TIỀN VÀ VIỆC CẢI ĐẠO TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO
Minh Thạnh
Liệu sự hưng thịnh của đạo Phật với chùa to, Phật lớn có bền vững, nếu hàng ngày vẫn còn những tín đồ đạo Phật cải đạo vì hoàn cảnh thắt ngặt khó khăn, những câu chuyện cải đạo với 3 triệu, 5 triệu đồng vẫn được kể trên những trang web Phật giáo?
Qua bài viết “Thêm vài ví dụ về Tin Lành, nghĩ về Phật giáo Việt Nam”, vấn đề dùng tiền để cải đạo tín đồ Phật giáo được nhiều bạn đọc quan tâm, tham gia ý kiến.
Có bạn đọc cho biết số tiền người cải đạo được lãnh là 3 triệu đồng. Theo những thông tin của chúng tôi, đó đúng là con số trung bình. Thực tế, tùy theo hoàn cảnh, con số đó có khi ít hơn, có khi nhiều hơn. Cũng có khi trọn gói tiền mặt, cũng có khi dưới nhiều hình thức, như đóng tiền đi xuất khẩu lao động, đóng tiền học phí, tiền sửa nhà trả dần…Có khi được vay số lớn hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm:
Không phải chỉ mỗi một đạo Tin Lành là dùng tiền để cải đạo tín đồ đạo Phật, mà có tôn giáo khác cũng thường xuyên áp dụng phương sách này (xin xem chi tiết các ý kiến trên diễn đàn).
Thực ra, không phải dùng tiền là dễ dàng cải đạo được ngay. Lòng tự trọng và tình cảm tâm linh không thể dễ dàng đổi bằng tiền. Chúng tôi cũng được nghe kể về những trường hợp, thậm chí, xảy ra xô xát trước việc đụng đến bàn thờ gia tiên. Khi thì đối với người dùng tiền đánh đổi một cách trơ tráo. Khi thì ở những người trong nhà với nhau bất đồng ý kiến…Nhưng nhìn chung, thì nếu dùng tiền mà mua đạo dễ dàng, thì người dân Việt dưới 80 năm thực dân Pháp đặt ách xâm lược đã cải đạo hết. Cái cách mua tín đồ thật cũng đáng lo, nhưng kiểu dùng đồng tiền quá thô tháo, kệch cỡm thì chắc cũng khó mà đạt mục đích.
Tuy nhiên cần cẩn trọng với kiểu đồng tiền bọc ngoài bằng lớp vỏ mang màu sắc bác ái, nhân đạo, từ thiện, đồng tiền được tính toán việc hiệu quả cải đạo một cách tinh vi.
Khi người nông dân vừa sau vụ thu hoạch, thì mang đến cả chục triệu đến đặt trước mặt họ mà bảo dẹp bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà đi, thì khó mà câu chuyện kéo dài được lâu, và chúng ta có thể lo lắng cho sự an toàn của người cầm tiền đi mua chuyện dẹp bàn thờ đó.
Vì vậy, càng về sau, việc cầm tiền đi đánh đổi càng được tính toán kỹ lưỡng. Như có bạn đọc thông tin trong phần phản hồi, người truyền đạo thường hay tìm đến các bệnh viện. Lúc bệnh tật là lúc con người ta khốn khổ vì đồng tiền nhất. Chính lúc đó, những đồng tiền mặc áo khoác từ thiện, bác ái, nhưng có mục tiêu, kèm điều kiện xuất hiện. Những chiếc phao cứu sinh, dù sao, cũng dễ động lòng người.
Khi đó, đồng tiền dù không nhiều, nhưng tác dụng của nó đối với việc cải đạo hết sức mạnh mẽ, kể cả người đang nằm trên giường bệnh, lẫn gia đình của người bệnh. Đồng tiền trở nên nặng hơn, mạnh hơn, có vẻ tình cảm hơn, nhưng cũng nhẫn tâm hơn.
