TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT
Nam Phương
Tự do là hai tiếng yêu thương nói lên nỗi khát khao, mong ước của muôn loài, muôn vật gọi chung là chúng hữu tình, là những chúng sanh mang nhiều cảm xúc vui buồn, khổ đau, sợ hãi… Vì vậy tự do là điều vô cùng thiêng liêng và quan trọng đối với mọi sinh linh. Khi đọc những câu thơ trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ chúng ta có thể thấu hiểu và đồng cảm với tác giả về nỗi buồn đau, uất hận của chúa tể sơn lâm khi bị sa cơ thất thế cũng đành phải ngậm buồn nơi cũi sắt và một khi tự do không còn thì chẳng có gì có thể bù đắp được. Bài thơ này tác giả cũng mượn ý để gởi tặng nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khi bị chính quyền Ngô Đình Diệm cầm tù.
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua….
Hoặc như
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới….
…Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu….
Và với những câu như :
Gia kê hữu thực, thang oa cận.
Dã hạc vô lương, thiên địa khoan
Có thể hiểu rằng gia súc trong nhà được dưỡng nuôi đầy đủ thì có nồi nước sôi kề cận. Loài chim hoang dã tự mưu sinh lại có được trời đất thênh thang. Chắc hẳn rằng muôn loại chúng sinh cũng đều sẳn sàng chọn lựa con đường tự do, dù có phải trả giá cho sự gian truân, vất vả. Chính vì điều này mà Đức Phật với lòng từ bi rộng lớn Ngài đã dành trọn tình thương cho vạn loại chúng sinh trong xuyên suốt cuộc đời, cũng như hết thảy trong những lời giáo huấn, Ngài hoàn toàn dựa trên tinh thần tự do, tự giác này, không hề ràng buộc hay áp bức một ai. Đức Phật luôn nói “Như Lai là người thầy chỉ đường” đó là điểm đặc biệt nơi Đạo Phật. Chúng ta không thể tìm thấy trong bất cứ tôn giáo nào có sự tự do hơn thế. Trong lịch sử truyền giáo và phát triển, ở bất cứ nơi nào mà Đạo Phật đi qua đều luôn mang đến sự dung hợp hài hòa, chẳng hề có dấu vết để lại của hận thù hay tranh chấp. Ngay cả về hình thức tôn thờ Đức Phật cũng vậy, mỗi nơi đểu có thể vẽ tạc nên hình tướng của Ngài theo cách riêng của người dân địa phương để thấy được sự gần gũi, thân thương mà chẳng có gì là sai khác hay bị chống đối. Tất cả hình ảnh, tôn tượng Đức Phật của Nhật bản, Trung quốc, Thái lan hay Việt nam …đều được tôn kính như nhau, bởi Phật luôn là biểu tượng đẹp của lòng từ bi thánh thiện. Cho nên Đạo Phật được ví như nước với thể chất nhẹ nhàng, mềm mại có thể dung chứa dễ dàng và thuận thảo ở khắp mọi nơi.
Từ lúc còn là một Thái tử nhỏ trong hoàng cung Đức Phật đã thể hiện tình thương qua việc tranh luận để dành chiến thắng mới giữ được ngỗng trời do Đề bà Đạt Đa bắn rơi, sau đó Ngài chữa trị vết thương cho ngỗng và thả ngỗng về trời. Một đức hạnh cao quý xuất phát nơi tình thương đồng thời cũng là để giải thoát mang lại sự tự do cho chúng sinh. Rồi khi đến tuổi trưởng thành xuất gia và thành đạo, Đức Phật cũng chỉ một lòng vì tình thương ban phát những lời giáo huấn trong ba tạng kinh điển là Kinh, Luật và Luận, mà trong đó hầu hết là những pháp số. Như ở Vi diệu pháp thuộc về tạng Luận, bàn về các loại Tâm vương,Tâm sở. Hay 37 phẩm trợ đạo thuộc tạng Kinh nói về những lợi ích hỗ trợ cho việc tu tập và ở tạng Luật thì có đến mấy trăm giới dành cho các vị Tỳ kheo tăng ni, với hàng cư sĩ thiện nam, tín nữ cũng có một số những giới luật riêng. Nhưng cụ thể trong toàn bộ kinh điển Đức Phật để lại đều là những con số rất rõ ràng, chi tiết cho tất cả mọi người có thể học hỏi và nghiên cứu. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây Đức Phật không khuyến khích những người tu theo Đạo Phật phải làu thông kinh điển mà điều cần thiết vẫn là sự thực hành, nếu thiếu thực hành Đức Phật gọi chỉ là những chiếc đảy sách không có lợi ích gì. Không cần phải thông hiểu kinh điển vẫn có đầy đủ phước báu, trí tuệ một khi thực hành những lời dạy đơn giản của Đức Phật
