THẦN CHÚ TRỪ RẮN ĐỘC
Thích Nguyên Hùng
Thuở xưa, trú
xứ của những người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình thường là khu
rừng, vách núi, hang động, đồng hoang… Ngay cả Đức Thế Tôn, khi đã có những tu
viện do các cư sĩ xây dựng cúng dường như Trúc Lâm, Kỳ Viên… thì Ngài cũng chỉ
cư trú trong ba tháng an cư mùa mưa, còn phần lớn thời gian Ngài đi hoằng pháp
và nghỉ lại trong những khu rừng trên lộ trình du hóa.
Rừng hoang, hang
động, vách núi… thường ẩn chứa những điều hiểm nguy. Muôn loài thú dữ và côn
trùng độc hại đều lấy núi rừng làm nhà; ma quái, ly mỵ, vọng lượng… chắc cũng
ẩn dật đâu đó. Những mối hiểm nguy luôn tiềm tàng giữa rừng núi hoang vu, vậy
mà các Tỳ-kheo lại ưa thích đời sống viễn ly, độc cư, nhàn tĩnh giữa núi rừng.
Vậy nên, có lần tai nạn đã xảy ra với các Tỳ-kheo.
Chuyện kể rằng,
Tôn giả Upasena khi đang ngồi thiền trong hang Đầu Con Rắn tại rừng Sitavana, thuộc
thành Ràjagaha thì bị một con rắn cực độc rơi trúng trên người. Độc tố của loài
rắn này không những giết chết Tôn giả Upasena mà còn hủy hoại, phân tán thân
thể của Tôn giả thành một nắm trấu (Tương ưng bộ kinh).
Cùng sự kiện này,
kinh Tạp A-hàm còn kể thêm rằng, khi ấy Tôn giả Sàriputta chứng kiến thi thể Tôn giả Upasena bị
phân hủy, cho dù Upasena đã đạt được định lực thâm sâu, có được tâm và tuệ vô
ngã nên không hề có biểu hiện đau khổ, nhưng Tôn giả Sàriputta rất thương xót, nên sau khi cúng dường xá-lợi
Tôn giả Upasena xong, ngài liền đến chỗ Thế Tôn và kể lại sự tình. Đức Phật
nghe xong thì dạy rằng, nếu Upasena tụng bài kệ và thần chú sau đây thì sẽ không trúng độc
và thân thể cũng không bị hủy hoại như trấu nát được. Rồi thì Đức Phật dạy câu thần chú: Ô-đam-bà-lệ,
đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di,
tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha.
Nguyên bản tiếng Phạn của câu thần chú trên chưa được tìm
thấy, nhưng nội dung bài kệ tụng thì hoàn toàn phù hợp với câu thần chú trong
Luật tạng Pāli, Tiểu phẩm (Cullavagga) cho trường hợp xảy ra tương tự, nhưng
không phải Tôn giả Upasena mà là một Tỳ-kheo bị rắn cắn chết ở thành Savatthi.
Bài thần chú ấy tạm dịch như sau:
“Tôi xin hướng từ tâm
Đến loài Virūpakkhas
Đến loài Erapathas
Con cháu loài Chabyā
Và loài Gotamakas đen
Tôi cũng hướng từ tâm
Đến chúng sanh không chân
Hai chân và bốn chân
Cùng chúng sanh nhiều chân.
Nguyện các loài không chân
Hai chân và bốn chân
Và những loài nhiều chân
Không làm tổn hại tôi!
Nguyện hết thảy sanh vật
Các loài có hơi thở
Tất cả mọi chúng sanh
Mỗi một trong loài ấy
Đều gặp điều tốt lành
Không loài nào gặp nạn.
Phật bảo là vô lượng
Pháp bảo là vô lượng
Tăng bảo cũng vô lượng
Còn chúng sanh bò, chạy
Như rắn, bò cạp, rết
Nhền nhện, thằn lằn, chuột
Chỉ có hạn lượng thôi
Nên tôi tụng bài kệ
Và thần chú hộ vệ
Xin các loài đi xa
Con kính lễ Thế Tôn
Cùng bảy Phật quá khứ”
Nội dung của câu thần chú trong Luật tạng Pāli như vậy không
khác gì mấy so với nội dung bài kệ tụng được ghi chép trong kinh Tạp A-hàm,
kinh số 254 (số 252, bản Đại chính). Bài kệ tụng được xem như là thần chú ấy
cũng được tìm thấy trong Tiểu bộ kinh, số 203, chuyện tiền thân
Khandha-Vatta, với duyên do là có Tỳ-kheo bị rắn cắn chết khi đang chẻ củi.
Trong tất cả các bản kinh
và luật trên đều có lời Phật khẳng định: “Nếu các ông tu tập từ tâm đối với bốn
loại gia đình vua rắn này, các con rắn sẽ không cắn các ông, do vậy, bắt
đầu từ nay, hãy tu tập từ tâm như
vậy đối với bốn loại vua rắn”.
Như vậy, bản chất của bài kệ tụng mà hết thảy các Phật tử đều
xem như thần chú bảo hộ (paritta) này là phương pháp tu tập phát triển tâm từ
bi. Điều này cho thấy, để bảo hộ bản thân mình trước những hiểm nguy, người con
Phật chỉ dùng một thứ ‘công cụ’ duy nhất là tâm từ bi. Khi tâm từ biến mãn mười
phương thì không gì có thể làm tổn hại mình được. Cho nên, nếu tụng thần chú,
dù là thần chú Đại bi, mà tâm của mình không có một chút tình thương đối với
đồng loại, không từ niệm đối với chúng sanh thì thần chú không thể phát huy sức
mạnh nhiệm mầu, không thể làm cho mình tai qua nạn khỏi, không thể bảo hộ mình
trước những hiểm nguy, ách nạn…
Một điều đáng chú ý nữa là, khi tu tập phát triển tâm từ bi,
hướng tâm đến các loài chúng sanh để ban rải tình thương hay cầu nguyện, thì
tình thương ấy, lời cầu nguyện ấy phải là tình thương chân thật, lời cầu nguyện
trên nền tảng của sự thật, phát sanh từ chân tâm. Kinh ghi: “Như lời chân thật này/Đại sư Vô thượng dạy”.
Như vậy, bản chất của thần chú là chân ngôn,
là lời nói chân thật, không hư dối,
là phương tiện để diễn đạt chân lý. Đọc tụng thần chú hàng ngày là cách sống
nương tựa vào chân lý, sống với sự thật. Chẳng hạn khi mình đọc tụng chú Đại bi
mở đầu bằng câu “Đại bi tâm
đà-la-ni”, thì có nghĩa là
con xin “duy trì, giữ
gìn cái tâm tràn đầy yêu thương”. Chính cách sống, cách tu tập này mà chúng ta bảo hộ được bản thân, gia
đình và xã hội thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn; không những thoát khỏi sự tấn
công của rắn độc, mà còn miễn nhiễm với mọi ô nhiễm của cuộc đời.
Thích Nguyên Hùng
Discussion about this post