[26] Lời giải thích của ngài Hàm Thị trong Lăng-già tâm ấn – HT Thanh Từ dịch và giảng.
PHÁ CHẤP – CĂN BẢN CỦA SỰ TU HÀNH (tt)
Hình thành pháp hành thuộc các thừa
Chân Hiền Tâm
Phần đầu ở số báo trước, đã nói về giáo lý Ngũ thừa giúp phá các chấp thuộc Kiến hoặc. Đây nói về việc hình thành các pháp môn giúp trừ Tư hoặc.
Hình thành các pháp hành là để đáp ứng việc trừ Tập (tư hoặc).
Kiến hoặc, là cái mê thuộc lý. Tư hoặc, là cái mê thuộc sự. Lý có thể tức thời nhận ra, nhưng trên sự thì chưa chắc sống được với lý đó. Là do Tập. Phần giáo lý của đức Phật có thể giúp phá trừ cái mê ở lý, nhưng trên sự thì cần phải có pháp hành để giải trừ cái mê thuộc Tập. Bởi Tập không trừ thì chấp không hết. Chấp không hết thì khó mà chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển trụ thành vô trụ. Vì thế ngoài Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v… còn xuất hiện 37 phẩm trợ đạo, Niệm Phật, Trì chú, v.v… Nói đến pháp môn là muốn nhấn mạnh đến phần hành này.
Nắm được ý nghĩa của việc thành lập các pháp hành cũng là thấu được mặt khế lý của các pháp môn. Pháp môn nào không đáp ứng được việc trừ Tập thì pháp môn ấy không phải là chánh môn của Phật. Cho nên phương tiện thế nào, tùy duyên ra sao cũng không thể lìa lý ấy mà nói. Đây là tiêu chí dùng phân biệt chánh môn và tà môn. Không phải nói khế cơ thì sao cũng được.
Nhân thiên thừa, chỉ mới dừng ở mặt chuyển ác thành thiện, chưa phải là thừa xuất thế, cũng chưa nói đến pháp môn hay tông chỉ, mà ngoài phần đả thông tư tưởng thế nào là thiện ác, trên sự vẫn phải y Ngũ giới và Thập thiện, lấy đó làm pháp hành, dừng đi các bất thiện nghiệp. Thành tư tưởng thông rồi, còn phải thông trên hành động. Ý nghiệp thông là để thân nghiệp và khẩu nghiệp theo đó mà thông, nên ý nghiệp thông rồi thì thân và khẩu nghiệp cũng phải thông, không phải chỉ thông ở suy nghĩ còn trên hành vi thì không thay đổi. Cho nên Văn và Tư rồi còn phải Tu.
1. Đồng và khác trong pháp hành của các thừa xuất thế
Trong Ngũ thừa, ngoài Nhân thiên thừa, các thừa còn lại đều lấy việc liễu thoát sinh tử làm đích đến. Đó là chỗ Tam thừa gặp nhau. Chỉ do tông chỉ và tùy cái nhìn sâu cạn mà phần liễu thoát sinh tử này thấy có khác. Như liễu thoát sinh tử của hàng Nhị thừa là không còn thọ thân sau, nhưng liễu thoát sinh tử của hàng Bồ-tát ở các Địa thì “Diệt chính là diệt của vô diệt. Diệt mà vô diệt thì chẳng ngại tồn tại. Sinh chính là sinh của vô sinh. Sinh mà vô sinh thì chẳng cần chờ hoại…”[1], nên liễu thoát sinh tử của chư vị không phải là chấm dứt không còn thân sau, mà là nhận ra tánh Phật của mình, tức nhận ra sinh tử và Niết-bàn đều không lìa tâm mà có, rồi y đó dùng ý sinh thân theo nguyện độ sinh ở các đường. Hoa nghiêm du tâm pháp giới ký ghi: “Nhờ cái chẳng trụ không của Đại trí nên hằng thuận có mà nhiếp sinh, là Đại bi. Nhờ cái chẳng vướng có của Đại bi, nên thường cư không mà chứng diệt, là Đại trí”[2]. Trí mà là Đại trí thì chẳng trụ không. Bi mà là Đại bi thì chẳng trụ có. Nên sinh mà vẫn vô sinh, vô sinh mà chẳng ngại sinh, gọi là Vô sinh pháp nhãn.
2. Pháp hành dùng để làm gì?
Pháp hành được lập ra là để giúp chúng sinh trừ cái mê ở sự. Muốn trừ cái mê ở sự thì phải trừ cái nhân của nó, là Tập.
. Tập là sự tích tụ, là thói quen, được hiển thị dưới nhiều dạng. Một trong các dạng này là Thức tương tục được nói trong luận Đại thừa khởi tín. Thức này “Giữ gìn nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng để mất. Lại hay thành thục quả báo khổ vui… trong hiện tại và vị lai không hề sai lệch. Hay khiến bỗng nhiên nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa tới”. Phần hiện hành của nó chính là niệm niệm tương tục hiện lên trong tâm mỗi người. Là những thứ mà chúng ta vẫn cho là suy nghĩ, tình cảm, quan điểm của mình. Kinh Lăng-già tâm ấn y đó phân thành 12 loại vọng tưởng.
Nghiệp nào được huân tập mạnh, trở thành thói quen, thì nó có lực khiến chúng sinh cứ theo đó mà tạo tác. Thành dù hiểu được chánh lý mà trên sự, ba nghiệp vẫn theo thói cũ khởi sinh. Như biết sân là xấu, không muốn sân nữa, nhưng vì sân là thói quen nên đủ duyên sân lại hiện hành, không thể làm chủ. Thấy niệm niệm khởi lên trong tâm là mệt, nhưng muốn dừng, không dừng được. Đó là vì sân và khởi đã được huân tập thành chủng tử trong tạng thức, đã có lực nên không phải muốn dừng là đã dừng được. Đây là điểm thứ nhất cần lưu ý.
. Khởi phân biệt, khởi niệm tương tục … cũng được tích tụ, tạo thành thói quen từ vô thủy kiếp. Do vậy, dù không có duyên bên ngoài, niệm niệm vẫn khởi liên tục trong tâm. Đây là điểm thứ hai cần lưu ý.
