THIỀN VIỆN NGUYÊN THỦY
Ký sự của Phạm Doãn
Lịch sử
Chùa Nguyên Thuỷ thành lập năm 1970 do cố Hoà thượng Hộ Tông thực hiện. Chủ trương của Hoà thượng là thành lập Đại Học Phật Giáo và Trung tâm thiền định Phật Giáo Nguyên Thủy trong diện tích đất chùa Nguyên Thủy, nhưng vì nhân duyên chưa đủ nên công trình chỉ hoàn thành hai hạng mục chánh điện và tăng xá. Chánh điện có diện tích ngang 18m, dài 24m và một pho tượng Thích ca bằng chất liệu ximăng, ngang 3,3m, cao 6,3m rất hùng vĩ và trang nghiêm. Công trình kiến trúc khá độc đáo, mang đậm tính truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ và dân tộc Việt, mái cổ lầu, hoa văn đơn giản, nhẹ nhàng tươi mát. Chùa từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 5 đời trụ trì: cố Hoà thượng Hộ Tông, Thượng toạ Thiện Giới, Thượng toạ Giác Chánh, Đại đức Giác Thiền và Thượng toạ Pháp Chất. Mỗi đời trụ trì đều có sự đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát huy chùa Nguyên Thuỷ.
Gần đây tổ chức thường xuyên khoá tu thiền Tứ Niện Xứ vào cuối tháng bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 âl do thượng toạ Pháp Chất giảng dạy. Hành giã đến tu thiền, bữa ăn được phục vụ miễn phí do phật tử chùa cúng dường. Vì nhu cầu hành giã tu thiền càng ngày càng đông, nên ngày 15 tháng 8 năm 2006 Thượng toạ cho khởi công xây dựng Thiền xá gồm có 9 phòng, hoàn tất ngày 30 tháng 9 năm 2006, khánh thành ngày 01 tháng 10 năm 2006 dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thanh Minh, Thượng toạ Hộ Chánh và Thượng toạ Thiện Nhân, Thượng toạ Bửu Chánh ……cùng chư tăng đại diện các chùa Phật giáo Nguyên Thuỷ đến tham dự đông đủ. Tổng kinh phí cho công trình trên 200.000.000 đồng.
Gần đây, mới tháng bảy 2008, thày Goenka, thày Suphan, rồi thày Dhammapala đã đến chùa Nguyên thủy. Nhu cầu khiến chùa phải tiếp tục nâng cấp thiền đường cho tăng ni và cư sĩ có nơi tu tập.
Chánh điện của chùa: Tượng Phật này tại phần cổ có chứa xá lợi Phật!
Khuôn viên rộng, chỉ có một tượng Phật theo hình dáng nghệ thật Thailand.
KHÓA THIỀN “Ba ngày”
Trước đó vài ngày tôi có đến chùa hỏi thăm về một khóa học vipassana ngắn ngày, mục đích chỉ để gieo duyên và tìm hiểu. Sau khi tìm hiểu, tự quyết định “một khóa thiền ba ngày”, nhóm chúng tôi (cư sĩ blog ), bốn người đến chùa vào sáng 29/12/08. Trời rất đẹp!
Vì có báo trước, nên ban trị sự đã chuẩn bị đón tiếp nồng hậu. Giới tử Minh Chí (giới tử là người chuẩn bị xuất gia) đã hướng dẫn chúng tôi nhận mùng ngủ, bình bát, sau đó hướng dẫn về phòng. Nam, Nữ, có hai khu biệt lập.
Cư sĩ tham gia khóa học được yêu cầu mặc y phục trắng. Có thể mua tại chùa.
Phòng theo tiêu chuẩn của khách sạn “không sao”, giường ghế bố, quạt máy. Mà “không sao” đâu, đa số thời gian bạn sẽ ở Thiền đường. Phòng chỉ để ngủ tạm qua đêm.
Thiền đường nằm bên phải của chùa. Rất rộng, thoáng mát, nhờ mới vừa sửa chữa.
Mặt hông của thiền đường. Bảng khánh thành cho thấy thiền đường mới vừa được tu sửa, hoàn thành vừa mới đúng bốn tháng trước! Cái tên Thiền đường “Diệt tận định” nghe hơi ớn!
Thiền đường đẹp, thực tế đẹp hơn ảnh chụp.
Tượng Phật Thích Ca này là quà tặng từ Thái Lan..
Các chùa của Đạo Phật nguyên thủy chỉ tôn thờ một vị Thày duy nhất: Sakya Muni.
Do đó trang trí trong chùa chỉ duy nhất là tượng Phật Sakya Muni.
Đầu tiên nhóm được Sư cô Tịnh Tâm hướng dẫn đến đảnh lễ thày Dhammapala. Sau đó thày giảng thuyết giới thiệu về Đạo Phật, về ý nghĩa của sự chọn lựa con đường giải thoát. Bài thực hành đầu tiên là tư thế ngồi, cách niệm hơi thở theo kinh Anapanasati.
