Hôm đó, tôi ngồi cùng mấy người bạn trong một nhà hàng. Cách đấy vài bàn, thấy có bốn người đang dùng bữa. Chỉ là trong một tiệm ăn, nên tôi chẳng để ý đến khách khứa ra vào, và những người kia là ai, nhưng chợtmột người đàn bà trong số bốn người kia đứng dậy bước qua bàn chào chúng tôi. Mọi người nhìn nhau. Tôi không biết người đàn bà này chủ ý chào ai trong bốn chúng tôi, nhưng nhìn mặt thì quen quen, vì vậy tôi cũng mỉm cười gật đầu chào trả. Người đàn bà đó cũng cười chào và trở về bàn. Tôi đang thắc mắc trong lòng, cố nghĩ xem mình có quen biết không, hay có thể là người quen của nhà tôi, hôm đó không có mặt. Đang suy nghĩ thì một lúc sau lại thấy một người đàn ông trong bàn đó đứng dậy bước qua. Nhìn mặt rất quen, nhưng nhất thời tôi chưa thể nhớ ra là ai, tuy nhiên biết chắc là ông ta qua chủ ý để chào mình. Sự bối rối đã làm cho tôi trở nên vụng về và, nghĩ lại, thật bất lịch sự, chỉ ngồi yên gật đầu chào một cách miễn cưỡng mà thôi. Người đàn ông kia có lẽ cũng hơi ngượng, nên cũng chỉ gật đầu chào trả và bỏ đi trong khi tôi vẫn ngồi yên và không ngớt tự hỏi hai người kia là ai.
Giá như tôi không thể nhớ ra họ là ai thì có lẽ không đến nỗi phải bận lòng cho đến bây giờ, đã một tuần lễ trôi qua. Nhưng chỉ một lúc sau, lúc họ đã ra về, tôi mới sực nhớ ra chúng tôi đã từng gặp nhau trong đám cưới con của một người bạn, và sau đó, lần thứ hai trong một bữa tiệc do một người bạn ở nước ngoài về khoản đãi. Tuy nhiên hai vợ chồng này nói chuyện với nhà tôi nhiều hơn, nên tôi không có chút ấn tượng nào với những người mới quen biết ấy. Từ hôm tình cờ gặp nhau trong tiệm ăn đến nay, tôi không thể nào xua tan những dằn vặt khó chịu trong lòng. Có lẽ ngày nào chưa gặp lại hai vợ chồng kia để có một lời xin lỗi chắc tôi vẫn còn mang nặng chuyện này trong đầu óc.
Nhóm bạn cùng lớp ngày xưa của tôi bây giờ đều đã luống tuổi, nhưng ai cũng cho là tôi có trí nhớ rất tốt, vì mỗi lần gặp nhau, tôi thường nhắc lại những kỷ niệm giữa bạn bè hồi còn bé một cách rành mạch, thuộc tên những con đường đã được thay đổi mấy chục năm về trước, hay nhớ tên những tài tử điện ảnh đóng vai gì trong một cuốn phim ngày xửa ngày xưa. Tôi lại có thể đọc vanh vách danh sách của cả lớp học hơn năm mươi năm về trước. Thực ra chuyện đó cũng không có gì lạ, vì hồi còn bé, tôi thường sưu tập chương trình của các rạp chiếu bóng. Trong lớp học, tôi thường giữ nhiệm vụ điểm danh lớp học. Lúc đó còn bé, còn rất nhiều những ngăn kéo trí nhớ trống trong não bộ, nên những chuyện đó được cất giữ một cách ngăn nắp trong những ngăn kéo này, đến lúc cần mở ra là có ngay. Càng lớn tuổi, càng có quá nhiều chuyện để nhớ, nhưng không còn đủ ngăn kéo để chứa đựng, không được cất giữ kỹ, nên thường dễ bị thất lạc, nhất là vì chúng ta không biết quên bớt đi để loại bỏ những điều cần quên.
Những điều nằm trong trí nhớ của tôi, thực ra phần lớn chỉ là những điều vô bổ, chỉ đem ra dùng với bạn bè trong những lúc trà dư tửu hậu để vui chơi mà thôi. Trái lại có những điều cần phải nhớ, thì đôi khi vì không có nơi cất giữ kỹ càng đã bị thất lạc đi một cách bất chợt như câu chuyện vừa kể trên.
Càng lớn tuổi, càng có nhiều cái cần phải nhớ thì lại quên đi, thế mới là phiền. Nhớ là nhớ những điều tốt người khác làm cho mình. Nhớ là nhớ một chữ nhẫn để cố gắng kìm lại cơn nóng giận có thể tránh được to tiếng khi tranh cãi với người khác. Nhớ là nhớ một chút khiêm nhường khi nghe có người khen mình. Người ta thường không nhớ những chuyện đáng nhớ và đôi khi lại quên những điều không đáng quên. Quên là nên quên bớt đi những thù hận, quên những chuyện không vui trong quá khứ không ích lợi cho cuộc sống hiện tại. Nhớ là nhớ nói một lời cám ơn với người nào đó vừa nhường chỗ cho mình trên xe buýt. Quên là nên quên một sơ ý lỗi lầm của bạn mình mà biết rằng thực tâm họ không cố tình làm cho mình buồn.
