THA THỨ
Phillip Moffitt | Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Ở đỉnh cao của sự nghiệp, là CEO và Biên tập viên trưởng của tạp chí Esquire, Phillip Moffitt đã hoán đổi các vinh danh thế tục để khám phá cuộc sống hướng nội. Sau đó, ông thành lập Viện Cuộc sống Thăng Bằng (Life Balance Institute), và giờ là người dạy thiền Vipassana, nhấn mạnh đển việc áp dụng Pháp vào cuộc sống đời thường. Phillip đồng thời cũng là thầy hướng dẫn tại Trung Tâm Thiền Spirit Rock, và tác giả các sách Emotional Chaos to Clarity (Tạm dịch: Từ Giông Bão đến Bình Yên) và Dancing with Life (Thăng Hoa Cuộc Sống).
+++
Tha Thứ Điều Không Thể Tha Thứ
Trong tận cùng nỗi đau, làm sao ta có thể tha thứ cho kẻ khó được tha? Có thể bạn không hiểu rõ về lòng tha thứ nên bạn gạt nó sang một bên. Rất dễ hiểu lầm rằng nếu ta tha thứ cho ai, cho chuyện gì, vô hình chung có nghĩa là ta đã chấp nhận hay bỏ qua cho một hành động không thể tha thứ. Ngoài ra hành động tha thứ còn bị hiểu lầm là sự yếu đuối hay không dám chống lại người làm điều bất thiện.
Tương tự, cũng có suy nghĩ là nếu ta tha thứ hay để người khác tha thứ điều bất thiện, công lý sẽ không được tôn trọng vì người ta sẽ không có giải pháp cần thiết để sưả đổi lỗi lầm. Nhưng tha thứ không phải là thụ động chấp nhận, đầu hàng cái ác, là yếu đuối hay tránh tốn kém khi nhờ đến pháp luật xử phân. Tha thứ là vấn đề dầu trong lòng bạn biết điều đó là sai, nhưng ở bên ngoài bạn vẫn phải hành động để sửa cái sai và cố gắng ngăn nó xảy ra lần nữa.
Tha Thứ Là Một Cách Tu Tập
Tha thứ có thể được coi như một phương cách tu tập và đã được Chúa Jesus, Đức Phật và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác dạy như thế. Một câu chuyện về Phật giáo Tây tạng kể rằng: Có hai vị sư gặp nhau sau nhiều năm bị cầm tù, bị tra tấn. Giờ hai vị được trả tự do. Vị sư thứ nhất hỏi: “Ông đã tha thứ cho họ chưa?” Người thứ hai trả lời, “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ! Không bao giờ!” “Vậy, tôi nghĩ là họ vẫn còn cầm tù ông đấy”, vị sư thứ nhất kết luận.
Tu tập tha thứ là giải tỏa cảm xúc của chính bản thân và tìm ra ý nghĩa cuộc sống trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Bạn thực hành tha thứ để giải thoát bạo lực nội tại của sân hận, nhưng không từ bỏ sự theo đuổi các hành động thiện. Thực ra, khi có lòng tha thứ, bạn sẽ có cái nhìn thông thoáng, giúp bạn có được sự bình an dài lâu bằng các phương tiện thiện xảo.
Vì thế, thực hành tha thứ đem lại lợi ích bản thân, không bị sân hận, sợ hãi, bất mãn chế ngự. Sự bất mãn, dầu nóng cháy hay lạnh căm, đều khiến tình cảm bạn đóng băng, hạn chế những lựa chọn của bạn khi đối mặt với cuộc sống, khiến phán xét của bạn lệch lạc, khiến bạn không trải nghiệm được dòng chảy của cuộc sống, khiến bạn thay vì quan tâm đến người thân thì lại chỉ chú ý đến kẻ thù, và giết chết đời sống tâm linh của bạn. Tại sao ta lại chọn sống như thế? Cách sống đó còn khiến kẻ thù của bạn vui hơn khi gây hại cho bạn lần đầu. Thực hành tha thứ cũng là hành động của vô ngã, là điều bạn có thể làm để dừng lại vòng quay tưởng chừng bất tận của sân hận trên thế giới này. Đức Phật đã dạy, “Hận thù không thể xóa bỏ hận thù. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù”. Chúa Jesus cũng nói, “Nếu con biết thương yêu kẻ thù, giúp đỡ họ, hỗ trợ họ mà không cần đền đáp, phần thưởng của con sẽ càng lớn”.