. Thức tương tục có công năng “hay khiến bỗng nhiên nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa tới”, nên việc đó trở thành bình thường với người đời, và ngày càng được huân mạnh. Chính lực tương tục đó khiến chúng ta trượt dài theo dòng vọng niệm. Chân ngay đó mà không thể nhận. Không nghĩ về quá khứ thì vọng đến tương lai, không thể sống được với thực tại hiện tiền. Tay làm, miệng nhai, chân đi mà tâm thì chất đầy suy nghĩ của những việc khác v.v… Đây là chỗ cần lưu ý thứ ba.
. Luận Đại thừa khởi tín nghĩa ký ghi: “Tất cả các pháp chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai biệt. Nếu lìa tâm niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới”. Tổ Pháp Tạng giải thích: “Vì sao biết tất cả các pháp chỉ nương nơi vọng niệm? Vì khi các thánh nhân lìa vọng niệm thì không có cảnh giới này. Đã không có cảnh giới này thì biết cảnh giới này từ vọng mà sinh…”. Không có cảnh giới này, là muốn nói đến cảnh giới thế gian chúng ta đang sống đây, bao gồm lục đạo. Định Vô tưởng của ngoại đạo thì tưởng đã diệt, xuất hiện cõi trời vô tưởng . Định của Thanh văn Duyên giác, là thọ và tưởng đều phải diệt (Diệt thọ tưởng định), nên lìa thế gian. Đây là điểm cần lưu ý thứ tư.
Như vậy…
. Muốn chấm dứt sinh tử, dù chỉ là Phần đoạn tử của chúng sinh thì dòng tương tục hiện hành nơi tâm phải dứt. Vì chỉ khi lìa vọng niệm thì cảnh giới thế gian mới không còn, gọi là chấm dứt sinh tử, đắc Niết-bàn.
. Muốn tự tại với các pháp, phải phá bỏ sự tích tụ. Dòng tương tục hiện hành ở tâm là một trong các tích tụ đó.
. Muốn không khởi tâm khi đối duyên tiếp cảnh thì phải phá bỏ thói quen hay sinh khởi của tâm.
. Muốn sống được với giây phút hiện tại thì dòng tương tục phải mất lực. Tức lực tương tục phải được phá bỏ.
Tóm lại, dù muốn chấm dứt sinh tử hay muốn sống được với giây phút hiện tại v.v… thì phá bỏ dòng tương tục là việc phải làm. Những ai chưa từng lưu ý đến việc này mà cho rằng mình đang sống trong giây phút hiện tại thì chỉ là vọng tưởng.
Thiền Đại thừa nói chung, Tổ sư thiền nói riêng, không chủ trương diệt niệm. Chỉ là làm sao để cái gọi là vọng trở lại đúng nghĩa của nó. Là vọng thì không còn khả năng dẫn chúng sinh tạo nghiệp trong ba đường. Là vọng, thì cũng có nghĩa là hành giả đang sống được với chân. Niệm niệm thành vọng, tức chân đã có lực. Tuy “hoặc” không phải diệt mà lực tự tại vẫn có, theo đúng bản nguyện của Bồ-tát đại lực là “lưu hoặc độ sinh”[3], là y vào các hoặc đó, nương hạnh nguyện vào các cõi độ sinh.
Song dù diệt niệm hay không diệt niệm thì việc chung của các pháp hành là làm sao để dòng tương tục mất lực, nên tất cả pháp hành thuộc các thừa xuất thế đều nhắm vào việc phá bỏ tướng tương tục này, theo hai phương cách: Một, là đưa từ đa niệm về nhất niệm. Ngay cái nhất niệm ấy, đủ cơ duyên bùng vỡ thì kiến tánh. Theo cách này thì có tham công án, niệm Phật tam muội v.v… Hai, là đưa thẳng từ đa niệm về không niệm, đủ cơ duyên, chân tánh hiển lộ. Theo cách này thì có các pháp hành thuộc tông Tào động như Biết vọng không theo v.v…
Sau là đơn cử vài pháp môn để tạm hình dung.
3. Lược sơ về các pháp hành
1/ Chỉ Quán song hành
Chỉ Quán song hành, là trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ, hoặc đồng hiện hoặc thứ lớp hiện. Pháp duyên khởi cho phép được hiểu như vậy. Cùng một tên, vì thô tế mà có nhiều nghĩa.
Nêu Chỉ Quán đầu, vì Chỉ Quán là pháp thông dụng trong cửa thiền. Các pháp hành, dù biến thể với tên gọi khác nhau thế nào đều hàm chứa Chỉ Quán trong đó. Chỉ Quán có trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Luận Đại thừa khởi tín cũng đề cập đến Chỉ Quán. Biết vọng không theo hay Biết có chân tâm đều là một dạng của Chỉ Quán. Tứ niệm xứ, Niệm Phật v.v… cũng ẩn chứa Chỉ Quán trong đó.
Chỉ, là dừng lại hay đình chỉ. Chỉ này giúp phá bỏ tập nghiệp sinh khởi để tâm được an định. Chỉ này là nhân của Định. Đại sư Trí Khải phân Chỉ thành ba loại:[4]
1/Hệ duyên thủ cảnh chỉ: Buộc tâm tại cảnh để dừng tán loạn.
2/Chế tâm chỉ: Tâm vừa khởi liền tự kiềm tâm không cho dong ruổi tán loạn.
3/Thể chân chỉ: Quán nhân duyên khiến dòng tương tục tự dừng.
Lập ba như vậy là y vào căn khí của chúng sinh mà lập. Người hợp với Thể chân chỉ thì dùng Thể chân chỉ, hợp với Chế tâm chỉ thì dùng Chế tâm chỉ. Pháp nào cũng có tác dụng là dừng sự tán loạn ở tâm.