Việc cải đạo hướng về những người bệnh nan y cận kề thời khắc qua đời (xin xem ý kiến trên diễn đàn) không phải chỉ nhằm vào người bệnh, mà nhằm vào thân nhân người bệnh, những người chứng kiến việc đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự việc đó.
Có thông tin kể lại trong giai đoạn chiến tranh ở Campuchia, những tổ chức truyền giáo nước ngoài giúp đỡ mai táng những binh lính chống chính phủ tử trận, nhìn nhận họ như những tín đồ (dù đó có thể là lính Khmer đỏ!), cắm thánh giá lên mộ họ, để từ đó tác động đến số người Campuchia theo đạo Phật sống trong các trại tị nạn trên biên giới. Những lúc như vậy thêm tiền bạc vào, thì hiệu quả của nó tăng lên nhiêu lần.
Có khi “trợ giúp” tiền bạc đi kèm với “cấm vận”.
Tôi đã đọc câu chuyện về gia đình dọn về xóm đạo, mở tiệm tạp hóa, nhưng không ai trong xóm mua hàng. Sau khi cải đạo thì lời kêu gọi giúp đỡ được loan báo tại thánh đường, tiệm tạp hóa trở nên đắt hàng.
Du học sinh Việt Nam ở Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí cả Nhật Bản…cũng gặp phải tình trạng “cấm vận” việc làm thêm và “lệnh cấm vận” sẽ đựơc tháo bỏ khi sinh viên đó cải đạo. Chẳng những có việc làm thêm mà tiền công còn cao hơn.
Theo ý riêng của chúng tôi, sự giúp đỡ có điều kiện rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng, không phải là xấu. Người nhận giúp đỡ dù sao cũng đã có sự “lựa chọn”. Đương nhiên, việc lựa chọn “giúp đỡ”, “tương trợ” trước hết cho những người cùng tôn giáo là chuyện bình thường, dễ hiểu.
Chúng tôi cũng nghe kể rằng, trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, ở nhiều vùng tại miền Bắc, trong nhiều làng đạo toàn tòng hầu như không có người chết, vì họ giúp đỡ lẫn nhau (tất nhiên là trong điều kiện người cùng đạo, dù theo đạo đã lâu hay mới cải đạo). Còn những làng “lương” ngay bên cạnh, số người chết đói có thể rất lớn.
Điểm lại những kỹ thuật dùng tiền và những hình thức khác của đồng tiền để cải đạo như trên, chúng tôi không nhằm mục tiêu nói những điều xấu. Nhưng chúng tôi muốn hướng đến những người theo đạo Phật còn đang chịu những bi kịch của sự lựa chọn như thế.
Tiếp nhận đồng tiền có kèm theo sự đánh đổi, đương nhiên, trong tất cả mọi trường hợp, không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi nó động đến vấn đề thiêng liêng, với những người thân đã quá cố, với sự thờ phượng truyền thống…
Nên chăng, chúng ta có thể bớt đi chút ít trong hàng tỷ tỷ đồng đúc chuông, tô tượng…cho một hình thức hoạt động nào đó để giúp những người cùng theo đạo Phật với chúng ta không phải chịu cái bi kịch cải đạo đau đớn.
Làm sao cho nhà chùa trở thành nơi mà những cảnh đời khốn khó, hoạn nạn tìm đến để nương tựa, cậy nhờ, trước khi bàn tay của một tôn giáo nào đó xòe ra với những đồng tiền có điều kiện.
Liệu sự hưng thịnh của đạo Phật với chùa to, Phật lớn có bền vững, nếu hàng ngày vẫn còn những tín đồ đạo Phật cải đạo vì hoàn cảnh thắt ngặt khó khăn, những câu chuyện cải đạo với 3 triệu, 5 triệu đồng vẫn được kể trên những trang web Phật giáo?
Minh Thạnh
(phattuvietnam.net)
Discussion about this post