TÌM HIỂU TAM TẠNG SANSKRIT
Nguyên Thế
Lịch sử văn học Ấn Độ là một đề tài
khá đồ sộ, với nhiều nền văn hóa khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ trong chiều
dài lịch sử. Nền văn học Phạn ngữ (Sanskrit) ra đời từ rất sớm và có nhiều
thành tựu đáng kể. Có thể nói, đây là một nền văn học phát triển rực rỡ nhất
của các nền văn học Ấn Độ, và có sức mạnh đủ lớn để tồn tại đến ngày nay.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của
mình, văn học Phạn ngữ phải trải qua 3 thời kỳ, và thời kỳ thứ ba là thời kỳ
văn học Phật giáo. Nền văn học Phật giáo có 2 mảng chính, đó là Pàli và Sanskrit.
Trong đó nền văn học kinh tạng Sanskrit xuất hiện muộn hơn. Theo các nhà nghiên
cứu thì có thể nó xuất hiện từ thời kỳ phân phái, cùng với sự phát triển của
Đại thừa Phật giáo.
Sau khi Đức Phật diệt độ chừng hơn 2 thế kỷ, những
tác phẩm văn học của Phật giáo trong thời kỳ đầu được viết một phần bằng tiếng
Phạn và một phần bằng phương ngữ của vùng Trung Ấn, rồi sau đó đồng hóa thành
Sanskrit mà nó được mệnh danh là “Sanskrit pha trộn” (Mixed Sanskrit). Vì nó
được pha trộn bằng tiếng Prākrit chứ chưa phải Sanskrit thuần túy, mà có lẽ
được tìm thấy trong việc ứng dụng ở hai trung tâm học thuật tại Đại học Nālanda
và Takkasilā (Taxila), thuộc vùng phía Bắc và Tây Bắc Ấn.
Khoảng đầu thế kỷ thứ 2 TCN (trước Công nguyên),
văn chương Sanskrit Phật giáo thuần túy bắt đầu xuất hiện, rõ nét nhất là trong
sự ly giáo của giáo đoàn Phật giáo. Trừ 3 Đại hội Kiết tập Tam tạng giáo điển
đầu, có lẽ phải kể đến Đại hội Kết tập lần thứ IV được tổ chức tại Kāśmīra (Kế
Tân, tức Pakistan ngày nay) chừng hậu bán của thế kỷ thứ I SCN (sau Công
nguyên) dưới sự chủ trì của ngài Vasumitra (Thế Hữu) và sự ủng hộ của vua
Kaniska (Ca-nị-sắc-ca), mà nó không được đề cập trong biên niên sử của Ceylon;
vì Theravādins (những người theo Thượng toạ bộ) đã không tham dự và không chấp
nhận Đại hội này. Tiếc rằng Luận tạng của những trường phái khác đã bị thất
lạc, ngoại trừ những văn bản hiện còn được duy trì ở Tích Lan, Trung Hoa và Tây
Tạng là những Luận tạng của phái Theravāda (Thượng tọa bộ) và Śarvāstivāda
(Nhất thiết hữu bộ).
Những trường
phái từ Tiểu thừa dần dần phát triển thành Mahāsanghikā (Đại chúng bộ) và từ
đây nó được đánh dấu bằng mốc lịch sử về sự manh nha và xuất hiện của Phật giáo
Đại thừa chừng thế kỷ thứ I TCN và thế kỷ thứ I SCN. Trong thời kỳ đầu, vì sự
phát triển mạnh của những đoàn truyền giáo từ Ấn đến các nước lân cận, cho nên
Sanskrit được dịch ra thành một vài thứ tiếng khác nhau, như Tây Tạng và Trung
Hoa.
Văn chương Sanskrit của Phật giáo Đại thừa thật sự
đã manh nha từ Đại hội kiết tập lần thứ II, hình thành và phát triển
trong Đại hội lần thứ IV. Thêm vào đó, một số tác phẩm Sanskrit Phật giáo đã
thật sự xuất hiện trong thế kỷ thứ 2 TCN, khiến Pali trở nên mờ nhạt và suy
yếu.
Tuy trong hai
đại hội kiết tập đã có một số tranh luận về luật và luận, nhưng chưa phát
triển mạnh. Mãi đến thế kỷ thứ 2 TCN, nền văn chương Sanskrit Phật giáo mới bắt
đầu ảnh hưởng mạnh và được phổ biến, từ đó cho đến thế kỷ thứ 4 SCN ngày càng
phát triển và gây ảnh hưởng rất lớn trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, thậm chí kéo dài
cho đến thế kỷ thứ 12.
