TÁNH KHÔNG và HOA NGHIÊM
Nguyễn Thế Đăng
1. Trùng trùng duyên khởi
Thế giới đang
hiện hữu trước mặt chúng ta đây là do duyên khởi, hay duyên sanh, nghĩa là do
nhiều nhân duyên hợp lại mà có mặt. Một vật trước mặt chúng ta hiện giờ là do
nhiều yếu tố mà có mặt: năng lượng, những hạt, bốn lực, tốc độ, nhiệt độ,
trường không-thời gian… và tất cả những tương tác với chung quanh. Đó là chưa
kể đến sự sống và ý thức tác động lên nó như thế nào.
Tất cả mọi cái
hiện hữu đều do nhiều duyên mà sanh ra. Điều này được Phật giáo khái quát:
Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt.
Khi cái này không có mặt thì cái kia không có mặt.
Do cái này sanh nên cái kia sanh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.
(Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ)
Đó là cái thấy
biết nguyên lý duyên sanh. Cái này và cái kia tương thuộc. Sự sanh, trụ, dị,
diệt của cái này ảnh hưởng, tương tác với sự sanh, trụ, dị, diệt của cái khác,
và do đó, của nhiều cái khác.
Mở rộng cái nhìn
ra tầm mức thế giới và vũ trụ chúng ta sẽ thấy ngay: Cái này có mặt vì tất cả
những cái kia có mặt. Cái này sanh vì tất cả những cái kia sanh. Cái này như
thế này vì tất cả những cái kia như thế kia. Cái này biến đổi như thế này vì
tất cả những cái kia đang biến đổi như thế kia. Một sự sanh diệt, biến đổi của
một cái ảnh hưởng, tương tác đến tất cả những cái khác. Đó là cái nhìn trùng
trùng duyên khởi: Một cái được duyên khởi khi tất cả mọi cái đang duyên khởi.
Tất cả duyên khởi khi một cái được duyên khởi. Và luôn luôn như vậy trong mỗi
khoảnh khắc.
Tôi có mặt ở đây
vì có cha mẹ tôi, vì có đất nước Việt Nam này; nếu không có đất nước Việt Nam,
tôi đã là một người nước khác, nói tiếng khác, suy nghĩ khác. Tôi có mặt ở đây
vì đất ở đây không chìm dưới mặt nước biển, vì mặt trời tỏa xuống trái đất một
nhiệt độ dao động vừa phải như vậy, vì mặt trăng ở khoảng cách như vậy. Những
ngày trăng sáng tôi tỉnh táo hơn, những ngày mặt trời có những vết đen (bão từ)
tôi bồn chồn hơn. Một ngôi sao nào ở đằng kia vũ trụ vừa mới nổ tung hay vừa
mới hình thành chắc cũng có ảnh hưởng đến tôi dù tôi không thể biết bằng ý thức
thường trực loạn động của tôi. Tôi ở đây, trong thời toàn cầu hóa, nên ít nhiều
gì thì tôi cũng là một cá nhân được toàn cầu hóa. Ít nhất, trong phạm vi trái
đất này, thân khẩu ý của tôi đã được tạo thành bởi và đang tương tác với thân khẩu
ý với mọi loài có sự sống hay không có sự sống trên trái đất. Nói thẳng ra,
thân tâm của tôi được tạo thành bằng tất cả thế giới này, bằng tất cả chúng
sanh hữu tình trong thế giới này.
Sự dung thông
của tôi, dù tôi có biết hay không, với toàn bộ vũ trụ, đó là “đại từ, đại bi”,
nói theo ngôn ngữ Phật giáo. Và cái thấy trùng trùng duyên khởi “tôi có mặt vì
tất cả mọi cái kia đang có mặt”, chính là “trí huệ”.
Nói bằng ngôn
ngữ Hoa Nghiêm, “Một là tất cả, tất cả là một”. Đó là trí huệ và từ bi của Phật
giáo.
Cũng chính bởi
cái nhìn trùng trùng duyên khởi này, nên Phật giáo nói là vũ trụ vô thủy vô
chung, không cần phải có mặt Thượng đế nào ở trước và ở ngoài để tạo ra và điều
khiển vũ trụ.