Đến giờ ăn Ngọ. Cả nhóm được hướng dẫn cách “Đi Bát”. Chân trần, ôm bình bát xếp hàng theo tiêu chuẩn tuổi tác, nam nữ, xuất gia hay cư sĩ.
Cư sĩ đến tu học cũng thực hiện nghi thức truyền thống ăn trong một bát.
Hồi xưa, thực ra mãi đến thời gian gần đây, tôi vẫn có ấn tượng không đẹp với hinh ảnh thày tu bưng bát đi chân không. Vậy mà sao hôm nay ôm bát, từng bước chân trần trên nền đất lạnh tôi lại cảm thấy bình an!
Xếp hàng theo nguyên tắc: Người cao tuổi trước, nhỏ tuổi sau. Nam đứng trước nữ đứng sau. Tăng Ni trước, Cư sĩ sau. Trật tự theo hàng lối, tuyệt đối giữ yên lặng. Đi Bát, Khất thực chỉ là nghi thức tượng trưng ( lúc 6h và 11h): Sự thực là chúng tôi ăn ngày hai bữa Buffet phong phú. Giới thứ 06 là không ăn phi thời (sau ngọ). Được dùng thức uống như sữa, trà, café, bột dinh dưỡng…
Nghi thức truyền thống ăn trong một bát nhắc ta rằng: Thọ dụng thực phẩm chẳng qua chỉ là việc cần thiết để duy trì sự sống trên con đường tu tập.
Như lý quán tưởng rằng: Ta thọ dụng vật thực, không phải để vui đùa,
không phải để ham mê, không phải để trang sức, không phải để làm đẹp.
Mà chỉ để thân này, được tồn tại mạnh khỏe, để tránh sự tổn thương
Để trợ duyên phạm hạnh. Cảm thọ cũ được trừ. Cảm thọ mới không sanh.
Ta sẽ không lỗi lầm và sống trong an lạc!
Tại chùa Nguyên Thủy chỉ ăn hai buổi sáng và trưa. Buổi tối không ăn, có thể uống trà đường, café, sữa, bột dinh dưỡng. Ăn ít, thiền sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Thời giờ còn lại dành cho năm buổi ngồi thiền mỗi ngày.
Blog-friend này mới tu mà vào thế kiết già thật uy nghi!
Bài đầu tiên : Định Niệm hơi thở (anapanasati) Khi học về Định (Samatha) thày cho phép mỗi người tự chọn đối tượng hoặc Breathing method (Anapanasati) hoặc quán tứ đại (Four elements contemplation-Dhatuvavatthana). Thày nói thày không có khả năng chọn đối tượng thích hợp cho từng học trò. Chỉ có Đức Phật Sakya Muni mới có khả năng chọn đối tượng định hoặc đề mục quán thích hợp cho từng học trò.
Chương trình của một ngày gồm nhiều tiết mục. Mục hành thiền có năm lần trong một ngày. Mỗi lần hành thiền 01:H 30mn. Tuy nhiên tùy theo sức của người thực hành. Nếu thấy đau chân, mỏi mệt hoặc buồn ngủ ta có thể yên lặng rút lui trong lễ phép. Nếu khỏe lại, thì ta lại có thể quay vào thiền tiếp.
Tu sĩ hoặc cư sĩ tham gia khóa học đều có thể tự mình tìm một chỗ thích hợp để ngồi, không nhất thiết là phải ngồi trong Thiền đường.
Vị sư đang thiền dưới gốc cây này có màu áo Khất sĩ. Rất nhiều sư thuộc phái Khất Sĩ đã tìm đến đây học pháp.
Tại thiền đường, tôi thấy nhiều vị trẻ tuổi lẫn cao tuổi, thậm chí có người có vẻ đã qua tai biến mạch máu não đang cố gắng hành thiền.
Nhìn những cái lưng thật thẳng trong không gian tuyệt đối yên tĩnh, ta thấy như có gì đó thật “cảm động”: Nổ lực tự chiến thắng mình của những con người khao khát tìm tự do tuyệt đối, vượt thoát sinh tử vô thường!
Thiền Sư DHAMMAPALA người Myanmar, học trò của Sayadaw Pa Auk, là người đang hướng dẫn khóa học này. Thày rất trẻ, cao to, nụ cười thật đẹp, thật hồn nhiên. Nhưng trái với số tuổi, thày là người sẽ hướng dẫn tất cả các vị xuất gia hoặc cư sĩ đến đây.
Chùa phát miễn phí các bài học với đạo lộ tu tập của trường phái Pa Auk: Giới – Định – Huệ.
Theo đạo lộ này thì Định chỉ (Samatha) được dạy trước Thiền quán (Vipassana).
Sau khi đọc tài liệu của thày mà cô Viên Hương đã dịch, thì tôi nhận ra ngay mình đã từng tập sai phần định niệm hơi thở (bước thứ ba).
Bản dịch của thày Minh Châu trong kinh Nhập tức xuất tức niệm (Anapanasati)
– “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập
Bản dịch theo tài liệu trường phái Pa Auk là:
– Cảm giác toàn thân hơi thở tôi sẽ thở vào, cảm giác toàn thân hơi thở tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.
