TẦM SƯ HỌC ĐẠO AN TRỤ ỐC ĐẢO TÂM LINH
HT. Thích Trí Quảng
Điều thứ nhất, khởi đầu khi Phật là thái tử, tầm quan sát của Ngài trong cuộc đời, nhận thấy rõ cuộc sống của con người sao mà quá khổ, từ lúc chào đời cho đến chết, lúc nào con người cũng khổ và trong tất cả tầng lớp xã hội, ai ai cũng khổ. Nỗi khổ đau của mọi người là vấn đề chắc thật của chúng sanh mà Đức Phật đặt ra trước nhất gọi là Khổ đế.
Và từ đó, Phật luôn suy nghĩ về nguyên nhân nào dẫn đến khổ đau như vậy, nên Ngài thường sống trong tư duy, thiền định hơn là sống với cảnh phú quý vinh hoa. Chính sự thao thức về nỗi khổ trầm luân của con người đã khiến Phật luôn nghĩ đến tìm cách giải phóng nỗi khổ của nhân loại khi Ngài còn ở trong hoàng cung, nên Ngài nổi danh là người trầm mặc.
Ngày nay, chúng ta là đệ tử Phật cũng khởi đầu nhìn thấy cái khổ của loài người và ta cũng suy nghĩ về nguyên nhân của khổ đau triền miên ấy và áp dụng phương cách Phật dạy để giúp ta và mọi người cũng thoát khổ.
Khi Phật còn là thái tử, tất nhiên cũng có bận rộn của thái tử. Nói cách khác, ở thế tục, mọi người đều bận rộn, bận rộn với gia đình, vợ chồng, con cái, bạn bè, làm ăn… Người đời không ai không bị thế tục quấy rầy.
Riêng tôi, mùa hạ đầu tiên năm 1957, tôi làm thị giả Hòa thượng Thiện Hoa. Một hôm, đêm tối, hai thầy trò đứng ở hành lang, Hòa thượng nhìn tôi, nói :“Phúc đức thay cho người cô độc, không bị phiền não thế tục quấy rầy”; đó là bài học đầu tiên của tôi vào 60 năm trước.
Người cô độc là người xả tục xuất gia, là quý thầy cô thấy mình có phước đức hơn người đời, nhờ xuất gia mà được ung dung tự tại, không bị phiền não thế tục quấy rầy. Phiền não thế tục là cơm ăn, chỗ ở và xa hơn là việc giao tế. Lo giải quyết những vấn đề này quả thật bận rộn suốt đời, chỉ có cách xả tục xuất gia là tốt nhất để không phiền não.
Thật vậy, Tăng Ni đúng nghĩa là bỏ thế tục mới không bị phiền não chi phối, thể hiện ý nghĩa xuất gia mà chúng ta theo đuổi như Phật dạy. Nhờ không bị phiền não thế tục quấy rầy, chúng ta có thì giờ thực hiện mục tiêu lý tưởng của người tu.
Phật cũng khởi xuất từ ý này mà Ngài xả tục xuất gia, bỏ ngai vàng điện ngọc để tầm sư học đạo. Nghe chỗ nào có người tu nổi tiếng được kính ngưỡng, Ngài đến tham vấn, nghĩa là học.
Ngày nay, chúng ta khác với Phật một chút là chúng ta có trường lớp từ sơ cấp, trung cấp đến đại học Phật giáo. Chúng ta được trải qua ba cấp học như vậy là thời gian tầm sư học đạo.
Tìm học với người danh tiếng, đương nhiên trong những người danh tiếng cũng có đủ thành phần. Họ nổi tiếng về việc nào đó, đâu phải việc nào cũng thích hợp với mình.
Tôi cũng tới nhiều chùa, gặp các thầy nổi tiếng là việc tầm sư học đạo phải có, nhưng may mắn tôi được vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang là nơi có quý thầy uy tín dạy. Nhờ vậy, trình độ tri thức của tôi được nâng cao.