Quán, là cái thấy biết tương ưng với bản chất của vạn pháp. Tùy bệnh tật của chúng sinh mà pháp Quán này có thô tế không đồng, nhưng chung qui là trợ giúp cho việc đình chỉ sự chấp trước và sinh khởi của tâm được dễ dàng. Quán này là nhân của Tuệ. Đại sư Trí Khải phân Quán này thành hai loại:
1/Đối trị quán: Chỉ cho loại Quán dùng đối trị các bệnh. Như Quán bất tịnh đối trị tham dục, Quán từ bi đối trị sân giận v.v… Các Quán này chỉ dùng khi có bệnh tương ưng. Không bệnh thì không dùng Quán này.
2/Chánh quán: Chỉ cho cái Quán tương ưng với bản chất của pháp, như Quán nhân duyên, Quán vô sinh v.v…
Trong hai loại quán, Chánh quán là phần Quán tinh tế hơn Đối trị quán. Tuy vậy, phải tùy bệnh mà dùng thuốc. Dùng thuốc đúng bệnh thì thuốc thành diệu, chẳng kể sâu cạn. Dùng thuốc không đúng bệnh, nhân sâm cũng thành độc dược.
Trong phần Chỉ Quán này, Chỉ là một chi đồng đẳng với Quán, khi cần có thể đặt nặng nó hơn Quán, Quán chỉ là pháp phụ trợ.
Trong luận Đại thừa khởi tín, Quán được dùng để trị bệnh tâm bị chìm lặng do tu Chỉ nhiều quá, từ đó sinh giải đãi với các thiện nghiệp, xa lìa tâm Đại bi. Nên trong luận, Chỉ và Quán cần song hành. “Tu Chỉ là để đối trị tâm trụ trước của phàm phu và xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa. Tu Quán là để đối trị tâm yếu kém chẳng khởi Đại bi của Nhị thừa, cũng giúp xa lìa việc không tu thiện căn của phàm phu. Do nghĩa như vậy, nên hai môn Chỉ Quán nương nhau mà thành. Nếu Chỉ Quán không đủ thì không thể nhập đạo Bồ-đề”.
2/ Tứ niệm xứ : Trong Chỉ và Quán, Tứ niệm xứ đặt nặng ở Quán, như chính cái tên nó đã có. Chính phần Quán này giúp hành giả phát triển trí tuệ, dừng đi sự chấp trước, đó là Chỉ. Ngoại đạo tìm cầu cảnh giới an lạc, thường chỉ dùng Chỉ, rất ít dùng Quán. Nên thần thông thì có mà trí tuệ thì không, cái gọi là “vô ngã” rất xa vời với chư vị. Tu thiền, dù thuộc Chánh tông, nếu không lưu ý phần này thì ngồi càng lâu, ngã chấp càng tăng, trí tuệ càng lu.
Tứ niệm xứ, còn gọi là Tứ niệm trụ. Vì đối với bốn cảnh thân, thọ, tâm, pháp, hành giả khởi Quán huệ bất tịnh, vô thường, khổ, vô ngã rồi trụ ở đó để phá sự chấp trước, nên nói Tứ niệm trụ.
Tứ niệm trụ có bốn, là Quán thân bất tịnh, Quán thọ là khổ, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã.
Trong luận Đại trí độ, Bồ-tát Long Thọ dùng Tứ niệm xứ cho cả hàng Bồ-tát, nên phần Quán huệ này không chỉ dừng ở việc Quán bất tịnh, Quán khổ v.v… mà Quán cả đến tính vô sinh của pháp. Như với Quán thân, luận Đại trí độ ghi: “… Suy nghĩ như vậy, biết thân này từ xưa đến nay, không có tướng sinh, thân này vô tướng không thể thủ chấp… Bồ-tát khi quán thật tướng của thân như vậy, lìa xa ái trước dục nhiễm, tâm thường buộc niệm nơi thân, theo thân mà quán như thế, gọi là Bồ-tát quán thân niệm xứ. Quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy”.
Ba pháp còn lại cũng theo như luận mà quán[5].
Như vậy, Tứ niệm xứ có thể dùng chung cho các thừa, chỉ do đích đến có khác mà nội dung quán có thêm hay bớt, nhưng chung qui đều giúp lìa bỏ chấp trước.
3/ Tham công án
Hành giả tham cứu một đề mục. Đề mục này không thể dùng tri thức để giải quyết, như thiền sư Bác Sơn nói: “Không biết mình sinh từ đâu đến, chẳng thể không nghĩ về chỗ đến. Chết chẳng biết đi về đâu, chẳng thể không nghi cái chỗ về. Không hiểu thấu được việc ách yếu của sinh tử, ắt nghi tình phải khởi dậy. Dán cái “nghi đoàn” lên trán cho đến khi buông bỏ cũng không được, đuổi nó cũng không đi”[6]. Thoạt đầu, do vọng niệm còn lực, nên hành giả phải thường xuyên đề khởi niệm nghi. Công phu đắc lực, niệm nghi không cần đề khởi mà vẫn hiện tiền. Đó là lúc phát khởi được nghi tình. Nghi tình có năng lực đánh bạt tất cả vọng niệm. Thiền sư Bác Sơn nói: “Người tham thiền, ngẩn đầu không thấy trời, cúi đầu không thấy đất, đi không biết mình đi, ngồi không biết mình ngồi, ở giữa ngàn vạn thiên hạ mà không thấy một người. Suốt cả trong ngoài thân, chỉ một khối nghi. Khối nghi chưa phá được, chẳng thể ngơi tâm. Đó là việc khẩn yếu của sự tham thiền”. Cũng nói: “Tham thiền, chỉ dụng tâm vào một công án, không được cố hiểu và giải thích tất cả các công án. Dù có giải thích được đi nữa, rốt cuộc chỉ là kiến giải, không phải chân ngộ”[7]. Theo đây thì thấy, tham công án cũng không ra ngoài việc giúp hành giả phá trừ thức tương tục. Đại sư Hám Sơn nói: “Thâm nhập vào ổ của tám thức, lật ngược lại cái hang mù tối, và bằng một cái nhảy vĩ đại, vượt ngay qua… Lúc ấy chẳng còn gì cho người ấy chứng quả”[8].
4/ Quán sổ tức và tùy tức
Đây là hai phần đầu trong Lục diệu pháp môn của Đại sư Trí Khải. Kê ra đây vì chúng là phần dẫn nhập mà gần như hành giả tu thiền nào cũng trải qua khi mới tập thiền.
