(Đại lão Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ)
(1909 – 1984)
Điều Ngự Tử TÍN-NGHĨA
Bản thân tôi (Tín Nghĩa), rất ít có dịp thân cận với Ôn Già Lam. Điều dễ hiểu, vì tôi không xuất thân từ Phật Học Viện. Vả lại, mỗi lần Ôn về Huế (Bảo Quốc), thường vào dịp đầu xuân, thì đa phần Ôn hay đàm luận Phật sự với quý Ôn lớn như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Linh Quang, Ôn Từ Đàm và Ôn Bảo Quốc, . . .
Đầu năm, Ôn thường hay nghe Đại luật (tức là dạy luật Tứ phần) cho hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì tôi đạp xe ra học rồi về lại chùa. Vả lại, bổn phận của tôi ở chúng Trúc Lâm cũng tương đối bề bộn. Tuy thế, chính tôi lại có với Ôn ba kỷ niệm khó quên.
Trước khi đi vào ba kỷ niệm ấy, kính xin mạo muôi ghi lại một điểm cần biết mà quan trọng về Ôn, được tìm đọc qua tài liệu ở trên mạng cũng như bài viết Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Trí Thủ của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Được biết :
Ôn họ Nguyễn, húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như (trùng Pháp danh với Ôn Linh Quang tức là Thiền sư Mật Nguyện, Tọa chủ Tổ đình Linh Quang, Chánh Đại Diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh và Thừa Thiên – Huế. Xin xem Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế, của Tín Nghĩa), tự Đạo Giám, pháp hiệu Thích Trí Thủ.
Ôn thọ sanh vào ngày 01 tháng 11 năm 1909 (nhằm ngày 19 tháng 09 năm Kỷ Dậu), trong một gia đình nho phong thanh bạch.
Chánh quán làng Trung Kiên, xã Bích La, quận Triệu Phong (bây giờ là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị.
Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hưng Nghĩa,
Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu.
Song thân của Ôn đều chánh tín Tam Bảo. Do vậy, mặc dầu là người con trai duy nhất, mới tuổi măng tơ lên 14, Ôn đã được song thân cho vào thọ giáo kinh điển nhà Phật ở chùa Hải Đức, chốn thần kinh Huế.
Năm 1926, khi được 17 tuổi, Ôn thật sự xuất gia đầu Phật và thọ giáo với Hòa Thượng Viên Thành tại chùa Tra Am, Huế.
Năm Ôn 20 tuổi (1929), được Bổn Sư cho vào thọ giới Cụ Túc (Tỳ Kheo) tại Đại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng. Ở Đại giới đàn này Ôn trúng tuyển Thủ Sa Di trong số 300 giới tử. Do đó, Bổn sư đã ban cho Ôn pháp hiệu là Thích Trí Thủ, ngụ ý khen tặng chữ THỦ là đứng đầu.
Cũng năm đó, Bổn sư của Ôn là Hòa Thượng Viên Thành viên tịch. Ôn Trí Thủ ở lại Tra Am hai năm để thọ tang.
Năm 1932, Ôn vào học lớp Đại học Phật giáo tại Phật học đường Trúc Lâm do Hòa Thượng Giác Tiên thành lập và mời Hòa Thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp-Bình Định ra làm chủ giảng.
Tưởng cũng nên biết: Đây là Đại học Phật giáo đầu tiên, dấu mốc Chấn hưng Phật giáo tại Cố đô Huế và miền Trung Việt nam. Lớp Đại học Phật giáo này đã đào tạo bảy giảng viên ưu tú, trong đó Tổ đình Trúc Lâm Đại Thánh đóng góp năm vị. (Đó là : Thiền sư Mật Tín, Thiền sư Mật Khế, Thiền sư Mật Hiển, Thiền sư Mật Nguyện và Thiền sư Mật Thể).
Cũng được biết thêm, Ôn Trí Thủ đã để lại cho hậu thế những dịch phẩm và biên soạn:
– Kinh Phổ Hiền,
– Mẹ Hiền Quán Thế Âm,
– Kinh Vô Thường,
– Kinh A Di Đà (thể thơ 4 chữ),
– Pháp Môn Tịnh Độ,
– Nghi Thức Phật Đản,
– Tứ Phần Luật,
– Nghi thức Truyền Giới Tại Gia Bồ Tát và Thập Thiện,
– Luật Tỳ Kheo,
– Để trở thành người Phật tử,
– Kinh Bất Tăng Bất Giảm,
– Thường Bất Khinh Bồ Tát,
– Phát Bồ Đề Tâm,
– Thử vạch quy chế đào tạo Tăng tài,
– Nghi thức tụng niệm hàng ngày của giới Phật tử,
– Điều căn bản cho giới Phật tử mới quy y v.v (và một số tác phẩm văn thơ khác). . .
