TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO
VÀ TÍN NGƯỠNG TÂM LINH
Minh Mẫn
Hiện nay, vấn đề tín ngưỡng trở thành một trong những nhu cầu không thể thiếu trong bất cứ quốc gia nào; cho dù một quốc gia duy vật khắc khe, việc tín ngưỡng không được bộc lộ công khai, nhưng một cá nhân đối diện trước những khổ đau, vấn nạn bức bách, họ sẽ hướng về đâu để hy vọng thoát những khổ đau, tai ương hay mong cầu một lý tưởng nào đó sẽ trở thành hiện thực khi mà xã hội và luật pháp không giúp họ toại nguyện?
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, Liên sô, Đông Bá Linh, Cu Ba, Trung Cộng…Những nước một thời theo chủ nghĩa Duy vật chuyên chế, thế nhưng, khi bức tường ngăn cách Duy vật và Tư bản giải tỏa, quần chúng đổ xô tìm đến Tôn giáo, hoặc là Tôn giáo đã từng tồn tại ở bản địa hay Tôn giáo mới, không chỉ gửi gắm niềm tin để giải tỏa những thực tế bất như ý mà còn nuôi mầm sống hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn, ở một kiếp sống khác sau khi lìa đời; niềm tín như thế, dưới cái nhìn thực dụng, đó là niềm tin trốn chạy thực tại. Cho dù niềm tin như thế nào vẫn là một loại tín ngưỡng dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thấp hơn và phổ biến một cách chất phác hơn – đó là loại tín ngưỡng nhân gian, một tín ngưỡng tự phát, không thuộc hệ thống có tổ chức như Tôn giáo. Khi niềm tin mang tính cao hơn, họ đến với Tôn giáo như một sự lựa chọn chân thật hơn, đức tin rõ ràng hơn, đôi khi cũng cuồng tín hơn là tín ngưỡng nhân gian, vì họ chịu sự hướng dẫn của một tổ chức được gọi là giáo hội, Hội Thánh…
Tôn giáo
Hầu hết các Tôn giáo khởi phát từ một đấng giáo chủ đều có khuynh hướng Tâm linh, nghĩa là sự xuất hiện của đấng nào đó tìm cách giải phóng những bất toàn trong hiện thực, đưa đến một lý tưởng siêu thực; khi quy tụ được một số tín đồ thân cận, bắt đầu hình thành một tổ chức Tôn giáo, trãi qua thời gian, mọi cơ cấu hình thành một Tôn giáo có hệ thống hơn, từ đó, có giáo chủ, giáo quyền, giáo sản, giáo luật và vô số điều luật phát sanh tương ứng với trình độ xã hội.
Ấn giáo : Ấn độ cũng thế, xa xưa là những hình thái tín ngưỡng nhân gian. Ấn Độ cổ đại được biết với danh xưng là Hindu, nhưng đặc biệt một loại tôn giáo không có giáo chủ, chỉ có Thần thoại và Tăng lữ đảm trách lễ nghi, ngoài ra chỉ có triết học, nghi tế đa thần, dần dà đưa đến giai cấp tế lễ của Bà La Môn giáo. Chúng kết tập qua nhiều thời kỳ bởi sự đóng góp của các hiền nhân về quan niệm sáng tạo, hiện tượng vũ trụ và những tương quan trong cuộc sống.
Hồi giáo: Hồi giáo còn gọi là đạo Islam, là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo Abraham. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo, và là tôn giáo với số tín đồ hiện nay là 1,57 tỷ, chiếm 23% dân số thế giới.
Hồi giáo ra đời vào thế kỷ 7 tại bán đảo Ả Rập, do Thiên Sứ Muhammad nhận mặc khải của thượng đế truyền lại cho con người qua thiên thần Jibrael. Đạo Hồi chỉ tôn thờ Allah Đấng Tối cao, Đối với tín đồ, Muhammad là vị Thiên Sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên Kinh Qur’an, qua Thiên thần Jibrael.
