PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO
NHÌN Ở GÓC ĐỘ TRUYỀN THỐNG
Nguyên Hùng
Luật Tứ phần ghi rằng: Một thời, Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Phật mới chuyển vận bánh xe pháp độ nhóm năm vị khổ hạnh Kiều Trần Như, họ kiến đế, đắc giới, thành những Tỳ kheo đầu tiên. Năm vị Tỳ kheo đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
– Chúng con nên thọ trì loại y nào?
Đức Phật dạy:
– Nên thọ trì y phấn tảo và mười loại y như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa để thọ trì.
Đoạn kinh văn trên có thể được xem văn bản ban hành luật định về y phục cho các Tỳ kheo. Văn bản này gồm hai phần. Phần thứ nhất quy định về loại vải và phần thứ hai quy định về màu sắc.
1. Quy định về loại vải
Về loại vải, theo nguyên tắc (tức theo tinh thần giá, trì của giới luật), Tỳ kheo chỉ nên đắp y được may từ vải phấn tảo, tức là vải lượm từ bãi rác, từ bãi tha ma. Luật Thập tụng gọi vải này là bàn tẩu y, văn bản luật của Pāli gọi là pamsukūla. Tuy nhiên, với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã mở ra cơ hội cho hàng Phật tử gieo trồng phước điền bằng cách cúng dường vải cho các Tỳ kheo may y phục (tức theo tinh thần khai của giới luật). Theo đó, các Tỳ kheo được nhận mười loại vải sau (dĩ nhiên là chỉ đủ để may ba y):
1. Câu-xá Sq, Pali: koseyya (Skt. kauśeya), tàm y, tức vải quyến, lụa dệt bằng tơ tằm;
2. Kiếp-bối L, Pali: kappāsa (Skt. karpāsa), mộc miên hoa, miên bố, tức vải bông (dệt từ bông vải);
3. Khâm-bạt-la ヤ゚, Pali: kambala (Skt. nt.), mao bố, vải lông, lông thú;
4. Sô-ma €, Pali: khoma (Skt. ksauma), ma bố, á ma, vải lanh;
5. Xoa-ma ウ€, Pali: (?) thô bố y, vải gai thô;
6. Xá-nâu q, Pali: sāna (Skt. śāna), vải dệt từ vỏ cây;
7. Ma Pali: bhanga (Skt. đồng), bố y, vải gai;
8. Sí-di-la タホ, Pali: (?) tế bố, vải gai sợi nhỏ;
9. Câu-nhiếp-la S, Pali: (?) tế chiên, vải dạ;
10. Thẩn-la-bát 嚫缽, Pali: (?) vải làm từ lá cây (theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích).
Đối chiếu văn bản luật của tạng Pāli, Mahāvagga, chúng ta thấy chỉ quy định có sáu loại vải hợp pháp: khomam (vải lanh), kappāsikam (vải bông), koseyyam (lụa), kambalam(lông thú), sānam (vải gai thô), bhangam (vải bố).
Mười loại vải kể trên được Đức Phật cho phép các Tỳ kheo nhận từ Phật tử dâng cúng. Trước đó chư Tăng chỉ dùng vải phấn tảo, các Phật tử trông thấy sinh lòng cung kính, tâm từ niệm phát sinh, lấy vải rất quý xé ra đem bỏ ở bãi rác để cho các Tỳ kheo nhặt lấy đem về dùng, nhưng các thầy không dám nhặt. Việc này Đức Phật biết được, Ngài dạy: “Nếu Phật tử có lòng vì các thầy Tỳ kheo thì nên lấy”. Về sau, bác sĩ Kỳ-đà Đồng tử xin Đức Phật một điều ước thanh tịnh. Điều ước đó chính là xin được tận tay dâng cúng chư Tăng tấm vải để quý thầy may y phục. Điều ước này đã mở đầu cho truyền thống dâng y còn kéo dài cho đến ngày nay.
Theo nguyên tắc khai, giá, trì, phạm của giới luật, và đặc biệt là tạo cơ hội cho hàng Phật tử tại gia gieo trồng phước điền, các Tỳ kheo được nhận 10 loại vải. Ngày nay, thị trường vải chắc hẳn không còn 10 loại như thời Đức Phật tại thế, nhưng pháp tri túc vẫn là nguyên tắc hành trì suốt đời của một người xuất gia cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
2. Quy định về màu sắc
Dù là vải được lượm từ bãi rác, bãi tha ma hay vải được nhận từ các Phật tử dâng cúng đều phải nhuộm thành màu ca-sa.
Ca-sa 袈裟. Pali: kāsāya (Skt. kāsāya), Hán dịch là hạt sắc y, hoại sắc y, bất chính sắc y, nhiễm sắc y, tức là vải đã bị nhuộm thành màu khác, không còn giữ nguyên màu sắc chính, đã bị phá đi màu chính thống. Vì vải các Tỳ kheo lượm lặt từ bãi rác, bãi tha ma và nhận từ Phật tử dâng cúng có rất nhiều loại, nhiều màu khác nhau, do đó, để may thành y, quý thầy phải cắt rọc thành từng mảnh vuông (gọi là cát tiệt y, Pāli: chinnaka), rồi may lại thành y, dĩ nhiên là thành một tấm y có nhiều màu sắc lẫn lộn. Để phá đi màu sắc chính của từng loại vải và cũng để cho tấm y đồng nhất một màu, Đức Phật chế định phương pháp nhuộm vải thành một màu ca-sa.
