TIỂU SỬ VẮN TẮT TÔN GIẢ LONGCHENPA DRIME OZER (1308-1364)
Ngài Longchen Rabjam Drime Ozer sinh ngày Mười tháng Hai năm Thổ Thân đực, tức năm 1308 Dương lịch. Ngài sinh ra ở làng Todtrong trong thung lũng Thượng Dra ở Yoru thuộc phía Nam của miền Trung Tây Tạng. Ngài được trao danh hiệu Dorje Gyaltsen.
Cha Ngài, Đức Tenpasung, một Yogin Mật thừa thành tựu, đến từ tộc Rok. Đức Tenpasung tuyên bố là hậu duệ của cả Tổ Gyalwa Chokyang từ Ngenlam – một đạo sư về Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva) và Yeshe Wangpo; cả hai vị này đều nằm trong số “bảy người được thử thách” – bảy người Tây Tạng đầu tiên được xuất gia bởi Tôn giả Tịch Hộ (Shantarakshita) vào khoảng năm 779 sau Công nguyên. Cả hai vị cũng là những đệ tử của Đức Liên Hoa Sinh. Ông nội của Ngài Longchenpa – Lobpon Lhasung là thành viên của thế hệ thứ hai mươi lăm của tộc Rok và là một đạo sư về thực hành chữa lành Dutsimen.
Mẹ của Ngài Longchenpa, bà Sonamgyen, đến từ tộc Drom. Trong số những thành viên xuất chúng của tộc này có Tổ Dromtonpa Gyalwai Jungne (1004/5-1064), một trong những đệ tử chính yếu của Tôn giả Atisha (982-1055).
Theo truyền thuyết, Dromza Sonamgyen đã trải qua nhiều linh kiến liên quan đến sự thụ thai và thuở lọt lòng của Ngài Longchenpa. Lúc Ngài được thụ thai, bà thấy một con sư tử với ánh sáng của mặt trời và mặt trăng trên đỉnh đầu. Ánh sáng này phóng ra, chiếu tỏa trên khắp thế gian trước khi tan hòa trở lại thân bà. Sau khi con trai chào đời, bà thấy Namdru Remati, một vị thiên nữ phẫn nộ của các cung điện mặt trăng, trong hình tướng một người phụ nữ màu đen, nhe răng nanh và cau mày dữ, cầm thanh kiếm. Remati bế Ngài Longchenpa trong tay và tuyên bố, “Ta sẽ bảo vệ cậu bé!”. Vị thiên nữ sau đó trao cậu bé lại cho người mẹ và biến mất.
Là một cậu bé, Ngài Longchenpa xuất sắc về đọc và viết. Cha trao cho Ngài các quán đỉnh về một tuyển tập bản văn nghi lễ được biết đến là Các Khía Cạnh An Bình Và Phẫn Nộ Của Đạo Sư (Guru Shidrak Kyi Wanglung) và Tám Mệnh Lệnh – Tập Hội Chư Thiện Thệ (Kagye Deshek Dupa) của Tổ Nyangral Nyima Ozer (1124-1192). Ngài cũng học y và chiêm tinh với cha. Cuối cùng, Ngài rời nhà đến Tu viện Samye để trở thành một tu sĩ tập sự.
Sự giáo dục chính thức của Ngài Longchenpa rất mở rộng. Mười hai tuổi, Ngài thọ giới Sa Di tại Samye với danh hiệu Tsultrim Lodro từ Khenpo Samdrub Rinchen và Kunga Ozer; Ngài được cho là đã bắt đầu giảng dạy Luật Tạng từ năm mười bốn tuổi. Đức Tashi Rinchen dạy Ngài Longchenpa kinh văn Sakya Lamdre, Sáu Du Già Của Naropa, Kim Cương Hợi Mẫu, truyền thừa Thắng Lạc (Chakrasamvara) của Tổ Ghantapada và Mahacakra Kim Cương Thủ. Ngài cũng nghiên cứu Thời Luân (Kalachakra) và các hệ thống Mật thừa khác với Đức Wangchuk Yeshe. Ngài thọ nhận giáo lý về Chod và Zhije, chẳng hạn Đối Tượng Cắt Đứt và Xoa Dịu theo ba giai đoạn của truyền thống từ Zalung Rinpoche.