Ba thiện duyên với Ôn Già Lam
1.- Năm 1970 : Mỗi khi Ôn Già Lam ra Huế vào dịp đầu năm để giỗ Tổ, Ôn ra đều có đi thăm các Tổ đình để vấn an các bậc Trưởng thượng như Ôn Thuyền Tôn (Đê Nhị Tăng thống), Ôn Tây Thiên và Ôn Trúc Lâm. Đến Trúc Lâm, Ôn thường ở chơi lâu hơn. Phần tương đắc với Ôn Trúc Lâm, vì đồng học, đồng lứa và cùng làm việc Giáo hội ; lại là đồng am tường và thâm nghiêm giới luật. Trưa hôm đó Ôn ở lại thọ trai với Ôn Trúc Lâm. Tôi được hầu cơm và đứng bên cạnh để được sai vặt. Mặc dầu chúng điệu cũng nhiều, tôi cũng đã là Tỳ kheo, nhưng khi có qúy Đại Tăng hay khách lớn, Sư phụ thường chọn tôi làm thị giả.
Trong lúc hai Ôn đang trò chuyện vui vẻ ở hồ cá giữa sân chữ Khẩu của chùa, tôi nhẹ gót bước đến, cung thỉnh hai Ôn vào thọ trai. Hai ôn đứng dậy cùng đi vào.
Ôn Già Lam bảo :
– Cho chú này vào viện để học tiếp chương trình Cao đẳng Phật học.
Sư phụ tôi cười và tiếp :
– Tùy chú. Chú thích thì cũng cho đi.
Tôi thưa liền :
– Dạ bạch Ôn (tức là thưa với Sư phụ tôi), cho Tín Đạo và Tín Niệm đi cũng được. Con xin ở nhà với Ôn và Chúng.
– Xuống kêu hai chú ấy lên đây.
Tôi dạ, và chạy xuống tìm Tín Đạo và Tín Niệm. (Tín Niệm nay đã về lòng đất lạnh)
Hai thầy Tín Đạo và Tín Niệm nghe Sư phụ gọi, lật đật mặc áo dài chạy lên. Vừa đi vừa chấp tay. Ôn Trúc bảo:
– Hai chú xuống lấy y hậu lên đãnh lễ thầy Đốc để vào Phật học Viện Nha Trang, học tiếp.
Tín Đạo và Tín Niệm mừng khôn xiết. Sau tết, hai vị thu xếp vào Nha Trang để kịp chương trình học.
Trong buổi cơm trưa ấy, Ôn Già Lam hỏi tôi :
– Sao ông không vào Viện để học luôn.
Tôi trả lời :
– Bạch Ôn, con ở nhà với Ôn con, đồng thời có mấy việc trong chùa, con không thể giao phó cho ai. Trong chùa có hai người phải gánh vác nhiều đó là thầy Lưu Hòa và con. Có hai thầy đi vào viện là cũng vui lắm rồi.
Sư phụ tôi nghe trả lời như thế, Ngài cười, vì hình như thích ý của ngài.
Ôn Già Lam dạy tiếp :
– Lớp tui bắt đầu xế chiều rồi. Mấy chú lo mà tu, mà học, để sau này nối tiếp việc làm của chúng tui. Cứ đem tứ vô lượng tâm mà hành trì và xử thế. Đừng trái với giới luật, đừng trái với Phật pháp là được rồi. Ở đời có ai khen mình đâu. Thấy làm được việc thì ganh tỵ, thị phi ; thấy làm không được việc thì chê bai trách móc. Có điều tôi muốn nhắc nhở với các chú, mặc dầu thầy của mấy chú đã dạy từ lâu và hằng ngày, đó là phải xem trọng nhơn quả của Phật. Nhơn quả của Phật dạy không bao giờ sai đâu. Chỉ vì con người cứ tham danh, tham lợi mà lờ đi đó thôi.
Sau một hồi dài nghe Ôn dạy,; tôi thưa nhỏ :
– Bạch Ôn, dùng trà.
Ôn bưng nhẹ tách trà lên, rồi gạt ngang xuống đĩa, xem có còn nước đọng bên dưới hay không. Không thấy có đọng nước, Ôn cười và nói :
– Chúng điệu Trúc Lâm có khác.