Để ghi chép
lại những lời dạy của Đức Thế Tôn, Tam tạng Pali (P-Tipitaka; S-Tripitaka) đã
được kiết tập từ Đại hội kết tập kinh điển lần thứ III, từ đó được truyền bá và
trở nên phổ biến khắp nơi. Tam tạng Pali là nền tảng quan trọng để đối chiếu hoặc
nghiên cứu khi bàn luận về, hoặc so sánh với giáo điển của Phật giáo Đại thừa
và cũng đã cung cấp nhiều phương thức tu tập thiết thực và phổ biến nhất.
Bộ Mahāvastu (Đại Sự) bằng tiếng Sanskrit và Prākrit (phương ngữ Ấn) của Lokottaravāda
(Thuyết xuất thế bộ), con đẻ của Mahāsanghika, đã được hình thành chừng thế kỷ
thứ 2 TCN. Trong Đại hội III, Kathāvatthu (Những điểm tranh luận) được
biên soạn bằng Pali, nhưng chỉ liên quan đến Theravāda. Riêng Đại hội IV tổ
chức tại Kāśmīra, chừng hậu bán của thế kỷ thứ I SCN, nhưng Theravāda không
tham dự. Có rất nhiều nguyên nhân khiến Theravāda không tham dự ở Đại hội lần
thứ IV mà chúng đã xảy ra trước đó, bao gồm cả sự bất đồng quan điểm và sự giải
thích những giới điều khác nhau, cũng như sự xuất hiện của một số tác phẩm
thuộc về văn chương Sanskrit của Phật giáo Đại thừa.
Khái quát về Luật tạng
Sanskrit
Lịch sử Văn
học Luật tạng Sanskrit có lẽ được cứ vào thời điểm ly giáo của giáo đoàn Phật
giáo. Không những về tư tưởng văn học mà còn về quá trình phát triển Luật tạng
của những trường phái nổi bật như Sarvāstivāda, Lokottaravāda làm cơ sở chuyển
tiếp từ Hīnayāna đến Mahāyāna xuyên qua cửa ngõ và nhịp cầu của Mahāsanghikā.
Phạn bản (có pha trộn phương ngữ Ấn – Prākrit) quan trọng nhất và hoàn hảo nhất
trong những bộ luật của các trường phái khác là Mahāvastu.
Mahāvastu (Đại Sự)
Quan trọng nhất là bộ Mahāvastu của
Lokottaravādins (những người theo Xuất thế bộ), cũng được gọi là Caityakas, con
đẻ của Mahāsanghikas. Mahāvastu cho chúng ta biết về những chuyện tiền
thân của Đức Phật cũng như nhiều vấn đề pha tạp khác, đặc biệt về lịch sử của
Ngài, mà được cân nhắc như là chủ đề chính đã đóng góp khá nhiều đến sự phát
triển của Đại thừa sau này. Trong phần nội dung chính, bộ này tương đồng với Nidānakathā
trong Pali, ghi lại tiểu sử của Đức Phật, mà cuộc đời của Ngài có lẽ được phân
ra làm ba thời kỳ:
– Cuộc đời
của một vị Bồ tát ở vào thời Đức Phật Dīpankara (Nhiên Đăng), và kể lại sự xuất
hiện của Ngài trong thời quá khứ.
– Giới thiệu
cho chúng ta biết rằng Bồ tát đang trú ở cung trời Tusita (Đâu Suất), và xác
định sự tái sanh vào thai tạng của Hoàng hậu Ma-gia; kể lại những điều phi
thường từ khi Thái tử được sinh ra, sự xuất gia, sự hàng phục ma quân và cuối
cùng Ngài đã chứng ngộ tại cội Bồ đề.
– Giống như
những đặc trưng chính trong Mahāvagga (Đại Phẩm) của Nam tạng, Mahāvastu
liên quan đến sự chuyển hóa và những cuộc tọa đàm đầu tiên của giáo đoàn cũng
như lịch sử của sự hình thành cộng đồng tu viện. Đây là lý do nó thuộc về Luật
tạng.
Ngoài ra, Mahāvastu
là một tác phẩm định rõ về văn chương nghệ thuật, song không kém phần phức tạp
– vì thiếu tính lôgic và những dụ về chuyện tiền thân của Đức Phật còn mang
tính giáo điều. Thêm vào đó, cùng một câu chuyện tiền thân, mà nó thường lặp
lại đến vài ba lần, ban đầu theo thể văn xuôi nhưng sau bằng những vần kệ; còn
về ngôn ngữ của nó thì chưa mấy thống nhất, thậm chí cả kệ tụng đã quá lỗi thời
vì ít thông dụng.
