Hôm qua, tôi đã giảng: “Long vương! Nhữ quán Phật thân, tùng bách thiên ức, phước đức sở sanh, chư tướng trang nghiêm”.
Hôm nay, chúng ta tiếp theo: “Quang minh hiển diệu, tế chư đại chúng, thiết vô lượng ức, tự tại phạm vương, tất bất phục hiện. Kỳ hữu chiêm ngưỡng, Như Lai thân giả, mạc bất mục huyền”.
Đoạn kinh văn này xem ra dường như là rất bình thường, nhưng trên thực tế hàm nghĩa vô cùng sâu xa. Trong phương pháp tu hành của nhà Phật, đặc biệt là pháp môn niệm Phật, các vị biết, trong bốn phương pháp niệm Phật có một phương pháp gọi là “Quán tượng niệm Phật”, chỗ này nói đến chính là yếu nghĩa của quán tượng niệm Phật. Hôm qua, tôi đem cái ý nghĩa này báo cáo qua với các vị rồi. Chúng ta phải hiểu được, phải lưu ý làm thế nào học theo Phật?
Chúng ta phải biết rằng, bản thân chúng ta khi khởi tâm động niệm, cho dù là ý niệm cực kỳ vi tế cũng đều có quan hệ mật thiết với y báo, chánh báo của chúng ta. Cho nên, bất kể chúng ta có được thân tướng như thế nào, bất kể sống ở trong hoàn cảnh như thế nào, không có gì là không phải tự tâm mình biến hiện ra. Như vậy mới đích thực hiểu rõ, đích thực sáng tỏ chân tướng sự thật là tâm hiện thức biến này. Chính bởi như thế Phật mới nói: “Trí giả tri dĩ, ưng tu thập thiện”. Chữ “Ưng” này, chúng ta nhận thấy đây là ý khuyên bảo, nhưng trên thực tế ý nghĩa thật sự của nó là “pháp vốn như vậy”, họ liền tu thiện nghiệp một cách tự nhiên, không cần người khác khuyên, cũng không hề có mảy may miễn cưỡng nào. Từ đó cho thấy, chúng ta ngày nay không biết tu thiện nghiệp chính là vì đối với chân tướng sự thật hoàn toàn không hiểu rõ. Từ đó cho thấy, giáo dục là quan trọng biết bao.
Ở trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã xem đi xem lại vô số lần. Hôm nay, kinh văn này mới mở đầu đã bày tỏ quả đức “quang minh hiển diệu”. “Quang minh”, người Trung Quốc chúng ta thường nói chính là bầu không khí. Bầu không khí tốt, vô cùng rõ rệt khiến người vừa tiếp xúc liền có thể cảm nhận được, người nước ngoài gọi là từ trường, người luyện khí công nói đây là khí, còn ở trong Phật pháp gọi là quang. Bất kể bạn gọi là bầu không khí, gọi là quang hay gọi là từ trường, thì cái mà phàm phu tiếp xúc được cũng chỉ là vật thể phát quang mà thôi, tiếp xúc đến cảm thấy hoa mắt. Ánh sáng này trên thực tế phạm vi của nó là tận hư không khắp pháp giới. Nhưng “quang” trên vật thể này là sóng tư tưởng sinh ra từ trong hình thức, tuy không giống với sóng của vật chất, nhưng nó cũng là càng xa thì sức mạnh của sóng này càng yếu dần, đây là đạo lý nhất định.
Ánh sáng ở trong tự tánh thì không như vậy. Giống như ở trong kinh đại thừa thường thường đọc thấy: “Chư Phật Bồ-tát quang minh biến chiếu”. Ánh sáng đó của các Ngài là đều đặn nhưng phàm phu chúng ta vẫn cứ không thể phát hiện. Nguyên nhân không thể phát hiện là do phiền não của chính chúng ta làm chướng ngại. Nếu như đem tập khí phiền não đoạn hết, thì chúng ta cảm nhận ánh sáng chiếu khắp của Phật là viên mãn. Bất kỳ chỗ nào, bất kể lúc nào, sự cảm nhận của bạn cũng là viên mãn. Đây chính là tánh đức và tu đức không giống nhau.
