỗi lúc mỗi nhiều hơn và là nơi hầu hết mọi người xem trọng kỹ thuật thì Giáo Pháp hay Chân Lý phải đứng một cách đơn độc.
Điều thách thức ngày nay là tăng đoàn, tức các cộng đồng tăng ni, có thể sử dụng những thiết bị và có đạt những kỹ năng của thời đại kỹ thuật số này hay không? Thêm nữa, chúng ta có thể tìm thấy những cách thức và những phương tiện mới để trình bày giáo lý của Đức Phật một cách thích hợp với thế giới kỹ thuật số hơn là lối thuyết giảng và nghi thức truyền thống, không có nhiều sức hấp dẫn đối với thế hệ ham mê khoa học kỹ thuật.
Người ta không chỉ cần có tài năng kỹ thuật mà còn cần có động lực phụng sự một cách vô ngã vị tha với lòng từ bi, là những giá trị cốt lõi trong Phật Pháp mà lý tưởng Bồ Tát đã biểu lộ từ ngàn xưa. Một điều mà mỗi lúc mỗi thấy rõ hơn là chúng ta phải vượt qua sự giới hạn của những ranh giới cá nhân và quốc gia, để đi tới một thế giới quan xem trái đất là quê hương chung của tất cả loài người.
Nếu ý tưởng một cộng đồng Phật giáo trên mạng phải trở thành hiện thực, và có lẽ phải trải qua một sự thay đổi trong một thế hệ, thì điều này sẽ xảy ra khi các thế hệ tăng ni trẻ thuộc truyền thống tu học ở các quốc gia Phật giáo lên mạng, hoặc khả dĩ hơn, như sự việc đang diễn ra trong hiện tại, khi thế hệ mới các Phật tử Tây Phương, không tùy thuộc vào bất cứ một truyền thống văn hóa Phật giáo riêng biệt nào, nên nội dung “Giáo lý điện tử” (e-dharma) hấp dẫn hơn cho chính họ.
Trí tuệ Phật Giáo & Internet
Trong thế giới kỹ thuật thay đổi nhanh và có nhiều người bị căng thẳng, chúng ta phải chấp nhận hiệu ứng của những loại hình căng thẳng này và áp lực đó đè nặng lên tâm trí của con người. Ở đây không muốn nói rằng chúng ta hãy tạo ra một “xứ không tưởng ảo” (virtual utopia), vì giáo lý đã dạy rằng không có cái gì trường tồn mãi mãi, mọi sự mọi vật đều có bản chất phù du và không thật có. Trí tuệ chứng nghiệm này giúp chúng ta buông bỏ và vượt khỏi sự ràng buộc vào sự vật, và giúp chúng ta đi xuôi dòng với cuộc đời một cách nhẹ nhàng, an lạc. Sự chấp nhận tính biến dịch và khả năng hợp tác với nó là ý tưởng được hàm chứa trong lời giảng của cố Đạo hữu Alan Watts (1915-1973) “trí tuệ của sự vô thường”.
Internet cống hiến cho chúng ta nhiều cơ hội tuyên xưng những giá trị, tri thức và trí tuệ Phật giáo ở mức toàn cầu. Phật giáo đã tồn tại về mặt vật chất cho đến ngày nay là vì pháp thực hành công hạnh bố thí (dana) vốn là nền văn hóa chia sẻ và phục vụ người khác, ngược lại với nền văn hóa tham dục dựa trên giá trị của tiền bạc. Sự tham dục này đưa đến việc lạm dụng kỹ thuật điện toán, và động lực ấy chỉ là làm ra tiền, như chúng ta đã thấy trong vụ sụp đổ của tập đoàn Dotcoms, vì họ xem Internet là một thị trường để khai thác trục lợi. Ngược lại, chúng ta có tấm gương sáng của BBS (Bulletin Borard System) đã xuất hiện trước và đã có chính sách hào phóng dựa trên một cộng đồng thực tâm chia sẻ và nghiên cứu, cung cấp một dịch vụ phần lớn miễn phí và được một nhóm người tình nguyện điều hành. Đây là một đường lối mà cộng đồng Phật giáo trên mạng sẽ hoạt động một cách lý tưởng, như một tiêu điểm, một trung tâm qua việc chia sẻ và hỗ trợ của cộng đồng.