Như vậy Kaya trong kinh tạng Pali không chỉ có nghiã là thân xác. Thầy Dhammapala giảng: Kaya bao gồm ba phần: Thân xác, cảm thọ và hơi thở. Hơi thở thuộc thân, còn gọi là Thân hành nội.
Thầy Dhammapala đến Việt Nam vào khoảng tháng sáu 2008. Sau bài thuyết pháp đầu tiên tại chùa Nguyên Thủy đã có ngay 16 vị người nữ xin xuất gia làm đệ tử của thầy. Hình trên ta thấy những vị nữ tu mặc áo màu nâu, đó là những đệ tử mới xuất gia theo thày Dhammapala. Những vị mặc áo trắng là những vị xuất gia vốn có tại chùa nguyên thủy.
Tu nữ Santacitta (Tịnh Tâm) có khuôn mặt thật sáng, nét đẹp thánh thiện, âm thanh trong trẻo. Cô là học trò và là người thông dịch cho thày Dhammapala. Trong truyền thống của Đạo Phật nguyên thủy, pháp danh là tiếng Pali thường được đặt theo tên của các vị A La Hán đệ tử của Phật. Hình trên, cô đang thảo luận với một blog friend của nhóm chúng tôi, về việc chỉnh sửa một câu trong tài liệu. Đối với giáo pháp lúc không còn thày tại thế: Kinh điển để lại, nếu hiểu sai một li, có thể phí đi vài chục năm tập luyện!
Có nhiều người tự nguyện làm thông dịch cho thày khi thày giảng pháp hay những buổi học trò trình pháp cho thày, tuy nhiên số thông dịch vẫn thiếu. Hai nữ cư sĩ Viên Hương và Nguyệt Minh đã có công hoàn thành những bản dịch tuyệt vời cho các bài pháp của thày Dhammapala.
Bên trái là cái thất nhỏ xíu thày đang ở. Lúc đến chùa VN thày đã chọn ở cái thất này mà không chịu ở các phòng VIP trong chùa. Lí do: Giới?
Bên phải là khoảng sân nhỏ để các đệ tử đến trình pháp. Thày ngồi ở cái ghế mây, học trò ngồi ở chiếu bên dưới.
Bất cứ thắc mắc điều gì, sau giờ thiền, học trò cũng có thể thỉnh thày giải thích. Thực sự tôi chưa bao giờ thấy một tinh thần học hỏi tích cực đến như thế tại các chùa mà tôi từng đến. Thày và trò miệt mài cùng nhau dạy và học. Giảng dạy-Thực hành- Trình Pháp rồi lại Giảng dạy-thực hành-Trình pháp. Hiện thày cũng đã cảm thấy mệt, nếu số lượng người tìm đến tăng lên, không chắc còn duy trì được những buổi “Trình pháp” tự do đến như thế này.
Trình Pháp là thời gian “trò hỏi thày trả lời”. Nhóm chúng tôi thuộc “lớp Lá, tức ABC” vậy mà cũng vẫn được trình pháp nhiều lần. Thầy vẫn luôn cười dễ dãi, giọng tiếng Anh tương đối dễ nghe. Khi một người trình pháp, người khác có thể tranh thủ nghe “ké”. Qua những buổi trình pháp, tôi đã nghe nhiều người tập định niệm hơi thở, ở mức 45 phút không có wandering thoughts, đã xuất hiện nimitta. Nghĩa là con đường đắc định rất gần. Khi thày Dhammapala đến dạy, đã có khoảng bảy người đã nhập sơ thiền, một người đã nhập tứ thiền.
Thày đang giảng bài ( sưu tầm trên Internet). Ngoại hình: đẹp và dễ thương. Lý lịch:tốt nghiệp đại học, từng có một vợ hai con.
Cây Sala nở hoa! Chúng tôi cảm thấy đã đến chùa đúng vào một thời gian thích hợp. Hiện chưa có nhiều người tu thiền tìm đến đây. Chùa vẫn còn vắng vẻ. Không gian thanh tịnh. Thầy Dhammapala còn chưa quá mệt mỏi với số đông. Vào hai buổi trình pháp trong ngày, hỏi thày lúc nào, về bất cứ điều gì cũng được. Điều này là vô cùng quý báu đối với những người đang tập hành thiền, nhất là những người muốn học loại thiền mà Đức Phật Sakya Muni đã từng thực hành để tu chứng và đã tâm huyết giảng dạy cho các học trò.
Chúng tôi lưu lại chùa ba ngày hai đêm. Thời gian ít ỏi này dĩ nhiên không có nghĩa gì cho việc tu tập, nhưng sự thu thập được những yếu chỉ cực kì quan trọng cho việc nhập định quả là vô giá. Chính không gian học tập cần mẫn nơi đây đã để lại dấu ấn khó quên cho bất cứ ai đã ghé qua. Chúng tôi dự định sẽ quay lại rất nhiều lần nữa để học hỏi nhiều điều quý báu từ chánh pháp của Sakya Muni.
Phạm Doãn
Discussion about this post