Ôn tiếp :
– Chuyện ở điệu là vậy đó. Pha chén nước, dọn mâm cơm, và phép hầu thầy, là phải có oai nghi. Luật Tiểu không xong, làm sao học Đại luật? Mấy bữa ni tui dạy Đại luật cho mấy thầy, mấy cô, tui thấy có một số lóc chóc quá. Có lẽ thầy của họ ít để ý cách giáo dục Tăng ni Chúng lý, thấy cũng buồn. Bây giờ mà như vậy, một mai khi mà các bậc Long tượng hầu Phật rồi, lớp trẻ Tăng Ni không biết sẽ ra sao nữa chứ !
Ôn Trúc Lâm cười, tiếp :
– Tui nhớ cái lớp do Tổ Trúc Lâm và Ôn Quốc sư Phước Huệ đào tạo thì khác, xuống một vài lớp như bây giờ là đã khác rồi. Mấy chú đã là Tỳ kheo hai ba hạ, dùng xe gắn máy, đội mũ bia-rê chạy bay tóc. Phật tử thưa lên, thưa xuống, tui cười rằng : Răng bà con cứ để ý chi mấy chuyện tiểu tiết. Quý vị cứ lo tu, niệm Phật đi cho thâm hậu, rồi sẽ thấy Chánh pháp hiển hiện. Cứ bắt mấy ông thầy phải tu, còn Phật tử cứ chạy lung tung, hết chùa này, qua chùa nọ để thổi lông tìm vết, . . . thì làm sao mà thấy được Chánh pháp.
Hai Ôn trao đổi chuyện qua lại về vấn đề đào tạo Tăng ni và nhận định Tăng ni theo thời cuộc, tôi nghe và học được rất nhiều những thâm ý ấy để làm kim chỉ nam tu tập của chính tôi. Cơm nước chuyện trò cũng gần hai giờ chiều, Ôn Già Lam từ giã Trúc Lâm, về lại Bảo Quốc.
2.- Chuyện thứ hai, 1972 mùa Hè đỏ lửa : Số là tôi được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên – Huế công cử làm Giám đốc xưởng khai thác và cưa xẻ gỗ Lục Hòa, gần điện Hòn Chén và lăng Thiệu Trị (Xưởng này là của Giáo hội). Một ngày như mọi ngày, tôi đều có mặt ở xưởng điều khiển nhân viên. Có khi tôi đựợc lên tận rừng để xem nhân viên chọn gỗ, hạ xuống đem về xưởng. Những chuyến đi này đều nhờ trực thăng của Mỹ, có sự sắp đặt chu tất của Thiếu tá Quận trưởng Hoàng Phúc Hiệt. (Ông Quận trưởng này thông thạo tiếng Anh, sau này làm trong Ủy ban Quân sự bốn bên, hiện tại là HO đang định cư tại tiểu bang WA).
Trong lúc đang điều khiển, không may tà áo dài quấn vào máy, tay tôi bị thương, được ông Quận trưởng đích thân chở đi chữa trị tại bệnh viện Trung ương Huế. Tôi từ giã chức Giám đốc từ đó và cọng trú với Hòa thượng Thích Hạnh Đạo, chùa Từ Tâm ở trong Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng, làm nhà giáo môn Toán, Lý hóa tại trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng, Hòa Vang và Sân Chà. (Hòa thượng Hạnh Đạo hiện là Viện chủ chùa Phổ Đà ở Quận Cam, CA).
Tôi đang dạy, thì được tin Thượng tọa Từ Mẫn, Giáo thọ Phật Học Viện Phổ Đà cho hay có Ôn Già Lam ra thăm Giáo hội và Viện. Lúc ấy thầy Từ Mẫn phụ trách môn Giáo lý của trường Bồ Đề.
Bãi giờ, tôi về thưa với thầy Hạnh Đạo, nhưng thầy đi họp Giáo hội chưa về. Tôi đi một mình lên viện Phổ Đà, trước đãnh lễ, sau thăm Ôn Già Lam.
Vừa bước vào, Ôn nói :
– Mần răng mà bất cẩn đến nỗi phải gãy tay rứa ? Bữa ni đỡ chưa ?
Tôi thưa :
– Bạch Ôn, tạm khá.
