TIỂU SỬ VẮN TẮT ĐỨC MA RINCHEN CHOK
Ngài Rinchen Chok sinh ở Penyul, xứ U, trong bộ tộc Ma. Dưới sự chứng minh của Tôn giả Tịch Hộ [Shantarakshita[2]], Ngài đã xuất gia cùng với sáu người Tây Tạng khác, nhóm được biết đến là “bảy người được thử thách”.
Ngài Rinchen Chok thuộc đoàn người du hành đến Ấn Độ để cung thỉnh Tôn giả Vô Cấu Hữu [Vimalamitra[3]] đến Tây Tạng và đã trở thành một học trò thân cận của vị đạo sư này. Tôn giả đã ban cho Ngài trao truyền về các Mật điển gốc của Mahayoga, Mayajala và Guhyagarbha và cùng nhau, hai vị đã dịch chúng sang Tạng ngữ. Ngài được cho là đã soạn hơn hai trăm luận giải về các tác phẩm của Đức Liên Hoa Sinh, Tôn giả Vô Cấu Hữu và Buddhaguhya[4], mặc dù chỉ một vài tác phẩm còn được giữ gìn.
Nhờ thực hành những giáo lý của Đức Liên Hoa Sinh, chủ yếu tại Chimphu, Ngài đã hiển bày sự chứng ngộ bằng cách cắt đá ra thành nhiều mảnh như thể chúng là bột và sau đó ăn chúng như thể đồ ăn. Ngài được cho là đã hỗ trợ Đức Liên Hoa Sinh và Yeshe Tsogyal trong việc chôn giấu kho tàng.
Sau khi hoàn toàn thấu triệt giáo lý Trung Đạo của Tổ Long Thọ, Ngài Rinchen Chok đã tham gia vào cuộc tranh luận Samye nổi tiếng, trợ giúp Đức Kamalashila[5] đánh bại đạo sư Trung Quốc – Hvashang Mahayana.
Một số nguồn ghi lại rằng Ngài Rinchen Chok bị sát hại để trả thù việc ám sát Langdarma, nhưng hầu hết cho rằng Ngài đã nhập thất ẩn tu, du hành đến Kham, nơi Ngài trao truyền giáo lý Mahayoga cho Rinchen Zhonnu và Kyere Chokyong – các học trò của vị này, Darje Palgyi Drakpa và Zhang Gyalwe Yonten lại là đạo sư của Nubchen Sangye Yeshe. Truyền thống này được biết đến là truyền thừa Kham về Mayajala.
Những người Tây Tạng sau đó được cho là vị tái sinh của Ngài gồm Longsal Nyingpo[6] (1625-1692) và vị Adzom Drukpa thứ nhất – Drodul Pawo Dorje (1842-1924)[7].
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Ma-Rinchen-Chok/5234.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Arthur Mandelbaum là một hành giả và dịch giả Phật giáo.
[2] Theo Rigpawiki, Shantarakshita tức Tịch Hộ (725-788), cũng được biết đến là Khenpo Bodhisattva, ‘Bồ Tát Trụ Trì’. Học giả Ấn Độ vĩ đại của trường phái Đại thừa này là viện trưởng của Phật học viện Nalanda. Ngài được Vua Trisong Deutsen thỉnh mời đến Tây Tạng, nơi Ngài thành lập ngôi chùa và Tu viện Samye và truyền giới xuất gia cho bảy tu sĩ Tây Tạng đầu tiên, nhờ đó, thiết lập Tăng đoàn Tây Tạng theo truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ của Tổ Long Thọ. Ngài nỗ lực để giữ gìn và duy trì giáo lý Phật Đà và nhờ đó, bắt đầu thiết lập Phật Pháp ở Tây Tạng. Tuy nhiên, các thế lực bản địa thù địch và chống đối Giáo Pháp đang tăng trưởng sức mạnh. Quyền lực của đức vua Trisong Deutsen hay sức mạnh của trụ trì Tịch Hộ vĩ đại đều không thể điều phục chúng và vì thế, họ đã thỉnh mời Guru Rinpoche đến Tây Tạng.
[3] Theo Rigpawiki, Vimalamitra – Vô Cấu Hữu hay Mahavajra là một trong ba đạo sư Phật giáo Ấn Độ uyên bác nhất. Ngài đã đến Tây Tạng vào thế kỷ 9, nơi Ngài giảng dạy rộng khắp và biên soạn cũng như chuyển dịch nhiều bản văn Phạn ngữ. Tinh túy của các giáo lý của Ngài được biết đến là Vima Nyingtik, một trong những giáo lý Tâm Yếu của Đại Viên Mãn.
Vimalamitra dành mười ba năm ở Tây Tạng và sau đó, hứa khả sẽ trở lại Tây Tạng mỗi một trăm năm để củng cố giáo lý Tịnh Quang Đại Viên Mãn, Ngài đến Ngũ Đài Sơn của Trung Quốc. Ở đó, Ngài duy trì Thân Cầu Vồng – ‘Thân Đại Chuyển Di’ và sẽ an trụ như vậy cho đến khi tất cả 1002 vị Phật của Hiền Kiếp này xuất hiện. Khi chư vị đều đã xuất hiện, Ngài sẽ đến Kim Cương Tòa ở Ấn Độ một lần nữa và hiển bày trạng thái giác ngộ viên mãn.
[4] Theo Rigpawiki, Buddhaguhya – một đạo sư Ấn Độ vĩ đại, người đóng vai trò then chốt trong sự trao truyền giáo lý Mahayoga ở Ấn Độ và Tây Tạng. Ngài là một vị thầy của Tôn giả Vimalamitra.
[5] Theo Rigpawiki, Kamalashila (khoảng 740-795) – vị đạo sư Ấn Độ và giáo sư của Đại học Nalanda này là đệ tử chính yếu của viện trưởng Shantarakshita vĩ đại. Ngài nổi tiếng đã đánh bại đạo sư Trung Quốc của trường phái Hashang (vị mà tên riêng thường được cho là Mahayana Hashang) trong cuộc tranh luận nổi tiếng ở Samye, điều diễn ra vào khoảng năm 792 sau Công nguyên, nhờ đó đảm bảo rằng người Tây Tạng đi theo truyền thống Trung Đạo của Ấn Độ, điều vốn đã phát triển tại Tu viện Nalanda vĩ đại. Ngài viên tịch ở Tây Tạng vào khoảng năm 795.
[6] Theo Rigpawiki, Longsal Nyingpo (1625-1692), cũng được biết đến là Longsal Dorje Nyingpo, là một Terton mà những giáo lý Terma cũng được biết đến với danh hiệu của Ngài. Ngài là học trò của Đức Rigdzin Dudul Dorje. Ngài là một trong những vị chịu trách nhiệm trùng tu Tu viện Kathok, nơi mà sau bốn thế kỷ rưỡi, đã hư hỏng.
Discussion about this post