Tránh tất cả các việc ác
Làm tất cả các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Ngoài ra để uyển chuyển, dễ dàng hơn còn có con số tượng trưng 84 ngàn pháp môn cho mọi người tùy duyên tu tập, thực hành, cũng là một trong những điều tự do nơi Đạo Phật. Trong cung cách hành đạo Đức Phật và Tăng chúng dùng phương tiện khất thực thường nhật để nuôi sinh mạng theo truyền thống của Chư Phật nhiều đời, trước tiên là để gột rửa bản ngã kiêu mạng nơi tự thân và thứ hai là thực phẩm cúng dường không nhất thiết phải là chay hay mặn, cũng là để sự dễ dàng thuận tiện cho những người dâng cúng. Vì vậy khi Đề bà Đạt Đa yêu cầu Đức Phật chỉ định luật bắt Tăng chúng phải dùng chay thì Ngài từ chối, bởi Đức Phật cho rằng thực phẩm chỉ là phương tiện nuôi sống con người, việc bắt buộc là điều không hay.Tuy nhiên vì lòng từ bi Đức Phật dạy một vị Tỳ kheo cần phải tuân giữ phápTam tịnh nhục mới không bị phạm giới nghĩa là không nghe, không thấy và không bảo giết sinh vật cho mình thọ dụng.
Cũng vì sự tự do như đã nói ở trên, khi Phật còn tại thế Ngài cũng không cho thành lập giáo hội có hệ thống, dù chắc rằng khi thành lập Ngài sẽ là người đứng đầu giáo hội và thống lãnh Tăng đoàn. Thế nhưng theo cách giáo huấn của Đức Phật, mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, không ai quản trị ai cả mà chính mình phải tự làm chủ lấy mình, phải chịu mọi trách nhiệm cho hành động của chính mình. Vì vậy Đạo Phật không có chủ trương kêu gọi người khác theo về với Đạo Phật. Không cần phải có giáo hội, không cần có người quản trị, tất cả Tăng chúng chỉ cần dựa trên hạ lạp là tuổi hạ được tính từ khi bắt đầu thọTỳ kheo và mỗi năm phải có đủ 3 tháng An cư kiết hạ. Đơn giản có vậy các vị Thánh tăng dưới thời Đức Phật luôn sống trong tinh thần từ hòa, thuận thảo và tôn trọng lẫn nhau, chỉ đến khi Tăng đoàn bắt đầu đông đảo hơn mới có sự phiền phức xảy ra giữa những phàm tăng với nhau.
Trong lịch sử Phật giáo VN vào thời kỳ Đạo Phật vừa mới phát triển trong triều đại Đinh Lê rồi đến thời kỳ hưng thịnh Lý Trần cũng không có Giáo hội. Mặc dù vào thời nhà Đinh có Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu là người đức hạnh, tài giỏi được vua Đinh Tiên Hoàng tôn kính ban tặng danh hiệu Tăng thống là tước vị đầu tiên trong lịch sử PGVN, với ý nghĩa thống lãnh Tăng đoàn. Nhưng thật sự Ngài Khuông Việt không hề thống lãnh ai, cho đến khi tuổi đã lớn Ngài thôi không giữ chức vụ Tăng thống nữa quay về chốn tổ mở trường dạy học, đi thuyết giảng đó đây. Ngoài ra còn có Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người tài đức, từng là cố vấn cho Vua Lê Đại Hành và là vị thầy có nhiều công trạng đã đưa học trò Lý công Uẩn lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tổ, mở đầu cho triều đại nhà Lý lâu dài nhất và cũng là thời kỳ làm cho Phật Giáo hưng thịnh. Đối với các bậc cao tăng thạc đức cho dù được vua chúa kính trọng vẫn luôn sống thuận theo lẽ đạo, không hề thống lĩnh chùa chiền hay các vị sư khác, mà mỗi nơi tự viện các vị Thiền sư cũng chỉ dùng đức độ của mình để tiếp tăng độ chúng, hầu duy trì mạng mạch Phật Pháp như lời Đức Phật thường dạy các bậc trưởng tử xuất gia, phải luôn giữ gìn công hạnh “ Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” cùng với tâm niệm Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật.