Mười chín tuổi, Ngài gia nhập Sangphu Neutok, một Tu viện duy trì cả truyền thống Kadam và Sakya. Ngài đã nghiên cứu triết học Phật giáo, lô-gic và thiền định trong sáu năm. Lobpon Tsen Gonpa và Chopel Gyaltsen đã dạy Ngài Di Lặc Ngũ Luận và các bộ luận của Tổ Trần Na và Pháp Xứng về lô-gic, Trung Đạo và Bát Nhã.
Sau giai đoạn Ngài ở tại Sangphu, Đức Zhonnu Dondrub và Nyotingmawa Sangye Drakpa đã trao cho Ngài các quán đỉnh và chỉ dẫn cho những bản văn quan trọng của Mật điển và Kinh điển của Anuyoga, Mật điển Diệu Huyễn Võng của Mahayoga và Phần Tâm (Semde) của Atiyoga. Các nguồn không xác định rõ địa điểm mà những trao truyền này diễn ra.
Ngài Longchenpa rõ ràng đã rời Tu viện Sangphu bởi xung đột với các tu sĩ Khampa. Khi Ngài rời đi, một tu sĩ đã khuyến khích Ngài viết về những vỡ mộng trong một bài thơ ba mươi dòng gọi là Ba Mươi Chữ Của Bảng Chữ Cái. Bài thơ, bắt đầu bằng dòng “Như những yêu tinh lang thang ở Kalinga”, được để gần bảo tháp xá lợi của Tổ Ngok Loden Sherab và cuối cùng đã lưu hành khắp miền Trung Tây Tạng.
Ngài Longchenpa cũng nghiên cứu với Lama Dampa Sonam Gyaltsen (1312-1375) và Đức Karmapa thứ Ba – Rangjung Dorje (1284-1339). Đức Rangjung Dorje đã trao truyền nhiều giáo lý, bao gồm Sáu Chi Du Già, Sáu Du Già Của Naropa, Giới Thiệu Ba Thân, Quan Âm Jinasagara, Quan Âm theo truyền thống Vua, Mật Tập, Mật điển Samputa, Mật điển Mahamaya và các hình tướng Yamari Đỏ và Đen. Lama Dampa Sonam dạy Ngài nhiều giáo lý Sakya, bao gồm Phát Tâm Giác Ngộ Vĩ Đại và Lamdre. Ngài rốt ráo đã nghiên cứu các truyền thừa và sự trình bày khác nhau về Kinh điển và Mật điển với hơn hai mươi đạo sư.
Sự rèn luyện thiền định đồng hành cùng với các nghiên cứu. Trong những khóa nhập thất, Ngài có linh kiến về Văn Thù, Ekajati, Diệu Âm, Achala, Kim Cương Hợi Mẫu và Cứu Độ Mẫu Tara. Ví dụ, Diệu Âm, vị Phật Mẫu của âm thanh du dương, đã hộ tống Ngài Longchenpa trong lòng bàn tay quanh Núi Tu Di và trao thọ ký về sự giác ngộ tương lai của Ngài.
