THIỀN QUÁN LÀ GÌ?
Ajahn Chah- Cư sĩ Nguyên Giác dịch
Chúng ta sử dụng suy nghĩ như một công cụ, như hành vi để biết sự sinh khởi, bởi vì công năng của thiền quán thì ở trên và vượt qua tiến trình suy nghĩ; nó dẫn chúng ta tới chỗ không bị mê vọng bởi sự
suy nghĩ.
Đại sư Ajahn Chah sinh ngày 17-6-1918 trong một ngôi làng nhỏ, gần thị trấn Ubon Rajathani, Đông Bắc Thái Lan. Sau khi hoàn tất các chương trình giáo dục căn bản, ngài vào chùa tu học ba năm trước
khi trở về đời sống cư sĩ để giúp ba mẹ trong nghề nông. Năm 20 tuổi, ngài quyết định trở lại đời tu sĩ, và năm 1939 thọ giới tỳ kheo. Ngài học Phật Pháp và ngôn ngữ Pali. Năm năm sau, khi cha bệnh nặng và chết, ngài đã suy nghĩ sâu hơn về luật vô thường. Năm 1946, ngài bỏ cách học đó, và đi du tăng khất thực.
Ngài đi bộ khỏang 400 km tới Miền Trung Thái Lan, ngủ trong các cánh rừng và khất thực qua các làng mạc. Ngài về ngụ ở một tu viện, nơi
bộ Luật Tạng được học và khảo sát kỹ càng. Nơi đây, ngài được nghe về Đại sư Ajahn Mun Bhuridatto, vị được kính trọng như một đại thiền sư. Ngài mới đi bộ tiếp, về hướng Đông Bắc để tìm thiền sư này.
Vào lúc đó, ngài Ajahn Chah đã tinh thông kinh điển, về các giáo
lý về giới, định, tuệ nhưng không biết cách nào đưa tất cả kinh điển giáo pháp vào tu tập. Thiền sư Ajahn Mun mới dạy ngài rằng giáo pháp thì quá nhiều, nhưng trọng tâm thì rất đơn giản. Với sự tỉnh thức đã thiết lập, nếu thấy được rằng vạn pháp sinh khởi ngay trong tâm, thì ngay đó chính là con đường thiền quán chân thực (With mindfulness established, if it is seen that everything arises in the heart-mind… right there is the true path of practice). Pháp môn cô đọng và trực tiếp này đã đổi hẳn cách tu của Ajahn Chah. (LND. Câu vừa rồi là dịch sát nghĩa, để giữ ngôn ngữ Nam Tông. Để dùng ngôn ngữ Bắc Tông, có thể dịch như sau: khi đã ngộ rồi, sẽ thấy vạn pháp mọi thứ núi sông đất trời
thực sự đều trong tâm mình… ngay đó là đạo vậy. Xin dè dặt ghi để đối chiếu.)
Trong bảy năm kế tiếp, ngài Ajahn Chah tu tập theo truyền thống nghiêm ngặt của Lâm Truyền (Forest Tradition), lang thang qua các miền quê, tìm các nơi vắng lặng để thiền tập. Ngài sống trong các khu rừng đầy cọp dữ, rắn độc, nghĩa trang.
Năm 1954, ngài được thỉnh về lại quê. Ngài về ở cánh rừng gần đó, có tên Pah Pong. Bất kể tình hình gian nan thiếu lương thực, nơi ở thiếu tiện nghi, bệnh sốt rét dễ lây, thiền sinh từ các nơi tìm về ngày
càng đông. Tu viện này bây giờ có tên Wat Pah Pong, và sau này nhiều chùa chi nhánh đã được dựng lên khắp thế giới. Ngài viên tịch năm 1992.
Một số sách của ngài được phổ biến trong nhiều ngôn ngữ và đã trở thành cẩm nang thiền quán tại nhiều nơi trên thế giới.