Trong sự trống rỗng về mặt tâm linh đang chiếm ưu thế trong thế giới đương đại, vốn chỉ nghĩ đến việc chiếm hữu tất cả, người ta cần phải được biết về những gì mà văn hóa tâm linh Phật giáo có thể cống hiến. Một thí dụ là những kỹ thuật thiền quán có thể được giải thích và minh họa trên mạng qua phương diện nghe và nhìn, với người học được hướng dẫn qua một vị thầy trên mạng (online teacher). Đặc điểm của Internet là sự tương liên, tương thuộc toàn cầu. Đây chính là lý nhân duyên, một tri kiến cốt tủy, một chân lý phổ quát trong Đạo Phật. Khi hiểu rõ chân lý này người ta sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi tính ngã chấp và nối kết với nhau, biết cảm thông với những đau khổ của nhau.
Sẽ có sự chú trọng mới về việc học suốt đời, về tu tập, về sự phát triển và canh tân. Thời đại biến đổi bao quát này cần phải được đi kèm bằng khả năng đối phó với những áp lực, do những kỹ thuật mới gây ra mà người sử dụng không trở nên quá căng thẳng. Vậy chúng ta cần phải có kỹ năng bảo vệ sức khỏe tâm trí của mình qua những phương pháp trị liệu và trí tuệ mà Giáo Pháp có thể ban tặng cho chúng ta.
Chúng ta thấy rằng phương diện tâm lý học và trị liệu của Phật giáo đang được ngành Tâm Lý Trị Liệu hiện đại ứng dụng, và đã có sự di chuyển từ chỗ chính yếu là nhu cầu về lễ nghi, hình thức của các tín đồ tới chỗ tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ trong một thế giới mỗi lúc mỗi xa lạ hơn. Vậy đường lối tương lai sẽ là những dịch vụ tư vấn trong hình thức tương tác qua Internet như “văn hóa chat” đang phổ thông trên mạng đã cho thấy.
Hy vọng rằng tăng đoàn trên mạng sẽ được hỗ trợ hay sẽ là một thành phần của những cơ sở Phật giáo ở địa phương, khi tăng đoàn đã thành một mạng lưới lớn những người có cùng chí hướng, gồm cả Phật tử tại gia và giới xuất gia, đến với nhau như một cộng đồng trên mạng, những đệ tử của Đức Phật, lấy trí tuệ để sống và làm sự nghiệp cũng như truyền bá thông điệp của Đức Phật, giúp cho nhân sinh đạt được trí tuệ và từ bi trong thế giới kỹ thuật số (digital world) mới mẻ này.
Học Phật điện tử (e-learning, electronic Buddhist learning), có thể trở thành một công cụ cho việc phát triển tâm linh cũng như phát triển xã hội, khi việc tiếp cận được dễ dàng hơn và kỹ thuật học tập được cải tiến. Sự thật là phương pháp này không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn việc dạy mặt đối mặt giữa thầy và trò, nhưng Internet cung cấp thêm vào đó một phương tiện chuyển giao mới làm cho việc tu tập được tốt hơn và dễ tiếp cận hơn. Cộng đồng Phật giáo toàn thế giới sẽ cần phải phát triển nội dung học Phật điện tử của mình, với các tông phái đến với nhau, góp chung tri thức và kỹ năng của họ, và nghiên cứu những cách thức mới trình bày giáo lý của Đức Phật, do có lòng từ bi đối với thế gian đau khổ này.
Thông tin hay tri kiến
Người ta đã không bao giờ nghĩ rằng giáo lý của Đức Phật chỉ có ở trong kinh sách. Sự thật là trong quá khứ Giáo Pháp cũng đã được truyền trao qua lời dạy khẩu truyền (oral teachings). Người ta có khuynh hướng chỉ đưa dữ kiện (data) lên mạng chứ không khai thác những phương tiện mới mà công nghệ Internet cung cấp để trình bày thông tin.
Lối dạy giáo lý ở các tu viện là qua những bài thuyết pháp không bị ai đặt câu hỏi thắc mắc. Lối học giáo lý mới là một nhóm học viên cùng thảo luận với nhau. Học giáo lý trên Internet là qua các nhóm “chat” với một vị thầy hay một điều hợp viên (moderator) của diễn đàn giữ công việc làm cho cuộc thảo luận được thuận lợi.