Trong lúc nhập thất bóng tối tại Động Gyama’i Chokla về phía Đông Nam của Lamo, trong năm 1332-1333, Ngài Longchenpa được cho là đã nghe thấy tiếng chũm chọe và những bài ca khi linh kiến về một cô gái trẻ hiển bày. Cô gái mười sáu tuổi, mặc lụa và đeo trang sức vàng và đá lam ngọc, cưỡi ngựa với bức thư da thuộc được trang trí bằng chuông. Khuôn mặt cô ấy được che bằng mạng vàng. Ngài nắm lấy y phục của cô ấy và cầu nguyện, “Xin hãy gia trì, hỡi đấng tôn quý!”. Cô ấy đáp lại bằng cách cởi vương miện rồi đặt lên đầu Ngài Longchenpa, tuyên bố rằng, “Từ nay trở đi, Ta sẽ luôn gia trì và trao cho con các thành tựu”. Theo truyền thống, kinh nghiệm này là sự xác nhận rằng Ngài Longchenpa sau đó sẽ thọ nhận các giáo lý Tâm Yếu Vimalamitra – Vima Nyingtik. Tuyển tập các kinh văn được phát lộ này là một trong hai dòng chính yếu của giáo lý Dzogchen, những điều dựa trên Mười Bảy Mật Điển Đại Viên Mãn và Mật Điển Ekajati Phẫn Nộ, đều được trao truyền bởi đạo sư Ấn Độ – Tôn giả Vô Cấu Hữu (Vimalamitra). Tuyển tập bộ luận giảng giải sau này của Ngài Longchenpa về các chủ đề khác nhau của Vima Nyingtik, được biết đến là Lama Yangtik – Giọt Tâm Cực Mật Của Đạo Sư, được xem là một trong những kiệt tác của Ngài.
Khoảng hai mươi bảy tuổi, trong năm 1334-1335, Ngài Longchenpa diện kiến đạo sư Rigdzin Kumararaja (1266-1343); từ vị này, Ngài lần đầu tiên thọ các giáo lý Nyingtik. Quá nghèo nên chẳng thể cúng dường chút tịnh tài, Ngài Longchenpa quẫn trí và xem xét lại về việc tu học với đạo sư. Tuy nhiên, Đức Kumararaja đã chấp nhận Ngài làm học trò và ban tất cả giáo lý Nyingtik mà vị này sở hữu, bao gồm cả Vima Nyingtik, khiến chàng trai trẻ này thành vị kế thừa căn bản. Những buổi giảng này diễn ra trong hoàn cảnh khổ hạnh, khi mà Đức Kumararaja thường xuyên di chuyển, điều khiến cho Ngài Longchenpa khá cơ cực.
Ba mươi hai tuổi, Ngài Longchenpa dạy Vima Nyingtik cho tám học trò, nam và nữ, tại Rimochen, một trong các hang động tại Chimphu, phía trên Tu viện Samye. Người ta nói rằng, Ekajati, nữ Hộ Pháp, đã nhập vào một thành viên nữ của nhóm và trao các tiên tri cho Ngài.
Một trong những đệ tử này, Ozer Gocha, trước đó đã được phái đi tìm các bản văn của Tâm Yếu Không Hành Nữ – Khandro Nyingtik và tại Chimphu, ông ấy đã trao lại để Ngài Longchenpa kiểm tra. Theo truyền thống, Khandro Nyingtik được phát lộ bởi Đức Pema Ledrel Tsal (1231/1248-1307) vài thập niên trước đó. Khandro Nyingtik được xem là truyền thống chính yếu thứ hai của các giáo lý Tâm Yếu Đại Viên Mãn. Giáo lý này được Đức Liên Hoa Sinh trao cho con gái của Vua Trisong Detsen, Pema Sal, vị sau đó tái sinh thành Đức Pema Ledrel Tsal. Về cơ bản, giáo lý này dựa trên Mật điển Cõi Giới Chói Ngời.
Truyền thống cho rằng Ngài Longchenpa đã thọ nhận trao truyền cho các giáo lý này qua những linh kiến về nữ Hộ Pháp Shenpa Sokdrubma.
Ngài Longchenpa lần đầu tiên giảng dạy Khandro Nyingtik như là kho tàng tại nơi gọi là Chukpodrak gần Bảo Tháp Đá của Zurkhardo, địa điểm nổi tiếng diễn ra cuộc hạnh ngộ của Đức Liên Hoa Sinh và Vua Trisong Detsen.