Phần thuyết giảng sau đây được trích ra từ một thời vấn đáp giữa
đại sư Ajahn Chah và một nhóm học trò nói tiếng Anh tại tu viện Wat Gor Nork trong mùa kiết hạ năm 1979.
Hỏi: Khi thầy dạy về giá trị thiền quán, có phải thầy đang nói về hành vi ngồi và suy nghĩ về các chủ đề đặc biệt – thí dụ như ba mươi hai cơ phận cơ thể?
Trả lời: Không nhất thiết khi tâm thực sự vắng lặng. Khi sự vắng lặng đã được thiết lập đúng đắn, thì đề tài quán niệm đúng đắn trở thành hiển nhiên. Khi thiền quán là “Chân Thực” thì không có phân biệt vào chuyện “đúng” và “sai”… Bạn không cần ngồi đó, suy nghĩ: “Ô, cái này như thế đó, và cái đó như thế này”… Đó là hình thức
thô sơ của thiền quán. Thiền quán không chỉ là chuyện suy nghĩ mà là cái chúng ta gọi là “thiền quán trong lặng lẽ”. Trong khi làm các việc [thời khóa] hàng ngày, chúng ta tỉnh thức khảo sát bản chất thực của hiện hữu xuyên qua so sánh. Đây là kiểu thô sơ của sự khảo sát, nhưng nó dẫn tới cái thực.
Hỏi: Khi thầy nói về quán niệm thân và tâm, chúng con có thực sự sử dụng suy nghĩ hay không?
Trả lời: Lúc khởi đầu, chúng ta cần sử dụng suy nghĩ, mặc dù sau đó chúng ta đi vượt qua nó. Khi chúng ta đang thiền quán chân thực, tất cả các suy nghĩ nhị nguyên đều ngưng bặt; cho dù chúng ta cần khảo sát một cách nhị nguyên để khởi đầu. Thực vậy, tất cả
suy nghĩ và suy niệm đều sẽ ngưng bặt.
Hỏi: Thầy nói rằng sẽ phải có đủ định lực (samadhi, tam muội, sự vắng lặng) để thiền quán. Vậy sự vắng lặng bao là nhiêu?
Trả lời: Cần vắng lặng đủ để có sự hiện diện của tâm.
Hỏi: Thầy có ý muốn nói là an trú với cái ở đây và bây giờ, không nghĩ ngợi gì về quá khứ và tương lai?
Trả lời: Suy nghĩ về quá khứ và tương lai thì được chứ, nếu bạn hiểu những chuyện này thực sự là gì, nhưng bạn đừng để bị chúng chụp bắt lấy. Hãy đối xử với chúng y hệt như bạn đối xử với bất cứ
gì khác. Khi bạn thấy suy nghĩ chỉ như là suy nghĩ thì đó là trí tuệ. Hãy nhận thức rằng tất cả chúng chỉ là cái gì đó sinh ra và sẽ biến đi.
Hãy đơn giản thấy mọi thứ như chúng là – nó là cái mà nó là – tâm là tâm – nó không là bất cứ thứ gì hay bất cứ ai trong tự thể. Hạnh phúc chỉ là hạnh phúc, khổ đau chỉ là khổ đau… Khi bạn thấy như vậy, bạn sẽ vượt qua mọi ngờ vực.
Hỏi: Con vẫn còn chưa hiểu. Có phải thiền quán chân thực là y hệt như suy nghĩ?