1/ Sổ tức : “Hành giả điều hòa hơi thở, không mạnh cũng không gấp. Yên ổn thong thả, đếm từ một đến mười, nhiếp tâm tại số, không để tâm dong ruổi, gọi là tu sổ tức”[9]. Đếm từ một đến mười, có hai cách: Hoặc là hít vào đếm một, thở ra đếm hai. Hoặc là hít vào thở ra mới đếm một. Cứ vậy đếm cho đến mười rồi trở lại một. Đếm cho đến khi nào thuần thục mới thôi. Nhiếp tâm tại số, là chuyên ý tại số đếm, nhờ đó dừng tán loạn. Đây là từ Quán có Chỉ.
2/Tùy tức : Tu Sổ tức nếu đắc lực, tức việc đếm số đã thuần thục, không cần gia công cũng không còn lầm lẫn, hơi thở rỗng nhẹ, là đến lúc có thể bỏ Sổ tức theo Tùy tức. Bởi duy trì việc đếm số lâu, sẽ thành chướng ngại khi tâm đã an ổn hơn.
Luận nói: “Tu Tùy tức thì chỉ nhất tâm nương theo hơi thở ra vào. Nhiếp tâm duyên hơi thở, ra biết ra, vào biết vào, tâm trụ dứt các duyên, ý không phân tán. Gọi là tu Tùy tức”. Đây là lấy hơi thở làm đối tượng quán, giúp tâm dừng tán loạn, là Chỉ. Trong ba loại Chỉ, có thể coi nó là Hệ duyên thủ cảnh chỉ, là buộc tâm theo hơi thở mà dừng các vọng niệm.
Một pháp Quán hơi thở này, đơn giản nhưng diệu dụng khó lường, có thể giúp tâm an định và thân bớt bệnh.
Các pháp còn lại của “Lục diệu pháp môn” là Chỉ, Quán, Hoàn và Tịnh. Chỉ Quán trong bốn phần này vi tế hơn phần Chỉ Quán trong Sổ tức và Tùy tức. Chỉ Quán ở các phần sau càng vi tế hơn nữa. Như luận nói: “Quán chúng sinh không, gọi là Quán. Quán thực pháp không, gọi là Hoàn. Quán bình đẳng không, gọi là Tịnh…”[10]. Chỉ một pháp Quán, tùy thô tế khác nhau mà có thứ lớp sâu cạn khác nhau, hình thành các tên gọi khác nhau, nhưng cũng đều là Quán.
Các pháp thu nhiếp lẫn nhau ra sao, xin nghiên cứu thêm ở chương “Lục diệu pháp môn” trong cuốn Thiền căn bản mà HT Thanh Từ đã dịch. Đây chỉ nói những gì có liên quan đến Chỉ Quán.
5/ Biết vọng không theo
Biết vọng, là Quán. Không theo là Chỉ.
Biết những gì khởi lên trong tâm đều là vọng, không để nó tiếp tục, gọi là Biết vọng không theo.
Khi biết ấy đã thuần thục, theo hay không theo không còn là vấn đề, thì Chỉ ấy là Định, Quán ấy là Tuệ.
Hỏi: Nếu đã biết nó là vọng, vì sao phải ngưng dứt nó?
Đáp: Biết nó là vọng, là đang Quán để thấy nó là vọng, không phải nó đã là vọng với mình sau quá nhiều kiếp huân tập. Do huân tập lâu xa, nên những thứ đáng nhẽ là vọng đều trở thành thật. Nói thành thật là do lực đi kèm với nó. Thành dù nó là vọng mà vẫn phải có thái độ ngưng dứt, không để nó tiếp tục. Chủ ý không phải để diệt vọng, mà chính là để làm giảm cái lực khiến nó trở thành thật. Đây là việc cần thiết cho người mới tập tu pháp này. Khi lực đó mất, vọng hiện nguyên hình là vọng, thì không nói theo hay không theo, cũng không nói biết hay không biết nữa.
Trên thực tế, thấy được các vọng niệm sinh khởi trong tâm không phải là việc dễ dàng. Khi nhận thấy có niệm thì cùng lúc ấy, dòng tương tục tạm dừng. Dừng rồi lại khởi, cho đến khi những niệm khởi lại được nhận biết, dòng tương tục lại dừng. Cứ vậy mà nối tiếp. Thường thì công phu càng miên mật, càng thấy niệm nhiều. Không phải do niệm tăng mà do cái biết của hành giả sắc bén hơn.
Hỏi: Biết như thế và dừng lại như thế, chỉ như lấy đá đè cỏ?
Đáp: Thấy đè vì lực vọng còn mạnh. Do lực đó mà chúng ta có cảm giác là đè vọng. Một khi vọng mất lực thì hiện tượng đè cũng mất, vì không còn lực để thấy đè. Lực này do đâu mà có? Do huân tập. Huân tập sinh khởi, huân tập phân biệt, huân tập mọi thấy nghe, hiểu biết v.v… mà các thứ đó thành có lực. Việc này có thể được kiểm nghiệm dễ dàng trong đời sống thường nhật của mình. Đọc sách quen rồi, khi không có điều kiện đọc, chúng ta sẽ thấy bức bối, có một lực gì đó hối thúc ta tìm sách để đọc. Đó chính là lực của nghiệp đọc sách. Chỉ do đọc sách đã được huân tập thành chủng tử trong tạng thức… Giờ biết tất cả là vọng, dừng lại, không để nó tuôn chảy nữa thì lực sẽ mất. Bối trần hợp giác hoài thì nhất định giác sẽ có lực mà vọng thành không lực. Vọng đã không lực thì giờ muốn đè, cũng không có lực để thấy đè.
Nếu sợ đè mà không dừng vọng thì chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh. Muôn đời cứ theo dòng tương tục ấy mà đi…
Không dừng lại, cũng có nghĩa là huân thêm vào. Huân càng nhiều thì bỏ càng cực.
Phải tự mình chọn lấy con đường cho mình. Phải dấn thân để biết. Không thể chỉ nghe suôn rồi thối tâm.
