51- Ngày Thứ 51 (Bài thứ 22)
– Tối ngày 7/8/ÂL
Hạ thủ công phu
Để trở về với như thực
Hôm nay chúng ta lắng nghe để hạ thủ công phu nghe. Tri rồi hành, Khổng mà cũng nói được như vậy huống hồ gì Phật chúng ta. Nhưng Khổng nói tri riêng, hành riêng, có tri rồi mơi có hành. Cái đó thua Phật một bậc. Phật thì tri và hành như vậy cũng có, nhưng còn tri và hành ngay tức khắc nữa. Nó là một, à, một cũng không đúng. Nó nhất như. Và cái nhất như ấy lại đang trôi chảy, đang hiện tiền. Lắng nghe cái hiện tiền trôi chảy là minh sát đó.
Như chúng ta đã hiểu và thấy, có cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức bình thường và có cái sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Người tu tập minh sát là nhìn ngắm các đối tượng đều là paramattha, như chơn như thực, thế là chúng không có uẩn. Vậy chúng ta có thể tu tập minh sát để đoạn tận các uẩn.
Đoạn tận uẩn nơi sắc:
Sắc uẩn ấy nó không có trong thế giới tự nhiên, mà chỉ có trong tình cảm và lý trí chủ quan của người mê, khởi sanh bởi bản ngã chấp trước mà thôi.
Ví dụ. Hôm qua tôi cãi nhau với một người nên đưa đến giận tức nhau. Sáng nay, người ấy muốn đến gặp tôi để xin lỗi. Nhưng vừa nhìn thấy người ấy thì hình ảnh, khuôn mặt của người ấy từ ngày hôm qua hiện ra nên tôi đùng đùng nổi giận. Ồ, hóa ra, là mình đã lấy cái khuôn mặt (sắc) của anh ta từ ngày hôm qua để chồng lên khuôn mặt của anh ta sáng hôm nay (sắc uẩn) nên đâm ra giận ghét. Vậy thì rõ ràng mình giận ghét cái không thật có – cái thật sự không hề có – vì hôm qua đã qua rồi, còn hôm nay, con người anh ta, khuôn mặt (sắc) anh ta đang mới mẻ hiện tiền thì mình không thấy! Như vậy, nếu hiện quán, minh sát, trở lại với “thực tại đang là” thì uẩn kia liền chấm dứt, chấm dứt luôn cả giận tức. Rộng xa hơn một chút, khi ta đang ngồi thở đây, đang cố gắng an trú hơi thở thì bóng sắc của ai đó, ta hoặc người khác, kể cả âm thanh, mùi vị… thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, xen vào tâm trí của ta (chỗ này đức Phật nói đến sắc thô, sắc tế, sắc quá khứ, sắc hiện tại, sắc vị lại, sắc gần, sắc xa… ) ta chỉ cần đừng mải mê theo chúng, trở lại an trú hơi thở thì toàn bộ sắc uẩn chấm dứt, đoạn tận.
Nghe thì thấy dường như quá dễ phải không các con! Tuy nhiên, dễ đối với căn cơ thượng trí, còn rất khó, quá khó đối với phàm nhân, thường nhân quen sống trong thế giới mê vọng.
Đoạn tận uẩn nơi thọ:
Quan sát tất cả các thọ khổ, lạc, xả, hỷ, ưu ở nới thân và ở nơi tâm, ta thấy chúng đều có những cảm thọ bình thường, thuần túy nhưng khi có sự tham dự của bãn ngã, ví như tôi đau, tôi nhức, tôi vui, tôi giận… thì tất thảy chúng đều biến thành thọ uẩn. Lấy tuệ minh sát nhìn ngắm thì chúng vốn là Không, “cái tôi không thực có và cái tôi đau cũng không thực có”, chỉ do ta tự chế biến đẻ ra mà thôi. Để ý chỗ này, tất thảy chúng vốn Không, mà ta lại biến thành Có!!!
Khi ta thương một người thì vẻ mặt hay tiếng nói, cười cả sự đi, đứng gì của người ấy cũng mến yêu cả. Trái lại, đấy là người mà ta ghét thì vẻ mặt hay tiếng nói, cười, đi, đứng gì của người ấy cũng khiến ta khó chịu, bực bội cả. Như vậy, chính tình cảm chủ quan của ta, đã biến cảm thọ như thực thành dịu dàng, thân thương (lạc) hay khó chịu, bực bội (khổ).
Vậy, cái mà ta tự chồng lên cảm thọ thực ấy để biến chúng thành lạc hay khổ chính là uẩn, là thọ uẩn. Có câu ngạn ngữ: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”; hoặc của cụ Tiên Điền: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” giúp ta thấy rõ cái uẩn ấy, nó phủ chụp lên thực tại khách quan như thế nào!