Về phương diện giáo lý, Mahāvastu duy trì
nhiều truyền thống cổ và giáo lý của Đức Phật, như: tất cả các pháp thế gian là
không thật, còn tất cả các pháp xuất thế là thật, chứ không phải đơn thuần
là những giáo lý đặc thù của riêng Lokottaravādins (những người theo Xuất thế
bộ) như: Catvāri-ārya-satyāni (Bốn chân lý), Asta-āryā-mārga (Bát chánh đạo), Pratītyasamūtpada
(Duyên sinh), Anitya (Vô thường) về sự hình thành của một chúng sanh (các
uẩn), không hiện hữu của linh hồn (ātman)…
Mūlasarvāstivādavinaya (Căn bản
Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-gia)
Bộ luật Mūlasarvāstivādavinaya
của phái Nhất thiết hữu bộ bao gồm nhiều truyền thuyết của Phật giáo liên quan
đến Hội nghị ở Kashmir và Tây Bắc Ấn. Mūla-sarvāstivāda
này, theo Nalinaksha Dutt, được phát hiện ở Gilgit.
Giống như Mahāvastu
của Lokottaravādins, Mūlasarvāstivāda giới thiệu nhiều tình huống liên quan
đến những đời sống của Đức Phật. Mūlasarvāstivāda bao gồm 15
chương thuộc về Luật tạng. Trên cơ sở của bộ luật Mūlasarvāstivāda,
một số truyền thuyết trong Divyāvadāna (Thiên Thí dụ) phần lớn cũng đều
được vay mượn từ nó.
Khái quát về
Kinh tạng Sanskrit
Xấp xỉ chừng
5 thế kỷ sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, Phật giáo Đại thừa đã bắt đầu xuất hiện
và phát triển. Song song với sự phát triển này, những tác phẩm của Đại thừa
cũng lần lượt xuất hiện, mà chúng đã đóng góp rất lớn cho sự truyền bá Chánh
pháp, lợi lạc nhân thiên, đúng như những lời huấn thị và hạnh nguyện lợi sanh
của Đức Thế Tôn cách đây gần 26 thế kỷ.
Theo ý kiến
của nhiều học giả cho rằng, Đại thừa không có một kinh nào sở hữu của riêng nó
bởi lý do đơn giản vì Đại thừa không tiêu biểu cho một trường phái thống nhất
nào cả. Ngược dòng thời gian, quả thật có một sự giải thích về Đại hội kiết tập
kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Kāśmīra, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều
nghi ngờ; vì không biết có kinh điển nào được thành lập ở Đại hội này hay không,
nếu có, chúng bằng ngôn ngữ gì và thuộc về trường phái nào?
Trong khi đó, một văn bản Trung Hoa do ngài Huyền
Trang dịch liên quan đến Bodhisattva-pitaka (Bồ-tát tạng), bao gồm một
danh mục dài của những bản dịch Đại thừa, một Tạng luật và một Tạng luận, và
tương tự cũng có một lốc danh mục với rất nhiều kinh điển Đại thừa. Thế nhưng,
qua sự cố gắng để phân loại về kinh điển Đại thừa hiện còn bằng Sanskrit, theo
Nepál, thì chỉ còn chín kinh, mà chúng được mệnh danh là Vaipulya-sūtras
(những kinh Phương Đẳng/Quảng). Chín kinh này là: Astasāhasrikā-prajñā-pāramitā
(Tiểu phẩm Bát-nhã), Saddharma-pundarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), Lalitavistara-sūtra
(Kinh Đại Trang Nghiêm), Lankāvatāra hay Saddharmalankāvatāra-sūtra
(Kinh Lăng Già), Suvarna-prabhāsa-sūtra (Kinh Kim Quang Minh), Gandavyūha-sūtra
(Kinh Hoa Nghiêm), Tathāgata-guhyaka hay Tathāgata-gunajñāna-sūtra
(Kinh Như Lai Bí Mật Tạng), Samādhirāja-sūtra (Kinh Thiền Định
Vương) và Daśabhūmīśvara-sūtra (Kinh Thập Địa).