Đức Phật cũng đi khắp nơi tìm thầy học đạo và cuối cùng Ngài nhận ra chỉ có hai vị Đạo sư có sở tu, sở chứng là Uất Đầu Lam Phất và Kamala. Trên thực tế, người nổi tiếng có nhiều, nhưng sở đắc, sở chứng thì ít người có. Vì vậy, chúng ta nhìn kỹ thấy có thầy nổi tiếng năm năm, ba năm là hết nổi tiếng, vì thực chất không có. Thực chất có mới tồn tại lâu dài, cho nên người ta thường nói rằng đối với người nổi tiếng sớm, chúng ta phải cân nhắc xem có phải là Phật, Bồ-tát hiện lại hay không. Nếu không, chỉ vài năm sau , tiếng tăm suy giảm lần.
Tầm sư học đạo, cuối cùng Phật chọn hai Đạo sư có quá trình hành đạo lâu dài, mà càng lên cao, các vị này càng vững vàng. Ý này gọi là gừng càng già càng cay, nghĩa là tu lâu sẽ có những điểm nổi trội. Vì vậy, chúng ta tham vấn, tìm các bậc cao minh có thể không nổi tiếng, nhưng họ có sở tu sở chứng mà chúng ta thực tập nhận thấy họ đã tự thân thể nghiệm và đạt kết quả tốt đẹp thực sự.
Ở trường lớp thì thông thường các thầy giỏi lý thuyết. Chúng ta nghe lý thuyết, nhưng phải quan sát cuộc sống họ có đúng với lý thuyết họ nói hay không. Vì vậy, Phật nhắc nhở chúng ta rằng hãy nói điều mình làm và làm điều mình nói; nghĩa là phải thực hiện đúng những gì mình nói.
Tôi thấy khi truyền giới Bát quan trai, một số thầy bảo Phật tử không được ăn chiều, nhưng các thầy lại ăn chiều; như vậy là nói khác, làm khác. Nói lời Phật dạy, nhưng các thầy cô có thực hiện đúng như Phật dạy hay không. Thiết nghĩ chúng ta phải có chút xíu tàm quý vì chưa giữ được giới không ăn chiều và nói cho Phật tử biết rõ tuy không ăn chiều, nhưng Phật cho phép uống sữa, uống bột ngũ cốc, nước trái cây. Như vậy, thầy cô truyền giới, buổi chiều được uống sữa, uống bột…, quý vị dạy như vậy và cũng làm như vậy thì được.
Tôi dạy Phật tử có cân nhắc, nói rõ là Phật, Thánh đã đắc đạo, nên các Ngài không ăn một ngày cho đến một tháng cũng không sao, vì không bị thân ngũ uẩn chi phối, được giải thoát hoàn toàn. Còn phàm tăng chắc chắn không được như vậy. Trong phàm tăng, nếu đắc từ Sơ quả trở lên là Hiền Tăng không bị ngũ uẩn ngăn che và chi phối, nên không bệnh, cũng không cần ăn uống.
Nhưng các vị có bệnh là còn nghiệp, chưa đắc quả vị thấp nhất, chưa được Ly sanh hỷ lạc thì chưa có nguồn sống nội tâm, nên còn lệ thuộc vật chất rất nhiều, mà muốn vượt lên nghiệp này để làm Thánh, coi chừng chết. Thật vậy, khi tu học ở Nhật, Thiền sư Kono dẫn tôi lên núi, chỉ cho thấy mộ của các Sa-di là phàm tăng muốn làm Thánh phải chết thôi.
Phật, Thánh, thầy, Tổ đã vượt qua sự chi phối của thân ngũ uẩn, nhưng ta chưa được như vậy. Phải nói rõ cho Phật tử biết điều này, đừng đóng giả Phật, tự xưng Thánh, rất nguy hiểm.
Tôi gặp một số Hòa thượng tự xưng nghiệp tăng, hay lão tăng, chẳng hạn như tôi 80 tuổi là lão tăng, có lúc đến giờ ăn, nhưng mải tu, hay phải giải quyết việc, nên không muốn ăn, hay ăn uống thất thường.
Ngài Tối Trừng là Tổ Thiên Thai tông Nhật Bản, đến 60 tuổi, ngài xả giới Tỳ-kheo, nhưng vẫn làm Tổ. Ngài xả giới không phải là hoàn tục, ngài nói rằng vì già yếu, bệnh hoạn, không thể đi quả đường, tọa thiền cùng đại chúng, hoặc lạy một ngàn lạy mỗi ngày với chúng. Không làm việc của chúng là mất tính cách Tỳ-kheo, nên ngài xin xả giới Tỳ-kheo. Người tu sống thành thật như vậy quả là xứng đáng làm Tổ.
