PHÁP TRỪ SẦU LO
Toàn Không
Một
thời đức Phật ngự tại vườn Cấp cô độc, một hôm, Vua Ba Tư Nặc ra lệnh quần thần
sửa soạn xe ra khỏi thành Xá Vệ đi xem đất để cho xây giảng đường. Trong lúc ấy
mẹ của Vua đã một trăm tuổi già yếu, Vua rất tôn kính, thường xuyên thăm hỏi,
vừa qua đời.
Vị cận Thần tên Bất Xà Mật là người tài
giỏi, được nhiều người kính trọng nể vì, vị đại Thần này biết Vua đã ra khỏi
thành chưa biết việc mẫu Hậu qua đời, nên nghĩ: “Nếu biết mẹ của Vua mất chắc
Vua sẽ sầu khổ, sẽ không ăn uống rồi sinh bệnh vì Vua cũng đã gần 80 tuổi rồi;
nay ta nên nghĩ cách bày phương tiện khiến Vua không sầu khổ, cũng chẳng sinh
bệnh.”
Nghĩ
rồi, vị đại Thần liền cho sửa soạn 500 voi, 500 ngựa, 500 bộ binh, 500 thanh
nữ, 500 bà già, 500 phạm chí, 500 bộ quần áo mới đẹp, 500 trân bảo. Lại cho làm
quan tài lớn tô vẽ đẹp, có các thanh niên cầm phướn lọng, hòa nhạc vang lừng, tất
cả từ từ tiến ra ngoài thành; trong khi ấy, đại Thần Bất Xà Mật đi đón Vua về.
Lúc ấy Vua đi coi đất xong trở về gặp đại
Thần không xa thành, rồi cùng trở vào thành; khi đến gần, Vua trông thấy cảnh
ấy liền hỏi đại Thần:
–
Đây là người nào mà cúng dàng đến thế?
Đại Thần tâu:
–
Trong thành có mẹ của một Trưởng giả qua đời, những voi, ngựa, thanh niên nam
nữ, ông già bà già phạm chí v.v… đều là của họ cả.
Vua lại hỏi:
–
Voi ngựa xe cộ họ dùng làm gì?
Đại Thần đáp:
–
Họ dùng 500 bà già dâng lên Diêm Vương để đổi mạng bà mẹ.
Vua bật cười rồi nói:
–
Đây là lỗi của người ngu, làm sao đổi được mạng, như có người vào miệng cá mập
rồi mà mong ra khỏi sao được; đọa vào Vua Diêm La, muốn cầu ra, làm sao ra
được?
Đại Thần nói:
–
500 thanh nữ cũng dùng để mua mạng bà cụ.
–
Đây cũng không được, chẳng thể được.
–
Nếu không dùng thanh nữ đổi được thì họ dùng 500 trân bảo hoặc 500 quần áo mới
đẹp để đổi mạng bà cụ.
–
Quần áo, trân bảo cũng chẳng thể đổi được.
–
Nếu không dùng được quần áo trân bảo, thì họ dùng chú thuật của 500 Phạm chí để
giữ mạng bà cụ lại.
–
Đây cũng khó được.
–
Nếu dùng chú thuật của 500 Phạm chí không được, thì họ dùng 500 binh lính cùng
chiến đấu lớn quyết tâm giữ mạng bà cụ lại.
Vua đáp:
–
Đây là cách của người ngu, đã rơi vào miệng cá mập, chẳng thể ra được; Ông nên
biết có ai sinh ra mà không chết đâu?
Đại Thần nói:
–
Đây thực chẳng thể được.
Vua nói:
–
Thực chẳng thể được, đức Phật cũng dạy rằng: “Hễ có sinh là có chết, không ai
thoát khỏi được”
Khi ấy đại Thần Bất Xà Mật quỳ xuống tâu
Vua:
–
Vì vậy Đại Vương không nên buồn rầu, tất cả đều chết.
Vua hỏi:
–
Cớ sao ta lại buồn rầu?
Đại Thần tâu:
–
Trình Đại Vương, hôm nay thân Mẫu của Đại Vương đã vừa qua đời.
Vua nghe xong thở dài mấy lần, rồi bảo đại
Thần:
–
Lành thay! Như lời Ông nói, Ông hay dùng phương tiện khéo léo.
Rồi Vua vào thành cho bày các thứ hương
hoa cúng dường vong Mẫu, lo tang lễ hỏa thiêu xong, nhà Vua lên xe đến chỗ đức
Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc. Đến nơi cúi lạy, Vua ngồi qua một bên. Đức Phật
nhìn Vua rồi hỏi:
–
Đại Vương! Cớ sao Đại Vương nét mặt không vui, lại lấm bụi đất như thế?
