Tác phẩm mà quý độc giả đang có trên tay không phải là quyển sách được viết theo hướng chủ đề, theo đó các chương nối kết và liên hệ nhau về nội dung.
Tác phẩm, gồm 5 chương, được đức Dalai Lama trình bày trong các pháp hội khác nhau, được tập đại thành. Nội dung của các bài pháp thoại này liên hệ đến nhận thức tuệ giác.
Trong chương 1, ngoài việc mô tả 12 nhân duyên, đức Dalai Lama phân tích các dị biệt giữa Phật giáo với Số Luận và Kỳ Na Giáo. Bên cạnh đó, ngài còn phân tích 12 mắc xích duyên khởi qua cái nhìn của Bồ-tát Văn Thù. Phương pháp tỷ giảo này giúp ta hiểu rõ mối liên hệ mật thiết giữa duyên khởi và tánh không theo nghĩa: Vì duyên khởi nên không thực thể (không tính) và cái gì không thực thể, cái đó chính là duyên khởi.
Trong chương 3, đức Dalai Lama phân tích giá trị nhận thức và ứng dụng Bồ-đề tâm. Căn cứ vào kinh điển, ngài đã so sánh giữa Long Thọ và Tông Khách Ba, cụ thể qua hai tác phẩm Trung Quán Luận vàGiải thoát thứ đệ Luận (Lam Rim). Sự phát khởi Bồ-đề tâm bắt đầu bằng sự làm chủ thân và tâm, lời nói và việc làm theo hướng chánh niệm. Kế đến, hành giả đối trị và vượt qua điên đảo, vọng tưởng, vô minh si ám – tương đương với trí tuệ nội quán theo triết học Tánh không. Lý tưởng về sự giác ngộ và sự hướng tâm về sự giác ngộ cần được phát khởi song hành với đại bi tâm, nhằm giải quyết nỗi khổ niềm đau của chúng sanh. Thái độ vô ngã, hành động vị tha, vượt qua thù ghét, chuyển hóa sân hận cần được thực tập rốt ráo để có được bồ-đề tâm. Phương pháp văn, tư, tu trong truyền thống cần được thực tập để tâm bồ-đề giúp hành giả đạt đến giải thoát. Truyền thống Tây Tạng còn hướng dẫn hành giả quán tưởng Bồ-tát Văn Thù, hiện thân trí tuệ, để phát sinh tuệ giác thâm sâu. Thực tập giới, định, tuệ và các phương pháp chuyển hoá có khả năng giúp hành giả khai phát tâm bồ-đề.
Phân tích về tánh không, đức Dalai Lama nhấn mạnh đến lý giải truyền thống. Hành giả khởi đi từ tuệ giác phổ quát: Các hành là vô thường, vô thường kéo theo khổ, trong đau khổ quán vô ngã và niết-bàn là an lạc tuyệt đối. Cái gọi là thực tại, thực ra là tập hợp của những vật thể mà tính thực của nó là không thực thể (không), lại càng không phải là chủ tể thường hằng (vô ngã). Nhận diện thực tướng tánh không, một mặt hành giả điều chỉnh nhận thức sai lầm về ngã (atman) của các trường phái triết Ấn Độ và nhất thần giáo nói chung, mặt khác giúp hành giả thoát khỏi mọi hệ luỵ do chấp ngã và chấp pháp từ phương diện cảm xúc và nhận thức.
Triết học Trung Quán của ngài Long Thọ và triết học Du-già của ngài Thế Thân dù khác nhau về cách tiếp cận và lý giải, nhưng giống nhau về bản chất giải thoát. Khi đạt được nhận thức nhân vô ngã và pháp vô ngã, hành giả không còn chấp trước về hiện hữu (biến kế sở chấp tánh), phân định mọi thứ trên học thuyết duyên khởi và tương tức (y tha duyên khởi tánh), từ đó chứng nghiệm bản chất như thật của thực tại (viên thành thật tánh). Đối với triết học Trung Quán, đó cũng chính là tánh không.