Kim Dung là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, nhất là trong lãnh vực tiểu thuyết kiếm hiệp. Ông thường hay đưa tư tưởng Phật giáo vào trong những tác phẩm của ông. Trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký, ông đã nói về nhân vật Trương Vô Kỵ như sau:
Lúc còn là một thiếu niên, nhưng nhờ thông minh, lại gặp duyên kỳ ngộ, nên Trương Vô Kỵ đã có nội lực thâm hậu, võ công cao cường. Một hôm nghe tin phái Võ Đang bị cường địch tấn công, sư tổ bất ngờ bị ám hại, chàng lên núi giải cứu. Vô Kỵ giả dạng là một tiểu đồng để tránh bị phe địch nhận diện, nhưng nói rõ thân phận cho sư tổ Trương Tam Phong biết. Trương Tam Phong đang bị trọng thương, không thể nghênh địch được, nên phải truyền thụ cho Trương Vô Kỵ một pho kiếm pháp vừa mới sáng chế ra. Pho kiếm pháp này chỉ có mười mấy thế, nhưng chiêu thức biến hóa vô lường. Dạy được một lúc, Trương Tam Phong hỏi: “Con nhớ được mấy phần?”. Vô Kỵ trả lời: “Chỉ nhớ được ba phần”. Sư tổ nói: “Tốt”. Một lúc sau lại hỏi: “Con nhớ được bao nhiêu?”. Vô Kỵ đáp: “Con quên hết cả rồi”. Trương Tam Phong vui mừng: “Vậy bây giờ con có thể ra đấu với quân địch được rồi”.
Nghe như một cuộc đối đáp giữa hai thiền sư, người thường không thể nào hiểu được, nhưng Trương Tam Phong và Trương Vô Kỵ đều là những bậc kỳ tài trong võ lâm, nên rất tương thông, có thể hiểu nhau một cách dễ dàng. Quên là quên những vận hành chiêu thức bằng cánh tay, nhưng kiếm ý thì đã nằm sâu trong tâm, không cần suy nghĩ phải đưa đường kiếm đi như thế nào mà chỉ dụng tâm để điều khiển lưỡi kiếm trên tay. Không khác gì quên chiếc bè một khi đã qua sông, quên ngón tay trỏ khi đã nhìn thấy mặt trăng.
Xưa thường hay nghe: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Đúng là người ta thường nói cổ nhân dạy nhớ mà không dạy quên. Mười năm chỉ là một cách nói, nghĩa là phải nuôi dưỡng mối thù chờ cơ hội để trả. Mười năm chưa được thì vẫn tiếp tục chờ thời cơ, và trong suốt thời gian ấy, mối thù nằm mãi trong tâm can, nhớ mãi khó mà quên được. Cuộc đời, cuối cùng chỉ còn hai chữ trả thù làm mù cả tâm trí. Ngược lại, một người đến chùa nghe mãi kinh kệ riết rồi trong tâm chỉ có những lời Phật dạy, quên hết những tạp niệm, bây giờ đã được thay thế bởi Phật pháp, cuối cùng bỗng thấy được thân tâm an lạc. Nhớ và quên là như thế đấy.
Cuộc sống bây giờ, không đơn giản như ngày xưa. Người ta có vô số việc phải làm trong cuộc sống quá ngắn ngủi, cho nên người ta dễ quên hơn là nhớ, chỉ vì muốn nhớ nhiều thứ quá. Vả lại, khoa học tiến bộ, nhất là trong ngành truyền thông, vi tính, nên con người lại càng ít sử dụng trí nhớ. Không dùng đến trí nhớ nhiều thì thần kinh trong não bộ cũng sẽ lười biếng và dần dần sẽ không còn dùng được nữa.
Alzheimer là một căn bệnh khá phổ biến trên thế giới bây giờ. Có những người sau bao năm chung sống với nhau trong gia đình, một hôm ngã bệnh, không còn nhận ra ai là người thân. Không chỉ quên, mà còn có thể có những hành động không kiểm soát bản thân mình có thể đưa đến những trường hợp nguy hiểm. Theo khoa học, một trong những nguyên nhân của căn bệnh này là vì sự biến thể của gien, làm cho suy thoái thần kinh trong não bộ. Tôi thì nghĩ một cách đơn giản có lẽ vì người ta có quá nhiều cái để mà nhớ, đến khi không thể nhớ được thì những thần kinh trí nhớ trong não bộ sẽ trở thành vô dụng hoăc bị hư hỏng. Alzheimer là một vấn nạn của con người, nhưng cũng có người lại nghĩ rằng đến lúc phải sắp sửa lìa đời, căn bệnh quái ác đó có thể giúp con người quên bớt những luyến tiếc cuộc đời đã làm cho họ sợ chết.
Trong cuộc sống hiện tại, có rất nhiều cái đáng nhớ, cũng như có rất nhiều cái đáng quên. Chỉ tiếc là chúng ta đôi khi nhớ những điều không đáng nhớ, và quên những điều không đáng quên mà thôi.
Cái quên của Vô Kỵ là quên để mà nhớ. Cái nhớ của tôi, chỉ là cái nhớ để mà quên. Cái quên của Vô Kỵ là quên những tạp niệm. Ngược lại, cái nhớ của tôi chỉ là những ngăn kéo đầy ắp những cái mà lẽ ra cần quên bớt đi, để nhường chỗ cho những cái đáng nhớ.
Giá như có thể đẩy ra những thứ không đáng nhớ, để nhường chỗ cho những điều không đáng quên thì thật hay biết mấy. Những điều không đáng nhớ mà lại cứ nhớ, chỉ là những tạp niệm chẳng giúp ích gì cho chúng ta cả. (Văn Hoá Phật Giáo 154)
Discussion about this post