Trả lời: Chúng ta sử dụng suy nghĩ như một công cụ,
như hành vi để biết sự sinh khởi, bởi vì công năng của thiền quán thì ở
trên và vượt qua tiến trình suy nghĩ; nó dẫn chúng ta tới chỗ không bị
mê vọng bởi sự suy nghĩ. Bạn nhận ra rằng tất cả hành vi suy nghĩ chỉ là chuyển động của tâm, và cũng [nhận ra rằng] hành vi biết thì không sinh ra và không diệt đi. Bạn nghĩ gì về tất cả chuyển động này khi chúng ta gọi nó là “tâm” xuất phát ra. Điều chúng ta nói về cái gọi là tâm – tất cả các hành vi – chỉ là cái tâm của thói quen đời thường. Nó không phải chân tâm. Cái gọi là thật [chân] là cái ĐANG LÀ, nó không sinh khởi và không biến mất. Dù vậy, tìm cách hiểu những điều này chỉ bằng cách nói về chúng thì không xong đâu. Chúng ta cần thực sự khảo sát
tính vô thường, tính bất như ý (khổ) và tính vô ngã; nghĩa là, chúng ta cần sử dụng suy nghĩ để quán niệm về bản chất của thực tại đời thường. Cái sẽ xuất sinh từ công việc đó chính là trí tuệ – và sự rỗng vắng không tánh. Ngay cả, cho dù vẫn còn hành vi suy nghĩ, về bản chất nó vẫn là rỗng lặng
Hỏi: Làm cách nào chúng ta tới giai đọan này của chân tâm?
Trả lời: Tất nhiên, việc bạn làm là với cái tâm mà bạn sẵn có. Hãy thấy rằng tất cả những gì sinh khởi đều bất định. Hãy thấy rằng thực sự không có chỗ nào để nắm giữ bất cứ thứ gì cả bởi nó đều rỗng vắng. Khi bạn thấy những thứ [niệm] sinh khởi trong tâm như chúng là chúng thì bạn sẽ không phải làm việc với sự suy nghĩ nữa. Bạn sẽ không ngờ vực tí nào nữa trong những chuyện này. Để nói về “chân tâm” và vân vân, có thể có một cách dùng tương đối để giúp chúng ta dễ hiểu. Chúng ta đã phát minh ra tên gọi để thuận tiện cho việc học hỏi nghiên cứu, nhưng thực sự bản tánh của hiện hữu chỉ là cách [mà] chúng là. Chúng ta thấy trong tâm mình: hình tướng, cảm xúc cảm thọ, ký ức hồi niệm, sự suy nghĩ, suy niệm, thực sự, chúng không hiện hữu trong cách mà chúng ta giả thiết như chúng là. Chúng chỉ là cái tâm của thói
quen đời thường. Ngay khi các niệm sinh khởi là chúng đã biến mất, chúng không thực sự hiện hữu trong chính nó.
Trong kinh có kể một chuyện về Ngài Xá Lợi Phất khảo sát một tỳ kheo
trước khi cho thầy này rời chúng để tu hạnh đầu đà. Ngài hỏi thầy rằng
thầy sẽ trả lời ra sao nếu có ai hỏi: “Cái gì xảy ra cho Đức Phật sau khi Ngài viên tịch?” Vị tỳ kheo trả lời: “Khi sắc, thọ, tưởng, hành và thức sinh khởi, chúng biến mất liền đi thôi”. Ngài Xá Lợi Phất ưng thuận, cho đi.
Nhưng thiền tập không chỉ là chuyện nói về sự sinh khởi và sự diệt đi. Bạn phải thấy nó, chính bạn phải thấy. Khi bạn ngồi, hãy đơn giản thấy cái đang thực sự xảy ra. Đừng theo cái gì hết. Thiền quán không có nghĩa là bị kẹt trong sự suy nghĩ. Sự suy nghĩ của một trong Thánh Đạo thì không phải y hệt như sự suy nghĩ của thế gian. Nếu bạn không hiểu một cách đúng đắn về thiền quán thì khi bạn càng suy nghĩ là lúc bạn càng hoang mang.