Tu đức thật sự là có kiểu phân chia đậm nhạt này. Giống như chúng ta cảm nhận bầu không khí này vậy, chúng ta tiếp cận, gần gũi một người có đức hạnh, họ ngồi hoặc ở tại căn phòng này thì ta cảm giác thấy không khí này đặc biệt đậm. Chúng ta không ở trong căn phòng của họ, mà ở trong ngôi nhà của họ cũng có thể cảm nhận được, thậm chí là ở trong khu vườn của họ cũng có thể cảm nhận được. Ở ngoài khu vườn thì càng xa càng nhạt, chúng ta sẽ cảm nhận không được. Thực ra trên lý luận mà nói, từ trường của họ, bầu không khí của họ, sóng quang của họ cũng là tận hư không khắp pháp giới, nhưng so với Phật, pháp thân Bồ-tát thì khác nhau. Tuy bầu không khí của họ là tốt, nhưng phiền não chưa đoạn hết. Phiền não của họ nhẹ hơn chúng ta, chúng ta cảm nhận bầu không khí của họ là tốt. Nếu như phiền não của họ nặng hơn chúng ta, thì bầu không khí chúng ta cảm nhận sẽ vô cùng không tốt, vì bầu không khí của chúng ta là vẩn đục, nhưng mức độ vẩn đục của họ còn nghiêm trọng hơn chúng ta. Đạo lý là như vậy, chúng ta phải hiểu rõ.
Không những lý như vậy mà sự cũng như vậy. Một người không tu thiện làm sao được? Cảm nhận rõ rệt nhất ở người không có tu trì, tâm địa không thanh tịnh, tràn đầy tham, sân, si, mạn thì mùi trên thân họ, mùi hơi thở trong miệng họ thở ra, sau khi tiếp xúc bạn đều cảm thấy rất khó ngửi. Điều này là vô cùng rõ rệt, hầu như mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm này. Tuổi tác càng cao, bầu không khí này càng không tốt. Nguyên nhân gì vậy? Là do trong đời này tích lũy ác nghiệp. Bầu không khí ác, ý nghĩ ác tạo nên sự thay đổi sinh lý của chúng ta, sinh lý không bình thường.
Người có tu hành thì không như vậy, ví dụ như Lão Hòa thượng Hư Vân. Tôi chưa hề gặp Ngài, nhưng ở Hồng Kông có không ít đồng tu đã đích thân gặp được Ngài. Vào lúc đó, Ngài có lẽ cũng đã 100 tuổi rồi. Tuổi tác của Ngài cao như vậy, họ nói, không những mùi trên cơ thể Ngài thơm dịu, mà mùi của quần áo Ngài cũng thơm dịu. Mọi người chúng ta đều biết, Lão Hòa thượng Hư Vân một năm chỉ tắm một lần, một năm cắt tóc một lần, y phục xưa nay không thay, do đó trên cổ áo dầu bám rất dày, nhưng ngửi thử thì có mùi thơm chứ không phải thối, ai cũng đều thích ngửi. Từ đó cho thấy, ý nghĩ thiện ác của chúng ta thật sự ảnh hưởng đến sinh lý chúng ta, ảnh hưởng đến tổ chức sinh lý và ảnh hưởng bài tiết. Không khí của người có tu hành tỏa ra bên ngoài không giống như người phàm, huống hồ chi “thân Phật” mà ở trong kinh điển đã nói. Phật là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não đoạn hết rồi, cảnh giới này chúng ta không thể tưởng tượng được.
Trong Phật pháp gọi là “quang minh hiển diệu, tế chư đại chúng”. “Tế” là che đậy. Chữ “đại chúng” này, phía dưới nói “tự tại phạm vương”, đây là trời đại tự tại, trời Ma-hê-thủ-la là thế giới Ta-bà ở trong tam giới, giàu có đến cực điểm, bạn thử nghĩ xem phước đức của họ bao lớn. Người thế giới này cũng là phước huệ song tu, tập khí phiền não họ hoàn toàn phục được rồi nhưng chưa đoạn. Nếu như họ đoạn được thì liền chứng quả A La Hán chứ không phải phàm phu. Khi tập khí phiền não phục được, thì bầu không khí của họ, từ trường của họ cũng không có người nào có thể sánh với họ được. Họ tu ở đây là tứ thiền bát định.