Tuyển tập giáo lý Nyingtik thứ tư được quy cho Ngài Longchenpa, được biết đến là Khandro Yangtik, bao gồm các bản văn được xếp thành kho tàng tâm (Gongter) hoặc những trước tác; các bản văn riêng biệt tuyên bố rõ ràng trong lời ghi cuối việc chúng được phát lộ hay biên soạn. Ngài Longchenpa đôi khi được cho là đã thọ nhận và ghi lại chúng sau khi trải qua một trạng thái sáng tỏ thiền định và các linh kiến về Đức Liên Hoa Sinh và Bà Yeshe Tsogyal. Ngài đã viết lại phần chính yếu của Khandro Yangtik tại ẩn thất ở Gangri Tokar, hang động phía trên Tu viện Shukseb về phía Nam của Lhasa.
Bốn tác phẩm này – Vima Nyingtik và sự giảng giải của Ngài Longchenpa – Lama Yangtik, Khandro Nyingtik và những giảng giải của Ngài [tức Khandro Yangtik] cùng nhau được biết đến là Nyingtik Yabshi – Tâm Yếu Bốn Phần và tiếp tục được xem là những tác phẩm nền tảng trong giáo lý Dzogchen.
Ẩn thất tại Gangri Tokar, nơi mà Ngài Longchenpa đặt tên là Orgyen Dzong Ozer Trinkyi Kyemo Tsal, là một trong những nơi cư ngụ chính của Ngài. Ở đây, Ngài soạn hầu hết các tác phẩm nổi tiếng, hơn hai trăm bản văn. Ngài miêu tả ẩn thất này trong Luận Giải Đại Viên Mãn An Trú Trong Bản Tính Tâm: “Nó tọa lạc về phía Đông Bắc chùa Tashi Gepel của Onkyangdo. Dường như ngọn núi này được điểm tô bằng chiếc bờm băng và mặc y phục trắng như trăng trong quá khứ”. Nhiều tác phẩm mà Ngài soạn ở đây đã bị mất.
Khi Ngài trở thành một đạo sư chân chính, những cuộc chính biến ở Tây Tạng khiến Ngài rơi vào tình hình nguy hiểm. Tai Situ Jangchub Gyaltsen (1302-1364) của triều đình Pakmodrupa tuyên bố là vị cai quản Tây Tạng vào năm 1349, lật đổ sự điều hành của Sakya-Yuan. Khi Drikung tiến hành một cuộc nổi dậy vào năm 1359, Ngài Longchenpa, một vị được hưởng bảo trợ từ Drikung Gomchen Kunga Rinchen, cố gắng hòa giải nhưng bất thành, điều khiến Jangchub Gyaltsen trục xuất Ngài khỏi Tây Tạng. Ngài Longchenpa thiết lập và cư ngụ tại Tu viện Tharpaling ở Bumthang, Bhutan. Chuyến du hành đầu tiên của Ngài đến đó được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Đức Liên Hoa Sinh, màu trắng và với năm Không Hành Nữ vây quanh.
Ở Bhutan, Ngài dạy Đại Viên Mãn cho cư sĩ từ Tâm Yếu Bốn Phần cũng như các trước tác được biết đến là Bảy Kho Tàng và Ba Bộ An Trú. Theo các sử gia Bhutan, hai pho sau đều được viết ở Bhutan, bị mất và sau đó viết lại ở Gangri Tokar. Tuy nhiên, các tài liệu Tây Tạng nhìn chung đồng ý rằng những tác phẩm chính yếu này được soạn tại ẩn thất trước các chuyến du hành đến Bhutan. Ngài đã thành lập tám ẩn thất ở khắp phía Nam Bhutan: bên cạnh Tharpaling, chúng gồm Dechenling, Orgyenling, Kunzangling, Drechakling, Rinchenling, Kunzangling và Samtenling.
Một vài trong số những ẩn thất này, chủ yếu ở phía Tây Bhutan, không còn tồn tại. Các địa điểm [tại] Paro được trao lại cho gia đình Humral từ truyền thống Drukpa Kagyu. Paljor Gyaltsen, đệ tử Bhutan chính yếu của Ngài Longchenpa, đã thành lập các Tu viện và chùa như Komtrang Tashi Tsemo, Ngenlung Pobikha và Khewang Lhakhang, ngay phía Đông của Paro trong quận Shar và thiết lập truyền thống giảng dạy để tôn vinh Ngài Longchenpa.