Lợi điểm của việc học Phật trên mạng là người học được tiếp cận thông tin và cũng được tiếp cận những người khác, các học viên hay chuyên viên. Sự phối hợp của cả hai điều này làm cho việc học trên Internet có lợi thế nhiều hơn những lối học khác. Thật vậy, điều đang diễn ra trong hiện tại là các học viên đang tìm nguồn thông tin cho mình và rồi tương tác với chúng.
Phương thức học với những nhân vật hoạt họa được tăng cường bằng kỹ thuật số đóng vai trò các vị thầy ảo có thể là hình ảnh tương lai của việc học trên mạng.
Các chuyên viên tiên đoán rằng những chương trình học qua điện toán thành công sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những sắc thái và động lực của con người, là phần mềm kích thích sự tương tác của con người.
Sự cách biệt trong thế giới kỹ thuật số
Cho đến hồi gần đây việc quảng cáo có tính chất xuyên tạc, thái quá hay thổi phồng trong các phương tiện thông tin là chuyện thông thường, nhưng với sự sụp đổ của Dotcoms, chúng ta phải có cái nhìn tỉnh táo hơn về sự việc. Thực trạng đã và đang là sự cách biệt về mặt kỹ thuật số nhiều hơn. Sự cách biệt kỹ thuật số là từ ngữ nói về những khó khăn là một số thành phần trong xã hội phải đối diện cả trong việc tiếp cận máy tính và Internet. Điều này đặc biệt chính xác đối với những quốc gia Phậ giáo Nguyên Thủy (Theravada) không có lợi thế về kinh tế như Campuchia, Miến Điện, Lào, Tích Lan. Công nghệ thông tin toàn cầu này không được phân phối đồng đều vì việc tiếp cận, dùng máy tính và Internet phản chiếu sự phân cách về xã hội, kinh tế giữa người giàu và người nghèo, và giữa các quốc gia. Một nhân tố khác là tiếng Anh thống trị không gian của Internet, vì vậy người học và những người khác biết ít hay không biết tiếng Anh thường không thể tiếp cận việc học trên mạng, dù vậy, sự việc đang thay đổi vì Internet đang trở nên đa ngôn ngữ hơn.
Có thực sự là giáo lý của Đạo Phật không?
Một vấn đề khác mà chúng ta sẽ phải xét đến là làm sao để biết những gì được đưa lên Internet là giáo lý đích thực của Phật Giáo? Để xét điều này là so sánh những gì ở trên mạng với giáo lý cốt lõi Tứ Diệu Đế mà tất cả các tông phái Phật giáo đều chấp nhận là cái khung cho những pháp tu tập của mình. Nhưng cũng đã có những cá nhân phô trương một cách quái đản là mình có một thứ tri kiến đặc biệt nào đó hay đã đạt được giác ngộ. Trong Phật giáo việc truyền trao tri thức phải nên dựa chính yếu trên dòng truyền thừa. Vị Thầy hay vị trưởng tông môn phái đó chứng nhận trình độ tu tiến của các đệ tử. Ngoài những giáo lý trong kinh sách mà các học viên hay đệ tử có thể nghiên cứu, pháp môn tu tập được dựa trên lối học chứng nghiệm mà một vị giữ dòng truyền thừa có thể kiểm soát được. Vậy những thông tin trên mạng được gọi là Phật Pháp có phải là giáo lý đích thực của Phật giáo hay không, hay chỉ là sự bịa đặt của một tín ngưỡng nào đó, điều này có thể được kiểm tra qua tông phái của chúng hoặc chúng không thuộc dòng phái nào cả.
Tương lai của Phật giáo trên Internet
Đối với một số người điều này có vẻ quá xa vời, nhưng với sự phát triển của internet và kỹ thuật tương tác truyền thông giữa những sản phẩm cao và thấp, đã hứa hẹn một sự bành trướng lớn về tiềm năng của mạng lưới thông tin toàn cầu, tạo ra một cộng đồng trên mạng thực sự và tăng cường việc học trên mạng. Trong lúc này chúng ta phải làm việc với những giới hạn hiện tại cho đến khi kỹ thuật tương tác hoàn hảo hơn. Và đặc biệt là chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tại ở những quốc gia Phật giáo đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng thông tin này.