Không ai có thể bảo là chúa Jesus hay Đức Phật là hèn nhát khi đối mặt với sự bất công; do đó, các giáo lý này là về phương cách kiềm chế, giải tỏa sân hận trong lòng. Nếu tin vào những lời dạy này, bạn thực hành sống theo cách đó như một phản ánh của các giá trị sâu xa nhất. Đó là một cách sống chủ động, đầy can đảm. Điều này không có nghĩa là khi gặp chuyện sai trái, bạn phản ứng một cách thụ động, trái lại bạn phải luôn hành động để ngăn những kẻ gây hại cho người khác.
Ảo Giác Của Sân Hận
Việc tha thứ khó thực hiện vì những gì cần được tha thứ đã khiến tâm bị phủ mờ bởi sự tổn thương, mất mát và hoang mang. Cách phản ứng tự nhiên nhất là dập tắt cái nguồn gây khổ, để cái khổ chấm dứt. Trong cơn khủng hoảng, phản ứng này có khuynh hướng luôn xảy ra. Cảm giác hụt hẫng quay đi, trở lại trong lòng, xuất phát từ ý muốn sự việc phải khác đi. Cảm giác hụt hẫng này còn được nhân đôi bởi ý nghĩ sai lạc, sau khi sự việc đã xảy ra rằng “giá mà tôi biết”, phát sinh từ nhu cầu phải giải thích sự việc sao cho có lý, bằng việc đổ lỗi cho ai đó và hành động trả đũa.
Trạng thái hoang mang, hụt hẫng xảy ra do sự biến đổi đột ngột của một chấn động tâm sinh lý nào đó: Sự việc đang như thế này bỗng đổi qua thứ khác, người ta phải phản ứng sao đây? Các cảm xúc này xảy ra tức thì và tự động, nhưng bằng cách tu tập chánh niệm, ta có thể tránh được việc tự cho chúng là mình. Tâm trở nên tối mờ đến nỗi trong nhiểu trường hợp ta không thấy có cách phản ứng nào khác. Nhưng dần dần ta sẽ nhớ ra lời thệ nguyện không sống trong hận thù, và ta sẽ phản ứng đúng theo các giá trị chân thật của mình.
Nếu tâm bị khổ, mất mát, hoang mang che mờ, ta còn có thể cứu vãn tình trạng một cách trực tiếp. Khó khăn hơn là các cảm xúc đã đóng khung trong tâm lâu ngày như sân hận, ý muốn trả thù, căm hờn và sự dính chấp vào các cảm xúc này, khiến ta cho rằng chúng là ta. Nhận thức sai lầm này bản chất của nó là ù lì, do đó ta có khuynh hướng cố chấp, không thay đổi với thời gian, không hàn gắn, không nhìn trước, ngó sau. Buồn thay, nếu cứ tiếp tục ta sẽ trở thành một với sân hận, trở thành nô lệ cho nó. Đó là một cách sống theo phản ứng, thụ động thay vì chủ động, một cách sống tùy thuộc vào việc ta sẽ làm gì người khác, thay vì lợi ích cho bản thân. Nó hàm chứa một lời hứa ảo về hạnh phúc: “Ta mong là chúng phải trả giá”.
Không tha thứ có thể dẫn đến các tình huống xấu hơn. Trước tiên là hiệu ứng “mẫu số chung tồi tệ nhất” qua đó nạn nhân cảm thấy công bằng khi nói, “Nếu con tôi mất mạng, thì con kẻ thù phải đền mạng”. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm xung đột, khiến đôi bên cùng đi xuống.
Tại Sao Tai Họa Xảy Ra
Ai trong chúng ta cũng từng trải nghiệm hay biết đến các hành động bạo lực tàn tệ đến độ không thể tha thứ. Đôi khi chúng ta không phải là nạn nhân trực tiếp. Nhưng người thân trong gia đình, một người bạn, ông chủ, hay một người xa lạ có thể là nạn nhân. Tai họa có thể đưa đến cái chết, hay xâm phạm tình dục, cướp bóc, lừa đảo hoặc tra tấn. Sự mất mát, tổn thương là thật và cuộc sống của bạn không thể tránh bị ảnh hưởng. Có thể tuổi thơ của bạn bị tổn thương, bạn không còn khả năng tin tưởng ai hoặc bạn luôn mang mối hận trong lòng, nên dễ gây hấn với mọi người, hay không thể biểu lộ tình cảm thân mật. Thảm họa của một cá nhân hay thảm họa chung của nhiều người cũng đầy thách thức. Trước tiên, bạn phải hành động để tìm sự an toàn cho bản thân, sau đó bạn hành động để cản ngăn kẻ kia tiếp tục gây tác hại. Các phản ứng bên ngoài này được tiếp nối bằng công sức cố gắng giải tỏa các cảm xúc của mình. Lúc đầu có thể bạn cảm thấy bất lực không thể làm gì cả -việc khủng khiếp đã xảy và cuộc sống của bạn đã bị ảnh hưởng. Nhưng dần dần, sau khi suy nghĩ về chuyện đã xảy ra, bạn nhận thấy rằng không phải ảnh hưởng của tai họa, hay người gây tai họa, cản trở bạn đi tới. Mà chính là bạn, người mãi bám chặt lấy tai họa trong đau thương và sợ hãi. Bạn nên hiểu là nếu bạn tiếp tục ứng xử như thế, giống như vị sư vẫn còn bị kẻ thù cầm tù, bạn sẽ không bao giờ được tự do, do đó bạn phải bắt đầu với việc chữa vết thương bên trong bạn. Đây là sức mạnh của tha thứ: Nó mang lại lợi ích cho bạn, tăng thêm sức mạnh trong mối liên hệ giữa bạn và người thân, ngay cả việc làm lợi ích cho những kẻ đã hành động bất thiện.