Trong lúc ở Bhutan, Ngài Longchenpa có ít nhất một người con với vị phối ngẫu Ani Kyipala từ Chungsekha trong thung lũng Sha ở phía Tây Bhutan. Con trai Ngài – Drakpa Ozer (1356-1409) tiếp tục là một vị trì giữ truyền thừa Nyingtik. Ngài Drakpa Ozer sau này tái sinh trong truyền thừa Dzogchen thành một ‘tâm-tử’ (Thugse), vị đầu tiên cũng tên là Drakpa Ozer (sinh năm 1416). Nhiều vị trong truyền thừa này đã sinh ở Bumthang và là người đứng đầu của Samtenling. Ngài Longchenpa được cho là có một người con gái sinh năm 1351. Tên của người con gái này chưa được biết đến.
Trong lúc Ngài vắng mặt, các thí chủ Tây Tạng – Situ Shakya Zangpo từ Uto và Dorje Gyaltsen từ Yamdrok đã thương lượng với Jangchub Gyaltsen để Ngài được phép trở về và sau sáu năm ở Bhutan, Ngài đã chấp nhận lời mời từ đệ tử Khedrub Khyabdal Lhundrub và trở về Tây Tạng. Vị cai quản Pakmodru – Jangchub Gyaltsen giờ sẵn lòng thọ giáo lý và quán đỉnh từ Ngài và rõ ràng, chính ông ấy là người đã trao cho Ngài danh hiệu mà Ngài thường được biết đến nhất – Longchen Rabjam, nghĩa là “người với kiến thức vô lượng”, điều thường được viết tắt thành Longchenpa. Trở về Tây Tạng, Ngài chủ yếu sống tại Gangri Tokar.
Năm mươi sáu tuổi, sức khỏe của Ngài suy giảm. Ngài du hành trở về Chimphu qua Gyama và Samye. Ngài tiếp tục trao các giáo lý và cử hành những nghi lễ cộng đồng, chẳng hạn tiệc Ganacakra. Ngài cũng soạn di chúc – Vô Cấu Quang và Chiếc Gương Điểm Then Chốt. Vô Cấu Quang là sự diễn tả các ý nghĩ của Ngài khi cái chết đến gần trong khi Chiếc Gương Điểm Then Chót là di chúc cuối cùng của Ngài cho những hành giả về cách đi theo giáo lý Phật. Hai tác phẩm này nằm trong Zabmo Yangtik – Giọt Tâm Cực Mật Sâu Xa. Zabmo Yangtik là tuyển tập các phần của truyền thống học thuật và truyền thống truyền miệng của Phần Chỉ Dẫn (Mengakde) của giáo lý Dzogchen, điều theo truyền thống được quy cho Tôn giả Văn Thù Hữu (Manjushrimitra).
Lúc trưa ngày Mười tám tháng Mười hai năm Thủy Mão cái, tức ngày 30 tháng 1 năm 1364, năm mươi sáu tuổi, Ngài Longchenpa hướng dẫn các thị giả đặt những món cúng dường và để Ngài nghỉ ngơi. Theo Nyoshul Khenpo (1931-1999)[2], Ngài sau đó ngồi trong “tư thế Pháp thân và viên tịch vào trạng thái cạn kiệt nguyên sơ”.
