TÔN GIÁO BAHA’I
Tôn Giáo Baha’i là tôn giáo trong Giao ước Vĩnh cửu của Thượng Đế được mặc khải qua Đấng Biểu Hiện của Ngày Này – Đức Baha’u’llah.
Mục đích của Tôn giáo Baha’i là thống nhất nhân loại. Giáo lý Baha’i dạy rằng “chúng ta là trái cùng một cây, lá cùng một cành”. Dù khác nhau về ngoại hình, cảm xúc và khả năng, chúng ta vẫn có cùng nguồn gốc; chúng ta thuộc cùng một gia đình nhân loại.
Nhân loại giống như một vườn hoa lớn gồm nhiều loài hoa mọc cạnh nhau với mọi sắc hương. Khu vườn thành quyến rũ nhờ tính đa dạng này. Điều đáng buồn là vì sự ganh ghét, thành kiến, thiếu hiểu biết và những quyền lợi ích kỷ mà nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra và mâu thuẫn phát sinh giữa các quốc gia và các nhóm người. Cộng đồng Baha’i cố gắng tích cực làm cho ý nghĩ và hành động song hành với niềm tin về sự thống nhất nhân loại.
“Khi một ý nghĩ chiến tranh loé lên, hãy dập tắt nó bằng một ý nghĩ hòa bình mạnh hơn. Một ý nghĩ thù ghét phải được triệt tiêu bằng một ý nghĩ yêu thương mạnh mẽ hơn.”
Đức Baha’u’llah tuyên bố rằng Tuổi Trưởng thành của Nhân loại hằng mong đợi từ lâu, nay đã đến, là thời điểm mà sự thống nhất nhân loại chắc chắn sẽ được nhìn nhận và thiết lập.
Ngài đã công bố các nguyên lý, giáo luật và cơ cấu cho nền văn minh thế giới, bao gồm:
1. Tuân tùng Luật pháp và Chính phủ của đất nước mình;
2. Hủy bỏ mọi dạng thành kiến;
3. Bình đẳng nam nữ;
4. Công nhận nguồn gốc chung và sự thống nhất tất yếu của các tôn giáo lớn trên thế giới;
5. Loại bỏ sự chênh lệch quá đáng giữa giàu, nghèo;
6. Giáo dục phổ thông bắt buộc;
7. Trách nhiệm của mỗi người trong việc tìm chân lý một cách độc lập;
8. Thiết lập hệ thống liên bang thế giới, dựa vào những nguyên tắc về an ninh chung;
9. Tôn giáo hoà hợp với lý trí và kiến thức khoa học.
Giáo lý Baha’i dạy: “Nguyên lý cơ bản do Đức Baha’u’llah công bố là chân lý tôn giáo không phải tuyệt đối mà là tương đối, Mặc khải thiêng liêng là một tiến trình phát triển liên tục, các tôn giáo lớn trên thế giới có cùng một nguồn gốc thiên thượng, các nguyên lý cơ bản của các tôn giáo hoàn toàn hoà hợp với nhau và sứ mạng của các tôn giáo tiêu biểu cho những giai đoạn tiến hoá tâm linh liên tục của xã hội loài người”. Hơn nữa, chủ đề trung tâm của Tôn giáo Baha’i nêu rõ nhân loại chỉ là một chủng tộc và ngày mong đợi cho sự thống nhất thành một xã hội toàn cầu đã đến. Đức Baha’u’llah phán: ”Trái đất là một quốc gia và nhân loại là công dân của quốc gia đó”.
Đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng và các hoạt động tôn giáo
Đời sống cộng đồng Baha’i phản ánh tính đa dạng của khối tín đồ. Hoạt động tôn giáo bao gồm thường xuyên các Lễ Mười chín Ngày, cử hành các Thánh Lễ, họp mặt cầu nguyện, các lớp nghiên cứu, các lớp học thiếu nhi và các hoạt động xã hội. Ngoại trừ Lễ Mười chín Ngày, các hoạt động đều mở rộng cho công chúng, người Baha’i cũng như người chưa Baha’i đều tham gia cả các buổi gặp mặt nhỏ cũng như lớn.