6/ Biết có chân tâm
Khi căn tiếp xúc với trần, khởi lên sự nhận biết đối với trần cảnh. Thông thường trên những cảnh ấy, hiện ra những ý niệm tương tục nối tiếp. Để dừng dòng vọng niệm này, hành giả khởi quán “Biết có chân tâm”. Do chân tâm không vọng, nên hành giả trụ ở hai chữ “chân tâm” để dừng dòng vọng niệm. Bằng cách này, chúng ta có thể đình chỉ sự tương tục sau đó. Trụ vào hai chữ “chân tâm”, gọi là Quán. Nhờ đó dừng được các vọng niệm, gọi là Chỉ.
Pháp nào cũng vậy, mở đầu luôn khó khăn. Mọi thứ không theo ý mình. Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Bởi mọi thứ đều do huân tập. Biết có chân tâm một khi được huân tập mạnh, sẽ thành có lực. Có lực rồi, không cần phải khởi “chân tâm”, “chân tâm” cũng tự khởi để dừng vọng. Thuần thục rồi thì hai chữ “chân tâm” cũng phải bỏ, nhường chỗ cho cái dụng của chân thể đã hiển bày, như Sổ tức nhường chỗ cho Tùy tức. Dụng của chân thể một khi đã hiện tiền thì xác suất thấu được chân thể không phải nhỏ. Nói ngộ tánh, là ngộ cái chân thể này, không phải ngộ cái dụng của chân thể. Bởi đã nói dụng thì ắt có năng sở. Tánh thì không thuộc năng sở. Nên cái ngộ nào còn có đối tượng để thấy thì ngộ ấy chưa phải là ngộ tánh (kiến tánh).
7/ Pháp môn niệm Phật
Pháp môn Niệm Phật, mục đích tối cùng của nó là để khai – thị – ngộ – nhập tự tánh A-di-đà trong mỗi người, đó là tên khác của Phật tánh, Vô sinh, Phật tri kiến v.v…
Thực tế thì không phải ai cũng có thể tin và hành để đạt đích tối cùng đó, nên Phật Tổ tùy cơ tiếp người mà có phần vãng sinh thế giới Cực-lạc. Như trong nhà thiền, có phần Niết-bàn hóa thành cho hàng Nhị thừa.
Pháp niệm Phật này, Tổ Ấn Quang phân thành ba[11]:
1/ Chuyên niệm Phật tự lực : Luận ghi: “Dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu soi, thấu rõ tất cả pháp xưa nay đương thể toàn không, thấy được tính chân như vi diệu tròn đầy. Đây gọi là thực tướng niệm Phật …”. Xem nội dung lời dạy đây thì thấy phần này tương đương với thiền Đại thừa, từ đích đến cho tới việc hành trì. Pháp này, “nếu chẳng phải là người có sẵn căn duyên đời trước thì tin còn khó, huống là thực hành để thực chứng”[12].
2/ Pháp tự tha đều niệm : Luận ghi: “Pháp tự tha đều niệm còn gọi là Thiền tịnh song tu, đặt nền tảng trên việc chuyên khán “Niệm Phật đó là ai?” cốt để minh tâm kiến tánh, chẳng dùng tín nguyện cầu sinh Tây phương làm sự nghiệp. Đã không có tín nguyện thì không thể nương vào tha lực mà vãng sinh Tây phương. Chưa đến được chỗ nghiệp hết tình không thì cũng không thể nương vào tự lực mà liễu thoát sinh tử. Vì thế, với pháp Thiền tịnh song tu này, chỉ có người tín nguyện đã đầy đủ mới có lợi ích. Còn không thì chẳng bằng hết lòng với một môn trì niệm danh hiệu Phật”. Pháp này tương tự như Tham công án trong nhà thiền.
3/ Chuyên niệm Phật tha lực: Luận phân thành 3 loại.
a/ Quán tưởng, là nương theo kinh Thập lục quán mà quán. Hoặc chuyên quán tướng lông trắng, hoặc quán pháp thân rộng lớn v.v… Quán đầy đủ 16 thứ quán.
b/ Quán tượng, là đối trước hình tượng Phật mà tưởng về tướng hảo quang minh của Phật v.v…
Hai pháp trên là quán tướng Phật thô tế không đồng mà thành có khác, nhưng cùng một mục đích là dừng chỉ vọng niệm.
c/ Trì danh, là nhất tâm xưng niệm danh hiệu A-di-đà. Đây là dùng lục tự A-di-đà thay thế dòng tương tục.
Ba pháp Chuyên niệm Phật tha lực này đều đòi hỏi “Phải đầy đủ lòng tin chân thành và ước nguyện thiết tha mới có thể cùng Phật cảm ứng đạo giao, mới có thể quyết định được hiện đời ra khỏi Ta-bà mà sinh Cực-lạc”[13].
Chuyên niệm Phật tha lực, là dùng hình tượng hay danh hiệu Phật thay thế cho dòng vọng tưởng tương tục. Do dòng tương tục đã xóa, nên cảnh thế gian biến mất. Vì tướng và danh Phật hiện tiền nên cảnh giới Di-đà xuất hiện. Song việc này thực hiện được là nhờ nguyện độ sinh của Di-đà và nguyện vãng sinh của hành giả niệm Phật. Điều kiện tương ưng là lúc lâm chung, tâm phải bất loạn. Với tâm đó thì dù chỉ niệm vài câu Di-đà, vẫn vãng sinh thế giới Di-đà. Muốn tâm bất loạn khi tứ đại phân tán, thần thức mê muội… thì ngay từ những ngày còn mạnh khỏe đây, phải niệm Phật cho được liên tục. Nói “chuyên niệm” là vậy. Nếu bình thường đắm trước ngũ dục mà nghĩ khi chết vãng sinh Cực-lạc là đang bị vọng tưởng tham trước chi phối.