Ngài Longchenpa là vị kế thừa của một truyền thống uy tín, điều bao gồm Maha, Anu và Ati Yoga. Đóng góp của Ngài với truyền thừa Nyingma bao gồm việc viết các tác phẩm mới liên quan đến những tác phẩm vốn đã được thiết lập được tìm thấy trên khắp Tây Tạng. Bảy Kho Tàng và các trước tác của Ngài về Nyingtik giải thích những chủ đề như Mười Bảy Mật Điển, Lamdre và nghiên cứu về triết học Dzogchen. Bảy Kho Tàng bao gồm: Kho Tàng Như Ý (Yishin Dzod), Kho Tàng Chỉ Dẫn Cốt Tủy (Mengak Dzod), Kho Tàng Pháp Giới (Choying Dzod), Kho Tàng Hệ Thống Triết Học (Drubta Dzod), Kho Tàng Tối Thượng Thừa (Thekchok Dzod), Kho Tàng Từ Ngữ Và Ý Nghĩa (Tsikdon Dzod) và Kho Tàng Trạng Thái Tự Nhiên (Neluk Dzod). Các tác phẩm khác của Ngài bao gồm: Ba Bộ Tiêu Trừ Bóng Tối (Munsel Korsum), Ba Bộ An Trú (Ngalso Korsum) và Ba Bộ Tự Nhiên Giải Thoát (Rangdrol Korsum). Nyoshul Khenpo nhắc đến rằng Ngài Longchenpa đã ký trong hơn 300 tác phẩm bằng những tên khác nhau, bao gồm Tsultrim Lodro, Longchen Rabjam, Pema Ledrel Tsal và Longsel Drime.
Ngoài những nỗ lực thiết lập tám trung tâm ở Bhutan, Ngài không có ý định hệ thống hóa điều được biết đến là “truyền thống Nyingma” và Ngài được miêu tả bởi các sử gia Tây Tạng đương thời là đã chống lại tổ chức quan liêu. Ngài về căn bản thì thống nhất trong cách tiếp cận việc đào tạo bản thân. Danh hiệu Samye Lungmangpa của Ngài, tức ‘vị từ Samye thọ nhiều kinh văn” được trao bởi Ngài nổi tiếng đã du hành đến các học viện khác nhau và thọ nhận giáo lý từ cả truyền thừa Mật thừa cũ và mới. Tuy nhiên, trong các trước tác, Ngài chủ yếu quan tâm đến Dzogchen và văn học cốt lõi của truyền thống Nyingma.
Các sử gia Tây Tạng đã phân nhóm những đệ tử của Ngài Longchenpa. “Năm tâm tử” gồm Dokhampa Tengom Chokyi Drakpa, Gyalse Zangpo Drakpa, Lama Palchok, Guru Yeshe Rabjam từ Shukseb và Zhonnu Sangye. Bốn “vị thầy hoằng dương giáo lý” gồm Paljor Gyatso, Lobpon Sangye, Lobpon Lodro Zangpo và Jadral Choje Tashi Jungne từ Takgo. Các đệ tử, những vị được gọi là “Yogin thành tựu tâm linh”, là Pago Tokden Gyalpo, Naljor Ozer Gocha, Guru Osal Rangdrol và Jatang Sonam Ozer. Các đệ tử khác bao gồm Khedrub Delek Gyatso, Khedrub Chokyi Drakpa, Trulshik Sangye Onpo, Orgyen Choje từ Drok, Khenpo Sonam Senge từ Lu, Drakpa Pal và Sangye Palrin.
Ngài Longchenpa đã xuất hiện trước những đạo sư Tây Tạng trong các linh kiến và vì thế thường được xem là một vị đạo sư với những người sống tốt sau khi Ngài viên tịch. Có lẽ, nổi tiếng nhất trong những vị này là Jigme Lingpa (1730-1798)[3]. Các linh kiến về Đức Longchenpa đã gia trì để Ngài sau đó phát lộ một trong những pho kho tàng Nyingtik sau này nổi tiếng nhất – Longchen Nyingtik[4], Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La[5].
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Longchenpa-Drime-Wozer/P1583.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Renée Ford là một giảng viên tại UNC-Wilmington. Bà ấy hoàn thành Tiến sĩ tại Đại học Rice vào năm 2020.
[5] Xin lưu ý rằng “Longchen” trong tựa đề không ám chỉ Đức Longchenpa, như thường được tin.
Discussion about this post