Bản thân chúng ta tu hành phải thường thường kiểm nghiệm lại bản thân, từ trong bầu không khí này kiểm nghiệm lại xem mình có tiến bộ hay không? Nếu như cảm giác thấy mùi trên cơ thể của chúng ta, mùi của áo quần thay ra rất khó ngửi, thì chúng ta không có công phu. Người chân thật có công phu thì mùi khó ngửi này nhất định là mỗi năm mỗi nhạt dần, mỗi tháng mỗi nhạt dần, đây là chứng minh công phu của bản thân chúng ta đã có tiến bộ. Một tuần không tắm, trên người tuy là có vết bẩn nhưng mà không khó ngửi. Người thật sự có công phu thì hoàn toàn không bị dính nhiễm. Đây đều là Phật Bồ-tát vì chúng ta hiện thân thuyết pháp. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, phải chăm chỉ nỗ lực tu học, tuyệt đối không phải để cho người ta thấy, mà là để tự thọ dụng. Chúng ta thật sự được tự thọ dụng mới có thể lợi ích người khác. Bản thân còn không có được thọ dụng thì làm sao bàn đến tha thọ dụng? Muốn tha thọ dụng nhất định phải tự thọ dụng trước. Chư Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta một câu là: “Phải làm thật”!
Mấy năm gần đây, chúng tôi đem Phật pháp làm ra một tổng quy kết, chúng tôi quy kết thành mười hai chữ và đã viết thành một câu đối. Mọi người đều có thể thuộc, đều có thể nhớ rất rõ ràng, niệm niệm không quên, y giáo phụng hành. Chúng ta tu cái gì vậy? Tu tâm chân thành, thật thì không giả, thành thì không hư ngụy, thanh tịnh thì không ô nhiễm, bình đẳng thì không cao thấp, chánh giác thì không mê, từ bi thì chắc chắn không có lợi ích riêng tư. Đây là tâm Phật, là tâm Bồ-đề, chúng ta phải giữ tâm như vậy.
Chúng ta áp dụng trong đời sống, phải nhìn thấu, buông xả. Nhìn thấu là gì vậy? Mọi thứ thông đạt hiểu rõ, đây gọi là nhìn thấu. Buông xả là không nhiễm mảy bụi, không mảy may dính nhiễm. Biểu hiện ra bên ngoài chính là nói: “Quang minh hiển diệu, tế chư đại chúng”. Là gì vậy? Tự tại, tùy duyên! Sau cùng quy kết về niệm Phật. Phần trước có chín câu, mười tám chữ thảy đều là niệm Phật. Dùng niệm Phật làm tổng quy kết ở trong quy kết, như vậy thì chỉ trong một đời chúng ta liền thành tựu viên mãn. Chúng ta khởi tâm động niệm đều phải như vậy mà tu, như vậy mà học, làm mẫu mực của xã hội đại chúng một cách tự nhiên, quyết định không có lợi ích riêng tư, mỗi niệm đều là vì lợi ích tất cả chúng sanh.
Phía dưới đây là lời giả thiết, nêu một ví dụ cho chúng ta. Giả thiết: “Vô lượng ức tự tại phạm vương”. Đây không phải một người, “vô lượng ức” là nhiều. Đại tự tại Thiên Vương ngồi trong hội của Phật, mà quang minh phước đức của họ đều không thể hiện tiền, ví như là gì vậy? Chúng ta từ một ví dụ khác, chúng ta dùng vô lượng ức ngọn nến, đem những ngọn nến này thảy đều thắp lên, dưới ánh nắng mặt trời thì ánh sáng của ngọn nến đều không thấy nữa, không hiện ra được, ví dụ này mọi người dễ hiểu. Loại đèn sáng hơn nữa của thế gian chúng ta, dưới ánh sáng mặt trời thì ánh sáng của đèn đều không còn. Đây là chứng tỏ bầu không khí mà bạn cảm nhận được, ở trước Phật chỉ cảm nhận được bầu không khí của Phật, còn bầu không khí của đại tự tại Thiên Vương thì liền biến mất, “Tất bất phục hiện”.
Câu sau cùng là khuyên bảo, cũng là tán thán, người chiêm ngưỡng thân Như Lai không ai không lóa mắt. Phàm phu chúng ta không làm được, phàm phu thật sự mà nói cũng không có cái phúc phần này. Chúng ta ngày nay sinh vào thời kỳ mạt pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật cách chúng ta hơn 3000 năm rồi. Vừa rồi tôi đã nói, trên thực tế bầu không khí của Phật là vĩnh hằng, là trùm khắp pháp giới, chúng ta có thể cảm nhận được hay không? Được! Làm sao được? Cần phải tu hành như giáo. Chúng ta quả thật có thể đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đoạn trừ thì chúng ta liền có thể cảm nhận được bầu không khí của chư Phật Như Lai. Bầu không khí của chư Phật Như Lai, thưa với các vị, chính là bầu không khí của chân như bản tánh chúng ta, không phải bên ngoài đến. Bầu không khí của chân như bản tánh đâu có lý nào mà không tận hư không khắp pháp giới? Lý đương nhiên là vậy. Từ đó cho thấy, chúng sanh và Phật quả thật là bình đẳng.