Những phân tích trên cho thấy cảnh giới A-di-đà không phải không có. Phủ nhận thế giới A-di-đà hay Địa ngục đồng nghĩa với việc phủ nhận cảnh giới thế gian hiện nay. Đó là một phủ nhận sai lầm. Vì thế từ trước đến giờ, chưa có Phật Tổ hay một vị Thiện tri thức nào phủ nhận thế giới A-di-đà, cũng như cảnh giới địa ngục v.v… Có điều, do nhận ra thực tánh của các pháp là không, nên biết mọi cảnh giới không lìa tâm mà có. Tâm là tánh của tất cả pháp. Vì thế cảnh tuy có mà không mang tính cố định. Nhờ cái không cố định đó mà chúng sinh có thể thay đổi cảnh giới theo ý mình, bằng cách chuyển ác thành thiện, chuyển bất tịnh thành tịnh, chuyển động thành tĩnh… Và rốt sau, có thể nhận ra bản chất thật của cái gọi là thiện và ác, tịnh và bất tịnh, động và tĩnh. Nhận được bản chất ấy cũng đồng nghĩa là ngộ được Phật tri kiến của mình.
8/ Tụng kinh, trì chú v.v…
Các pháp còn lại như Trì chú, trì kinh Pháp hoa v.v… cũng là dùng chú và kinh để đánh bạt dòng vọng niệm. Tức ý chỉ và đích đến không khác, chỉ là cách hành trì có khác. Nếu nắm được ý chỉ cũng như thực hành pháp được đúng đắn thì kết quả không khác.
Đại sư Trí Khải, thời còn tu tập, chỉ chuyên một môn tụng kinh. Bảy tuổi được dạy tụng kinh Phổ môn, qua một lượt đã thuộc làu. Sau khi xuất gia thì tụng kinh Pháp hoa, Kinh Vô lượng nghĩa, kinh Phổ hiền quán thảy đều mau chóng chuyên nhất. Sau đó lại trì kinh Phương đẳng, liền thấy thắng tướng hiện tiền.
Khi thọ giáo Tổ Nam Nhạc ở núi Đại Tô, Tổ lại dạy trì kinh Pháp Hoa. Ngài tin tấn trì tụng không phút biếng trễ. Vọng tưởng dứt bặt. Chuyên tụng như thế trải qua bốn ngày, đến câu “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai” trong phẩm “Dược Vương Bồ-tát bổn sự”, thì hoát nhiên nhập định. Trong định thấy Phật thuyết pháp tại hội Linh Sơn chưa tan…
Việc đó cho thấy pháp hành nào, nếu được thực hành đúng đắn, cũng đều đưa đến kết quả mỹ mãn. Nó đòi hỏi thời gian huân tập đủ để phá mê lập ngộ. Đại sư huân tập việc trì kinh đã lâu, nên trong hiện kiếp, tụng kinh trở thành thuần thục với ngài. Chỉ một thời gian ngắn liền nhập định thấy Phật trên hội Linh sơn.
Cho nên, muốn được như Đại sư thì đối với việc trì kinh, phải tinh tấn huân tập. Kiếp này chưa xong thì kiếp sau huân tập tiếp. Cứ vậy mà huân cho đến khi có kết quả. Nếu một ngày chỉ tụng một hai hay thời kinh, tức trong 24 tiếng, vọng huân sinh và huân trưởng 20 tiếng, kinh chỉ huân khoảng 4 tiếng mà trong 4 tiếng đó vọng cũng chưa hết sinh khởi, thì khó mà có cảnh giới như Phật Tổ. Đây giải thích vì sao việc tụng kinh không đưa lại kết quả như Phật Tổ, là do cách hành trì của mình. Nói vậy, không phải muốn nói chúng ta phải trì tụng như ngài. Việc làm nào cũng cần đủ hai mặt là khế lý và khế cơ. Khế cơ, là tùy thuộc vào sức của mình trong hiện tại mà tu tập. Người chỉ có khả năng tụng 3 tiếng một ngày mà bắt tụng 8 tiếng thì thân tâm liền có vấn đề, nói là 24 tiếng. Song dù tụng ít hay nhiều thì tụng kinh hay trì chú đều là cái nhân để có cảnh giới Phật sau này. Đó là chúng ta đang huân tập dần việc trì tụng vào tạng thức. Lâu dần, trì tụng có lực thì mọi thứ thành đơn giản như việc ăn cơm uống nước hằng ngày.
Tích cực, tiêu cực, ưu và khuyết của các pháp môn
Pháp hành Phật Tổ đưa ra là do ứng cơ mà lập. Dù đã trải qua hàng ngàn năm nhưng kinh, luận, luật và lục nào còn trong pháp giới này, đều do ứng cơ mà tồn tại, nên nhất định phải có lợi ích với người, chỉ là nhiều hay ít, là người nhận được lợi lạc nhiều hay ít, số người nhận được pháp nhiều hay ít. Không thể không người mà có pháp. Vì thế, khen pháp này mà bác pháp kia, nếu không do ứng cơ mà nói[14], là đi sai với tinh thần của Phật Tổ.
Vì pháp lập ra là do ứng cơ mà lập, tự nó không có bản chất riêng, nên nói đến tiêu cực, tích cực, ưu và khuyết của các pháp môn mà thiếu yếu tố con người trong đó là không thể nói. Tức pháp trở thành tiêu cực hay tích cực là tùy thuộc vào người dụng pháp. Nói ưu nói khuyết là nói đến việc hành pháp, không phải nói chính pháp môn đó.
Như pháp Trì danh niệm Phật. Phật Tổ vẫn khuyến cáo đó là pháp dễ thực hành nhất trong thời mạt pháp nhưng không phải không có kết quả “liễu thoát sinh tử”. Dễ vì nó không quá thắc ngặt trong việc dừng niệm. Nói liễu thoát, vì nó giúp hành giả vãng sinh thế giới Cực-lạc A-di-đà. Tuy vậy, nếu chúng ta ứng dụng nó không đúng thì kết quả cũng không có. Thay vì tự niệm để hàng phục dòng vọng tưởng thì ngồi nghe máy niệm, nghe máy cũng là một cách huân sinh, nhưng nó không đủ lực huân trưởng để đánh bạt dòng vọng tưởng. Vọng tưởng không dứt thì nhất tâm bất loạn không có, sao có thể cảm ứng đạo giao mà được cảnh giới thanh tịnh của A-Di-đà.