Chương 4 đề cập năng lực gia trì của Văn Thù, biểu tượng của tuệ giác vô thượng, đức Dalai Lama hướng dẫn cách thực tập phát sinh tâm giác ngộ, bất bạo động và từ bi. Hành trì theo pháp môn Văn Thù, hành giả cần nương tựa vào ba ngôi tâm linh (Tam bảo), sống đời đạo đức thanh cao (giới), thực tập thiền quán miên mật (định) để phát triển trí tuệ (tuệ). Nhờ đó, người thực tập có thể tịnh hóa các nghiệp tiêu cực và tích luỹ dần phước báo và công đức.
Phát nguyện là phương diện tích cực của hành trì. Hành giả phát nguyện chuyển hóa ba độc của tâm thức (tham, sân, si), nguyện đạt được trí tuệ, nguyện vượt qua mọi chướng ngại, nguyện trung thành với lý tưởng Bồ-tát. Tiếp nhận pháp quán đỉnh khai tâm, hành giả quán Bồ-tát Văn Thù trên đỉnh đầu của mình, không nên quán vào bổn tôn Văn Thù ngay từ ban đầu.
Phương pháp quán này đại khái như sau. Trong bổn tôn, Bồ-tát Văn Thù có màu cam, tay phải cầm gươm trí tuệ, tay trái cầm hoa sen thanh tịnh. Tại mão mũ, quán Văn Thù màu trắng. Tại cổ, quán Văn Thù màu đỏ. Tại tim, quán Văn Thù màu xanh dương. Hoặc có thể quán Bồ-tát Văn Thù trong mạn-đà-la hoàn chỉnh. Sau đó, quán tưởng trong vô số các Phật và Bồ-tát, ngài Văn Thù ở vị trí trung tâm. Lại quán trên đỉnh Bồ-tát Văn Thù là Bất Động Tôn, có gương mặt màu xanh dương và hai tay cầm chày kim cương. Các biểu tượng chỉ cho trí tuệ này của Bồ-tát Văn Thù nên được quán hòa vào từng lỗ chân lông của người thực tập. Nhờ quán tưởng như thế, tâm bồ-đề và năng lực tuệ giác sẽ phát sinh.
Chương 5, như tên gọi, Đối thoại với đại sư Thánh Nghiêm, ghi chép lại các phương pháp quán chiếu của Thiền tông Trung Quốc, bắt đầu từ Tổ Bồ-đề Đạt-ma cho đến ngài Huệ Năng. Các phương pháp quán chiếu truyền thống như bốn đối tượng quán niệm (Tứ niệm xứ), quán niệm hơi thở (An ban thủ ý), năm phương pháp quán giúp tâm định tỉnh (Ngũ đình tâm quán) được so sánh với phương pháp công án và thoại đầu của Thiền Lâm Tế. Bên cạnh đó, đức Dalai Lama so sánh phương pháp thiền của Mật Tông Tây Tạng. Cuộc đối thoại thú vị này giúp cho hành giả hiểu rõ các phương pháp thiền khác nhau, dầu thiền chỉ hay thiền quán, dầu Ấn Độ, Trung Hoa hay Tây Tạng cũng nhằm hướng đến việc phá nghi khai ngộ, rũ bỏ phiền não, chứng đắc Phật trí.
Đọc tác phẩm này, độc giả có cái nhìn bao quát về trí tuệ qua các phương diện nhận thức: Duyên khởi, tánh không, bồ-đề tâm, trí tuệ Văn Thù và thiền quán giải thoát. Giá trị của tác phẩm không chỉ dừng lại ở chỗ cung các cấp thông tin về tuệ giác mà còn hướng dẫn sự hành trì về pháp môn Văn Thù theo truyền thống Kim cang thừa. Đó là nơi tri hành hợp nhất, kiến thức và sự giác ngộ gặp nhau.
Giác Ngộ, ngày 15 tháng 10 năm 2010
Thích Nhật Từ
Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
Discussion about this post