PHẬT GIÁO CÓ CHỦ TRƯƠNG
THUYẾT TÍNH NGƯỜI VỐN THIỆN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Đó là một vấn đề tranh luận
trong Nho gia Trung Quốc : Mạnh Tử nói bản tính người là
thiện, Tuân tử nói bản tính người là ác. Dương Hùng chủ
trương bản tính người là thiện, ác lẫn lộn. Công Tôn
Tử chủ trương tính người không phải thiện không phải
ác.
Vậy thì, nói cho cùng, chủ thuyết
nào tương đối đúng ? Người đời sau, nói chung, đều thiên
về chủ thuyết của Mạnh Tử, vì Khổng Mạnh là Nho gia chính
thống.
Do đó, cũng có thể nói Phật giáo
cũng chủ trương bản tính người là thiện. Vì Phật nói
“chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của
Như Lai. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Đó là căn
cứ của chủ trương bản tính người là thiện của Phật
giáo.
Trên thực tế, có thể nói Phật
giáo, về bản chất không thuộc về tính thiện luận và tính
ác luận.
Chúng sinh đều có Phật tính. Đấy
là tính thiện luận. Nhưng từ thời vô thủy đến nay, vì
bị vô minh che lấp, nên chưa thành Phật được, đó là tính
ác luận. Vì rằng, người chủ trương tính thiện luận có
thể nhờ phòng ác mà trở nên thiện. Người chủ trương
tính ác luận có thể đoạn trừ ác mà trở nên thiện. Quan
điểm có khác nhau nhưng cùng nhằm vào một mục đích. Vì
vậy Phật giáo có thể quay bên trái, bên phải đều được,
vì đều cùng một nguồn tất cả. Nếu đứng về căn bản
mà nói, Nho gia nói người bản tính là ác hay là thiện, đều
chỉ hạn chế nhìn bản tính của người trong một đời,
từ khi con người mới chào đời bằng tiếng khóc oe oe. Họ
không thể cứu xét được hành vi, tức là nghiệp của con
người đó trong đời sống quá khứ, cũng không thể cứu
xét được hành vi thiện ác của con người đó trong đời
sống vị lai. Mạnh Tử vì thiên trọng lý tính, cho nên chủ
trương bản tính người là thiện. Tuân tử coi trọng sự
chuyển biến của vật tính, cho nên nói bản tính người là
ác. Thật ra, cả hai đều chỉ thấy một bên; thấy bên này
mà không thấy bên kia. Về điểm này mà nói, Phật giáo không
phải là tính thiện luận, cũng không phải là tính ác luận.
Vì Phật giáo xem xét chúng sinh là từ thời vô thủy đến
nay, cho đến khi đạt mục đích tối hậu là thành Phật.
Còn đối với con người trong một đời sống hiện tại,
thì khó luận đoán là thiện hay ác, vì có Phật tính là thiện,
lại có vô minh là ác. Khi có Phật tính, đã có vô minh rồi.
Trong sinh tử là vô minh, thoát khỏi sinh tử là Phật tính.
Vật tính thì xuất phát từ vô minh, Lý tính thì nẩy mầm
từ Phật tính. Đấy là một chủ thể, nhưng có 2 mặt. Do
đó, nói bản tính người là thiện, cố nhiên là không đúng,
nhưng nói là ác, lại cũng không đúng. Nếu xem xét con người
trong một đời thì khi mới lọt lòng mẹ, đã có thiện có
ác rồi; nếu hướng về thiện là thiện, nếu hướng về
ác là ác (chú 10).
Nếu vậy thì phải chăng Phật giáo,
giống như thuyết của Dương Hùng chủ trương thiện ác lẫn
lộn. Cũng không phải. Phật giáo chủ trương vô minh phiền
não có thể dần dần bị hàng phục và đoạn trừ. Khi đoạn
hết vô minh thì Phật tính sẽ hiển lộ đầy đủ. Đó gọi
là đoạn phiền não, chứng Bồ Đề, liễu sinh tử, nhập
Niết Bàn. Ở cương vị phàm phu trong vòng sinh tử, phiền
não là ác, Phật tính là thiện; Một khi đã chứng đạo Bồ
Đề, đã nhập Niết Bàn thì căn bản, không thể nói có ác
và thiện; vấn đề thiện ác là quan niệm thuộc pháp thế
gian; còn trong pháp cứu thế, không có thiện và ác. Thiện
khác với ác; có thiện thì tất phải có ác; vì vậy, mục
đích của Phật giáo là đã không nói ác, cũng không nói thiện.
Thực ra, vấn đề thiện ác ở trong thế gian cũng không có
giá trị tuyệt đối. Thí dụ, thuốc độc có thể giết chết
người nhưng cũng có thể cứu sống người. Thuốc hay có
thể cứu sống người, cũng có thể giết chết người. Vì
vậy, Phật và Bồ Tát là bậc Thánh, đối với bản thân
các Ngài, đã không thể nói thiện hay ác, mà các Ngài quan
hệ với chúng sinh, cũng giữ tâm bình đẳng, không phân biệt
thiện, ác. Có như vậy, mới độ khắp chúng sinh được.
Thiện ác bất quá là do chúng sinh ngã chấp mà có; Thế nhưng,
chủ thuyết Phật giáo khác với thuyết của Công Tôn Tử
cho rằng không có thiện, ác. Bởi vì, ở cương vị phàm phu
trong thế gian thì phải phân biệt có thiện, có ác. Chỉ sau
khi xuất thế, mới nói không có thiện, không có ác.
Chính vì quan niệm thiện ác của
Phật giáo không có tính chất vĩnh hằng, cần phải xóa bỏ,
cho nên nếu miễn cưỡng đặt tên cho chủ thuyết Phật giáo
thì có thể nói đó là thiện ác giải thoát luận.
(Trích:
PHẬT
GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng
Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện
Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch)
Discussion about this post