Việc trợ lực cho người chết cũng vậy. Danh hiệu Phật chỉ có tác dụng với người mà thường ngày từng chuyên niệm Phật với ý nguyện thiết tha về cảnh giới A-di-đà. Danh được trì bên ngoài có tác dụng khơi dậy chủng tử niệm Phật bên trong, giúp danh hiệu Phật được hiện tiền nơi tâm người sắp chết, là lúc mà tâm dễ rơi vào trạng thái mịt mờ. Do nguyện tha thiết và lực của câu niệm Phật mà cảnh giới Di-đà hiện ra.
Với người, bình thường không biết niệm Phật là gì, cũng chẳng có ý nguyện về thế giới Cực lạc, thì việc trợ lực bên ngoài chỉ có tác dụng gieo duyên. Người chết, bình thường nghiệp gì làm chủ thân tâm thì lúc ấy thường theo nghiệp ấy mà đi. Câu niệm Phật bên ngoài nếu có tác dụng, là rất hiếm.
Việc đó cho thấy, nói đến tích cực hay tiêu cực của một pháp môn là nói đến yếu tố thực hành pháp môn đó, nó nằm ở mặt ứng dụng của người, không phải chính pháp môn đó có vấn đề. Nhưng đa phần chúng ta hay lầm lẫn giữa hai thứ này. Niệm Phật trợ lực cho người chết không đúng duyên, kết quả không có, liền cho pháp Niệm Phật không có lợi ích. Nghe máy niệm Phật, đến khi lâm chung, thân tâm tán loạn, không thấy Phật rước, liền khởi tâm cho Tổ Thầy nói bậy, nổi sân đọa đường dữ… ấy là do không nắm vững về ý chỉ cũng như việc hành trì pháp Niệm Phật, không phải do pháp Niệm Phật không mang lại lợi ích cho người.
Trước kia có người chê pháp “Biết vọng không theo” không phải là pháp cứu kính, cũng không đưa đến cứu kính. Nói pháp không cứu kính thì bản thân câu nói đã sai. Vì nói đến pháp môn là nói đến phương tiện. Nó có thể trực chỉ hay không trực chỉ, nhưng không thể là cứu kính. Vì cứu kính … “không mắt, tai, mũi lưỡi… không chứng cũng không đắc”[15], sao có thể gọi pháp dụng là cứu kính? Lẫn lộn hai thứ đó với nhau cho thấy phần lý thuyết đã không thông, khó có thể phê bình một pháp môn được đúng đắn. Còn nói “không đưa đến cứu kính” cũng không phải. Đó là do thực hành không miên mật nên không hàng phục được dòng vọng tưởng của mình. Không đủ tâm trường viễn nên không thể cắt được tướng tương tục của dòng vọng tưởng. Không đủ ý chí đối diện với những sinh khởi và tập nghiệp của mình, nên bỏ cuộc nửa chừng. Do vậy mà không được chỗ cứu kính. Không phải pháp không đưa đến cứu kính. Có thể, pháp ấy không dùng được cho đa số, nhưng không phải không có kết quả cho một số nào đó mà pháp lại xuất hiện. Pháp đã xuất hiện ắt có lợi ích cho người.
Song nói đi thì phải nói lại…
Như Mật tông hiện nay tại Việt Nam. Nó cũng là một tông khá thịnh hành như Thiền tông và Tịnh độ tông. Nhưng Mật tông ở một số nơi, danh thì còn mà chất đã mất. Không còn nương việc trì chú để hàng phục vọng tâm. Mà sử dụng các pháp liên quan đến bùa chú và ngãi thuật, giải quyết nhu cầu tham dục của người đời, đồng thời thu lợi cho mình. Pháp sử dụng bùa ngãi đó không phải là Mật tông mà Phật Tổ đã nói, chỉ lấy danh Mật tông để phát tán bùa thuật. Nó tuy khế cơ (vì không có nhu thì cầu dù mạnh bao nhiêu cũng không có chỗ đứng), nhưng không khế lý (vì nó khiến người quên mất thực lý nhân quả ở thế gian, chỉ khiến người ỷ lại và tăng tham trước)[16]. Nên biết nó không thuộc chánh pháp.
Kế nữa là…
Pháp do ứng cơ mà lập, nên ngoài việc giúp người có thể hành trì, nó cũng hiển thị cảnh giới chứng đắc tương ưng với việc hành trì ấy. Thành pháp tuy có thể đưa đến cứu cánh, nhưng cảnh giới tối cùng pháp ấy đưa đến, có khi vẫn chưa là chỗ cứu kính. Như quả chứng của Thanh văn và Duyên Giác, pháp hành của chư vị giúp hàng phục dòng hiện hành, là phương tiện giúp trí tuệ đức tướng Như Lai hiển lộ, nhưng cảnh giới chứng của chư vị chỉ mới dừng ở cái gọi là Diệt thọ tưởng định. Nếu chấp cảnh giới ấy cho là cứu kính, liền thành lỗi. Nếu biết cảnh giới ấy chỉ mới là hóa thành, không dừng nghỉ đó mà tiếp tục hành trì, phá các chấp vi tế hơn, sẽ nhận được chỗ cứu kính.
Như pháp niệm Phật vãng sinh thế giới Cực-lạc. Thế giới Cực-lạc là chỗ tâm chứng tối cùng của người dụng pháp này, nhưng đó chưa phải là chỗ cứu kính. Chưa phải mà cho là phải liền thành lỗi. Muốn được chỗ cứu cánh, là ngộ nhập tự tánh A-di-đà, thì phải dụng sang pháp Chuyên niệm Phật tự lực hay Thiền tịnh song tu v.v…
Ngoài những tiêu cực nêu trên, còn có những tiêu cực khác, khiến việc tu hành của mình bị đình trệ hoặc trở thành ngược với tinh thần kinh luận đã nói, là phá chấp ngã và chấp pháp.