Vua thưa:
–
Bạch Thế Tôn, thân Mẫu con mới qua đời, vừa mới đưa ra ngoài thành lo tang lễ
xong; con đến đây để hỏi Thế Tôn một vài thắc mắc. Mẹ con lúc còn sống trì trai
tinh tấn, hằng làm lành, vừa đúng 100 tuổi thì qua đời, nên con đến chỗ Thế
Tôn.
Thưa đức Thế Tôn! Nếu có thể đem voi ngựa
xe cộ để mua lại mạng cho Mẹ, con sẽ làm ngay; nếu có thể dùng tiền bạc châu
báu để mua lại mạng sống cho Mẹ, con sẽ không tiếc của. Nếu có thể dùng nô tỳ,
thành quách, nhân dân, đất nước để đổi mạng sống của Mẫu thân, con sẽ đem tất
cả để mua, chẳng để cho Mẹ của con chết.
Đức Phật bảo:
–
Này Đại Vương! Chớ sầu não quá, tất cả chúng sanh đều phải chết, tất cả đều
biến đổi, muốn cho không thay đổi chẳng thể được. Đại Vương nên biết thân người
như tuyết đọng, rồi sẽ tan rã, cũng như ngói đất sẽ tan hoại không thể giữ lâu
mãi mãi; cũng như sóng nắng dưới ánh mặt trời thiêu đốt tưởng là nước, nó huyển
hóa hư ngụy; thế nên, Đại Vương không nên âu sầu.
Đại Vương nên biết chẳng thể che chở thân
này, chẳng thể lấy ngôn ngữ, chú thuật, dược thảo để che chở thân này; có bốn
điều sợ hãi đối với thân này, đó là:
1-
Già làm bại hoại tuổi trẻ khiến không còn nhan sắc.
2-
Bịnh làm bại hoại người không bệnh.
3-
Chết làm bại hoại mạng sống.
4-
Vật hữu thường trở thành vô thường.
Đại Vương, có bốn pháp này chẳng thể che
chở, chẳng thể dùng sức mà hàng phục được; ví như bốn phía có bốn quả núi lớn
từ bốn bên ép lại, chẳng thể dùng sức mà trừ được, nên thân này chẳng phải là
kiên cố, không thể nương cậy
Do
đó, Đại Vương nên lấy chính pháp trị dân, chớ dùng phi pháp; Đại Vương cũng
chẳng bao lâu nữa sẽ đến biển sinh tử. Đại Vương nên biết những người dùng
chính pháp trị dân đến khi qua đời sẽ được sinh cõi Trời cõi lành, còn người
dùng tà pháp cai trị khi chết đọa vào đường dữ, địa ngục; Đại Vương nên học và
nhớ điều này.
Lúc ấy Vua Ba Tư Nặc thưa:
– Con
sẽ vâng làm, xin Thế Tôn cho biết tên pháp này.
Đức Phật bảo Vua:
–
Đây gọi là pháp trừ sầu lo buồn phiền.
Vua thưa với đức Phật:
–
Bạch Thế Tôn, con nghe pháp này rồi bao nhiêu sầu não hôm nay đã trừ sạch, việc
nước bề bộn, con xin phép Thế Tôn được trở về.
Đức Phật bảo:
-Đại Vương nên biết đúng thời.
Vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ liền đứng dậy lễ
Phật rồi lui đi lên xe về cung Vua.
LỜI BÀN:
Bốn điều đức Phật dạy Vua Ba Tư Nặc nước
Xá Vệ, những lời này không phải chỉ dành cho Vua Ba Tư Nặc, mà cho tất cả mọi
người, không những thời ấy mà cho cả thời nay, chúng ta thử phân tích 4 điều
đức Phật dạy:
1-Già làm bại hoại tuổi trẻ khiến không
còn nhan sắc:
Điều này dễ nhận ra, từ khi mới sinh ra bụ
bẫm đẹp đẽ dễ thương, lớn dần lên thân hình phát triển nẩy nở khỏe mạnh cường
tráng ở tuổi đôi ba mươi; rồi từ đó phải đối phó với cuộc đời, càng ngày càng
chồng chất từ tuổi bốn mươi cho đến năm mươi, bắt đầu có vài sợi tóc bạc là bắt
đầu cảm thấy già. Từ tuổi năm mươi trở lên mỗi ngày cảm thấy cằn cỗi hơn, cảm
thấy yếu hơn, nhan sắc kém tươi đẹp hơn; tới tuổi 60, 70, 80, những sự nêu trên
lại càng thể hiện rõ ràng hơn nữa. Vì vậy đức Phật nói “Gìa làm bại hoại tuổi trẻ khiến không nhan sắc” là quá rõ ràng,
không ai có thể chối cãi được.