Cả nam lẫn nữ đều được khuyến khích tham gia vào mọi mặt của đời sống cộng đồng, tham gia bầu cử Baha’i , đều được quyền phụng sự trong các hội đồng quản trị cấp địa phương và quốc gia. Trong tất cả các hoạt động cá nhân và cộng đồng, người Baha’i được yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn về tính lương thiện, sự tin cậy, lòng trắc ẩn, sự công bằng, là những công dân trung thành và tuân tùng luật pháp của đất nước nơi họ sinh sống. Các cộng đồng Baha’i không chấp nhận bất cứ sự trợ giúp tài chánh nào từ các cá nhân hoặc tổ chức không phải là Baha’i, thay vào đó mọi hoạt động tôn giáo đều dựa hoàn toàn vào việc đóng góp tự nguyện của các tín đồ Baha’i.
Tín đồ Baha’i sử dụng một niên lịch mới gồm 19 tháng, mỗi tháng có 19 ngày- tức tổng cộng 361 ngày và thêm 4 ngày xen kẽ (hoặc 5 ngày cho những năm nhuận). Việc cử hành Lễ Mười chín Ngày và các Thánh Lễ đều căn cứ vào niên lịch này. Một thời kỳ trai giới hàng năm được giữ trong suốt 19 ngày trước Tết Baha’i rơi vào Xuân phân tại Bắc Bán cầu (21 tháng 3) . Đó là lúc dành để suy tưởng về sự tiến bộ tinh thần của mỗi người, trong thời gian này tín đồ Baha’i nhịn ăn nhịn uống từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn.
Giáo lý của Đức Baha’u’llah gắn tầm quan trọng lớn lao cho cơ cấu gia đình là nền tảng của xã hội loài người. Tính chất thiêng liêng của hôn lễ, sự công nhận bình đẳng giữa vợ chồng và trách nhiệm giáo dục con cái được đặc biệt coi trọng. Việc ly dị không khuyến khích nhưng không cấm. Về cá nhân, giáo lý Baha’i nhấn mạnh sự quan trọng của việc cầu nguyện và suy tưởng hàng ngày. Nghiêm cấm việc dùng rượu và ma túy, ngoại trừ việc chữa bệnh theo toa của thầy thuốc.
Cá nhân và cộng đồng được truyền cảm ứng từ các bộ Thánh kinh do Đức Bab, Đức Baha’u’llah, Đức Abdul-Baha trưởng nam của Ngài mặc khải, và của Đức Shoghi Effendi, người chắt của Đức Baha’u’llah được Đức Abdul-Baha chỉ định làm Giáo hộ của Tôn giáo Baha’i khi Ngài thăng thiên. Không có chế độ tu sĩ để hướng dẫn đời sống cho cá nhân tín đồ. Sự tiến bộ tinh thần của các cá nhân được trợ lực bằng việc học tập và suy gẫm các giáo lý Baha’i, cùng với việc tham gia tích cực trong đời sống cộng đồng.
Tại cấp địa phương và cấp quốc gia của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i , các hoạt động phụng sự đóng một vai trò quan trọng. Phần lớn các hoạt động này là những dự án nhỏ về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, kinh tế và môi trường. Các dự án được xếp loại từ các trường sơ cấp, đến các khoá học cao đẳng, đại học, từ các dự án giáo dục và nông nghiệp làng xã cho đến việc tham gia vào các chương trình lớn về tái trồng rừng. Đa số các dự án này thực hiện ở cấp cơ sở, dựa vào nguồn lực và sự phối hợp ở địa phương.