Tu hành, bước đầu thường là tìm nơi yên tịnh để dễ điều phục vọng tâm, nhưng có người không dùng chỗ yên tịnh để dụng công mà làm chỗ bình yên cho mình. Dù đã phát Bồ-đề tâm, nhưng không thiết tha với việc khai mở trí tuệ hay tiêu trừ tập nghiệp. Tu càng lâu sợ cảnh càng nhiều, thấy việc gì có khả năng gây rắc rối cho mình liền tránh, dù việc ấy cần thiết lợi ích cho người. Một môi trường tốt, rốt cuộc trở thành công cụ giúp mình tăng thêm yếu đuối, một dạng của sự chấp ngã. Đó là do không nắm được ý chỉ của việc tu hành. Lý không thông nên trên sự thành như vậy.
Thiền môn, phá tâm phân biệt là việc quan yếu, phản quan tự kỷ là bổn phận sự, như HT Thường Chiếu thường dạy “Nghe hay thấy… thảy đều nên quay lại mình, chớ hướng ra ngoài phê phán”. Nhưng… phận sự không nhớ, phân biệt tăng thạnh. Không chấp vào xuất gia, tại gia, thì chấp vào ngồi lâu hay mau v.v… Những cái chấp ấy, nếu không tỉnh mà phá, sẽ huân mạnh vào tạng thức, ngày thêm kiên cố. Trở thành, kẻ của Thiền môn mà phân biệt còn nhiều hơn cả thường dân. Điều kiện thuận lợi cho việc tu hành hóa ra chỉ giúp kiên cố cái ngã.
Tuy là người của Thiền môn, nhưng chỉ thích trang bị kiến giải của mình bằng kinh luận, quên mất việc an định nội tâm, bỏ phế thiền định, chạy theo sách vở. Lời nói ra trước sau bất nhất. Ngã chấp không phá, chỉ lấy kiến giải làm chỗ thọ sinh, nên không tránh khỏi đố kỵ, thị phi, tranh cải…
Kẻ thì bằng cấp cũng cao nhưng nghiên cứu không tới, tu hành cũng không, thường hay phát biểu những điều trái với kinh luận, chỉ biết lấy việc đông người ủng hộ làm chỗ thọ sinh. Đâu biết, Bồng nguyên soái chỉ vì lựa chỗ đông người mà thành Bát giới. Đường dữ khó tránh, mình người chung đường.
Kẻ tuy biết dụng pháp đúng với căn cơ của mình, tâm cũng tha thiết với việc tu hành, nhưng điều kiện tu hành không thuận. Gia duyên ràng buộc, Phật sự nối tiếp… Miên mật không đủ nên kết quả không có.
Rất nhiều nguyên nhân để trong cái ưu vẫn còn cái khuyết, trong tích cực vẫn còn tiêu cực, song đó là điều không thể tránh được ở thế giới này. Một thế giới mà sự tương đối ngự trị ở đó. Vì thế không thể mà cũng không nên đòi hỏi một cái toàn triệt. Chỉ cần ưu nhiều một chút, tích cực tăng thêm một chút thì nạn tai giảm thiểu, người khổ cũng vơi…
Kết…
Phật giáo, học pháp hay tu hành không ngoài việc giúp hành giả phá trừ ngã chấp và pháp chấp. Bởi ngã pháp không trừ thì trí tuệ không phát, bi mẫn không tròn.
Cho nên…
Chẳng kể tại gia hay xuất gia, chẳng kể là Đại hay Tiểu, chẳng kể học vị hay không học vị, chẳng kể Thiền môn hay Tịnh độ, chẳng kể ngồi lâu hay mau… quan trọng vẫn là không chấp. Chúng sinh không chấp, chúng sinh là Bồ-tát. Bồ-tát nếu chấp, Bồ-tát chính là chúng sinh. Đại thừa mà chấp, Đại liền thành Tiểu. Tiểu thừa không chấp, Tiểu chính là Đại… Đó là những điều Phật tử chúng ta cần nhớ. Lý thông rồi thì sự mới hy vọng tốt. Lý đã không thông thì sự chẳng thể tốt đẹp.
Chân Hiền Tâm
(NSGN số 257)
[1] Hoa nghiêm du tâm pháp giới ký – Thích Pháp Tạng soạn – Đại tạng kinh số 1877. .
[2] Tổ Pháp Tạng soạn – Đại tạng kinh số 1877.
[3] Câu nói của Tổ Pháp Tạng (Hiền Thủ).
[4] Thiền căn bản – Chương I, Pháp yếu tu tập tọa thiền chỉ quán, trang 46 – HT Thanh Từ soạn dịch – Nhà xuất bản Hồng Đức.
[5] Xin tham khảo thêm phần này trong cuốn luận Đại trí độ I – Chương 29 Ba mươi bảy phẩm trợ đạo – Bồ-tát Long Thọ – Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn sang Hán – HT Thiện Siêu dịch từ Hán sang Việt.
[6] Pháp ngữ của Bác Sơn thiền sư – Thiền đạo tu tập – Chan Chen Chi – Như Hạnh biên dịch.
[7] Pháp ngữ của Bác Sơn thiền sư – Thiền đạo tu tập – Chan Chen Chi – Như Hạnh biên dịch.
[8] Pháp ngữ của Hám Sơn thiền sư – Thiền đạo tu tập – Chang Chen Chi – Như Hạnh biên dịch.
[9] Thiền căn bản – Lục diệu pháp môn – Đại sư Trí Khải – HT Thanh từ soạn dịch.
[10] Thiền căn bản – Lục diệu pháp môn, trang 210 – Đại sư Trí Khải – HT Thanh từ soạn dịch.
[11] Tư qui tập – Tổ Ấn Quang.
[12] Lời của Tổ Ấn Quang viết trong Tư qui tập.
[13] Tư qui tập – Tổ Ấn Quang.
[14] Như do căn cơ của người không hợp với thiền pháp, chỉ hợp với niệm Phật, nên trong duyên đó, Tổ thầy chê Thiền khen Tịnh, để người sử dụng pháp đúng với căn cơ của mình. Chê đây không do thiếu hiểu biết hay nhân ngã mà chê. Chỉ vì lợi ích cho người.
[15] Bát-nhã tâm kinh.
[16] Đây là đứng ở mặt khế lý và khế cơ để phân biệt tà pháp với chánh pháp, Không nói “Kẻ chánh dụng pháp tà thành chánh”. Đây đã bước sang một lãnh vực khác.
Discussion about this post