– Có về Huế thăm thầy Trúc không ? Khi mô về nói tui có lời thăm. Lúc này Giáo hội Trung ương bề bộn, tui ít có thì giờ về Bảo Quốc. Nhận chức vụ Tổng vụ Trưởng Kinh tế Tài chánh, mà Giáo hội thì không có tiền ; muốn làm cái chi cũng không được. Đang cử một số quý thầy trẻ trong ngành giảng sư đưa về giảng các vùng xa ở miền Tây, những nơi không có chư Tăng. Bữa mô chú lành, nên theo học lớp này để thay thế cho chúng tui.
Ôn dạy tiếp :
– Mấy bữa ni đi thăm các Giáo hội miền Trung và phát động phong trào gây quỹ cho Giáo hội Trung ương, nhưng đi tới mô cũng thấy Giáo hội địa phương đều nghèo, cũng lắm việc, chừ chưa biết tính cách chi.
Ôn vừa dạy vừa cười nhưng cũng vừa lo.
Ôn tiếp :
– Thật sự mà nói, tuy dân chúng hầu như gần tám mươi phần trăm là Phật giáo, nhưng mà phần lớn đều nghèo, mà đất nước thì bị chiến tranh triền miên. Dân chúng vùng quê phải lên tỉnh thị để sống lây lất qua ngày, tránh bom đạn và tránh sự nghi kỵ cả đôi bên. Khổ thiệt. Đứng về cửa giải thoát thì bảo : Tâm bao thái hư, nhưng sự thật thì không bao được. Đất nước mình, dân chúng mình sao mà khổ quá. Nghiệp chi mà nặng quá. Không biết đến khi đất nước thống nhất, hòa bình nó sẽ ra sao đây. Đúng là thế gian thường bảo:
“Gánh cực mà chạy lên non,
Chạy xuôi chạy ngược, cực còn chạy theo.”
“Tui, bây chừ đa mang. Phần lo đào tạo Tăng ni cho Viện. Phần lo Kinh tế cho Giáo hội. Phần lo in ấn mặt Văn hóa Phật giáo. Đủ thứ. Thôi thì, mình có chi làm nấy. Làm được cho Đạo thì đó là phước báo và trách nhiệm của mình. Làm được chừng mô quý chứng ấy. Cứ đem Tâm Phật mà làm. Con Phật là vậy. Còn vấn đề khen chê, thành bại, đắc thất là không nên ôm vào thân.
Ôn dạy một hồi, rồi cũng đến giờ cơm trưa. Tôi lên Honda chạy về Từ Tâm kiếm cơm ăn và đi dạy tiếp.
Vào lớp dạy học rồi, đầu óc tôi cứ liên tưởng đến lời dạy của Ôn Già Lam :
– Các chú cố gắng lên để thay thế các bậc cha anh trong mai hậu. Càng về sau, sự truyền bá Chánh pháp càng khó khăn hơn. Chúng ta là một tập thể Tăng già. Giáo hội Tăng già rất quan trọng. Mạng mạch của Chánh pháp, tập thể Tăng già chịu trách nhiệm phần lớn. Các chú nên nhớ lấy.
Nhơn đây, tui cũng nhắc lại lời của thầy Linh Quang, hồi còn sinh tiền, nói trong Đại hội kỳ 2, ngày 10-09-1959, rằng :
. . . – “…Giáo hội Tăng già là đoàn người thực hiện và tượng trưng cho giáo chế của đấng Giáo chủ Phật giáo. Từ khi Phật giáo có mặt trên lãnh thổ Việt Nam đến nay, đã hơn 18 thế kỷ, trải qua các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, … khi thịnh cũng như khi suy, Giáo hội vẫn luôn luôn được công nhận là một tổ chức lãnh đạo của một tôn giáo thuần túy. Do đó, Giáo hội không bị ràng buộc bởi thể chế của một hiệp hội. Công nhận sự có mặt của Phật giáo là công nhận sự hiện hữu của Tăng già.
Trách nhiệm truyền thống của đạo pháp ; không một tổ chức nào khác có thể chịu mọi trách nhiệm với Phật giáo trước quần chúng, trước lịch sử nếu không phải là Tăng già, …”
Tôi cứ nghĩ miên mang như thế mà tiếng kiểng báo hiệu giờ ra chơi của trường vang lên mà tôi cứ ngỡ như là đánh kiểng để ra về. . . .
3.- Chuyện thứ ba, 1976 tại cây Vú Sữa, Tu viện Già Lam : Sau khi đất nước thống nhất, đa phần Tăng ni phải trở về với gia đình. (Rất nhiều lý do riêng biệt, …). Bản thân tôi không còn được tiếp tục đi dạy học, vì còn mang áo tu sĩ, nên xoay làm đủ nghề : làm ruộng, bán phụ tùng xe đạp, đi mua bán ve chai phụ hãng xì dầu, . . . nhờ vậy mà tôi dong ruỗi từ Huế vào tận Vĩnh Long, Vĩnh Bình của miền Tây.