Ngày nay không bình đẳng là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bản thân chúng ta tạo nên. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thật sự là bình đẳng. Tự tánh vốn đầy đủ đức năng, vốn đầy đủ tướng hảo. Phật chỉ bày ra cho chúng ta thấy, đó là quả đức của chúng ta. Chúng ta ngày nay bất hạnh, nhiễm phải vô minh, trần sa, kiến tư, cũng giống như người hút ma túy bị nghiện thuốc vậy, bây giờ trở thành người không ra người, quỷ không ra quỷ. Giáo dục của Phật chính là giúp chúng ta cai nghiện. Nếu chúng ta chịu tiếp nhận, muốn đem bệnh nghiện của chúng ta trừ bỏ tận gốc rễ, hồi phục lại bình thường, bình thường chính là chư Phật Như Lai. Ví dụ này mọi người dễ hiểu, thật sự mà nói cũng rất gần gũi. Cho nên, chúng ta cần phải biết hiện nay chúng ta là một người như thế nào, là người ở lập trường gì? Phật làm thế nào đến giúp đỡ chúng ta, đến viện trợ cho chúng ta? Chúng ta cần nên tiếp nhận, phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, hồi phục lại tánh đức của mình, hồi phục lại trí tuệ đức tướng của mình.
Kinh văn: “Nhữ hựu quán thử, chư đại Bồ-tát, diệu sắc nghiêm tịnh, nhất thiết giai do, tu tập thiện nghiệp, phước đức nhi sanh”.
Phần trước Phật dạy chúng ta quán thân Phật, thân Phật được sinh ra từ trăm ngàn ức phước đức. Tiếp theo là dạy chúng ta quán thân diệu sắc của Bồ-tát. Thân Phật là đại biểu tánh đức. Tánh đức là cứu cánh viên mãn. “Bách thiên ức”, chữ này là hình dung, trên thực tế là vô lượng vô biên phước đức, không những chúng ta nói không hết, mà cho dù chư Phật Như Lai khác miệng đồng lời cùng nhau tuyên nói trong vô lượng kiếp cũng nói không hết. Đạo lý này chúng ta hiện nay hiểu được rồi, có thể thể hội được.
“Xứng tánh” thì không ai có thể nói được, nhưng mà Bồ-tát chưa thành Phật, diệu sắc trang nghiêm của Bồ-tát là thuộc về tu đức. Ở đây chúng ta phải biết, “diệu sắc” của Bồ-tát là nói sắc tướng trang nghiêm thanh tịnh. Trong kinh chúng ta thường thường đọc thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đây là tu đức của Bồ-tát trên quả địa Như Lai. Ở trong đại kinh thường nói: “Thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, đó là tu đức viên mãn, tánh đức hiện tiền mới có sự trang nghiêm thù thắng như vậy. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đây là thế gian này chúng ta thường nói “liệt ứng thân”, đây đều là thuộc về tu đức, ý nghĩa vô cùng rõ ràng.
Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết: “Bồ-tát thị hiện thành Phật”, câu nói này chúng ta phải thể hội thật kỹ. Đúng như ở trong Phẩm Phổ Môn đã nói: “Cần dùng thân Phật mà độ được, liền hiện thân Phật mà thuyết pháp”. Hiện thân Phật này chắc chắn là hiện cùng loại thân, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở nhân gian chúng ta nhất định là ở cõi người, Ngài hiện cùng loại thân mà thị hiện thành Phật. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là quả báo. Có quả ắt có nhân! Ví dụ trong kinh nói với chúng ta, “tướng lưỡi rộng dài” của Phật là quả báo của đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ. Phật nói, nếu như một người ba đời không vọng ngữ, thì lưỡi họ lè ra có thể liếm đến chóp mũi của mình. Chúng ta ngày nay lưỡi lè ra liếm không đến được, chứng tỏ là chúng ta vẫn thường hay nói vọng ngữ. Phật thị hiện lưỡi của Ngài lè ra có thể che kín hết cả mặt, chứng tỏ đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ. Từ đó cho thấy, tuy nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nói nhiều như vậy, nhưng nền tảng của nó cũng là mười thiện nghiệp. Nếu như thật sự tu tốt mười thiện nghiệp đạo rồi, thì “diệu sắc nghiêm tịnh” sẽ hiện tiền một cách tự nhiên.