Ở Việt Nam, Hòa thượng Thiện Hòa là bạn của Hòa thượng Trí Tịnh. Ngài bán thế xuất gia, nhưng trì luật đệ nhất, nên ngài là Luật sư. Xưa kia, Hòa thượng Trí Tịnh là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự bảo văn phòng đóng dấu tròn trên Tăng điệp của Hòa thượng Thiện Hòa, trong khi theo luật bấy giờ phải đóng dấu vuông cho người bán thế xuất gia. Hòa thượng Trí Tịnh nói đóng dấu tròn, vì Hòa thượng Thiện Hòa giữ giới thanh tịnh. Khi cầm Tăng điệp xem, Hòa thượng Thiện Hòa nói rằng ngài đã khai lý lịch là bán thế xuất gia, tại sao lại đóng dấu tròn, yêu cầu Ban Trị sự đóng dấu vuông cho đúng sự thật.
Tu là chân thật, là thành thật. Nếu tất cả mọi người trong Tăng đoàn đều thành thật là thanh tịnh Tăng, chắc chắn không có vấn đề gì xảy ra. Trái lại, có vị bán thế xuất gia, nhưng sợ người khác biết điều này, nên yêu cầu đóng dấu tròn cho họ. Trong khi Hòa thượng Thiện Hòa yêu cầu đóng dấu vuông của người bán thế xuất gia, nhưng tất cả mọi người đều kính trọng ngài là bậc trưởng thượng.
Người Nhật quan niệm rằng nếu người không thành thật là bỏ đi.Người tu không thành thật với mình, với Phật, với đạo, với chư Tăng càng phải bỏ đi. Trong Tăng đoàn có người như vậy sẽ bất an, là tạp tăng.
Vì vậy, trong mùa An cư, nên nhớ mình là thanh tịnh Tăng, không phải tạp tăng, dù có Khất sĩ sống chung, nhưng tất cả đại chúng ở Học viện này đồng thanh tịnh, bắt đầu bằng hai chữ thật tình, thật lòng.
Đức Phật học với nhiều Đạo sư và biết rõ từng vị, nhưng về sau, Phật thuyết giáo chỉ đề cập đến Uất Đầu Lam Phất và Kamala là hai vị mà Ngài kính trọng sở đắc, sở chứng của họ và Ngài nương theo thành quả tu tập của họ mà phát triển đời sống tâm linh.
Riêng chúng ta khi nương với vị Đạo sư mà ta cảm thấy lòng mình hoan hỷ thì nên biết lòng vị này cũng hoan hỷ khiến cho người ngoài thấy họ được hoan hỷ theo. Chính tâm chân thật, thành thật sẽ làm cho mình trở thành người dễ mến; nhà truyền giáo phải được như vậy.
Thái tử Sĩ Đạt Ta gặp Kamala cảm thấy an lạc, vì ông đã chứng Ly sanh hỷ lạc, nên không lệ thuộc cơm ăn, chỗ nghỉ, danh tiếng, thể hiện một người thật lòng hoàn toàn. Còn gian dối, thiếu thành thật thì dù tu gì cũng không giải thoát, thậm chí cuối cuộc đời còn khổ đau nhiều. Trên bước đường tu, chúng ta dễ nhận ra việc này.
Tu hành, không lệ thuộc cuộc đời mà tôi thường nói là không lệ thuộc thiên nhiên, không lệ thuộc xã hội, vì ta có nguồn vui trong lòng, trong thiền định, trong ốc đảo của ta.
Thật vậy, đầu tiên, tu hành phải sống trong ốc đảo của mình, nghĩa là ra làm Phật sự, gặp nhiều chướng ngại phải đối phó thì chỉ cần trở về ốc đảo của mình, thân tâm chúng ta liền trở thành bình thường. Kinh nghiệm cho tôi nhận rõ lý này. Chúng ta làm mọi việc, nhưng cũng sẵn lòng bỏ hết để còn hai chữ giải thoát, để Ly sanh hỷ lạc là tự tại ngoài vòng cương tỏa của cuộc sống vật chất. Nếu không như vậy, ở nhà thì kẹt gia đình, đi tu thì kẹt chùa.