Bước chân vào đến Gài Gòn là vừa đúng ba giờ chiều. Từ bến xe, tôi nhờ người bạn chở đến Già Lam bằng Honda. Toàn vừa dừng xe, tôi bảo anh ra về và tự mình với túi xách nho nhỏ trên tay, đi thẳng vào ngay trước tiền đường. Chân cao chân thấp đi vào thì gặp ngay Ôn Già Lam và thầy Nguyên Giác đang đứng trước một mớ dụng cụ để làm nấm rơm. Tôi chấp tay vái chào Ôn. Ôn bảo :
– Vô khi mô rứa ? Ôn ngoài (tức Sư phụ của tôi) có khỏe không ?
Tôi thưa :
– Bạch Ôn, dạ khỏe.
Ôn quay qua bảo thầy Nguyên Giác : (Nguyên Giác và tôi quen nhau từ hồi còn là học sinh trường Quốc Học. Thầy tên Dũng, học ban C, tôi học ban B).
– Nguyên Giác coi chỗ để Tín Nghĩa nghĩ ít bữa.
Thầy Nguyên Giác đang bận tay, nhưng cũng dạ một tiếng sau lời dạy của Ôn.
Tôi lấy y hậu từ trong túi tay ra, mặc vào đãnh lễ Ôn. Ôn thấy Y hậu chỉnh tề, bảo:
– Lên chánh điện lạy Phật là đủ rồi. Xuống gặp thầy Đức Chơn đi.
Tôi dạ và làm theo lời Ôn.
Đảnh lễ Phật xong, tôi chỉ mặc áo vàng vào gặp Thượng tọa Đức Chơn. Mới gõ cửa, thầy hỏi :
– Tín Nghĩa vô khi mô ? Vô chơi hay có việc chi ? Ôn mình khỏe khôn ? Lâu quá, tui chưa về Huế, nên cũng không được gặp Ôn. Bữa mô ra, cho tui kính lời thăm Ôn.
Tôi dạ và định thưa để xin ở lại ít hôm, nhưng thầy bảo xuống gặp thầy Nguyên Giác và chuẩn bị ăn cơm tối cùng với chúng.
Khi vào phòng Học tăng lưu trú để cất đồ đạc, tôi quan sát những phòng đã từng thân quen với tôi hồi vào trọ học ở đây, khi tôi được tham dự Khóa Chuyên Hóa Học Đường tại Đại học Vạn Hạnh vào năm 1972. Phòng thì còn nguyên, nhưng những Học tăng cũ, lớn nhỏ, hoặc cùng lớp, một số lớn cũng đã thay áo theo thời gian. Tôi hỏi thăm Thê (Học tăng Phan Văn Thê, người Quảng Trị), thì cho biết : Tuấn, Trực, Thạnh, . . . về quê hết rồi.
Khi xuống phòng ăn thì cũng không còn được gặp lại số anh em đồng lứa thân quen từ lâu ở Huế, Đà Nẵng đã vào tu học ở đây là bao. Tuy thế Ôn Già Lam vẫn cố gắng tạo lớp học cho số học tăng còn lại.
Sáng hôm sau, tôi cũng mặc áo vào lớp để nghe Ôn giảng. Tuy học tăng ít, nhưng Ôn đem hết cả tâm nguyện sẵn có để truyền đạt tận tâm hồn cho họ. Những lời nói, những lời giảng giải Ôn đều chậm rãi đưa nhè nhẹ cho anh em học tăng đón nhận.
Buổi học mỗi sáng như thế là hai giờ đồng hồ. Chiều lại, thầy Nguyên Giác lo công việc chuyên môn là săn sóc và hướng dẫn một số quý thầy nhỏ học làm nấm. Một số khác có việc riêng. Tôi không có việc gì cả nên cứ chạy quanh thăm thầy nầy, thầy nọ. Hai vị tôi nói chuiyện nhiều nhất là Thê (Thích Quảng Tâm) và Dũng. (Thích Nguyên Giác, nay là vị Trú trì của Tu viện Già Lam).
Tôi ở lại đây được bốn ngày thì lấy vé xe đi Vĩnh Bình, về quận Tiểu Cần thăm sư huynh Lưu Đoan đang làm tọa chủ chùa Như Pháp.