2. Tánh Không là nền tảng của pháp giới Hoa
Nghiêm
Từ cái nhìn duyên
khởi, duyên sanh này, Phật giáo nói đến tánh Không. Theo một nghĩa gần gũi nhất
với duyên khởi, thì tánh Không là vô tự tánh: vì mọi sự đều duyên khởi, nên mọi
sự đều không có tự tánh riêng của chúng. Tánh Không là “bản thể học”, hay “hữu
thể học” của Phật giáo. Tánh Không là nền tảng cho thế giới Hoa Nghiêm xuất
hiện, cho sự thấy được Đức Phật vũ trụ Tỳ Lô Giá Na (Lô Xá Na, Vairocana):
Kẻ vô trí mê lầm
Vọng chấp tướng năm uẩn
Chẳng biết chân tánh kia
Người này chẳng thấy Phật
Rõ biết tất cả pháp
Đều không có tự tánh
Hiểu pháp tánh như vậy
Tức thấy Lô Xá Na.
(Phẩm Tu Di Đảnh Kệ Tán)
Tánh Không là
nền tảng cho mọi thế giới, kể cả thế giới sự sự vô ngại vi diệu của kinh Hoa Nghiêm.
Tánh Không thì ở
khắp mọi thời gian mọi không gian. Vì ở đâu có cái gì đó (sắc thọ tưởng hành
thức, mười tám giới, bốn đại…) thì cái đó là vô tự tánh nên ở đó là tánh Không.
Tánh Không thì dung thông vô ngại với chính nó và với tất cả mọi sự vật. Cũng
chính vì mỗi sự vật là tánh Không nên mỗi sự vật đều dung thông vô ngại với
nhau.
Ở đây chúng ta
chỉ chú ý về sắc (sự vật, có thể số ít hoặc số nhiều). Kinh Đại Bát Nhã nói: “Sắc là vô lậu chẳng trói buộc vì là tánh
Không vậy” (Phẩm Đoạn Chư
Kiến).
Vì sắc vô tự
tánh nên sắc là vô biên: “Sắc như hư không, thọ tưởng hành thức như hư không.
Như hư không, biên bờ và trung gian đều bất khả đắc… Do nhân duyên này nên vì
sắc vô biên mà biết Bồ-tát cũng vô biên (Phẩm Thập Vô). “Sắc là vô lượng vô biên, chúng sanh cũng vô biên (Phẩm Tán Hoa).
“Sắc là vô tận”
(Phẩm Chúc Lụy). “Sắc cho đến mười hai
duyên khởi (từ vô minh cho đến lão tử) đều là Không, bất khả tận” (Phẩm Bất Khả Tận).
Sắc là tướng vô
ngại: “Trong tất cả pháp, tướng của chúng là vô ngại, Bồ-tát phải học, phải
biết như vậy” (Phẩm Nghĩa Cú). “Sắc
là chẳng chướng ngại, thọ tưởng hành thức là chẳng chướng ngại, cho đến nhất
thiết chủng trí là chẳng chướng ngại” (Phẩm Vô
Tác).
Mỗi sắc là tánh
Không, nên nó có những tính chất của tánh Không: “vô biên, vô lượng, vô tận, vô
ngại”. Mỗi sắc là “vô biên, vô lượng, vô tận, vô ngại” cho nên mỗi sắc tương
thông, tương dung, tương nhập, tương nhiếp với tất cả các sắc.
Một sắc là “vô
biên”, không biên bờ, nên trong một sắc có mặt tất cả các sắc khác. Một sắc là
“vô lượng”, nên một sắc chứa tất cả các sắc khác. Một sắc là “vô tận” nên trong
một sắc bao gồm tất cả mọi cái hữu tận khác, tất cả thời gian và không gian
(hữu tận). Một sắc là vô ngại, nên nó tương thông, tương nhiếp, tương nhập mọi
sắc khác.