Lý do mà chúng ta nêu lên điểm thiết lập tỉnh thức là vì chúng ta cần thấy rõ ràng cái đang xảy ra. Chúng ta phải hiểu các tiến trình của
quả tim chúng ta. Khi sự tỉnh thức như thế và hiểu biết như thế hiện hữu thì mọi chuyện được giải quyết. Tại sao bạn nghĩ rằng người nào hiểu Đạo sẽ không bao giờ có hành động [khởi] từ giận dữ hay mê vọng? Nguyên do cho những thứ này sinh khởi chỉ đơn giản là không có gì ở đó [nữa]. Chúng đến từ nơi nào thế? Sự tỉnh thức đã bao trùm hết mọi thứ rồi.
Hỏi: Có phải thầy đang nói về cái tâm được gọi là Bản Tâm (Original Mind)?
Trả lời: Các bạn nói thế là nghĩa gì?
Hỏi: Có vẻ như là thầy đang nói về cái gì khác bên ngòai
cái thân-tâm quen nói (ngũ uẩn). Có cái gì khác không? Thầy gọi nó là gì
Trả lời: Không có bất cứ cái gì hết, và chúng tôi không gọi nó là cái gì hết – đó là tất cả những gì có với nó! Hãy buông bỏ, hãy chấm dứt mọi thứ với nó thôi. Ngay cả cái đang biết cũng không lệ thuộc vào bất cứ ai, cho nên hãy chấm dứt hết với mọi thứ đó! Ý thức
không phải là một cá nhân, không phải một hữu thể, không phải một tự ngã, không phải một cái gì khác, cho nên hãy chấm dứt với nó đi – hãy chấm dứt với mọi thứ! Khi bạn thấy rõ ràng như thế này, thì mọi chuyện xong xuôi hòan tất.
Hỏi: Chúng ta có thể không gọi nó là “Bản Tâm”?
Trả lời: Bạn có thể gọi nó như thế, nếu bạn cứ muốn
thế. Bạn có thể gọi nó là bất cứ gì bạn thích, để tiện cho hiện thực quy ước. Nhưng bạn phải hiểu điểm này đúng đắn. Điều này rất quan trọng. Nếu chúng ta không sử dụng những quy ước đời thường thì chúng ta
sẽ không có chữ nào hay khái niệm nào để khảo sát cái hiện thực thực tại – Pháp (Dhamma).
Hỏi: Mức độ bao nhiêu cho sự an định vắng lặng (chỉ) mà thầy đang nói ở giai đọan này? Và phẩm tính nào của tỉnh giác (quán) cần tới?
Trả lời: Bạn không cần suy nghĩ kiểu như thế. Nếu bạn không an định đúng mức thì bạn sẽ không có thể đối phó với những câu
hỏi này chút nào. Bạn cần có đủ sự ổn định và sự tập trung để biết cái
gì đang xảy ra, đủ để cho sự trong sáng rõ ràng và sự hiểu biết sinh khởi.
Bạn cần đủ sự vắng lặng an định của tâm để không còn bị kẹt trong lưới ngờ vực. Nếu bạn tu tập, bạn sẽ hiểu những chuyện này. Sẽ tốt đẹp để nói, nếu việc đối thoại giúp ích cho thiền quán, nhưng nó sẽ không chỉ cho bạn con đường mà các pháp thực sự là. Pháp (Dhamma) này không được hiểu bởi vì có ai đó nói với bạn về nó, mà bạn phải tự thấy hay tự chứng ngộ lấy.
Cứ đơn giản buông xả hết mọi thứ, và hãy biết rằng đó là việc bạn đang làm. Bạn không cần luôn luôn kiểm soát chính mình, lo lắng về những chuyện như “Có bao nhiêu định lực” – nó sẽ luôn luôn là sức định vừa đúng. Bất cứ thứ gì sinh khởi trong khi bạn thiền tập, hãy buông nó
đi; hãy biết rằng tất cả chúng đều là bất định, vô thường. Hãy nhớ thế! Tất cả chúng đều bất định. Hãy kết thúc với tất cả chúng. Đó là Con Đường sẽ dẫn bạn tới cội nguồn – Bản Tâm của bạn.)
Discussion about this post