Ví dụ: Mình ngồi như thế này, có người vỗ nhẹ sau vai, thân cảm thọ chừng 10 gam. Nhìn lui thì đấy là người tình của mình, thì 10 gam kia biến mất mà trở thành một cảm thọ êm ái, thân thương. Ngược lại, đấy là người mình ghét thì thân có thể cảm thọ 10 ký, nặng nề, khó chịu, bực bội. Minh sát: 10 gam là cảm thọ bình thường, thuần tuý, như thực. Nhưng cảm thọ nhẹ nhàng, êm ái, không có gam nào, sinh tham, và cảm thọ 10 ký nặng nề, sinh sân – thì chúng đều là uẩn do ta tự chế biển, đẻ ra.
Do vậy, người hành minh sát, bất cứ thọ nào tác động lên thân, lên tâm đều được ghi nhận như thực. Đau thì ghi nhận đau, niệm đau. Vui thì ghi nhận vui, niệm vui… thì tức khắc không có uẩn chồng lên do uẩn đã đoạn tận khi ta trở lại thọ như thực. Là ta giải thoát ngay tức khắc. Nếu không muốn nói, ngay chánh niệm, tỉnh giác ghi nhận rõ ràng cái vui, cái buồn ấy là ta cũng đã giải thoát rồi. Vì ngang buồn ngang vui là chấm dứt, không có tham sân phiền não khởi tiếp. Rõ hơn chút nữa, vòng duyên khởi mới vận hành ngang thọ là đã bị đứt khoen, ái thủ hữu không phát sanh được.
Đoạn tận uẩn nơi tưởng.
Saññā được hiểu là tri giác, tức là nhận biết tổng quát hình tướng, hình ảnh, âm thanh, mùi vị (ngũ trần – sắc đối tượng) và xác định được nó là cái gì (nhận thức ban đầu).
Đi vào một khu vườn, nhìn thoáng qua là đã biết đây là cây cam, cây mít; đây là lá ổi, lá chanh… đấy là tri giác ban đầu (tưởng).
Thoáng mùi chiên, xào, kho từ nhà bếp bay ra; ta biết đó là tương kho, mùi dầu cháy… đấy là tri giác ban đầu (tưởng)
Vào khu rừng rất nhiều tiếng chim, ta phân biệt được đó là tiếng chim sâu, kia là tiếng chim cà cưỡng… đấy là tri giác ban đầu (tưởng).
Tuy nhiên, không phải lúc nào tri giác ấy cũng đúng, chúng có thể bị ký ức, hồi tưởng, tưởng tượng của chúng ta xen vào làm cho tri giác ấy bị sai lệch đi. Nếu saññā được lái bởi như lý tác ý (yoniso-manasikāra) thì tri giác ấy là đúng, là hiện tưởng, tức là tưởng đúng (tri giác đúng, nhận thức ban đầu đúng) đối tượng như-nó-đang-là, đang xảy ra, đang vận hành, đang diễn tiến. Ví dụ: Khi nghe tiếng chim, ta lắng nghe trọn vẹn tiếng chim ấy đừng để cho bất cứ tưởng gì xen vào cả. Đấy được gọi là hiện tưởng được dẫn dắt bởi như lý tác ý.
Nếu saññā được lái bởi phi như lý tác ý (ayoniso-manasikāra) thì tri giác này bị biến đổi và trở nên sai lầm.
Bị ký ức, hồi tưởng xen vào, để cho hình ảnh, âm thanh, mùi vị… quá khứ chồng lên hình ảnh, âm thanh, mùi vị hiện tại làm cho “tri giác đang là” bị biến đổi.
Bị tưởng tượng xen vào làm sai lạc đối tượng, biến đối tượng như thực thành đối tượng khác. Ví dụ:
Thấy sợi dây tưởng là con rắn rồi sợ hãi con rắn do mình tưởng tượng ra. Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh
Thấy bóng cây lay động tưởng là con ma, sợ hãi bỏ chạy. Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh.
Nghe tiếng súng nổ tưởng là tiếng pháo rồi nghĩ đến một đám cưới đông vui. Thế là tưởng, hành, thức uẩn đồng phát sanh.
Như vậy chỉ có hiện tưởng là đúng, là thực khi được lái bởi như lý tác ý. Còn các tưởng (saññā) khác đều sai lạc, đều do ta chế biến, đẻ ra; các tưởng chồng chất ấy mới gọi là tưởng uẩn.
Quan sát những chồng chất (uẩn), che đậy (ấm) ở trên, ta thấy con rắn, bóng ma, tiếng pháo nổ, chúng đều không thực có trong thế giới tự-nhiên-đang-là. Chúng vốn là không, không có, nhưng chính uẩn đã biến chúng thành có để sinh ra vui, buồn, khổ, lạc! Ôi! Thật là vô duyên với cái hỷ, nộ, ái, ố của người đời!
Vậy muốn đoạn tận tưởng uẩn, ta chỉ cần trở lại với hiện tưởng, tức là tưởng như thực.
Đoạn tận uẩn nơi hành.