“Trang nghiêm thanh tịnh”. Trong bốn chữ này, quan trọng nhất là chữ “tịnh”. “Tịnh” là tâm thanh tịnh, các vị phải hiểu được, đây chỉ nói một chữ “tịnh”! Chúng ta quy nạp lời giáo huấn của Phật Đà, nếu bạn không chân thành thì chắc chắn sẽ không thanh tịnh, nếu bạn không bình đẳng thì bạn cũng sẽ không thanh tịnh, nếu bạn mê hoặc, không có trí tuệ thì bạn cũng sẽ không thanh tịnh, tâm địa bạn không từ bi thì bạn cũng không thanh tịnh. Cho nên “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, có một điều thì chắc chắn năm điều đều có đủ, các vị phải hiểu đạo lý này.
Bất kỳ một điều nào, ví dụ bạn nói chân thành, tâm rất chân thành nhưng không thanh tịnh, không thanh tịnh chắc chắn là không chân thành. Không bình đẳng chắc chắn là không chân thành. Không từ bi chắc chắn không chân thành. Bất kỳ một điều nào, có một điều nhất định là năm điều viên mãn đầy đủ, cho nên sắc tướng mới trang nghiêm. Sắc tướng gọi là “diệu”. Diệu ở chỗ nào vậy? Ở chỗ mà trong kinh Kim Cang, Phật đã nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, đây chính là diệu! Hay nói cách khác, chấp tướng là không diệu rồi. Nói rõ ràng, sáng tỏ hơn một chút, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, khởi tâm động niệm liền không diệu rồi. Sự khác nhau giữa Chư Phật Bồ-tát và phàm phu là ở chỗ này, bản lĩnh của các Ngài là ở chỗ này. Các Ngài có thể làm được, tại sao chúng ta không làm được? Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng tại sao lại khởi tâm động niệm? Khởi tâm động niệm này, đương nhiên là bạn bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ. Hợp với ý của mình, thật sự mà nói cái gì gọi là “hợp ý của mình”? Là tùy thuận theo phiền não của mình. Tùy thuận theo sở thích của mình liền khởi lên tâm tham, tùy thuận theo sự chán ghét của mình liền khởi tâm sân hận, đây là phàm phu, đây là tạo nghiệp, quả báo mà bạn cảm được đương nhiên là không thù thắng. Sắc tướng của chư Phật Bồ-tát là tùy thuận tánh đức. Tánh đức là thiện.
Mở đầu Tam Tự kinh của Trung Quốc liền nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. “Tánh” là tự tánh, là bản tánh. Bản tánh là thiện. Điều này chúng ta rất khó thể hội. Thiện này không phải là thiện của thiện ác. Thiện của thiện ác là thiện đối đãi. Cho nên, chúng ta vừa nghe thấy “tánh bổn thiện” lập tức ý thức này liền rơi vào thiện của thiện ác đối đãi, vậy là sai rồi, bạn không thể lý giải ý nghĩa của nó. Ở trong kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Thiện của thiện ác đối đãi là tập tánh, không phải bản tánh. “Tánh tương cận, tập tương viễn”. “Tánh tương cận”, “tánh” này là chân tánh, là bản tánh, mọi người đều như vậy, tất cả chúng sanh không hai không khác. Nhưng ở trong tập tánh là có thiện, có ác, thiện ác này là thiện ác đối đãi, ý nghĩa so với “tánh bổn thiện” nói phía trước hoàn toàn không giống nhau. Đây là chỗ chúng ta cần phải hiểu rõ ràng, phải hiểu sáng tỏ. Trước khi chưa kiến tánh, các Ngài toàn là tu đức.