2- Bịnh làm bại hoại người không
bệnh:
Tại sao bênh làm bại hoại người không
bịnh? Vì người không bịnh thấy người bệnh mà lo cho người bịnh, lo cứu người ốm
đau, lo tiền lo thuốc, lo săn sóc cho người bệnh, lo ngày lo đêm cho người bệnh
để làm sao cho người bệnh được tai qua nạn khỏi. Như vậy vì lo lắng trăm bề như
thế sẽ làm cho người không bệnh mất ăn mất ngủ, trở thành ốm o gầy mòn, trở
thành bại hoại thành bệnh.
Đi xa hơn, một điểm cần đề cập tới là
người không bệnh khi nhìn thấy người khác mắc bệnh nan y khó chữa, người không
bịnh ấy đâm ra sợ hãi cái bệnh ấy. Vì sợ hãi mà phải lo lắng, tìm đủ cách đề
phòng để làm sao không mắc phải bịnh khó chữa ấy; cũng vì sự sợ hãi nên không
yên tâm, trong tuổi già mà không an tâm sẽ dễ đi đến bại hoại nhanh chóng. Vì
thế cho nên Phật bảo: “Bịnh làm bại hoại
người không bệnh.” là vậy.
3- Chết làm bại hoại mạng sống:
Lời dạy này quá rõ ràng. Khi chết thì mạng
sống chấm dứt một đời để qua đời khác, và dĩ nhiên đời sống hiện tại bị tan
hoại, thân xác trở về với đất nước gió lửa. Thịt xương móng tóc trở về với đất,
máu huyết chất lỏng trở về với nước, hơi thở không khí trong người trở về với
gió, hơi ấm trong người trở về với lửa; vì thế cho nên Phật bảo: “Chết làm bại hoại mạng sống.”
4- Vật hữu thường trở về vô thường:
Tại sao vất hữu thường trở về vô thường?
Những vật dụng của chúng ta là vật hữu thường, nhưng sau một thời gian thì hư
hỏng nên trở thành vật vô thường; như cái xe, cái bàn, cái nhà, quần áo v.v…
tất cả mỗi thứ tùy theo thời gian lâu mau khác nhau rồi cũng biến đổi hư hỏng.
Do Đó tất cả vật chất đều trở về vô thường.
Nhìn xa hơn nữa, khi chúng ta tạo dựng
được cái nhà hay mua được một số đất đai, nhưng khi chúng ta chết rồi chẳng thể
mang theo được, Những thứ đó đối với mình là người tạo dựng, dù vật ấy vẫn còn
đó, cũng trở thành vô thường đối với mình mà thôi.
Vì thế cho nên, đức Phật nói: “Vật hữu thường trở về vô thường”, tất cả
đều là vô thường cả; hiểu và nhận chân được lý lẽ này, chúng ta sẽ sống bình
thản trước mọi sự đổi thay.
—::—
Đoạn cuối của bài Kinh, đức Phật lưu ý
rằng chẳng có sức nào chống nổi bốn điều trên, cũng như chẳng có sức nào có thể
chống lại bốn ngọn núi lớn từ bốn phía ép tới; Đức Phật lưu ý thân con người
không kiên cố, chẳng thể nương cậy, rồi Ngài bảo Vua còn chẳng bao lâu nữa Vua
sẽ đến biển sinh tử; lúc ấy Vua Ba Tư Nặc đã gần 80 tuổi rồi và chỉ ít năm sau
Vua Ba Tư Nặc cũng qua đời.
Đức
Phật khuyên Vua nên dùng chính pháp để trị dân, chính pháp là công bằng đạo
đức, thương dân giúp dân, tránh sưu cao thuế nặng, tránh hà hiếp bóc lột, thực
hành dân chủ tư do v.v… Nếu dùng chính pháp trị dân khi qua đời sẽ được sinh
cõi lành, ngược lại nếu dùng tà pháp cai trị dân sẽ bị đọa vào đường dữ; đây là
những lời dạy mà ai cũng nên học và nhớ thực hành, nhất là đối với những người
đang có quyền hành địa vị vậy.
Toàn
Không
a
Discussion about this post