Cộng đồng Baha’i Quốc tế
Vào năm 1948, chỉ sau ba năm thành lập Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng Baha’i Quốc tế (BIC) đã được ghi danh trong các Tổ chức Quốc tế Phi chính phủ tại Phòng Giao tế của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay cộng đồng Baha’i Quốc tế giữ tư cách tư vấn tại Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) và Qũy Nhi đồng Quốc tế (UNICEF), cộng đồng Baha’i Quốc tế còn có các mối liên hệ hoạt động gắn bó với các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc. Cộng đồng Baha’i Quốc tế có một văn phòng đảm trách các vấn đề Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ với một văn phòng chi nhánh tại Geneva, các văn phòng về Môi trường và về sự Thăng tiến Phụ nữ cũng đặt tại New York.
Suốt hơn trăm năm sau ngày thăng thiên của Đức Baha’u’llah, đã có một Cộng đồng Baha’i duy nhất khắp thế giới với trên năm triệu tín đồ, gắn kết chặt chẽ với nhau bởi một hệ thống các cơ cấu công cử, bao gồm khoảng 13.000 Hội đồng Tinh thần Địa phương, 181 Hội đồng Tinh thần Quốc gia và một cơ quan quản trị quốc tế là Toà Công lý Quốc tế đặt trụ sở tại Trung tâm Baha’i Thế giới ở Haifa, Israel.
“Đây là Ngày mà Ân Huệ tuyệt hảo nhất của Thượng Đế đã được ban cho loài người, Ngày mà thiên ân vĩ đại nhất của Ngài được tuôn đổ xuống mọi tạo vật. Tất cả các dân tộc trên thế giới có trách nhiệm phải xóa bỏ mọi khác biệt, và, với sự thống nhất và hòa bình toàn vẹn, tề tựu dưới bóng cây quan phòng và yêu thương của Ngài.”
(http://www.bahai.org.vn/)
Đạo Baha’i là gì?
Đạo Baha’i là một tôn giáo thế giới độc lập có những tín đồ ở khắp mọi nơi.
Cộng đồng thế giới Baha’i gồm những người thuộc đủ mọi quốc tịch, giai cấp, ngành nghề.
Hiện nay có trên 6 triệu tín đồ Baha’i sống tại 118,000 địa phương thuộc 200 quốc gia và lãnh thổ.
Tín đồ Baha’i phát xuất từ các tôn giáo, văn hóa và chủng tộc khác nhau.
Có hơn 2000 chủng tộc và bộ lạc trong tôn giáo này.
Đặc điểm của cộng đồng Baha’i
Không có tu sỹ trong đạo Baha’i. Những buổi họp địa phương do hội đồng tinh thần địa phương tổ chức. Buổi họp gồm có cầu nguyện, học hỏi giáo lý, thảo luận, những hoạt động xã hội, dự các ngày thánh lễ. Quan trọng hơn cả là “Lễ 19 ngày” trong đó có những buổi cầu nguyện, quản trị hội thánh và những hoạt động xã hội liên hệ.
Người Baha’i tin rằng mục đích của đời sống là hiểu biết và tôn thờ Thượng Đế, đồng thời xây dựng một nền văn minh tiến bộ không ngừng.
Thúc đẩy bởi niềm tin trên, người Baha’i đã và đang phấn đấu từ hơn 150 năm nay để đem lại sự thống nhất nhân loại, hòa bình, và trật tự thế giới.
Theo Thánh Kinh Baha’i, những mục tiêu trên sẽ được thực thi bằng:
+ công nhận về tính cách duy nhất của nhân loại
+ hủy bỏ mọi hình thức thành kiến
+chấp nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ
+công nhận sự thống nhất và sự liên hệ về mặc khải của các tôn giáo
+xóa bỏ sự chênh lệch giàu nghèo quá đáng
+khuyến khích giáo dục phổ thông
+ mỗi người tự tìm hiểu chân lý một cách độc lập
+ thiết lập một tòa công lý quốc tế
+ chấp nhận một ngôn ngữ phụ chung cho thế giới
+công nhận một sự hòa hợp giữa tôn giáo và những tiến bộ khoa học
“Tôi làm chứng trước Thượng Đế rằng mỗi biểu hiện trên đã được truyền xuống qua tác động của Ý Muốn và Mục Đích Thánh Linh, và rằng mỗi biểu hiện trên đều mang những sứ điệp riêng biệt được chép trong Thánh Kinh mặc khải”.