Người Hồi giáo tin tưởng các vị sứ giả đến trước sứ giả Muhammad, kể từ Adam đến Jesus xuyên qua Noah, Abraham, Moise, v.v. Họ cũng tin tưởng Cựu ước và Tân ước là kinh sách của Allah nhưng họ không thi hành theo vì sự “lệch lạc” của người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo tạo ra và thiên kinh Qur’an được Allah mặc khải xuống để điều chỉnh lại những gì đã sai trái ở hai kinh sách đó.
- Jesus đối với người Hồi giáo là một sứ giả rất được kính mến, nhưng họ không tin Jesus là con của Thiên Chúa (Allah), đối với họ Jesus chỉ là một con người, một sứ giả như mọi sứ giả khác vì theo quan điểm của Hồi giáo thì Thiên Chúa không có con, như Thiên kinh Qur’an đã phán:
Allah là Đấng Tạo Thiên Lập Địa! Làm thế nào Ngài có con khi Ngài không hề có người bạn đường? Chính Ngài là Đấng đã sáng tạo và thông hiểu tất cả mọi vật.” (trích 6:101)
- Hồi giáo không chấp nhận tội tổ tông, việc làm của Adam và Eve không phải là nguồn gốc tội lỗi của loài người. Và không có một ai có quyền rửa tội cho một ai khác; ngoại trừ Allah.
Sự khác nhau giữa Cựu Ước, Tân Ước và Thiên Kinh Qur’an trên quan điểm Đấng Toàn Năng như sau:
Cựu Ước: tin rằng Thiên chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình (sáng thế ký 127) và Tân ước: Ta và cha ta là một (Gioan 10:30)
Ngài là Đấng Duy Nhất. Allah Đấng Độc Lập và Cứu Rỗi. Ngài chẳng sinh ra ai và cũng chẳng ai sinh ra Ngài. Không một ai đồng đẳng với Ngài. (Thiên Kinh Qu’ran 112: 1-4.)
Hồi giáo cũng có 10 điều răn nhưng nội dung không giống Thiên chúa giáo.
Sikh giáo hay Tích-khắc giáo theo phiên âm Hán Việt, cũng gọi là đạo Sikh, do Guru Nanak sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, truyền dạy những giáo lý của Guru Nanak (người lập đạo và cũng là guru đầu tiên) và 10 vị guru khác truyền lại (người cuối cùng thành thánh trong Guru Granth Sahib). Trong tiếng Punjab, “Sikh” có nghĩa là “học trò”, hoặc “môn đệ”, còn những người Sikh là “học trò của các Guru”. Đạo Sikh không có các giáo chức, nhưng trong các gurdwaras (đền thờ của đạo Sikh) thường có những người có khả năng đọc được Sách kinh, gọi là Granthi, đứng ra trông coi việc đạo. Tuy nhiên, họ không phải là chức sắc tôn giáo.
Trong số những trụ cột chính của đạo Sikh được các Guru đạo Sikh thành lập là việc thực hành Naam Jaap (chiêm nghiệm & Thiền định về những lời nói của Guru Granth Sahib như là một phương tiện thiết yếu để khai thác tính tôn giáo và hợp nhất với Đấng sáng tạo); Guru nguyên khởi đã tích lược những triết lý của các tôn giáo có trước lập thành pháp hành tâm linh tương thích với khoa học thực dụng và khoa học tâm thức, tuy chưa thoát khỏi ngôn ngữ tôn giáo đương thời. Pháp hành Thiền định không liên hệ gì đến lễ nghi tôn giáo, vì thế, bất cứ tín đồ và chức sắc Tôn giáo nào cũng có thể chấp nhận và thực hiện để hướng đến giải thoát hoặc hội nhập với đấng toàn năng mà Phật giáo gọi là triển khai trí tuệ, khai mở Phật tánh, giác ngộ toàn chân. Sikh tuy gọi là đạo nhưng thật tế ảnh hưởng nghi lễ tôn giáo rất ít, ngoại trừ thường xuyên cầu nguyện do các chức sắc giáo sĩ thực hiện, một bộ phận khác chuyên Thiền định hướng đến thế giới tâm linh. Ngôn ngữ diễn đạt lệ thuộc tôn giáo Độc thần, nhưng tinh thần triết lý giải thoát lại tương thích với Phật giáo Phát triển. Sikh được xem là tôn giáo Đơn thần hơn là độc Thần.