Vì thế vào những thập niên đầu của Thế kỷ trước, khi phong trào chấn hưng Phật Giáo bắt nguồn từ Trung hoa lan rộng đến VN, đã có sức ảnh hưởng rất lớn, mặc dù đất nước lúc bấy giờ vẫn còn đang trong thời kỳ Pháp thuộc. Nhờ vậy, một số các vị Thiền sư cũng nương theo phong trào mà thành lập nên những tổng hội, hội đoàn Phật Giáo suốt từ Bắc chí Nam, mở nhà xuất bản phát hành sách báo để phổ biến Phật Pháp, khai giảng các lớp Phật học ở khắp nơi để đào tạo tăng tài. Ngoài ra còn có sự tham gia tích cực của các vị cư sĩ với những đóng góp đáng kể về mặt tài chánh, góp phần vào việc phát triển đạo pháp. Bên cạnh đó cũng có một số cư sĩ khác thay vì hỗ trợ cho việc phát triển giáo pháp lại dựa trên giáo lý của Đạo Phật, sửa đổi chút ít về cách hành đạo để lập ra môn phái riêng cho mình như Cao đài, Hòa hảo, Tịnh độ cư sĩ.. hoặc có Sư Minh Đăng Quang thành lập giáo phái Khất Sĩ. Nhìn chung những tông phái mới này đều tôn kính Đức Phật Thích ca Mâu ni nên cũng được đa số quần chúng tin theo, ủng hộ. Các giáo phái được thành lập trong thời kỳ ấy cho đến nay vẫn còn tồn tại đều dựa trên tinh thần hòa hợp, dung dị, không hề có sự mâu thuẫn hay kình chống nhau. Có lẽ cũng nhờ vào tinh thần từ bi căn bản của Đạo Phật. Trong cuốn Việt nam Phật giáo sử luận tập 3 của tác giả Nguyễn Lang nói rất rõ về giai đọan này.
Tuy nhiên sau cuộc cách mạng ngày 1-11-1963, vào tháng 1- 1964 lần đầu tiên PGVN tổ chức đại hội, quy tụ những hội đoàn, đoàn thể nhỏ lẻ của Phật giáo để thành lập một giáo hội chính thức với tên gọi Giáo Hội Phật giáo VN Thống nhất. Nhưng rồi thời gian tiếp theo sau đó cái tên gọi thống nhất ấy lại chẳng bao giờ được mang đúng ý nghĩa của nó như mọi người mong đợi, mà ngược lại còn phát sinh quá nhiều mâu thuẫn, phân hóa gây chia rẻ trầm trọng không thể nào ngăn chận được cho đến tận bây giờ, để rồi không còn là một giáo hội nữa mà quá nhiều giáo hội khiến Phật tử hoang mang không biết đứng trong hàng ngũ giáo hội nào, một điều thật sự lẽ ra không nên có trong Đạo Phật. Có lẽ Đức Phật đã biết trước tâm thức của con người nên Ngài không có chủ trương thành lập giáo hội.
Đạo Phật là đạo tự do, muốn tu theo cách gì cũng đươc thiền tông, mật tông, trì kinh, bái sám, tịnh độ.. đều được cả. Chính vì vậy có nhiều cá nhân do mưu cầu danh lợi đã mượn danh nghĩa Đạo Phật làm những điều không hợp lẽ đạo, gây nên nhiều ngộ nhận tổn thương có thể kể đến, như Thanh Hải Vô thương sư đã bị chính quyền Hoa kỳ cấm nhập cảnh, Dirje chang Budda III tự xưng là Tối thương Phật hay Sakyong Mipham Ringoche, Sogyal Ringoche… khiến Đức Đạt lai lat Ma phải lên tiếng hoặc như Osho của thế kỷ trước cũng đã bị Hoa kỳ trục xuất vì có những hoạt động không lành mạnh, nhập nhằng, pha tạp đủ loại tôn giáo trong đó có Đạo Phật. Không chỉ vậy còn có rất đông những thành phần gọi là Trưởng tử Như Lai đắp y, mang bát của Phật, ở ngay trong các Tự viện cũng hành sử nhiều điều sai trái mà báo chí khắp nơi đã đưa tin. Điều này càng cho thấy Đức Phật quả thật là con người có trí tuệ toàn năng khi biết trước mọi việc và nhắc nhở chúng sanh phải luôn nhớ rằng : Khi Như Lai nhập diệt chỉ có giáo pháp là Thầy, phải nương theo pháp và nương tựa nơi chính mình. Câu nói vắn tắt “Y pháp bất y nhân” thật ngắn gọn dễ hiểu.