Kamala được Ly sanh hỷ lạc, nên Sĩ Đạt Ta gặp ông, cảm thấy an lạc, cũng chứng được Ly sanh hỷ lạc đầu tiên; nói cách khác, tâm ông và tâm thái tử gắn liền với nhau, mà Thiền tông gọi là tâm ấn tâm.
Và bước qua được cửa không lệ thuộc vật chất, mở ra đời sống nội tâm rồi, đi xa hơn, Kamala và thái tử cùng nắm tay nhau vào định vẫn giữ được hỷ lạc gọi là Định sanh hỷ lạc.
Bước qua cửa thứ ba là Ly hỷ diệu lạc, nghĩa là những nguồn vui có được từ Ly sanh và Định sanh đến đây cũng bỏ luôn, vì đã hiện hữu niềm vui thầm kín bên trong không biết tại sao, nhưng ở hoàn cảnh nào cũng an lạc, nên gọi là diệu lạc.
Cuối cùng bước thứ tư, thái tử đạt được Xả niệm thanh tịnh. Ngài hỏi Kamala còn gì nữa không. Ông nói đến chỗ này là hết rồi. Từ đầu đi đến cuối chứng được loại hình Không, thái tử mới bái sư, từ tạ ra đi.
Sự thật Thái tử Sĩ Đạt Ta tầm sư học đạo như vậy đã được kinh Hoa nghiêm diễn tả qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử cầu đạo, sau khi hoàn tất việc học với vị nào rồi thì rời bỏ để tiếp tục tìm đến vị thầy khác. Ý này trong thiền có câu nói rằng: “Khô mộc lý long ngâm bằng quân hội đạo khứ”, nghĩa là đã vào thế giới siêu hình của thiền định, tức ngộ đạo rồi thì đi đi.
Vì vậy, sau khi Sĩ Đạt Ta chứng được Xả niệm thanh tịnh, Ngài tiếp tục tầm sư tìm đến Uất Đầu Lam Phất, tiến vào thế giới tâm thức bao la gọi là Không vô biên xứ. Thiền gọi là vào cửa Không, không còn gì quấy rầy là trụ vô biên vô tận, tầm quan sát của hành giả mở rộng vô cùng. Và đến Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Về sau, Phật giáo gọi là Bát định.
Lịch sử ghi rằng trước khi Phật vào Niết-bàn, Ngài phô diễn lại trạng thái tu chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền cho đến Không vô biên xứ và sự chuyển biến ngược xuôi như vậy ba vòng rồi Ngài mới Niết-bàn. Theo dấu chân Phật, vị nào thực tập được pháp này, chắc chắn biết rõ giờ chết và xả Báo thân nhẹ nhàng.
Theo tôi, việc quan trọng trong mùa an cư, Tăng Ni cần xây dựng ốc đảo tâm linh cho mình và từ đây đi xa theo con đường Phật đã đi, nghĩa là từ cuộc đời này, chúng ta tiến vào thiền định quan sát khắp Pháp giới, rồi từ đó chúng ta trở lại cuộc đời. Thực tế chúng ta thấy người có thực tập pháp Phật và tu chững được thì họ sinh hoạt bình thường, nhưng kết quả họ đạt được bất khả tư nghì, khác hẳn người không thể nghiệm giáo pháp. Đó chính là kinh nghiệm tu mà tôi đã trải qua muốn chia sẻ với quý vị.
Khi đã chứng được Tứ thiền và Bát định, Thái tử Sĩ Đạt Ta chưa bằng lòng thành quả này, nên Ngài đã trở lại việc tu của riêng Ngài. Chúng ta cũng giống như vậy, tuy học chung, nhưng phải có cái riêng của mình, tức khi có được sở đắc sở chứng thì từ đây, chúng ta thực tập pháp riêng của ta.
Học xong với Kamala và Uất Đầu Lam Phất, Phật trở về thể nghiệm pháp riêng của Ngài, mới dẫn đến quả vị Phật. Nếu không có cái riêng, thì Phật cũng mãi là đệ tử của hai Đạo sư này sao.