Hành (saṅkhāra) có ba nghĩa chính:
Saṅkhāra (hành) được hiểu là tạo tác các nghiệp thiện, nghiệp bất thiện và nghiệp bất động làm nên thức tái sanh vào tứ ác đạo, người bất hạnh, người hữu phúc, trời Dục giới, trời Sắc giới và trời Vô sắc giới. Saṅkhāra này được dùng trong thập nhị duyên khởi: Vô minh, hành, thức…
Saṅkhāra được dịch là hữu vi, hàm chỉ các pháp được kết hợp, được cấu tạo, được làm nên. Saṅkhāra này cũng có nhiều dạng: Một, thế giới vật chất từ hạt cát đến sơn hà nhật nguyệt, sum la vạn tượng được kết hợp bởi các yếu tố, đơn vị vật chất đều được gọi là hữu vi. Hai, thế giới tinh thần được kết hợp bởi các yếu tố tâm lý, các trạng thái tâm lý cũng được gọi là hữu vi.
Cả hai loại hữu vi trên đều bị chi phối bởi những định luật tự nhiên của vũ trụ nên những hữu vi ấy đều vô thường, vô ngã nhưng không có khổ.
Có một loại hữu vi thứ ba nữa, là loại hữu vi do mình chế biến, đẻ ra; loại hữu vi do tâm lý, tình cảm, sở thích, quan niệm chủ quan của mình tự tạo, hữu vi ấy mới đưa đến khổ (dukkha). Hữu vi này thường được dịch là hành, hành uẩn; và chính saṅkhāra này mới vô thường, mới khổ. Nó biến đổi từ thương ra ghét, từ ghét ra hận rồi tạo ra các nghiệp.
Nếu sắc, thọ, tưởng đều nguyên sơ, trong sáng thì saṅkhāra chỉ là định luật hữu vi cấu tạo, kết hợp tự nhiên dù vật chất hay tinh thần; nhưng khi chúng bị biến thành sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn thì hành uẩn đồng thời khởi sanh do tư tâm sở chi phối, điều động.
Nói cách khác, do tư tâm sở chủ động điều hành, tập hợp các tâm sở tương ưng để tạo tác nên được gọi là “tập hợp tạo tác” (saṅkhāra), thiện hay ác, ba cõi sáu đường đều do nó cả.
Vậy, người tu tập minh sát, khi thấy hành uẩn biểu hiện ra ngoài qua thân, khẩu thì ta dùng ngữ, nghiệp, mạng để đối trị. Khi hành uẩn khởi động trong tâm thì đối trị bằng tấn, niệm, định. Khi hành uẩn đã lắng dịu, hoạt động vi tế hơn qua thân tâm, lúc đó cần phải có trí tuệ (paññā) chánh kiến (sammā diṭṭhi), chánh tư duy (sammā saṅkappa) mới hóa giải và đoạn tận được sự tạo tác của hành uẩn.
Đoạn tận hành uẩn ta phải sử dụng toàn bộ Bát Chánh Đạo.
Đoạn tận uẩn nơi thức.
Thức (viññāṇa) là nhận thức, nhận biết đối tượng. Thức (viññāṇa) là tên gọi khác của tâm (citta) hay ý (mana).
Lúc sự nhận biết ấy còn trong sáng, chưa bị kinh nghiệm, thành kiến, bản ngã xen vào thì thức ấy là thức như thực. Nó nắm bắt đối tượng nguyên trạng do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trao qua mà chưa hề xử lý.
Thức bao hàm tất cả tâm sở, nó đóng vai trò quán xuyến tất cả tâm sở, chi phối sắc, thọ, tưởng, hành.
Ngũ căn tiêp nhận 5 đối tượng ngũ trần là một biểu hiện đơn giản nhất của thức.
Thức còn thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng đó là sao chép kinh nghiệm để lưu trữ ở kho tiềm thức (Abhidhamma gọi là Đồng sở duyên còn Duy Thức gọi là Mạt-na).
Nếu thức bị sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn chi phối thì thức ấy sẽ biến thành thức uẩn.
Thức uẩn có thể đoạn tận, nói thì dễ nhưng thực hành rất khó. Ấy là chỉ cần trả thức lại cho thức là đoạn trừ được thức uẩn, nói đúng hơn là đoạn tận uẩn của thức (rối ren, chất chồng của thức) chứ không phải đoạn tận thức.
Còn nếu thức không bị các uẩn chi phối nghĩa là do như lý tác ý dẫn dắt thì thức ấy biến thành kiến, văn, giác, tri như thực; là thành chánh tri kiến, là như thực tri kiến (yathābhūta ñāṇadassana). Trường hợp này, thức tri đã biến thành tuệ tri, tư tâm sở đã biến thành tuệ tâm sở, cũng là tên gọi khác của chánh tri kiến hay như thực tri kiến, là vũ khí thường xuyên, miên mật của hành giả tu tập minh sát.
Hôm nay thầy nói ngang đó là vừa rồi. Mọi người có thể quên tất cả không cần nhớ, chỉ để ý cho thầy hai chữ “như thực” thôi. Nhìn ngắm mọi sự mọi vật với đôi mắt và với cái tâm trong sáng, nguyên sơ và giữ gìn cái thấy ấy là cái thấy như thực đó.
Chúc các con như thực ngồi, như thực thở, và cả như thực đau nhức, tê ngứa… như thực đó!
Discussion about this post