Baha’u’llah
Tóm lược lịch sử đạo Baha’i
Đạo Baba’i được thành lập tại Ba Tư bởi đức Baha’u’llah (1817-1892).
Baha’u’llah có nghĩa là “Vinh Quang của Thượng Đế”.
Từ Baha’i do chữ baha’ (“vinh quang” hay “tráng lệ”) có nghĩa là người theo đấng Baha’u’llah.
Đạo Baha’i có liên hệ với đạo Ba’bi’ được sáng lập năm 1844 bởi đức Ba’b (1819-1850).
Từ Bab có nghĩa “cái cổng”.
Đức Bab tuyên bố rằng Ngài không những chỉ là người sáng lập một tôn giáo độc lập mà còn là một sứ giả lớn lao của Thượng Đế muốn thiết lập một kỷ nguyên hòa bình cho nhân loại.
Đức Bab bị đàn áp bởi chính quyền Ba Tư và bị xử bắn bởi một đoàn quân gồm 750 binh sĩ nhằm triệt hạ tôn giáo của Ngài.
Năm 1863, Baha’u’llah tuyên bố Ngài là đấng mà đức Bab đã tiên báo.
Baha’u’llah bị lưu đầy khỏi Ba Tư, tới những miền khác nhau thuộc đế quốc Ottaman, cuối cùng đến năm 1850, Ngài được gửi tới thành Akka thuộc xứ Palestine như là một tù nhân.
Baha’u’llah qua đời tại đó năm 1892.
Trong di chúc, Ngài chỉ định trưởng nam của Ngài, Abdul Baha (1844-1921), lãnh đạo cộng đồng Baha’i và có thẩm quyền giải thích những Thánh Thư Baha’i.
Đến lượt Abdul Baha’u’llah, Ngài chỉ định cháu ngoại, Shoghi Effendi (1896-1957) là người kế vị và có thẩm quyền cắt nghĩa những giáo lý của Baha’i.
Shoghi Effendi được biết như Đức Giáo Hộ của Chánh Đạo.
Ngày nay, cộng đồng Baha’i thế giới được quản trị bởi tòa Công Lý Quốc Tế.
Huấn lệnh về quản trị đạo Baha’i
Hệ thống quản trị đạo Baha’i dựa trên sự hướng dẫn tổng quát của Baha’u’llah và được dẫn giải chi tiết và thực thi bởi Shoghi Effendi.
Ở cấp quản trị địa phương, quốc gia, quốc tế, mỗi cơ quan gồm 9 người được bầu bằng phiếu kín, không được vận động, không có đề cử mà cũng không có ứng cử. Ở cấp địa phương, quốc gia, cơ quan này được gọi là Hội Đồng , hội đồng này được bàu hàng năm. Hội đồng địa phương do hội viên địa phương bàu, hội đồng quốc gia do các đại biểu của hội đồng địa phương bàu. Hiện nay có tới 11,740 hội đồng địa phương và 182 Hội Đồng Tinh Thần Quốc Gia trên thế giới.
Cơ quan quốc tế còn gọi là Tòa Công Lý Quốc Tế được bàu 5 năm một lần tại Haifa, Do Thái do một đại hội quốc tế gồm các thành viên của tất cả Hội Đồng Tinh Thần Quốc Gia.
Khi quản trị những công việc của cộng đồng, cơ chế Baha’i dựa trên sự tham khảo bao gồm việc thảo luận rộng rãi và ngay thẳng về những vấn đề được đem ra cứu xét.
Những vấn đề đem ra thảo luận phải đi tới những quyết định cụ thể dựa trên giáo lý, và không bị chi phối bởi quan điểm cá nhân.
Bùi Đức Hợp
Bản Dịch Baha’i Faith
05-22-2009 08:23:46
Discussion about this post