NHỮNG GHI NHỚ CỤ THỂ MỖI KHI NGHE PHÁP
Pháp Hĩ (dh.phaphi@gmail.com)
Từ xưa tới nay rất nhiều Phật tử đã nghe quí Thầy thuyết pháp vô số lần về 4 THÁNH ĐẾ, 8 CHÁNH ĐẠO, 12 NHÂN DUYÊN, v.v. nhưng nếu hỏi lại thì đa số Phật tử không nhớ gì cả. Ít ai có thể kể ra được 4 THÁNH ĐẾ là 4 cái gì? 8 CHÁNH ĐẠO là 8 cái gì? 12 NHÂN DUYÊN là 12 cái gì? Điều đó chẳng khác gì một sinh viên Dược Khoa mà không chịu ghi nhớ tên của các loại thuốc, thì làm sao ra trường để đi chửa bệnh được. Vấn đề học Phật cũng như vậy. Muốn học Phật để đi đến khả năng áp dụng Phật Pháp chấm dứt khổ đau, thì sự học Pháp phải được ghi nhớ để sự hiểu biết mới có thể tiến lên cao, ít nhất phải qua 4 trình độ hiểu biết như sau:
TƯỞNG TRI: Là trình độ biết, mới đi vào Tư Tưởng. Tức là một vấn đề từ xưa tới nay chưa hề được nghe bây giờ mới nghe nói đến, hoặc có nghe rồi mà đã quên, nên nghe lại như một vấn đề mới mẻ. Ví dụ: Từ xưa tới nay chưa hề nghe về 4 THÁNH ĐẾ bây giờ mới nghe nói tới. Đa số Phật tử chỉ nằm hoài ở trình độ TƯỞNG TRI này mà không thể lên cao hơn, bởi không chịu GHI NHỚ nên dầu nghe đã bao nhiêu lân rồi vẫn không nhớ gì cả, kể như chưa nghe.
THỨC TRI: Là trình độ mà vấn đề đã được GHI NHỚ lại, vào trong Tâm Thức. Ví dụ đã nhớ được 4 THÁNH ĐẾ là 4 SỰ THẬT: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO và đã ghi nhớ ý nghĩa của từng Sự Thật như thế nào. Có ghi nhớ được như vậy mới có thể suy nghiệm đi, suy nghiệm lại, để càng nhớ lâu hơn và hiểu rõ sâu sắc hơn nhờ sự nghiền ngẫm và suy luận (Chánh Tư Duy).
CHỨNG TRI: Là trình độ Chứng Nghiệm được những gì Phật dạy như những SỰ THẬT trong cuộc sống, không còn nghi ngờ hay mơ hồ gì nữa. Trình độ này Phật gọi là “Như Thực Chứng Tri“. Ví dụ chứng nghiệm được sự Nghiện Ngập thực sự là Khổ chứ chẳng phải sung sướng gì. Chứng nghiệm được tánh dễ bị dính mắc là nguyên Nhân tạo nên đau Khổ. Chứng nghiệm được càng bỏ đi Bãn Ngã càng bớt khổ đau. Chứng nghiệm được càng siêng năng quan sát chính mình càng hiểu mình, càng cải thiện mình hay hơn, v.v. Trình độ CHỨNG TRI là trình độ giúp mình hết nghi ngờ giáo pháp. Thấy những gì Phật dạy trong 4 THÁNH ĐẾ là đúng hoàn toàn. Có như vậy mới có thể sửa soạn đi vào bậc Thánh Tu Đà Hoàn, không còn bị rơi vào đọa xứ.
THẮNG TRI: Khi đã chứng nghiệm được những lời Phật dạy là những SỰ THẬT tự nó tồn tại, thì không còn có thể quên mất pháp Phật. Từ đó tự nhiên luôn luôn áp dụng để thắng vượt những cám đỗ thế gian hoặc ra khỏi vô minh của các cách tu theo TÀ KIẾN không đúng Chánh Pháp, đã từng làm cho mình vô minh, làm cho mình không vượt qua đau khổ. Như vậy đến trình độ CHỨNG TRI hay THẮNG TRI là kể như là đã đến trình độ GIẢI THOÁT, thoát ra mọi sự cám dỗ và lầm lẫn của thế gian.
Học phật với sự tiến lên THỨC TRI, CHỨNG TRI, như vậy mới như học các môn KHOA HỌC THỰC NGHIỆM đem áp dụng những điều đã thực nghiệm được vào trong đời sống. Đạo Phật do vậy mới đúng nghĩa là ĐẠO SỰ THẬT vững chắc và cụ thể như sự GIÁC NGỘ (khám phá) các ĐỊNH LÝ TOÁN HỌC đã được khám phá, áp dụng, và luôn luôn giá tri trong mọi thời đại, mọi xã hội, mọi đức tin tôn giáo, chứ không phải là những triết lý còn nằm trong phạm trù của TƯỞNG UẨN, có giá trị bấp bênh, thích hợp tùy hoàn cảnh, tùy thời đại, tùy xã hội, tùy đức tin tôn giáo, v.v. Những ai không “như thực chứng tri” 4 SỰ THẬT của 4 THÁNH ĐẾ mà chỉ coi đó là những “KHÁI NIỆM” vu vơ thì thế nào cũng biến Đạo Phật thành một Triết Lý mông lung, đi vào KIẾN HOANG VU, KIẾN TRÙ LÂM, KIẾN HÍ LUẬN, KIẾN TRIỀN PHƯỢC.
KẾT LUẬN: Vậy mỗi khi quí Phật tử đi tham dự một khóa thuyết giảng hay tu học, rất nên mang theo GIẤY, BÚT để ghi xuống ngay những gì mà vị giảng sư kêu gọi cần ghi nhớ. Ví dụ ghi xuống 4 THÁNH ĐẾ là 4 sự thật gì? 8 CHÁNH ĐẠO là 8 chánh gì? 12 NHÂN DUYÊN là 12 duyên gì? v.v. rồi phải hiểu ý nghĩa của từng thứ. Có như thế thì mới có thể đi lên các trình độ hiểu biết cao hơn. Với cách ghi nhớ cụ thể như vậy thì ít lắm mọi danh từ, mọi ý nghĩa của nó, mình đều nắm vững và có thể trình bày lại cho người khác nghe. Rồi sau này mình cũng có thể thành giảng sư như ai, để đóng góp váo sự xiển dương giáo pháp của Đức Bổn Sư.
Discussion about this post