Trong kinh Phật nói, pháp giới tứ thánh gồm có Thanh Văn (A La Hán), Bích chi Phật, Bồ-tát, Phật (pháp giới Phật ở trong mười pháp giới). Tướng Phật này chính là trong kinh nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp là tu đức, không phải thuộc về tánh đức. Tại sao vậy? Họ chưa kiến tánh, cần phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân thì tánh đức mới hiện tiền. Vào lúc này là giống như phần trước đã nói: “Thiên vạn ức phước đức sở sanh”. “Thiên vạn ức phước đức” này không phải do tu mà có, mà là tự tánh vốn đầy đủ, đã hoàn toàn hồi phục tự tánh. Phần trước đoạn này dạy chúng ta quán thân Phật là thể hội tánh đức, còn chỗ này dạy chúng ta quán chư đại Bồ-tát tức là dạy chúng ta quán tu đức.
Chúng ta ngày nay là phàm phu, tự mình nhất định phải thừa nhận, nhất định phải tự biết rõ chính mình. Bậc thánh hiền thường hay dạy chúng ta “nhân quí tự tri”. Một người quan trọng nhất là phải biết chính mình mới có thể nói là tu hành. Nếu như tự mình không nhận thức được chính mình, không hiểu rõ chính mình, không biết chính mình thì việc tu hành này là không thể bàn đến. Mấu chốt trong việc tu hành là đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ. Cái gì là thiện, là ác? Họ không hiểu. Sao gọi là mê, ngộ? Họ cũng không hiểu. Vậy thì họ khởi tu từ đâu? Không những là tu không làm được, mà học cũng không làm được.
Chúng ta mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày nghe kinh, nhưng có thật sự nghe hiểu, thật sự lý giải hay không? Không có! Tại sao nói bạn chưa nghe hiểu, chưa lý giải vậy? Vì nếu bạn thật sự nghe hiểu, thật sự lý giải thì ý nghĩ của bạn đã xoay chuyển rồi. Cho nên, nhà Phật không nói “giáo học” mà nói “giáo hóa”. Phật dạy bạn, nếubạn thật sự hiểu được, thật sự sáng tỏ rồi thì lập tức liền phát sinh thay đổi, chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành thánh, bạn liền bắt đầu thay đổi, cổ nhân gọi là “độc thư biến hóa khí chất”. Chữ “hóa” này, cách nói hiện nay là quan sát từ trên thành tích. “Giáo” là nói từ trên sự tướng còn “hóa” là nói từ trên thành tích. Rốt cuộc là có hiệu quả hay không và hiệu quả ra sao? Điều này thì phải xem bạn thay đổi được bao nhiêu, thay đổi ít là bạn hiểu rõ được ít phần, thay đổi nhiều là bạn hiểu rõ được nhiều phần, thay đổi lớn thì là bạn chân thật tường tận rồi.
Tập khí nghiệp chướng của phàm phu chúng ta vô cùng sâu nặng, đã chướng ngại lời giáo huấn của Phật, Bồ-tát, thánh hiền. Tuy hằng ngày chúng ta học tập, hằng ngày nghe giảng, đã học mười mấy năm, hai mươi mấy năm, ba mươi năm nhưng vẫn không hề mảy may thay đổi, vậy mới biết nghiệp chướng của mình là nặng cỡ nào. Tuy nghiệp chướng nặng nhưng chúng ta không nên sợ! Dùng phương pháp gì để tiêu trừ nghiệp chướng đây? Không ngừng huân tu! Phương pháp này rất kỳ diệu. Phật tổ truyền xuống phải “huân tu lâu dài”, bởi vì tập khí phiền não của chúng ta quá nặng như vậy là do huân tập thời gian dài mà ra, đạo lý là như vậy. Thời gian huân tu của chúng ta đối với lời giáo huấn của thánh hiền quá ít, không đủ! Vì vậy, nếu như có thể có sự huân tu thời gian dài, thì cuối cùng sẽ có ngày giác ngộ được.
Chúng ta thử xem các đại đức tông môn giáo hạ xưa và nay của Trung Quốc, họ cũng không phải nghe kinh, nghe giáo thời gian ngắn là giác ngộ mà cũng phải mất nhiều năm, ít thì ba năm đến năm năm, đây là chúng ta nói người căn tánh lanh lợi, người căn tánh chậm thì cũng phải mất ba mươi, bốn mươi năm mới khai ngộ, trong Cao tăng truyện, trong Cao sĩ truyện chúng ta đều nhìn thấy. Từ chỗ này, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng, căn tánh chúng sanh không giống nhau, nên mỗi người nỗ lực cũng khác nhau. Nếu chúng ta chăm chỉ nỗ lực học tập, thì có thể giúp chúng ta rút ngắn bớt thời gian mà sớm giác ngộ. Nhất định phải chăm chỉ nỗ lực! Không những chúng ta phải nỗ lực học tập ở trong kinh luận, mà điều quan trọng nhất là chúng ta phải đem nền giáo học trong kinh điển áp dụng vào đời sống thường ngày, nếu xa rời đời sống thực tế thì cửa ngộ liền bị bế tắc ngay, điểm này chúng ta phải hiểu rõ.