Nếu dựa vào
truyền thuyết, thì người ta cho rằng Đức Phật thuyết Gandavyūha-sūtra
(Kinh Hoa Nghiêm) đầu tiên, song vì nghĩa lý quá cao siêu vi diệu, cả hội chúng
lúc bấy giờ đều ngơ ngác, chỉ một số ít Bồ tát thượng căn thượng trí mới có thể
lãnh hội; vì lý do này, sau khi quán sát lại căn cơ của tất cả chúng sinh, Ngài
bắt đầu thuyết kinh Āgama (A Hàm), Prajñā (Bát Nhã), Vaipulya
(Phương Đẳng), Saddharma-pundarīka (Pháp Hoa) và Mahānirvāna
(Niết Bàn).
Khái quát về Luận tạng Sanskrit
Sự ra đời của Abhidharma (Luận) đã đánh dấu một
thời kỳ cực thịnh của Phật giáo, sau
khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn chừng vài thế kỷ. Luận có nghĩa là thích đối
pháp, tức hiển thị rõ cái bổn ý của giáo pháp, cần có sự gia tâm để phân biệt
đến những ý nghĩa của kinh điển đã nói và chỉnh lý hoặc liễu giải rốt ráo nghĩa
lý ấy. Ngoài ra, Luận cũng chỉ cho sự luận nghị, tức nhờ vào vấn đáp để xiển
dương giáo nghĩa. Luận tạng là những bộ luận được chư Tổ, những vị Đại
Luận sư hay những Tam tạng Pháp sư của Phật giáo bàn luận, trước tác, chú giải
rộng những bí tạng của Như Lai trong Kinh hoặc trong Luật. Những bộ luận giải
thích và trình bày nhiều lãnh vực khác nhau của Phật giáo, như vấn đề tâm lý,
giáo dục và triết học siêu hình…
Ngược dòng thời gian, có lẽ phải nói rằng Luận
tạng đã có mặt từ thời sinh tiền của Đức Phật, bấy giờ không phải bằng chữ viết
nhưng bằng khẩu truyền; vì nó chỉ được lưu truyền và xiển dương, luận bàn và
giải thích rộng nghĩa lý mà Đức Phật đã thuyết. Thế nhưng, những giáo pháp mà
Đức Phật đã thuyết lắm lúc quá cao siêu và vi diệu, hàm súc và thâm áo; trong
khi đó, căn tánh của hội chúng thì bất đồng, một số đủ khả năng am tường và
lãnh hội; còn một số khác thì không thể. Giáo pháp ấy, vì lẽ đó, cần phải có
những đệ tử nổi bật và thông tuệ như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, hoặc Ưu Ba Li…
thay Ngài để giải thích rộng với nghĩa lý đầy đủ và chi tiết hơn, nhằm giúp cho
những người nghe mà căn tánh của họ trì trệ, hoặc khả năng lãnh hội chậm chạp
cũng như trí tuệ thấp kém có thể hiểu được.
Tương tự, sau khi Đức Phật diệt độ, giáo nghĩa
thâm áo và bí tạng của Ngài đều nhờ vào sự phân tích hay giải thích hoặc chú
giải nghĩa lý rõ ràng của Luận tạng, khẩu truyền hoặc trùng tuyên. Nếu không có
Luận tạng thì khó có thể lãnh hội được tôn chỉ và cốt lõi của kinh. Luận tạng
của Phật giáo rất nhiều, sâu và rộng hơn như đại dương. Nó lần lượt được những
vị Đại Luận sư, hoặc Tam tạng Pháp sư nổi tiếng của Phật giáo, như: Aśvaghosa
(Mã Minh) trước tác bộ Mahāyānaśraddhotpāda śāstra (Luận
Đại Thừa Khởi Tín);
Nāgārjuna (Long Thọ, 150 – 250) với tác phẩm Mādhyamika-śāstra (Trung
Quán Luận); Maitreya (Di Lặc)
với tác phẩm Madhyānta-vibhāga-kārikā (Biện Trung Biện Luận
Tụng – cũng được gọi là Biện Trung Biên Tụng, Trung Biên Phân Biệt Tụng, hay
Trung Biên Tụng); Āsanga (Vô
Trước) với tác phẩm Mahāyānasamparigraha (Luận
Nhiếp Đại Thừa); Vasubandhu (Thế Thân) trước tác các bộ Vimśatikā (Duy Thức Nhị Thập Tụng), Trimtika (Luận Duy Thức Tam Thập
Tụng), Buddhatā (Luận Phật Tánh), Nirvāna-śāstra (Luận
Niết-bàn)… cho ra đời trong
những thời kỳ khác nhau, chẳng hạn như thời kỳ Phật giáo bộ phái, Đại chúng bộ
và Phật giáo Đại thừa.