Đạo Sikh không lệ thuộc quy tắc cố định của một tôn giáo, không giáo điều , không giáo chế, không có Thánh địa và không chủ trương hành hương hoặc khắc kỷ trong mùa chay hàng năm. chủ yếu là trao luyện thân tâm trong sáng hướng đến giải thoát. Không phân biệt đẳng cấp, giới tính, tôn trọng mọi sự sống , tuyệt đối không dùng động vật, chất say hay chất kích thích.Khuyến khích bố thí giúp đỡ hành thiện song song với việc Thiền định. Hầu như tinh thần đạo đức và tính triết học ảnh hưởng Phật giáo phần lớn. Vì thế đạo Sikh cũng tin vào nghiệp mình tạo và luân hồi sanh tử như Phật giáo nhưng cũng tin vào năng lực gia trì của minh sư hay của Thượng đế trên con đường tiến hóa Tâm linh. Đạo Sikh được xem như một tôn giáo cải cách, ra đời trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo đã có ở Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo.Quan niệm về một Thượng đế tại tâm không hình không tướng như Phật giáo tin vào Phật tánh của mình hay trong tư tưởng “lòng tin nơi chính mình” của Martin Luther, người đã sáng lập ra đạo Tin Lành (Protestantisme).
Đạo Sikh là tôn giáo lớn đứng hàng thứ 5 trên thế giới với lượng số 30 triệu tín đồ.
Kỳ na giáo: xuất hiện gần như cùng thời với Phật giáo. Chủ trương Kỳ na giáo mang tính khắc kỷ, khổ hạnh. Không tin có một Thượng đế sáng tạo. Không tin có một tiểu ngã Atman hòa nhập vào đại thể Brahman; không tin vào thuyết tuyệt đối. Sự giải thoát tâm linh mới là giải pháp tối hậu.Giống Phật giáo, tin vào nghiệp báo chuyển hóa và ngoại vật tùy thuộc vào tâm thức cá thể. Kềm chế đói khác và mọi nhu cầu vật dục. tôn trọng sự sống nên chủ trương bất hại đối với mọi sinh vật.Kỳ na giáo được xem là giáo phái vô Thần, nhưng không phải là Duy vật.
Thiên chúa giáo: là từ gọi chung cho các giáo phái độc Thần, các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, như Hồi giáo, Tin lành giáo, Do thái giáo, Anh giáo, Chính thống giáo, nếu chỉ riêng cho Công giáo La mã thì phải gọi là Công giáo Roma.
Thiên chúa là một trong các Tôn giáo độc Thần tin về một đấng sáng tạo.Mỗi tôn giáo có một ngôn ngữ nghĩa riêng dành cho đấng mà mình tin tuyệt đối, ví dụ Hồi giáo gọi là Allah, Ấn giáo gọi là Đại ngã, Phạm thiên, Giave của Do Thái giáo…Kito giáo tin Thiên chúa là đấng toàn năng, toàn trí và nhân từ.Qua nhiều học giả của Kito giáo, thuyết Chúa Ba ngôi xuất hiện như một trong ba hay ba trong một. Hình thành một Tôn giáo có đủ nghi lễ, giáo luật, giáo hội, giáo sản, giáo chế, giáo sĩ, giáo quyền…Giáo hội hình thành từ thời Phero, tin tuyệt đối quyền năng và mọi quyết định trong cuộc sống không ngoài ý muốn của Thượng đế.Do phải tuân phục mệnh lệnh từ Giáo hoàng đại diện Chúa, một số bất tuân đã thành lập các hệ phái riêng như Chính Thống giáo, Tin Lành giáo. Anh giáo,
Dù hệ phái nào thuộc Thiên chúa giáo đều chấp nhận và tôn thờ Jesus Kito là đấng cứu thế, ngoại trừ Hồi giáo. Mỗi hệ phái có giáo luật riêng. Một số khái niệm miêu tả Thiên Chúa là Thực Thể tối cao, vĩnh tồn và siêu nhiên, vượt lên trên thế giới đa dạng và biến dịch.