Sau mùa Vu lan ở chùa Như Pháp và quận Tiểu Cần, tôi trở lại Sài Gòn và cũng xin ở lại Già Lam vài bữa trước khi về Huế.
Lần trở lại này rất đặc biệt là gặp được Ôn Thiện Minh và được cùng anh em Tăng trẻ hầu chuyện với Ôn gần bốn tiếng đồng hồ ở lầu chuông cạnh cây vú sữa. (Chuyện này tôi đã có viết một bài : Tách Trà Còn Nóng)
Sau khi được hầu chuyện với Ôn Thiện Minh, tôi ở lại Già Lam được hai hôm thì phải trở về Huế, vì có mấy chuyện cần phải giải quyết, nhất là chuyện vượt biên.
Ăn sáng xong, tôi lên đãnh lễ Ôn Già Lam và Đại chúng để trở về Huế. Gặp Ôn, được Ôn dạy thêm một số kinh nghiệm trong vấn đề tu học và nhất là chuyện Giáo hội về sau này. Ôn dạy :
– Mấy chú, chiều hôm qua được nghe thầy Thiện Minh tâm sự rồi. Cố gắng mà giữ gìn cho mình và cho Đạo dù bất cứ ở đâu. Về ngoài nớ, tui gởi lời thăm thầy Trúc và quý thầy. Có lẽ Tết năm này tui không về được. Thời buổi đi lại khó khăn, thôi thì chịu khó xa Huế một thời gian. Ngoài nớ cũng còn quý thầy lớn, cũng đỡ. . .
Ôn còn dạy nhiều nữa, nhưng, tôi xin đãnh lễ để ra xe.
Ôn dạy vói :
– Ra Huế luôn hay có ghé mô nữa không ?
– Dạ, bạch Ôn, có lẽ con ghé Nha Trang.
– Ừ, ghé đó để thăm viện và thăm quý thầy luôn. Lâu quá, tui cũng chưa ra lại Nha Trang để biết sinh hoạt của Viện và của học tăng ra sao cả.
– Bạch Ôn, con đi.
Đó là lần cuối được gặp lại Ôn Già Lam.
Khi ra hải ngoại rồi, được tin Ôn viên tịch. Ôn Bảo Quốc vào lo tang lễ rồi cũng tịch theo sau đó mấy hôm. Tháp Ôn Già lam thì xây tại Sài Gòn ; của Ôn Bảo Quốc thì xây tại Huế.
Ngày Ôn Già Lam viên tịch, Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tổ chức lễ tưởng niệm để cho hàng Phật tử gần xa được đảnh lễ trước tôn nhan của Ôn. Trong buổi lễ, trong bài diễn, tôi có một đoạn ngắn như sau :
. . . “. . . để rồi đưa đến cái chết của Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một nhân vật lãnh đạo Phật Giáo nổi tiếng là ôn hòa nhất. . . .”
Hạnh nguyện Ôn là luôn chú ý đào tạo tăng tài, hoằng pháp lợi sanh. Ôn đi bất cứ đâu cũng khuyến hóa vấn đề giáo dục Tăng Ni, bằng cách này hay cách khác. Phải thành thực mà nói : Các ngài Long tượng của Phật giáo trong thời cận đại Chấn hưng Phật giáo từ thập niên 30 cho đến nay, Ngài nào cũng lo mặt văn hóa và đào tạo Tăng Ni cả ; tuy thế, riêng lớp lớn thì Ôn Già Lam là sát cánh nền giáo dục Tăng Ni nhiều nhất, kế đó là Thượng tọa Tuệ Sỹ.
Hôm nay, cũng đã trên ba mươi năm, con ngồi ghi lại một vài hạnh nguyện vô giá của Ôn đã cống hiến đời mình cho Đạo pháp và Quê hương. Trước là ghi nhớ những lời vàng ngọc mà con có diễm phúc kề cận được Ôn khuyến tấn ; kế dĩ, cho hàng hậu bối chỉ nghe danh Ôn mà chưa hề biết gì về Ôn cũng cố gắng sửa tâm, luyện đạo như những ngày Ôn còn tại thế đã lo lắng cho lớp đàn anh và cho chúng con.
Con xin hướng về Tu viện Già Lam, kính cẩn đãnh lễ trước long vị và tôn nhan của Ôn.
Hoa kỳ, ngày mạnh Đông – Kỷ tỵ (Dec. 01, 2008)
Hậu học Điều ngự tử TÍN NGHĨA
Discussion about this post