Những ngôi chùa truyền thống và những trung tâm bằng gạch ngói và xi măng sẽ tiếp tục phụng sự cho nhu cầu tu học của mọi người, nhưng việc này có thể được mở rộng và tăng cường, và có thể nói rằng được làm cho thích hợp hơn với giới trẻ nếu tăng đoàn trên mạng đang thành hình và đang cần nguồn lực trong giai đoạn phát triển này của Phật giáo trên Internet, được hỗ trợ trong việc thực hiện ý nguyện của họ phát triển giáo pháp kỹ thuật số phong phú, dùng kỹ thuật số mới nhất có thể được để phổ biến giáo lý.
Những vấn đề và những thách thức chính yếu về kỹ thuật số thông tin và truyền thông mà Phật giáo phải đối diện trên Internet là phát triển những khóa học cao cấp qua phương tiện điện tử với nội dung có phẩm chất cao, và thiết lập những trung tâm huấn luyện các tăng ni trẻ, cả hai điều này về mặt chuyên môn kỹ thuật, huấn luyện và tài trợ; việc này sẽ đòi hỏi sự hợp tác và sự chia sẻ nguồn lực của các tổ chức Phật giáo.
Trang nhà Buddhanet đang đi theo chiều hướng đó với sáng kiến dàn xếp một sự hợp tác với Đại Học Phật giáo Thái Lan Mahachulalongkorn và Trường Phật Học Quốc Tế bằng việc xây dựng một Thư Viện Phật Học Điện Tử Thế Giới (World Buddhist E-Library Database) mà khi phát triển sẽ là một thư viện nguồn Phật giáo kỹ thuật số cho tất cả các tông phái Phật giáo với nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể được tải xuống miễn phí từ Internet. Việc huấn luyện tăng đoàn về kỹ năng kỹ thuật thông tin và truyền thông này là một việc cần làm và rất quan trọng. Vì vậy chúng tôi cũng nhắm đến thiết lập một Trung Tâm Huấn Luyện Đa Phương Tiện tại Tu viện Bồ Đề của chúng tôi, gần Lismore, thuộc miền Bắc tiểu bang
Một giáo lý cổ truyền không có nghĩa là giáo lý đó không thể cùng ngồi chung một cách thoải mái với kỹ thuật mới. Nếu Đức Phật còn sống ở thế gian ngày nay, chắc chắn ngài sẽ cảm thấy dễ chịu trong thế giới kỹ thuật số. Có một thế hệ mới đang lớn lên với những kỹ thuật của Intertnet và xem Internet là nơi tự nhiên để tìm thông tin, để học trên mạng, và cả cho việc hỗ trợ về tâm linh cũng như tình cảm. Chúng ta có thể hy vọng rằng Internet cũng sẽ là nơi người ta đến để có được chứng nghiệm đầy ý nghĩa về Phật Pháp, đó là tương lai của Phật giáo trên mạng lưới thông tin toàn cầu.
Thượng Tọa Pannyavaro là người sáng lập trang nhà www.buddhanet.net và cũng là người khai sáng và làm chủ tịch Hội Giáo Dục Phật Pháp vào năm 1992. TT Pannyavaro thọ Cụ Túc Giới vào năm 1985 theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy tại Tu Viện Bovornivet với Vua Sãi Thái Lan là Somdet Phra Nyanasamvara. Năm 2005, TT Pannyavaro thành lập Tu Viện Bồ Đề và Trung Tâm Tịnh Cư Bồ Đề gần Lismore, thuộc miền Bắc tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi, mà hiện nay là quê hương của Buddhanet.
Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, sinh 1967 tại Nha Trang, xuất gia năm 1980, thọ Sa Di năm 1985, thọ Cụ Túc Giới năm 1988, tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học năm 1997 và đến định cư tại Úc từ đầu năm 1998 và hiện là Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu; TT thành lập Trang Nhà Quảng Đức vào mùa Phật Đản 1999.
Source:The Future of Buddhism on the Internet, by Venerable Pannyavaro, Webmaster of Buddhanet.net
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo năm 2017 (số 279 15-8-2017)
Discussion about this post