Phật giáo; tạm gọi là một tôn giáo theo hệ thống sinh hoạt hiện nay, Đức Thích Ca Mâu ni là vị sáng tổ trước công nguyên khoảng thế kỷ thứ 6, vùng Đông Ấn. Trước những bất công của xã hội chia làm bốn giai cấp, giai cấp thấp nhất là Thủ Đà La, chịu nhiểu thiệt thòi khổ đau nhất trong xã hội. Các Thần giáo đương đại nặng về mê tín và sát hại sinh vật, Thái tử Tất Đạt Đa đã thoát ly thế tục để tìm con đường giải thoat cho nhân sinh đang tù túng trong một xã hội có quá nhiều tín ngưỡng Thần thoại và giai cấp. Qua 6 năm khổ hạnh theo các Yogi vẫn không tìm được lối thoát cho nhân sinh, ngài tự chiêm nghiệm Thiền định suốt 49 ngày đêm dưới gốc Bồ Đề, hoát nhiên đại ngộ về 4 chân lý của cuộc sống. Giáo lý cơ bản là Bát chánh đạo, 37 phẩm trợ đạo, Tứ Diệu đế, ngũ giới thập thiện. Làm chủ chính mình qua Thiền định để chấm dứt sanh tử khổ đau.
Phật giáo chủ trương mọi sinh vật đều được tôn trọng về sự sống. Không sát hại là một trong 5 giới cấm và thập thiện. Chú trọng về bố thí, hành thiện, đoạn trừ mọi việc ác và làm mọi việc lành. Diệt mọi tham dục và hưởng thụ, tinh cần tu tập Thiền định. Không chú trọng đến nguyên nhân hình thành vũ trụ, vì thế, không chấp nhận có đấng sáng tạo. Vũ trụ là vô thủy vô chung. Mục đích là giải quyết mọi khổ đau trong cuộc sống, Phật giáo có khuynh hướng thực tế về khả năng tự ngã mà không cầu khấn một đấng Thần linh ban phước giáng họa nào ngoài bản thân.
Dĩ nhiên còn rất nhiều tôn giáo khác xuất hiện trên tinh cầu, nhưng những Tôn giáo chính được các nhà nghiên cứu quan tâm đủ để lược qua chủ đích khởi đầu của những giáo chủ hoặc người sáng lập, mục đích giải thoát nhân loại hơn là lập thành một tôn giáo.
Tín ngưỡng tâm linh
Hầu hết khởi nguyên của các tôn giáo đều mang tính chiêm nghiệm và Thiền Định, có lẽ ảnh hưởng của trường phái Yoga lúc bấy giờ. Học giả ngôn ngữ đời sau là Ba-đằng-xà-lê (Patañjali) dựa vào kinh Du-già (Yoga-sūtra) mà thành lập phái Du-già. Gần như ông đã tổng quát tất cả các tên gọi chung về Thiền định từ xưa đến nay. Phật giáo Bắc truyền có Du già sư địa luận.