Thiền Tha Thứ
Hành giả có thể vung trồng tâm tha thứ qua thiền tập. Một số thiền sư Phật giáo Tây phương thường bắt đầu thiền tâm từ với ba giai đoạn thực hành tha thứ: Đầu tiên, ta xin được tha thứ từ những ai mà ta có thể đã làm tổn thương, qua thân, khẩu hay ý. Thứ đến, ta tha thứ cho những ai đã tổn thương ta qua thân, khẩu hay ý. Và cuối cùng là ta tự tha thứ bản thân vì những tổn hại gì ta đã gây ra cho bản thân. Các câu này được niệm nhiều lần, sau đó hành giả chuyển qua thực hành tâm từ bi, sau khi đã vung trồng ý hướng muốn tháo gở các phản ứng khiến tâm hành giả u tối và các cảm xúc làm trái tim khép kín. Trách nhiệm của hành giả là giữ tâm chánh niệm rằng: Ta đang thực hành thanh tịnh hóa, thực hành soi sáng chủ tâm để làm người tha thứ, dầu hoàn cảnh có như thế nào. Các cảm xúc mà ta thực sự trải nghiệm nhiều khi là sân hận, căm thù, sợ hãi, đau đớn –bất cứ thứ gì trừ sự tha thứ.
Khi tánh mạng con người đã bị tước đoạt, hay khi thân thể hoặc tinh thần đã bị xâm hại nghiêm trọng, thì không thể sửa đổi gì, chỉ có việc đi tới. Nếu ta cứ chấp vào kết luận của cá nhân dựa trên các tổn thương của mình, thì ta tự xem mình là nạn nhân. Điều đó có vẻ đúng, hợp lý, nhưng thường nó chỉ là một hình thức khác của việc tự giam cầm mình.
Để có thể đối mặt với lòng căm hờn, sự mất mát, bằng một trái tim rộng lượng, thương yêu là việc làm khó nhất mà ta có thể nghĩ đến. Đôi khi tôi ngại nói điều đó, vì bản thân tôi cũng phải chiến đấu với lòng sân hận và tim tôi cũng rắn đi khi phản ứng lại những hành động bất công, tồi tệ. Tuy nhiên, mục đích của việc tu tập là gì, nếu ta không áp dụng chúng vào việc giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Để chấp nhận được những biến động trong cuộc sống, những bất ngờ, ta cần sự kham nhẫn. Để chấp nhận được những mất mát trong cuộc đời, ta cũng cấn sự can đảm, và sẵn lòng để nói, “Đời là thế”, và chịu đựng nó như nó là, ngay cả khi ta đã cố hết sức để chuyển nó thành một trải nghiệm nhẹ nhàng và an toàn hơn.
Sự thực hành tâm linh về lòng tha thứ, cùng với lòng từ bi, là nền tảng vững chắc nhất mà ta có thể chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp của các thế hệ mai sau. Nếu chúng thấy ta bạo lực trong hành động, lời nói hay ý nghĩ, chúng sẽ học phản ứng lại bằng bạo lực, dầu ta có nói gì với chúng. Nhưng nếu chúng thấy ta đổi sân hận bằng tỉnh thương yêu, khi trưởng thảnh, chúng cũng hành động như thế. Hãy nhớ lời Phật dạy, “Hận thù không xóa bỏ hận thù. Chỉ có tỉnh thương yêu mới xóa được hận thù”.
Diệu Liên Lý Thu Linh – 12/2018
Lược Dịch từ FORGIVENESS,
Nguồn: Dharmawisdom.org/teachings
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post