Tại sao cổ nhân chỉ có ba đến năm năm hoặc năm đến mười năm thì khai ngộ rồi? Là vì họ có thể đem những điều đã học áp dụng, họ có tín, giải, hành, chứng. Việc học tập trên kinh sách ở trong phòng học là tín, giải. Sau khi hiểu rồi, bạn phải áp dụng vào trong đời sống là hành. Hành là thực nghiệm. Thông qua thực nghiệm chứng thực điều bạn hiểu là không hề sai. Chỗ chứng này chính là chuyển phàm thành thánh. Hành là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ. Cho nên, nếu bạn không thể áp dụng vào trong đời sống (đời sống bao gồm công việc, bao gồm xử sự đối nhân tiếp vật), thì bạn không thể khế nhập, không thể vào cảnh giới Phật Bồ-tát được. Khế nhập chính là chứng! Vì vậy bạn chưa có hành chứng, tuy là học nhưng không thể hóa. Từ những chỗ này, chúng ta thể hội sâu sắc tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát, các Ngài mãi mãi không rời bỏ chúng sanh, các Ngài có tâm nhẫn nại, không ngại phiền phức, dần dần đến dạy, lần lượt nối tiếp nhau đến chỉ dạy, khuyên nhủ. Cuối cùng có một ngày bạn sẽ giác ngộ, bạn sẽ quay đầu. Nhưng “cuối cùng có một ngày” đó, thời gian dài ngắn thì mỗi người không giống nhau, nhà Phật gọi là thượng, trung, hạ, ba căn. Thượng căn thì thời gian ngắn, trung căn thì có thể ở trong đời này mất khoảng 20 năm, 30 năm, hạ căn thì đời này không thể khai ngộ, đợi đến đời sau.
Phật Bồ-tát có tâm nhẫn nại đợi bạn đến đời sau, kiếp sau. Kiếp sau, có thể là bao nhiêu kiếp về sau, khi duyên của bạn chín mùi rồi thì bạn mới hiểu rõ ràng, mới khai ngộ. Phật không bỏ rơi, “ở trong cửa Phật, không bỏ một ai”. Sự dìu dắt của thiện hữu chính là điều mà Thiện Đạo đại sư gọi là “rốt cuộc do duyên ngộ bất đồng”. Duyên ngộ quan trọng nhất là thiện hữu, nhà Phật gọi là thiện tri thức. Sự dìu dắt của thiện tri thức là một loại tăng thượng duyên rất quan trọng. Chúng ta có thể gặp được, có cơ duyên thường hay nghe được, hằng ngày đang nghe. Hiện nay bản kinh có được dễ dàng, Đại Tạng Kinh làm dễ dàng, chúng ta có thể có được, hằng ngày đọc tụng. Thiện tri thức của chúng ta ngày nay là gì vậy? Kinh sách là thiện tri thức. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, băng ghi âm, đĩa quang là thiện tri thức. Nhưng bạn phải biết được phương pháp tu học. Bí quyết của phương pháp này là: “Thâm nhập một môn, huân tu trường kỳ”. Tại sao vậy? Một môn dễ dàng được định, định liền có thể khai tuệ. Nếu bạn cùng lúc học rất nhiều môn thì sẽ khó khăn, hay nói cách khác, sẽ khiến thời gian được định, khai tuệ của bạn bị chậm lại. Nếu như bạn thâm nhập một môn, sẽ khiến cho thời gian được định, khai tuệ của bạn sớm hơn. Vì vậy, bạn phải biết phương pháp.
“Tu tập thiện nghiệp phước đức”, câu nói này đặc biệt nghiêng nặng về thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta thật sự muốn giác ngộ thì thật sự phải có tín tâm kiên định, vĩnh viễn lìa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lời, nói ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, si. Từ trong nội tâm đem thập ác này nhổ sạch, đây là nói từ trên tu đức.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này. A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
Discussion about this post