Cách thức nhuộm vải được Đức Phật hướng dẫn rất rõ ràng, tỉ mỉ trong Luật Tứ phần, chương Tăng sự, mục Nhuộm y. Theo đó, các Tỳ kheo “dùng vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-ma-lặc, hoặc dùng gốc cây, hay cỏ thiến”, đem nấu nước để cho chúng ra màu rồi nhuộm. Vải sau khi nhuộm được gọi là hoại sắc hay ca-sa. Vậy ca-sa đích thực có màu gì?
Theo Luật Tứ phần, chương Ba-dật-đề: “Tỳ kheo nào được y mới, nên chọn một trong ba loại màu hoại sắc, tùy ý dùng màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc, nếu không làm hoại sắc mà mặc nguyên mới, ba dật đề” (若比丘得新衣應三種壞色。一一色中,隨意壞。若青、若黑、若木蘭。若比丘不以三種壞色,若青、若黑、若木蘭,著餘新衣者,波逸提). Theo đây, màu để làm cho hoại sắc có ba loại là xanh, đen và mộc lan. Sau khi đã làm cho hoại sắc, tấm vải được dùng để may y và gọi là ca-sa.
Luật Thập tụng, quyển 15, ghi: “Ba loại màu hoại sắc là màu xanh, màu bùn và màu cỏ lác (hay cỏ thiến, 茜草)”.
Luật ngũ phần quyển 9, Luật ma-ha-tăng-kì quyển 18, Kinh Tì-ni mẫu quyển 8, Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa quyển 8, Hữu bộ tì-nại-da quyển 39, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách yết ma quyển 9, cũng đều có nói đến ba loại màu hoại sắc.
Tứ phần luật hành sự sao, quyển hạ thì cho rằng, màu xanh, vàng, đỏ, trắng và đen là 5 màu sắc chính; màu đỏ thắm (lụa đào), màu đỏ hồng, màu đỏ tía, màu xanh lá cây, màu xanh biếc là 5 màu không hợp pháp, không được nhuộm áo ca-sa; dùng ba màu xanh, đen và mộc lan để nhuộm áo ca-sa là màu đúng như pháp.
Theo Đại Tỳ kheo tam thiên oai nghi, quyển hạ và Xá-lợi-phất vấn kinh ghi chép thì thời Phật tại thế, y phục của Tỳ kheo chỉ thuần một màu. Sau Phật Niết bàn, Tăng đoàn chia thành 5 bộ, mỗi bộ đều có màu y riêng biệt. Tát-hòa-đa bộ khoác y màu đỏ thẳm (Xá-lợi-phất vấn kinh nói là màu đen). Đàm vô đức bộ khoác y màu đen (Xá-lợi-phất vấn kinh nói là màu đỏ). Ca-diếp-duy bộ khoác y màu mộc lan. Di-sa-tắc bộ khoác y màu xanh. Ma-ha-tăng-kì bộ khoác y màu vàng.
Pháp Tạng trong cuốn Phạm võng kinh Bồ-tát giới bổn sớ cho rằng, đem cả 5 màu xanh, vàng, đỏ, trắng và đen hòa trộn lại thành ra một màu không có sắc chính, gọi là ca-sa.
Nghĩa Tịch trong cuốn Phạm võng kinh Bồ tát giới bổn sớ quyển 3 thì cho rằng, 5 bộ phái Tiểu thừa có màu y khác nhau, cho nên Đại thừa đem cả 5 màu xanh, vàng, đỏ, đen và đỏ tía hòa trộn lại thành một màu dùng để nhuộm thành ca-sa, vì vậy y phục của Đại thừa có đủ cả 5 màu.
Như vậy, từ những trình bày trên, chúng ta thấy rằng, màu sắc y phục của các Tỳ kheo được quy định là màu ca-sa, nhưng ca-sa không có màu sắc cố định, nó hình thành từ việc làm cho hoại sắc chính mà có, tức là từ cách thức nhuộm. Cách thức nhuộm rất phong phú như thấy rõ trong Luật Tứ phần thì màu sắc thu được chắc hẳn cũng đa dạng.
Tuy nhiên, sự khác biệt màu sắc của y chỉ là tiểu tiết và không phản ánh trung thực sinh hoạt của Tăng già. Trên thực tế, dù Phật giáo không ngừng phát triển qua sự hình thành và phân chia bộ phái, giới kinh vẫn đồng nhất về số điều cũng như nội dung. Điều đó cho thấy, nền tảng căn bản của Tăng già, tức Luật tạng, chưa từng bị phân chia. Giới luật mới là sợi chỉ đỏ kết nối xuyên suốt mọi thành viên trong Tăng già thành một đoàn thể thống nhất, thành sức mạnh và thành mảnh đất gieo trồng thiện pháp. Từ đó, mọi Tăng sự khác, như việc thống nhất một màu y phục cho Tăng đoàn chỉ là tiểu tiết.
Nguyên Hùng
(Nguyệt San Giac Ngộ số 172)
Discussion about this post