Mặc dù có những hiểu lầm, ngộ nhận hay thậm chí bôi bác Đạo Phật của những người thiếu hiểu biết thì thật sự cũng chẳng sao cả, vì Đức Phật đã dạy mọi điều trên thế gian đều có sự công bằng thông qua luật Nhân Quả. Một khi đã tin vào nhân quả sẽ giúp cho tâm hồn nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, không cần thiết phải bức xúc hay bận lòng mỗi khi nhìn thấy những điều không thuận mắt. Bởi vì mọi hành động, lời nói hay cả tâm ý dù không ai biết cũng đểu nhận được những quả thiện hay bất thiện tùy vào nhân đã gieo. Với cách thức giáo dục của Đức Phật như vậy, sẽ không phải lo lắng vì con người sẽ làm hư hoại đạo pháp, cho dù Đức Phật có nói trong kinh giáo pháp của Ngài chỉ tồn tại đến 5000 năm. Thật sự thì không phải giáo pháp chấm dứt mà do nơi con người khi không còn trí tuệ sáng suốt, khi tâm thức bị vô minh dầy đặc bao phủ sẽ khó thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật và sẽ không còn giữ được những giới hạnh thanh tịnh nữa, thì chính con người bị hư hoại chứ giáo pháp không hề hư hoại hay mất đi. Trong một đoạn kinh Đức Phật có nhắc đến thời kỳ gọi là đao kiếm thịnh, vào thời kỳ này con người không còn biết giữ giới là gì, mà còn trở nên hung hăng dữ tợn như loài cầm thú, có thể chém giết lẫn nhau một cách dễ dàng, vô cớ. Không biết giờ đây đã là thời kỳ đao kiếm thịnh chưa mà hằng ngày cũng có quá nhiều những cái chết xảy ra thật bất ngờ và phi lý, cho dù tuổi thọ của giáo pháp mới chỉ đi được một nửa thời gian.
Đạo Phật đem đến cho con người một đời sống chân thật, an hòa nếu tin giữ, hành theo lời dạy của Đức Phật sẽ không phải lo âu sợ hãi bất cứ điều gì ngay cả thánh, thần, ma, quỷ vô hình và cũng không cần phải bận tâm về cái chết, điều mà con người luôn lo lắng, sợ hãi vì thật ra đó chỉ là những dòng chảy luân hồi tự nhiên mà mọi người mặc nhiên là phải chấp nhận. Đạo Phật rất thực tế và khoa học nên những gì trừu tượng và làm tâm thức con người phải sợ hãi lệ thuộc, thì đó không phải là Đạo Phật. Điều này đã khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy hứng thú để tìm hiểu về Đạo Phật và tin theo. Có không ít các nhà khoa học đã tán dưong Đức Phật về những lời giáo huấn thực tiễn mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Riêng nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein còn khẳng định rằng: Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo cũng không cần từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. (Trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein, Stanford )
Là những người con của Đức Phật hẳn rằng rất vui khi đọc đưọc những dòng nhận xét này và càng vui hơn nữa vì đang được sống trong ánh hào quang của giáo pháp Đức Phật. Đừng nghĩ rằng Đạo Phật là đạo tự do để dễ duôi, mà đây là sự tự do trong nghiêm túc với rất nhiều những giới luật tinh tế, có thể giúp mỗi cá nhân khi thực hành những lời dạy của Đức Phật sẽ có một tư cách trang nghiêm, một đời sống cao thượng. Nếu phải biết ơn cha mẹ vì đã cho ta tấm thân ngũ uẩn thì Đức Phật chính là người cha lành, là vị Thầy hướng dẫn tâm thức cho con người tuyệt với nhất.
Discussion about this post