Khi một sắc là
vô biên, vô lượng, vô tận và vô ngại, nó tương tức tương nhập, tương dung tương
nhiếp với tất cả các sắc, tạo nên thế giới sự sự vô ngại. Quán thấy được sự vô
ngại tương tác lẫn nhau của các pháp như thế, chúng ta bắt đầu bước vào thế
giới sự sự vô ngại, thế giới trùng trùng vô tận của Hoa Nghiêm.
Chính nhờ tánh
Không, tánh Không một cách rốt ráo, mà thế giới trùng trùng duyên khởi được
chứng nghiệm là thế giới sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận. Từ thế giới trùng
trùng duyên khởi nhờ thấy được tánh Không ở mức độ rất sâu mà chúng ta thấy
được thế giới sự sự vô ngại:
Một là tất cả,
tất cả là một
Một trong tất
cả, tất cả trong một.
Một gồm tất cả
trong mình, tương dung tương nhập với tất cả.
Tất cả trong tất
cả và tương dung tương nhập với tất cả.
Chính nhờ sự
dung thông vô ngại, tương tức tương nhập mà người thể nhập Hoa Nghiêm sống được
cái Hiện Tại Vĩnh Cửu chân thật nhất và cao tột nhất, một Hiện Tại Vĩnh Cửu
đồng thời và đồng hiện, tương tức và tương nhập trùng trùng vô tận.
Vũ trụ đồng thời
và đồng hiện trùng trùng vô tận này, nói theo thuật ngữ của kinh Hoa
Nghiêm, tức là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Nhật Biến Chiếu hay Quang Minh Biến Chiếu) trùng trùng tương
dung tương nhiếp, tức là thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm. Thế giới đó là
cực điểm của Chân Không Diệu Hữu của Phật giáo Đại thừa: có mà vẫn giải thoát,
giải thoát mà vẫn có.
Để minh họa phần
nào cho sự kiện sự vô ngại với sự, cái nhỏ nhiếp nhập với cái lớn một cách vô
ngại, khá nhiều học giả Đông và Tây đã trưng dẫn bài thơ của William Blake
(1757 – 1827):
Thấy
Thấy một thế giới trong một hạt cát
Và một thiên đàng trong một hoa dại
Nắm giữ vô tận trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ cuộc sống.
Ở đây chúng ta trích thêm một bài kệ của Thiền sư Khánh Hỷ (1066 – 1142) đời Lý nói về thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm:
Uổng đời thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn hỏi Tổ tông
Ngoài cõi tìm tâm không định thể
Nhân gian trồng quế há thành rừng?
Đầu lông thấy rõ càn khôn thảy
Hạt cát bao hàm nhật nguyệt trong
Đại dụng giữa đời tay nắm chặt
Ai hay phàm thánh với tây đông?
3. Đi vào pháp giới Hoa Nghiêm
Khi tâm ta bám
trụ vào một cái gì, thì cái đó, tâm đó liền biến thành vật, thành sắc. Khi tâm
không bám trụ vào một cái gì, tâm mở ra, bao trùm cái toàn thể, khi ấy tâm bắt
đầu là tánh Không. Khi dịch từ tiếng Phạn và Tây Tạng, dưới ảnh hưởng của Hiện
tượng luận Husserl – cùng là người Đức như ông – Herbert V. Guenther đã dịch
tánh Không là the openess (sự mở ra, sự rỗng rang). Sau đó đã có một số người
dịch theo như vậy. Đây là một nghĩa của tánh Không mà chúng ta có thể tham
khảo. Không trụ, không có chỗ trụ (vô trụ, vô sở trụ) là một ý nghĩa của tánh
Không, như được nói nhiều trong kinh Kim
Cương.
Sắc vô tận khi
tâm vô tận; sắc vô ngại khi tâm vô ngại. Để có thể đi vào thế giới vô biên vô
lượng vô tận vô ngại của tất cả các pháp thì tâm chúng ta phải càng lúc càng mở
ra để trở nên vô biên vô lượng vô tận vô ngại. Công việc này là sự thực hành
chuyển hóa tâm thức, phá bỏ những chướng ngại chấp ngã chấp pháp; người xưa nói
là sự tan băng: băng biến thành nước. Tùy theo mức độ tan băng của tâm thức mà
chúng ta thấy được những mức độ sâu rộng của thế giới Hoa Nghiêm.