Theo Du già sư địa luận thì Du Già (Yoga) là từ phiên âm, dịch nghĩa là Tương ưng. Đó là pháp hành quán dựa vào phương thức điều hòa hơi thở để tập trung tâm niệm vào một điểm, lấy việc tu Chỉ – Quán (Xa ma tha, Tỳ bát xá na) làm chính, nhằm đạt tới chỗ nhất trí, tương ưng hài hòa giữa tâm – cảnh. Người thực hành pháp quán Du Già gọi là Sư Du Già. Cảnh giới mà Sư Du Già dựa vào để thực hành gọi là Địa của Sư Du Già. Theo Đại sư Khuy Cơ (632 – 682) trong Thành Duy Thức Thuật Ký thì Tương ưng có 5 nghĩa:
– Tương ưng với Cảnh: Tức không trái với tự tánh của tất cả các pháp.
– Tương ưng với Hành: Nghĩa là cùng với các hành như định, tuệ tương ưng.
– Tương ưng với Lý: Tức tương ưng với lý an lập, phi an lập nơi hai đế.
– Tương ưng với Quả: Nghĩa là có thể chứng đắc đạo quả Bồ đề vô thượng.
– Tương ưng với Căn cơ: Tức đã đạt được quả viên mãn thì cứu độ tạo lợi ích cho chúng sinh theo cơ duyên ứng – cảm, thuốc bệnh tương ứng.
Như vậy Yoga là gốc tập luyện thân và tâm để đi đến thể lực và trí lực, từ đó, một số trường phái gọi là Thiền, xuất phát từ Yoga, lập thành nhiều pháp hành điều thân, luyện tâm, cũng có những trừơng phái dùng tâm để quán thân, Minh sát tuệ là một hình thái quan sát sự vận hành của tâm trên thân.Các đạo sư như Lão Đam, tu Tiên luyện đạo đều là hình thái Yoga nguyên thủy được đổi danh xưng. Cho dù “thủy hỏa ký tế” “Tiều châu thiên” “luyện đan”, “Trường sinh học nhân điện” “năng lượng sinh học”…đều là Yoga của thể trí. Nhật Bản gọi là Zen, Trung quốc Việt Nam gọi là Thiền, chỉ là danh xưng. Riêng “chiêm niệm” của Thiên chúa giáo chưa đủ tầm của hình thái Yoga, không được liệt kê vào dòng Thiền hay gọi là Yoga.
Rất sớm, họ đã ý thức có sự liên kết chặt chẽ giữa thể xác và tinh thần vì thế, Yoga là phương cách trao dồi thể chất cũng như đào luyện tâm linh. Thiền là hình thái của Yoga nguyên thủy.
Ngoài Hatha yoga tập luyện cơ thể, còn vô số Yoga đào luyện tâm trí đi vào trạng thức tâm linh
Yoga có nhiều tư thế. Bắt nguồn từ tiếng Sankrit “Yuj” có nghĩa là “đoàn kết hoặc hội nhập”; Yoga có mặt trên 5000 năm. Yoga là sự hài hòa cơ thể với tâm trí và hơi thở thông qua các phương tiện kỹ thuật thở khác nhau, tư thế yoga (asana) và thiền định.Yoga là một trong sáu trường phái cổ điển (Darshanas) của triết học Ấn Độ. Có rất nhiều hình thức khác nhau của yoga, thường với triết lý và thực hành riêng của mình. Một số hình thức thiền định Yoga đặt trọng tâm của họ về việc tập trung tinh thần,. Các cơ sở triết học của yoga được tóm tắt chủ yếu là do Patanjali trong Yogasutra, Bhagavad Gita và Upanishad.
Về mặt thực nghiệm, Ấn Độ Giáo cho rằng để đạt tới mục đích cứu cánh giải thoát của cuộc sống người ta phải thực hành các phương pháp tu tập được gọi là Yoga. Các giáo nghĩa dạy về Yoga gồm có Bhagavad Gita, Kinh Yoga Sutra, Hatha Yoga Pradipika, Áo Nghĩa Thư. Yoga gồm có:
– Bhakti Yoga (tình yêu và hiến dâng),
– Karma Yoga (chánh nghiệp),
– Raja Yoga (thiền định), và
– Jnana Yoga (trí tuệ).