Thật vậy, ông Kamala thấy Sĩ Đạt Ta thông minh, muốn giao tu viện cho thái tử, nhưng Ngài không bằng lòng và ra đi. Nếu là phàm phu thì được kế thừa sự nghiệp lớn của thầy là ở lại liền. Thiết nghĩ học theo Phật, khi còn tiến xa được thì nên cố gắng đi, đừng giậm chân tại chỗ, coi chừng tuột dốc. Tôi thấy những người dừng lại, họ nói rằng họ bị bận rộn suốt ngày. Các thầy cô tốt nghiệp về trụ trì thay thầy làm việc, coi chừng dừng ở đây bị cột chân mình, không tiến tu được, vì phải lo toan nhiều việc, không giải quyết được, khiến tâm rối bời, dẫn đến tình trạng sống giữ chùa, chết làm quỷ giữ chùa. Đối với người tu, nhất định chúng ta phải bước vào thế giới tâm linh để đạt được tinh ba riêng của mình.
Rời hai Đạo sư Kamala và Uất Đầu Lam Phất, Sĩ Đạt Ta cũng tiếp tục an trụ sở đắc Ly sanh hỷ lạc để bắt đầu quan sát trần thế. Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là Hải Vân Tỳ-kheo đứng trên bờ sinh tử quán sát các loài trong biển sinh tử.
Ly sanh hỷ lạc đối với chúng ta là đứng ngoài cuộc đời bắt đầu quan sát. Tăng Ni xuất thế tục gia là đứng ngoài cuộc đời thế tục quan sát thấy thế tục đáng thương hơn, thấy mình may mắn hơn. Mình đi tu không có gì, nhưng mình có phước đức. Còn người có nhà cửa, tiền tài, danh vọng… thấy tội nghiệp họ quá.
Đứng ngoài sinh tử quán sát mới thấy cuộc đời tu là phước đức thì chúng ta mới gắn bó tu hành lâu dài được. Ngược lại, thấy bên ngoài hấp dẫn chắc chắn sẽ bỏ tu, hoàn tục. Bạn tôi như vậy rất nhiều, nên đi tới càng không còn mấy người.
Riêng tôi, quan sát lại, tôi vẫn tiếp xúc với tất cả mọi người. Ở Nhật, tôi cũng tiếp xúc với nghị sĩ, bộ trưởng, thương gia, cho đến những người nghèo, những hội đoàn… tôi thấy cuộc sống họ toàn là phiền não. Nói cách khác, chúng ta bắt đầu đi vào cuộc đời mà kinh Hoa nghiêm gọi là nhập Pháp giới để quan sát cuộc đời, kinh diễn tả hình ảnh Thiện Tài học đạo với Hải Vân.
Tỳ-kheo này đứng trên bờ biển sinh tử quan sát tất cả các loài, nhận thấy nếu là chuột gặp mèo chắc chắn phải chết, nếu là thỏ gặp chó cũng chết, nếu là nai gặp hổ thì rồi đời… Nhìn sâu vào biển sinh tử, thấy rõ các loài cấu xé, sát hại nhau, không có gì vui; như vậy là chúng ta bắt đầu quan sát ngược lại cuộc đời.
Nhưng nếu quý vị chứng Ly sanh hỷ lạc, có ốc đảo tâm linh sẽ thấy an lạc vô cùng. Còn rời cuộc sống của đạo, trở về thế tục, sống với thân tứ đại, chắc chắn phiền phức không ít. Vì vậy, có vị nói thân này là cái thùng phân. Một Thiền sư Trung Hoa đội thùng phân đi, nói rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ. Ông đứng ở ốc đảo giải thoát quan sát thấy thân tứ đại ô uế đáng bỏ.
Huệ Tư đại Thiền sư nói người ta đánh là đánh cái nghiệp của mình, gây khó khăn là gây khó khăn cho cái nghiệp của mình. Thánh Gandhi thì nói người ta nhốt con chó của ông, hành hạ con chó đó, chứ không nhốt được ông, không hành hạ được ông. Đó là cuộc sống giải thoát của những người có đời sống tâm linh.
HT. Thích Trí Quảng | Giác Ngộ
Discussion about this post