Vai trò của Tam tạng kinh điển Sanskrit trong nền
văn học Phạn ngữ
Mặc dù ra đời muộn hơn nền văn học thời kỳ Veda,
nhưng tầm ảnh hưởng của văn học Phật giáo cũng phát triển mạnh không kém. Là
một bộ phận của văn học Phạn ngữ, nên kinh điển Phật giáo cũng đề cập rất nhiều
đến lịch sử, văn hóa cổ Ấn Độ; chẳng những thế, kinh điển Phật giáo còn tiếp
tục phát triển các thể loại văn học như: thi kệ, các bài kinh dài bằng văn
xuôi,… Do đó, cho thấy bên cạnh giá trị văn học, kinh điển Phật giáo cũng mang
nhiều giá trị khác về lịch sử, phong hóa cổ của Ấn Độ, là nguồn tài liệu quý
giá đối với các nhà Ấn Độ học sau này.
Sự xuất hiện của Phật giáo và nền văn học kinh
điển Sanskrit đã làm phong phú thêm kho tàng văn học Phạn ngữ. Đồng thời với sự
ra đời của mình, Phật giáo đã làm xuất hiện nên một hệ thống tư tưởng triết học
lớn với nhiều mảng rất đa dạng, làm thúc đẩy rất nhiều dòng văn học khác nhau
phát triển. Bên cạnh việc đa dạng về thể loại, kinh điển Phật giáo còn sử dụng
rất nhiều thủ pháp nghệ thuật, làm cho văn học Sanskrit thêm sinh động với
nhiều màu sắc. Giai đoạn phát triển của văn học Phật giáo xuất hiện cũng đã làm
thúc đẩy sự phát triển của văn học Phạn ngữ thêm phần rực rỡ.
Kết luận
Văn học Sanskrit ra đời là sự kết tinh văn hóa của
đất nước Ấn Độ, là nền văn học thể hiện được bề dày lịch sử của một dân tộc,
qua đó thể hiện được những hệ thống tư tưởng triết học huyền bí của nền văn
minh Ấn-Hằng. Việc nghiên cứu ngôn ngữ Sanskrit và nền văn học Phạn ngữ cho
chúng ta thấy được lịch sử phát triển của một đất nước, thế nên nó thực sự có
ích đối với các nhà sử học. Nó không những là một nguồn tài liệu lịch sử quý
giá hiếm hoi mà còn mang những giá trị tinh thần rất to lớn, ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần và hoạt động tâm linh của một khu vực rộng lớn như các nước Tây
Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Về phương diện nghiên cứu kinh điển Sanskrit, thì
ngôn ngữ Sanskrit là phương tiện chuyển tải đầy đủ các hệ thống tư tưởng Phật
giáo, đặc biệt là hệ thống Đại thừa Phật giáo. Sự đóng góp của kinh điển và đặc
biệt là hệ thống Tam tạng kinh điển Đại thừa đã làm cho nền văn học Phạn ngữ có
một bước tiến xa hơn, chẳng những trên phương diện tư tưởng mà còn ở phương
diện thủ pháp nghệ thuật. Việc sử dụng ngôn ngữ Sanskrit để chuyển tải kinh
Phật xuất hiện muộn hơn, nhưng gặt hái được rất nhiều thành công, nhân đây đã
xây dựng nên hệ thống Phạn ngữ chuẩn, với Phạn ngữ Phật giáo đặc thù và cấu
trúc ngữ pháp hoàn chỉnh.
Tam tạng kinh điển Sanskrit không chỉ có giá trị đơn
thuần về mặt tôn giáo, mà còn mang giá trị văn học đặc sắc. Nó là nền văn
chương cổ kính, được bảo quản và lưu truyền rộng rãi từ các thế hệ trước mãi
cho đến ngày nay. Kinh điển Sanskrit là sự kết tinh, hội tụ của những tư tưởng
triết học cổ Ấn Độ, là nền tảng cơ sở phát triển cho các học thuyết sau này,
đặc biệt đối với Phật giáo. Do đó, có thể nói sự đóng góp của nền văn
chương tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, cho nền văn học Phạn ngữ Ấn Độ là hết
sức to lớn, những bài kinh, những lời tán tụng tôn giáo đã làm sinh động hơn
cho nền văn chương vốn dĩ khô cằn, nặng tính triết lý. Hay nói cách khác, văn học
Phật giáo nói chung và kinh điển Sanskrit nói riêng, là những bông hoa rực rỡ
nhất, có nhiều màu sắc và tỏa hương ngào ngạt nhất trong vườn hoa văn chương
Phạn ngữ và nền văn học Ấn Độ.
Viện Hoa Sen)
Discussion about this post