Đại thừa nói
chung là sự tích tập công đức và trí tuệ. Kinh Đại Bát Nhã nói trong phẩm Tam
Thán: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. Tịnh Phật quốc độ là trí
huệ, thành tựu chúng sanh là công đức. Đây là con đường Bồ-tát hạnh.
Như kinh Hoa Nghiêm diễn tả, con đường chứng ngộ
cảnh giới rốt ráo của kinh là con đường của hạnh nguyện Phổ Hiền. Thành tựu Đại
Hạnh Nguyện Phổ Hiền là thành tựu thế giới Hoa Nghiêm:
“Mười phương tất
cả Bồ-tát và quyến thuộc đều từ trong hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát mà sanh…”
(Phẩm Nhập Pháp Giới).
Cũng đoạn bắt
đầu của phẩm Nhập Pháp Giới, Bồ-tát
Phổ Hiền nói kệ:
Hạnh nguyện Phổ
Hiền trùm khắp pháp giới được ví với biển và cũng chính biển được đồng hóa với
pháp giới Hoa Nghiêm. Hạnh nguyện Phổ Hiền chính là pháp giới sự sự vô ngại Hoa
Nghiêm, và pháp giới Hoa Nghiêm chính là hạnh nguyện Phổ Hiền.
Biển là tánh
Không, nhưng tánh Không không phải là không có gì. Biển có tất cả sắc tượng,
tất cả cảnh giới trùng trùng nhiếp nhập. Pháp giới Chân Không Diệu Hữu này được
nói trong kinh là Hải Ấn tam muội. Kinh
Hoa Nghiêm nói nhiều đến biển: biển đại nguyện, biển đại bi, biển đại trí,
biển công đức… đó cũng chính là biển tâm của chúng ta. Tâm chúng ta nhờ đại
nguyện, đại bi, đại trí, đại hạnh, công đức… mà mở rộng ra để nhiếp lấy và nhập
vào biển pháp giới Hoa Nghiêm. Phẩm Thập
Địa nói: “Ba cõi chỉ là Nhất Tâm”.
Toàn bộ kinh Hoa Nghiêm nói về hạnh nguyện Phổ Hiền.
Thế nên trong từng câu kinh chúng ta có thể tìm thấy cho mình niềm tin và sự
hăng hái để thực hành con đường Bồ-tát hạnh của Đại Hạnh Phổ Hiền. Chính qua
thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền mà pháp giới Hoa Nghiêm dần dần hiển lộ ra với
chúng ta.
Thực hành hạnh
nguyện Phổ Hiền là chuyển hóa cuộc đời của chúng ta vào trong pháp giới Hoa
Nghiêm. Tất cả mọi mắt thấy tai nghe làm việc nghỉ ngơi vui buồn đều tương ưng
và nằm trong toàn bộ Phật pháp. Thực hành Hoa Nghiêm là tin rằng chúng ta đang
sống trong một vũ trụ chính là ba thân của Phật Tỳ Lô Giá Na và mọi hoạt động
của chúng ta không thể nào ngoài pháp giới Ba Thân Phật ấy.
Sống trong Phật
Tỳ Lô Giá Na là thế nào? Tất cả những gì thấy nghe hay biết (sắc thanh hương vị
xúc pháp) đều là Hóa thân của Phật Tỳ Lô Giá Na, và Hóa thân ấy (tức là toàn
thể vũ trụ này) là đồng nhất với Pháp thân tánh Không của Phật Tỳ Lô Giá Na.
Sắc (Hóa thân) tức là Không (Pháp thân). Đây là pháp giới Lý Sự vô ngại hay Sắc
Không vô ngại, và tiến thêm nữa, hay nói theo thuật ngữ của kinh, thâm nhập
thêm nữa, chúng ta đi vào pháp giới Sự Sự vô ngại, tức là pháp giới trùng trùng
vô tận.
Văn hóa Phật Giáo số 118
Người đánh máy và gửi bài: Võ Thanh Xuân
Discussion about this post