Kinh Upanishad cũ (khoảng 700 năm trước công nguyên) Mô tả các bài tập thở và bế các giác quan, (pratyahara) trong Atman là một trợ giúp để thiền định (dhyana). Upanishad mới xuất hiện khoảng 400 năm trước công nguyên.
Trong sử thi Ấn Độ Mahabharata để approx. 300 trước Công nguyên. Takes yoga đã được một vị trí quan trọng và được nhắc đến như một đối tác thiết thực cho Sankhya lý thuyết.
Các bản văn cổ điển Ấn Độ mô tả bốn con đường của yoga:
Raja Yoga gọi giai đoạn định hướng thiền của Yoga Patanjali Tám Limb (còn gọi là Ashtanga Yoga: “Ashta” = tám “, Anga” = phần).
Jnana Yoga (Yoga của kiến thức, ý thức trí tuệ)
Karma Yoga (Yoga của hành động, hành động vị tha)
Bhakti Yoga (Yoga của tình yêu / lòng sùng kính / cống hiến cho Thiên Chúa hay ishtadevata)
Ban đầu tập yoga là một con đường hoàn toàn tinh thần, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm sự giác ngộ thông qua mục tiêu thiền.
Từ Yoga có nguồn gốc ở Ấn Độ cội nguồn của triết lý yoga trong Ấn Độ giáo và các bộ phận của Phật giáo. Trong nền văn hóa Hồi giáo, giáo phái Sufism tìm thấy sự tương đồng với Yoga ở hệ phái Thần bí. Kito giáo một số tu sĩ có khuynh hướng thần bí cũng ẩn dật để tìm về Thượng đế bằng con đường chiêm niệm và nhập định.
Mặc dù nguồn gốc ở Ấn Độ giáo và Phật giáo, yoga được thực hiện bởi những người của các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Phần lớn họ tập Yoga để rèn luyện thể lực hơn là chuyển hóa nâng cao tâm thức. Ngày nay y khoa chú trọng đến Yoga như là cách chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vì thế hãng Bảo hiểm của một số nước tiên tiến trợ cấp cho người dân tập yoga để tránh bệnh tật hầu giảm chi phí bảo hiểm. Tại Đức, các trường cao đẳng cộng đồng và các tổ chức giáo dục công lập khác
Điểm đặc biệt trong các giáo phái tâm linh, chỉ có trường phái đạo Sikh chuyên hướng tâm linh rất gần với Đạo Phật. Nhưng trường phái hành trì Tôn giáo thì gần với Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo qua những thời khóa cầu nguyện mỗi ngày.Tuy diễn đạt theo ngôn ngữ Thần học, nhưng triết lý không xa với Phật giáo, ngay cả ngũ giới và trai lạt, luân hồi và nghiệp báo đều rập khuôn đạo Phật. Một hành giả đạo Sikh đòi hỏi đời sống thanh khiết từ thể chất đến tinh thần. Trong cuốn Surat Shabd Yoga, Thánh Kirpal Singh giải trình lộ trình tâm thức thông qua các cảnh giới hay các trạng thái tâm thức không khác những trãi nghiệm của các Thiền sư chứng đắc. Ai tu tập Thiền định cũng cần có minh sư chứng đắc hướng dẫn và theo dõi quá trình chuyển hóa tâm thức của đệ tử, hoặc hành giả cần chuyên sâu vào giáo lý Bắc truyền, nhất là kinh Lăng Nghiêm sẽ tránh được những ảo giác khi tâm thức từng phần được chuyển hóa mà không bị vướng mắc (gọi là ấm ma) hoặc dẫm chân tại chỗ.( Thiền Đông độ từng bảo:- gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ), có nghĩa trong quá trình hành Thiền những cảnh giới xuất hiện lúc Thiền định đều là ảo giác, đến khi chứng ngộ từng phần, những cái gọi là linh ảnh cũng chỉ là phản ảnh của tưởng thức.Ngay cả lúc nhập định và xuất thần, bất cứ pháp hành nào cũng sẽ trãi qua giai đoạn đó, nhưng đó không phải là đích tối hậu hay mong cầu nên đức Phật không hề đề cập và khuyến khích hành giả an trụ vào đó, Sikh cũng thế, các Guru rất cẩn trọng nhắc nhỡ hành giả thông qua từng giai đoạn tâm thức. Điểm đặc biệt thú vị sự trùng khớp giữa Phật giáo và Sikh giáo là không hề đề cập đến vấn đề luân xa của Yoga; mặc dù quá trình tu tập một cách chân khiết, nguồn sinh lực nội tại sẽ chuyển động thông qua các đại huyệt để giúp khai mở trí tuệ mà thuật ngữ Yoga gọi là Kundalini, đó là cách giúp hành giả không vướng mắc vào nội thân mà các Thiền sư hay các Guru nhiều kinh nghiệm đã có được. Các pháp hành Tiên giáo, tuy không đề cập đến Kundalini hay luân xa, nhưng họ vẫn sử dụng khí lực vận hành châu thân, chuyển từ mạch nhâm qua mạch đốc hay ngược lại.
Những pháp hành tâm linh như thế, còn y cứ vào nhục thể để luyện tập, thì kết quả cho dù đắc pháp, khai mở tâm trí, cũng chỉ còn luẩn quẩn bởi dục giới. Cơ bản pháp hành của nhà Phật là chuyển hóa tâm thức chứ không chuyển hóa thể chất.
Những pháp hành Tiên giáo hay Yoga cao đẳng như Yoga Kundalini đã có mặt lâu đời, đều sử dụng hô hấp- tư thế – suy tưởng và xướng thanh sẽ giúp hành giả nhạy bén, tinh tế lãnh hội được tinh túy trong cuộc sống. Ngày nay, phát sanh nhiều trường phái Yoga giúp thể lực tốt và đầy lùi bệnh hoạn. Nhưng hành giả lấy mục tiêu giải thoát làm đầu thì không thể chọn các pháp hành gắn liển với thể chất.
Nói chung pháp hành tâm linh là pháp hành chuyển hóa tâm thức từ ô trước đến thanh khiết. Tôn giáo có giá trị cải hoán xã hội về mặt đạo đức nhưng chúng có thể ràng buộc bởi giáo điều, bởi nguyên tắc tổ chức giáo hội. Muốn nâng tâm thức vượt khỏi nghiệp thức, cần có một pháp hành không mang màu sắc bất cứ tôn giáo nào, vì thế Đức Phật không bao giờ nhận mình là một Tôn giáo,không có nghi lễ tán tụng rườm rà, suốt đời, Ngài và Thánh chúng đều lấy Thiền làm căn bản giải thoát sanh tử luân hồi. Thiền là trường phái tâm linh, giản dị hóa mọi nhu cầu trong cuộc sống, hạn chế mọi ràng buộc về sự tướng, vì “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyển bào ảnh” Kim Cang từng dạy: “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”; đó là chân lý, tiêu điểm đề hành giả không bị rơi vào hình thức tôn giáo nếu muốn giải thoát thật sự. Tôn giáo là chiếc bè để qua sông Tham sân si dục vọng, để đạo đức hóa cuộc sống, muốn bước lên bờ phải bỏ chiếc bè Tôn giáo. trước khi rời bỏ chiếc bè Tôn giáo, phải sống và thật hành đúng tiêu chuẩn đạo đức của Tôn giáo, phải hành thiện và có tình thương thì Phước-Huệ là căn bản, là cánh cửa bước vào đạo lộ Tâm linh giải thoát.
Tôn giáo rất cần nhưng chưa đủ để giải thoát tâm linh.Đức Đạt Lai Lạt Ma không khuyến khích xiển dương tôn giáo trong quá trình hành đạo của ngài. Tôn giáo là cánh cửa để bước vào thế giới Tâm linh, giúp hành giả chuyển hóa nghiệp thức.
MINH MẪN
12/5/2016
Discussion about this post